Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là việc cất trữ thực phẩm ở nhiệt độ thấp (4℃ trở xuống) để làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và các vi sinh vật khác. Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp kéo dài thời gian sử dụng, giữ thực phẩm tươi ngon, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa.
Có 10 nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là: Làm lạnh hoặc cấp đông thực phẩm dễ hỏng càng sớm càng tốt, cài đặt nhiệt độ tủ lạnh thích hợp, tuân thủ hướng dẫn bảo quản của thực phẩm, xử lý thực phẩm đúng cách trước khi cất, để thực phẩm đúng nơi trong tủ, ướp thực phẩm trong tủ, dùng thực phẩm chín trong thời gian sớm nhất, phát hiện sớm thực phẩm bị hỏng, dọn tủ lạnh định kỳ và thường xuyên kiểm tra ngày thực phẩm hết hạn.
Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cách bảo quản các thực phẩm phổ biến như rau củ, trái cây, trứng, thịt cá,…, cách trữ đông thực phẩm và cách xử lý thực phẩm khi tủ lạnh mất điện. Các loại thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh bao gồm hành tây, tỏi, cà chua, mật ong, gừng, khoai tây và bánh mì. Khi cất trữ thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh, bạn có thể giữ được thực phẩm từ 1 ngày đến 5 tuần, thậm chí là nhiều tháng với thực phẩm đóng hộp.
10 nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Các nguyên tắc để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được liệt kê dưới đây.
- Bảo quản lạnh hoặc cấp đông thực phẩm dễ hỏng ngay lập tức
- Cài đặt tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp
- Tuân thủ hướng dẫn bảo quản trên bao bì thực phẩm
- Xử lý thực phẩm đúng cách trước khi làm lạnh
- Lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng vị trí
- Ướp thực phẩm trong tủ lạnh
- Dùng thực phẩm đã nấu chín càng sớm càng tốt
- Phát hiện kịp thời thực phẩm hư hỏng
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
- Thường xuyên kiểm tra ngày hết hạn của thực phẩm
1. Bảo quản lạnh hoặc cấp đông thực phẩm dễ hỏng ngay lập tức
Các loại thực phẩm dễ hỏng cần làm lạnh hoặc cấp đông ngay lập tức bao gồm: Thịt, cá, hải sản, trứng, thức ăn còn dư, thức ăn chế biến sẵn,… Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), không được để các thực phẩm kể trên quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc quá 1 giờ ở nhiệt độ phòng trên 32℃. Tốt nhất, hãy sơ chế và cất trữ thực phẩm ngay khi mua về. Đồng thời, không nên chất quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh hay tủ đông cùng lúc để tránh cản trở lưu thông khí lạnh, khiến thực phẩm không được làm lạnh kịp thời.
2. Cài đặt tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp
Theo FDA, nhiệt độ thích hợp cho ngăn mát của tủ lạnh là từ 4℃ trở xuống và ngăn đông của tủ lạnh là -18℃. Thêm vào đó, bạn nên trang bị nhiệt kế cho tủ lạnh. Hãy đặt nhiệt kế ở nơi dễ quan sát và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của tủ để đảm bảo thực phẩm đang được làm lạnh tốt.
3. Tuân thủ hướng dẫn bảo quản trên bao bì thực phẩm
Bạn cần kiểm tra hướng dẫn bảo quản trên bao bì thực phẩm để biết cần cất trữ thực phẩm ở đâu. Ngoài thịt cá tươi sống và thức ăn đã nấu chín, rau và các chế phẩm từ sữa cũng cần được giữ lạnh. Bên cạnh đó, thời gian bảo quản một số loại thực phẩm thay đổi khi chưa mở gói, khi đã mở gói hoặc được bảo quản ở những nhiệt độ khác nhau.
4. Xử lý thực phẩm đúng cách trước khi làm lạnh
Cho thực phẩm vào hộp có nắp đậy hoặc túi kín trước khi làm lạnh. Dưới đây là cách xử lý từng loại thực phẩm:
- Thực phẩm tươi sống: Rửa sạch và thấm khô, cho vào hộp/ túi kín để tránh nhiễm khuẩn chéo.
- Thực phẩm đã nấu chín: Để nguội trong 1 – 2 giờ ở nhiệt độ phòng, sau đó đổ vào từng hộp nhỏ và cất vào tủ lạnh.
- Rau củ quả: Loại bỏ phần hỏng, dập, úa và cất trong hộp/ túi đựng rau củ chuyên dụng.
5. Lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng vị trí
Những vị trí đúng để lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh là:
- Xếp thực phẩm mới phía trong, thực phẩm cũ hơn ở phía ngoài. Sắp xếp như vậy giúp thuận tiện lấy những thực phẩm cất trữ trước ra sử dụng trước, tránh bỏ quên thực phẩm lâu ngày.
- Đựng thực phẩm sống trong hộp kín và để ở ngăn dưới cùng. Làm như vậy tránh nước từ thực phẩm sống nhỏ vào những thực phẩm khác gây nhiễm khuẩn chéo.
- Cất rau củ, trái cây ở ngăn chứa rau củ chuyên dụng để đảm bảo nhiệt độ làm lạnh vừa phải, không làm rau củ quả bị đông đá.
- Không bảo quản sữa và trứng ở cửa tủ lạnh. Sữa và trứng cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp, trong khi nhiệt độ ở cửa tủ lạnh cao hơn so với các vị trí khác trong tủ. Những thực phẩm có thể cất ở cánh cửa tủ lạnh là mứt, nước sốt, thạch,…
- Tránh bịt kín lỗ xả hơi lạnh hoặc xếp chồng các hộp/ túi thực phẩm lên nhau khiến khí lạnh khó lưu thông.
Cất trữ thực phẩm đúng vị trí trong tủ lạnh giúp thực phẩm giữ được hương vị tươi ngon, không bị hỏng, không nhiễm khuẩn chéo và tránh lãng phí thực phẩm.
6. Ướp thực phẩm trong tủ lạnh
Ướp là quá trình ngâm thực phẩm sống với các loại gia vị, giúp gia vị thẩm thấu vào thực phẩm, làm tăng hương vị và độ mềm của thực phẩm trước khi chế biến. Theo FDA, vi khuẩn có khả năng sinh sôi nhanh chóng trong thực phẩm được ướp ở nhiệt độ phòng. Do đó, bạn nên cất trữ thực phẩm đã tẩm ướp trong ngăn mát của tủ lạnh.
Khi ướp thực phẩm trong tủ lạnh, bạn cần đựng thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín hoặc trong túi có khóa kéo (túi zip). Cất thực phẩm được ướp ở ngăn dưới cùng của tủ mát để ngăn vi khuẩn lây nhiễm sang các thực phẩm khác.
7. Dùng thực phẩm đã nấu chín càng sớm càng tốt
FDA khuyến nghị nên dùng thực phẩm đã nấu chín càng sớm càng tốt. Bảo quản thực phẩm chín càng lâu trong tủ lạnh thì khả năng vi khuẩn Listeria phát triển càng cao, đặc biệt khi nhiệt độ tủ lạnh trên 4℃.
8. Phát hiện kịp thời thực phẩm hư hỏng
Bạn cần thường xuyên kiểm tra thực phẩm đang cất trữ trong tủ lạnh. Hãy vứt bỏ ngay nếu thực phẩm có mốc, có màu sắc lạ hay có mùi lạ. Ăn những thực phẩm bất thường sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, có hại cho sức khỏe.
9. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Nên vệ sinh tủ lạnh định kỳ 1 – 2 lần mỗi tháng. Việc vệ sinh tủ lạnh giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu, nấm mốc, vi khuẩn, làm sạch các vết thức ăn bị đổ. Khi dọn tủ lạnh, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Rút nguồn điện và lấy thức ăn đang cất trữ trong tủ ra ngoài.
- Tháo rời kệ và các khay đựng của tủ lạnh. Rửa sạch hoặc lau sạch các bộ phận trên, sau đó để khô rồi lắp lại vào tủ lạnh.
- Không dùng chất tẩy rửa mạnh, không xịt nước trực tiếp vào tủ, không dùng khăn sũng nước để lau tủ tránh gây chập cháy mạch điện.
- Thao tác vệ sinh nhanh chóng. Không để thực phẩm bên ngoài quá lâu gây hư hỏng, ôi thiu.
10. Thường xuyên kiểm tra ngày hết hạn của thực phẩm
“Hạn sử dụng” là ngày cuối cùng được nhà sản xuất khuyến nghị sử dụng thực phẩm để đảm bảo hương vị và chất lượng tối ưu. Theo FDA, ngày đến hạn sử dụng không phải là ngày thực phẩm sẽ hỏng, nghĩa là sản phẩm vẫn có thể an toàn để sử dụng sau hạn sử dụng. Nhưng đến một thời điểm nhất định thì hương vị, màu sắc, kết cấu hoặc hàm lượng dinh dưỡng trong thực sẽ thay đổi. Hãy vứt bỏ thực phẩm đã hết hạn nếu bạn thấy chúng có những điểm bất thường.
Cách bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh
Cách bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh như sau:
- Loại bỏ phần rau củ quả bị dập nát và giữ nguyên trạng rau củ (không cắt nhỏ) để bảo toàn hàm lượng chất dinh dưỡng.
- Giữ khô rau củ quả hoặc để rau củ ráo hết nước trước khi cất.
- Sử dụng hộp đựng hoặc túi đựng chuyên dụng cho rau củ quả
- Cất trữ riêng từng loại rau củ, trái cây.
- Ghi chú thời gian bảo quản cho từng loại rau củ quả.
- Cất trữ rau củ quả ở ngăn rau củ (Vegetables) của tủ lạnh.
Những loại rau củ quả sau không nên cất trong tủ lạnh: Tỏi, hành tây, khoai lang, bí đỏ.
Thời điểm đúng để cho từng loại rau củ quả vào tủ lạnh được nêu dưới đây:
- Cất vào tủ lạnh ngay sau khi mua: Măng tây, cần tây, bông cải xanh, gừng, nấm, cam, quýt, táo, bắp cải, xà lách,…
- Cất vào tủ lạnh sau khi chín: Bơ, lê, cà chua, đào, mận, chuối, đu đủ, xoài,…
Bảo quản sinh tố trong tủ lạnh như thế nào?
Để bảo quản sinh tố trong tủ lạnh, bạn cho sinh tố vào chai hoặc hộp kín khí. Cất sinh tố ở ngăn mát của tủ lạnh trong 24 – 48 giờ (sinh tố có chứa sữa cất tối đa 24 giờ) hoặc trữ đông sinh tố trong tối đa 3 tháng.
Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh
Trứng tươi hay trứng đã chín đều có thể bảo quản trong tủ lạnh. Trứng tươi nên để nguyên trong hộp đựng khi mua về, trứng đã nấu chín nên cất trong hộp kín để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm mùi từ những thực phẩm khác.
Dưới đây là thời gian bảo quản các loại trứng ở tủ mát theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA):
- Trứng tươi nguyên vỏ: 3 – 5 ngày
- Lòng đỏ, lòng trắng trứng sống: 2 – 4 ngày
- Trứng luộc: 3 – 4 ngày
- Trứng nấu chín kỹ: 7 ngày
Cách bảo quản thịt tươi sống ở trong tủ lạnh
Để bảo quản thịt tươi sống trong tủ lạnh, bạn cho thịt vào hộp đựng hoặc túi đựng thực phẩm chuyên dụng. Cất thịt ở ngăn đông hoặc kệ dưới cùng của ngăn mát tủ lạnh để tránh làm chảy nước thịt vào các thực phẩm khác gây nhiễm khuẩn chéo. Thời gian bảo quản của thịt tươi ở ngăn mát tủ lạnh (4℃) là 1 ngày.
Bảo quản thịt lươn trong tủ lạnh thế nào?
Cách bảo quản thịt lươn trong tủ lạnh như sau: Sơ chế lươn và rửa sạch, sau đó thấm khô lươn. Cho lươn vào trong hộp kín hoặc túi kín, cất lươn 1 ngày trong ngăn mát tủ lạnh (4℃) hoặc ngăn đông tủ lạnh (-18℃).
Cách bảo quản sữa tươi trong tủ lạnh
Dưới đây là cách bảo quản sữa tươi trong tủ lạnh để sữa giữ được độ ngon và không bị nhiễm khuẩn:
- Sữa tươi đã mở hộp cần được bảo quản lạnh ngay lập tức. Cần đậy kín nắp hộp đựng sữa và đặt sữa ở phía trong của kệ tủ lạnh để sữa được làm lạnh tốt nhất.
- Không đổ sữa đã rót ra khỏi hộp trở lại hộp. Điều này giúp tránh làm sữa trong hộp bị nhiễm vi sinh vật từ bên ngoài, gây hư hỏng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Cách bảo quản ngũ cốc và thực phẩm đóng hộp trong tủ lạnh
Để bảo quản ngũ cốc và thực phẩm đóng hộp trong tủ lạnh, bạn cần cho chúng vào trong hộp có nắp đậy kín. Bột mì nguyên cám để được 3 – 6 tháng ở ngăn mát và 6 – 8 tháng ở ngăn đông tủ lạnh nếu bảo quản đúng cách.
Bảo quản đậu đen trong tủ lạnh thế nào?
Cách bảo quản đậu đen trong tủ lạnh được nêu sau đây:
- Đậu đen đã nấu chín cần đựng trong hộp kín và cất ở ngăn mát của tủ lạnh tối đa 3 ngày.
- Đậu đen khô (sống) cần đựng trong hộp kín hoặc túi kín, có thể cất ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc cất ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Cách bảo quản đồ ăn chín trong tủ lạnh
Sau đây là cách bảo quản đồ ăn đã nấu chín trong tủ lạnh:
- Để đồ ăn nguội trong 1 – 2 giờ ở nhiệt độ phòng và làm lạnh ngay để đảm bảo đồ ăn không rơi vào vùng nhiệt độ nguy hiểm (vùng vi khuẩn sinh sôi nhanh) 4℃ – 60℃.
- Đựng đồ ăn trong hộp có nắp đậy kín để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm mùi từ những đồ ăn khác.
- Cất đồ ăn ở phía ngoài của tủ lạnh để tiện nhìn thấy và sử dụng sớm.
- Ăn hết đồ ăn chín trong 1 ngày nếu bảo quản ở ngăn mát và 3 – 5 ngày nếu bảo quản ở ngăn đông. Thời gian bảo quản cụ thể tùy thuộc vào từng loại đồ ăn.
Bảo quản đậu xanh đã nấu chín thế nào?
Bảo quản đậu xanh đã nấu chín bằng cách cho đậu xanh vào hộp kín và để hộp vào ngăn mát của tủ lạnh trong tối đa 3 ngày.
Thực phẩm nào không nên bảo quản trong tủ lạnh?
Theo khuyến nghị của Báo Sức khỏe đời sống, những thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh bao gồm: Hành tây, tỏi, cà chua, mật ong, gừng, khoai tây và bánh mì. Lý do không nên cất các thực phẩm kể trên trong tủ lạnh được nêu dưới đây
- Hành tây dễ bị mềm và hỏng khi để trong môi trường lạnh và ẩm. Tinh bột trong hành tây sẽ chuyển hóa thành đường và hành tây dễ bị nấm mốc khi cất trong tủ lạnh.
- Tỏi nguyên củ để trong tủ lạnh nhanh nảy mầm. Tỏi đã bóc vỏ để trong tủ lạnh dễ bị nấm mốc.
- Cà chua cất trong tủ lạnh sẽ bị mềm và nhão do 1 loại enzym trong cà chua phản ứng với nhiệt độ lạnh khiến màng tế bào của cà chua bị phá vỡ.
- Mật ong gặp lạnh kết tinh nhanh hơn và đặc hơn.
- Gừng trở nên dai và giảm mùi thơm do tinh dầu của gừng bị đông lại khi gặp lạnh. Ngoài ra, gừng dễ bị nấm mốc ở vỏ do môi trường ẩm trong tủ lạnh.
- Khoai tây bị thay đổi hương vị và kết cấu do một loại enzym trong khoai tây bị biến thành đường tự nhiên khi gặp lạnh.
- Bánh mì sẽ bị khô và nhanh hỏng hơn khi cất trong tủ lạnh.
Bảo quản thức ăn trong ngăn đá tủ lạnh như thế nào?
Cách bảo quản thức ăn trong ngăn đá tủ lạnh như sau:
- Chia thức ăn thành từng phần nhỏ theo nhu cầu sử dụng vì thức ăn đã rã đông thì không nên cấp đông lại.
- Cho thức ăn vào hộp hoặc túi đựng thực phẩm chuyên dụng và đóng kín. Việc này giúp ngăn thức ăn bị “cháy lạnh”, làm ảnh hưởng đến hương vị của thức ăn.
- Đánh dấu thức ăn sống và thức ăn chín, cất trữ riêng biệt 2 loại thức ăn trên.
- Ghi cụ thể ngày cấp đông để sử dụng thức ăn trong thời gian tốt nhất.
Thời gian tốt nhất để trữ đông thực phẩm được nêu trong bảng dưới đây:
Loại thực phẩm | Thời gian trữ đông |
---|---|
Thịt sống (bít tết, sườn,…) | 4 – 12 tháng |
Thịt bằm sống | 3 – 4 tháng |
Thịt đã nấu chín | 2 – 3 tháng |
Giăm bông, thịt hun khói | 1 – 2 tháng |
Thịt gia cầm sống (gà, gà tây,…) | 9 – 12 tháng |
Thịt gia cầm đã nấu chín | 4 tháng |
Cá sống và cá đã nấu chín | 2 – 4 tháng |
Bảo quản thực phẩm như thế nào khi rã đông tủ? Khi rã đông tủ để làm sạch định kỳ, bạn cần cho thực phẩm vào một tủ làm lạnh khác hoặc cho thực phẩm vào trong thùng giữ nhiệt và phủ chăn lên. Điều này giúp thực phẩm không bị rã đông, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Bảo quản thực phẩm thế nào khi tủ lạnh bị mất điện?
Khi tủ lạnh bị mất điện, bạn bảo quản thực phẩm bằng cách đóng chặt cửa tủ càng lâu càng tốt, hạn chế tối đa việc mở tủ để ngăn thoát nhiệt. Theo FDA, ngăn lạnh sẽ giữ lạnh được thực phẩm trong 4 giờ và ngăn đông sẽ giữ nhiệt độ thích hợp trong 48 giờ nếu bạn không mở cửa tủ lạnh.
Sau khi tủ lạnh được cấp điện trở lại, bạn cần làm những việc sau:
- Kiểm tra nhiệt kế trong tủ đông. Thực phẩm an toàn và có thể làm đông lại nếu nhiệt kế hiển thị dưới 4℃.
- Kiểm tra từng gói thực phẩm nếu không có nhiệt kế tủ đông. Thực phẩm an toàn để đông lạnh trở lại hoặc để nấu nếu gói thực phẩm ở tinh thể đá hoặc có nhiệt độ dưới 4℃.
- Vứt bỏ thực phẩm nhanh hỏng như thịt, cá, trứng, sữa, đồ ăn còn dư,… nếu chúng đã ở nhiệt độ trên 4℃ trong 4 giờ trở lên.
Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh được bao nhiêu lâu?
Thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh (dưới 4℃) trong vài ngày hoặc vài tháng tùy loại thực phẩm. Dưới đây là bảng chi tiết về thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, theo Dịch vụ kiểm tra và an toàn thực phẩm (Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ – USDA)
Loại thực phẩm | Thời gian bảo quản |
---|---|
Thịt xay sống (bò, bê, gà, lợn, cừu) | 1 – 2 ngày |
Thịt hầm | 1 – 2 ngày |
Thịt bít tết, sườn,… (bò, bê, cừu, lợn) tươi | 3 – 5 ngày |
Nội tạng (lưỡi, thận, gan, tim, lòng non) tươi | 1 – 2 ngày |
Gà tươi nguyên con | 1 – 2 ngày |
Các bộ phận của gà | 1 – 2 ngày |
Nội tạng gà tươi | 1 – 2 ngày |
Thịt xông khói | 7 ngày |
Xúc xích tươi | 1 – 2 ngày |
Xúc xích cứng (ví dụ như Pepperoni) | 2 – 3 tuần |
Giăm bông đóng hộp, có nhãn “Giữ lạnh” | 6 – 9 tháng khi chưa mở hộp, 3 – 5 ngày khi đã mở hộp |
Thịt cá nấu chín | 3 – 4 ngày |
Cá sống, động vật có vỏ sống | 1 – 2 ngày |
Trứng sống | 3 – 5 tuần |
Vì sao nên bảo quản thức ăn ở trong tủ lạnh?
Theo USDA, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh vì nhiệt độ lạnh giúp làm chậm sự sinh sôi của vi khuẩn. Vi khuẩn phát triển nhanh nhất ở khoảng nhiệt độ từ 4℃ – 60℃. Một số vi khuẩn tăng gấp đôi số lượng chỉ trong vòng 20 phút. Tủ lạnh có nhiệt độ từ 4℃ trở xuống sẽ bảo quản tốt hầu hết các loại thực phẩm. Do đó, thực phẩm sẽ an toàn với sức khỏe của bạn khi sử dụng, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay bệnh về tiêu hóa,…
Bảo quản thực phẩm bằng cách nào khi không có tủ lạnh?
Khi không có tủ lạnh, bạn vẫn có thể bảo quản thực phẩm bằng những cách sau đây: Hút chân không, ướp muối, tẩm đường, sấy khô, đóng hộp, lên men, muối chua, xông khói, dùng gói hút ẩm hoặc gói hút oxy. Tham khảo chi tiết các phương pháp bảo quản thức ăn kể trên tại bài viết liên quan trên Blog Tranthuyduyen.