8 cách pha cà phê nguyên chất ngon, đánh thức mọi giác quan

Ngày đăng:

Cà phê là một loại đồ uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê. Cà phê nguyên chất là cà phê được làm từ 100% hạt cà phê, giữ nguyên hương vị tự nhiên, không pha trộn thêm hương liệu, chất bảo quản hay bất kỳ thành phần nào khác.

Bài viết dưới đây giới thiệu 8 cách pha cafe nguyên chất ngon và “đánh thức mọi giác quan”. Cụ thể là:

  1. Pha cà phê phin
  2. Cold Brew (ủ lạnh)
  3. Pha cà phê bằng áp suất
  4. Pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ
  5. Pour Over
  6. Pha cà phê bằng bình Syphon
  7. Dùng bình Moka
  8. Pha cà phê kiểu cao bồi (Cow boy)

Không có câu trả lời chính xác về cách pha cà phê nào là ngon nhất, bởi độ ngon của một ly cà phê được quyết định bởi 5 yếu tố, đó là: độ ngọt, độ đắng, độ chua, độ đậm và hương thơm.

Uống cà phê đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa, cung cấp một số vitamin nhóm B, làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2, phòng ngừa bệnh Alzheimer,… Xong, uống nhiều cà phê cũng đem lại một số tác hại như gây nghiện, rối loạn giấc ngủ hoặc bị kích động.

Có 3 thời điểm để uống cà phê, bao gồm: Từ giữa đến cuối buổi sáng, 30 – 60 phút trước khi tập thể dục và muộn nhất 6 giờ trước khi đi ngủ. Thêm vào đó, loại cà phê tốt nên uống là cà phê đen nóng, do trong 1 ly loại cà phê này gần như không có calo, carbs hay lipid và ít natri.

Phần cuối của bài viết còn đề cập đến những đối tượng không nên uống cà phê, trả lời câu hỏi “bà bầu và mẹ cho con bú có uống được cà phê không?”, cũng như hướng dẫn cách giải say cafe hiệu quả.

1. Pha cà phê phin

Dưới đây là hướng dẫn cách pha cà phê phin.

Dụng cụ: Phin pha cà phê bằng nhôm cỡ nhỏ, cốc (ly).

Nguyên liệu:

  • 25 gram cà phê pha phin nguyên chất
  • Nước sôi

Cách pha:

  • Bước 1: Tráng phin và ly bằng nước đun sôi.
  • Bước 2: Cho cà phê vào phin. Đặt phao chặn vào phin và lắc nhẹ phin.
  • Bước 3: Châm 10 ml nước sôi vào nắp phin. Đặt phin lên bên trên nắp phin. Đây được gọi là bước ủ dưới, giúp làm nở cà phê dưới đáy phin.
  • Bước 4: Đặt phin lên miệng cốc.
  • Bước 5: Tiến hành ủ trên lần 1. Châm 30 ml nước sôi vào phin, đậy nắp phin và ủ cà phê trong 1 – 2 phút.
  • Bước 6: Tiến hành ủ trên lần 2. Châm 60 ml nước sôi vào phin và đậy nắp. Lưu ý, châm nước nhẹ tay để tránh làm lệch phao chặn. Sau 7 – 10 phút sẽ thu được 50 ml nước cốt cà phê.
Pha cà phê phin
Pha cà phê phin

Cà phê phin là một loại cà phê truyền thống phổ biến ở Việt Nam, được pha bằng một dụng cụ đặc biệt tên là “phin”. Phin cà phê thường được làm bằng nhôm và inox, khi pha cà phê thì đặt trực tiếp lên miệng cốc. Cách thức pha cà phê bằng phin là cho bột cà phê vào phin, đổ nước sôi vào cà phê và đợi từng giọt cà phê chảy ra qua đáy lọc.

Cà phê pha phin có hương vị đắng và đậm đà từ cà phê đen nguyên chất cùng với quá trình pha chế chậm rãi theo nguyên lý thẩm thấu, giúp chiết xuất hết các tinh chất và hương vị từ cà phê. Tuy nhiên, pha cà phê bằng phin cần nhiều thời gian, phù hợp với những người tỉ mỉ và muốn tận hưởng mùi thơm đặc trưng khi pha cà phê.

2. Cold Brew (ủ lạnh)

Sau đây là cách pha cà phê Cold Brew.

Dụng cụ: Bình pha cà phê Cold Brew cỡ 1 lít.

Nguyên liệu:

  • 80 gram cà phê
  • Nước lọc

Cách pha:

  • Bước 1: Cho cà phê vào lưới lọc trong bình pha cà phê.
  • Bước 2: Đổ nước lọc vào đầy bình và lắc nhẹ bình.
  • Bước 3: Để bình cà phê ở ngăn mát tủ lạnh trong 8 giờ.
  • Bước 4: Lấy cà phê ra và thưởng thức.

Cà phê Cold Brew (cà phê ủ lạnh) được pha bằng cách ủ cà phê trong nước ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn so với nhiệt độ phòng, thay vì dùng nước nóng để pha cà phê như các phương pháp truyền thống khác. Cà phê Cold Brew có hương vị nhẹ nhàng, không bị gắt như cà phê pha phin hay pha máy nhờ được ủ lâu trong nhiệt độ thấp, giúp giữ lại toàn bộ hương vị đặc trưng của hạt cà phê. Cà phê Cold Brew có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 2 – 3 ngày mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon vốn có.

3. Pha cà phê bằng áp suất

Cách pha cà phê bằng áp suất được nêu dưới đây.

Dụng cụ: Máy pha cà phê Espresso, cup pha cà phê Espresso 1 shot, tamper nén cà phê, ly.

Nguyên liệu: Hạt cà phê truyền thống xay.

Cách làm:

  • Bước 1: Đổ bột cà phê vào cup pha cà phê.
  • Bước 2: Dùng tamper để nén bột cà phê với 1 lực vừa đủ.
  • Bước 3: Lắp cup cà phê vào máy pha cà phê. Đặt ly đựng cà phê ở dưới đầu xả cà phê.
  • Bước 4: Chọn chế độ 1 shot trên bảng điều khiển của máy. Thành phẩm thu được là 30 ml cà phê Espresso.

Một cách khác để pha cà phê bằng áp suất đó là dùng dụng cụ Aeropress. Aeropress là dụng cụ pha cà phê nhỏ gọn, sử dụng áp suất từ tay để ép nước qua bột cà phê, tạo ra ly cà phê đậm đà và mịn màng. Cách pha cà phê bằng dụng cụ Aeropress như sau:

  • Bước 1: Gắn bộ lọc vào nắp bình. Sau đó, gắn nắp bình vào đầu bình.
  • Bước 2: Đặt bình lên trên cốc đựng cà phê.
  • Bước 3: Đổ 15 gram cà phê xay ở mức trung bình – mịn vào bình chứa. Đổ 150 – 170 ml nước nóng vào bình.
  • Bước 4: Khuấy đều cà phê với nước 10 vòng. Gắn pít-tông vào bình và đợi 90 giây.
  • Bước 5: Ấn nhẹ pít-tông để chiết xuất cà phê.
Pha cà phê bằng máy và bằng aeropress
Cách pha cà phê bằng máy và bằng Aeropress

Pha cà phê bằng áp suất là phương pháp dùng áp suất cao để ép nước qua bột cà phê đã nén kỹ. Thành phẩm là những ly cà phê espresso đậm đặc, sóng sánh, hương vị độc đáo, đậm đà và hàm lượng caffeine cao (128 mg caffeine/ 120 ml cafe).

Hiện nay, bạn có thể tự pha cà phê espresso tại nhà thủ công bằng dụng cụ Aeropress hoặc dùng máy pha cafe tự động. Ngoài ra, bạn còn có thể pha cà phê với máy pha cafe viên nén, từ những viên nén cà phê có sẵn tạo ra những ly cà phê có hương vị khác nhau.

4. Pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Để pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, bạn làm như sau.

Dụng cụ: Ấm pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ (Ibrik), bếp gas, thìa, cốc.

Nguyên liệu:

  • 60 ml nước lọc
  • 5 gram bột cà phê Arabica nguyên chất xay thật mịn
  • 5 gram đường cát (đường trắng)

Cách pha:

  • Bước 1: Cho lần lượt nước, đường và bột cà phê vào ấm, không khuấy.
  • Bước 2: Đun ấm cà phê trên bếp ở lửa nhỏ. Để cà phê nóng lên trong 1 – 2 phút rồi dùng thìa khuấy từ từ.
  • Bước 3: Cà phê sẽ sôi lên sau vài phút, tạo thành lớp bọt ở bề mặt. Lúc này, nhấc ấm cà phê ra khỏi bếp và dùng thìa múc một ít bọt cho vào cốc.
  • Bước 4: Tiếp tục đun ấm cà phê trên bếp, khi cà phê sủi bọt thì đổ cà phê cùng phần bọt còn lại vào cốc. Lưu ý, đổ nhẹ nhàng để không làm hỏng lớp bọt đã có trong cốc.

Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (hay Turkish Coffee) là phương pháp pha và thưởng thức cà phê truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được pha bằng cách nghiền mịn hạt cà phê (nghiền mịn nhất trong tất cả các phương pháp pha chế), sau đó đun sôi bột cà phê với nước trong một dụng cụ đặc biệt gọi là Ibrik. Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được đun sôi chậm, không để sôi sùng sục và thưởng thức ngay sau khi sôi lên mà không cần lọc bã. Ở đường phố Thổ Nhĩ Kỳ, cà phê được đun trong cát nóng thay vì đun trên bếp. Đây không chỉ là một cách pha cà phê độc đáo mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Khám phá thêm về Cà phê cát – cà phê mang đậm dấu ấn riêng của người Thổ Nhĩ Kỳ tại video bên dưới.

5. Pour Over

Dưới đây là hướng dẫn cách pha cà phê Pour Over.

Dụng cụ: Cối xay cà phê, giấy lọc V60, phễu ủ cà phê V60, ấm rót nước cổ ngỗng, bình/ cốc đựng cà phê.

Nguyên liệu:

  • 15 gram hạt cà phê
  • Nước nóng 93℃

Cách pha:

  • Bước 1: Gấp giấy lọc và đặt giấy lọc vào phễu. Dùng nước sôi để tráng giấy lọc và làm nóng phễu ủ.
  • Bước 2: Dùng cối xay cà phê để xay hạt cà phê thành bột cỡ thô vừa.
  • Bước 3: Đổ bột cà phê đã xay vào trong phễu. Vỗ nhẹ phễu để dàn đều bột cà phê.
  • Bước 4: Rót đều 30 ml nước nóng để làm cà phê ướt đều. Chờ bột cà phê nở trong 40 giây.
  • Bước 5: Rót 210 ml nước nóng vào phễu cà phê, chia làm 3 lần rót, mỗi lần rót 70 ml nước. Lưu ý, rót nước theo hình xoắn ốc để cà phê ngấm đều nước. Thời gian rót nước mỗi lần cách nhau 30 – 40 giây.

Pour Over (rót nước qua) là phương pháp pha chế cà phê thủ công bằng giấy lọc, không dùng phin. Pour Over có nguyên tắc chung là cho nước nóng đi qua bột cà phê và nhỏ giọt xuống dưới thông qua một bộ lọc, đồng thời bã cà phê được giữ lại ở trên bộ lọc đó. Thao tác đổ nước chính là bước cần được chú ý nhất khi pha cà phê theo cách trên. Khi đổ nước vào cà phê, bạn nên dùng ấm cổ ngỗng hoặc ấm có vòi nhỏ để dòng nước chảy đều và không bị ồng ộc, thêm vào đó là đổ đều tay để nước ngấm đều vào cà phê. Cà phê Pour Over có vị thanh nhẹ, cảm giác sạch, mượt và hương thơm nổi trội.

6. Pha cafe bằng bình Syphon

Cách pha cafe bằng bình Syphon (tham khảo từ Hướng Nghiệp Á – Âu) được nêu chi tiết dưới đây.

Dụng cụ: Bình chứa dưới, bình chứa trên, tấm lọc, bếp đun mini, thìa khuấy, ly.

Nguyên liệu:

  • Cà phê xay medium fine (vừa phải)
  • Nước lọc

Cách pha:

  • Bước 1: Cho tấm lọc vào trong bình chứa trên, cố định chắc tấm lọc bằng móc nhỏ móc vào ống nối.
  • Bước 2: Rót 300 ml nước lọc vào bình chứa dưới. Bật bếp và đun sôi nước.
  • Bước 3: Lắp kín bình chứa trên vào bình chứa dưới. Vặn nhỏ lửa sau khi nước từ bình chứa dưới thẩm thấu lên bình chứa trên.
  • Bước 4: Cho cà phê vào bình chứa trên và khuấy đều trong 10 giây. Ngâm cà phê trong 30 – 60 giây.
  • Bước 5: Tắt bếp và chờ cà phê chảy ngược xuống bình chứa dưới.
  • Bước 6: Tháo rời bình chứa trên ra khỏi bình chứa dưới. Rót cà phê ra ly và thưởng thức.
Pha cà phê bằng bình syphon
Pha cà phê bằng bình syphon

Pha cafe bằng bình Syphon (pha cafe bằng hơi nước) là phương pháp pha cà phê theo nguyên lý thẩm thấu ngược, nước đun sôi ở bình dưới được đẩy ngược lên bình trên, sau khi cho cà phê vào bình trên đun đến độ nhất định thì tắt bếp để cà phê chảy ngược trở lại bình dưới. Cà phê pha bằng bình Syphon có hương vị tự nhiên, không quá đắng chát và giữ được độ nóng ấm.

Quá trình pha cà phê bằng bình Syphon là cách tạo ra một ly cà phê thơm ngon một cách khác lạ và nghệ thuật. Khi pha cà phê theo phương pháp trên, bạn cần cẩn trọng để tránh bị bỏng.

7. Dùng bình Moka

Các bước pha cà phê dùng bình Moka như sau.

Dụng cụ: Bình Moka (Moka Pot), bếp đun mini, cốc.

Nguyên liệu:

  • 20 gram cà phê (cấp độ rang Medium, kích cỡ hạt xay Medium – Fine)
  • Nước sôi

Cách pha:

  • Bước 1: Rót 200 ml nước sôi vào bình dưới chứa nước.
  • Bước 2: Cho cà phê vào chén lọc. Đặt chén lọc lên mặt bình dưới chứa nước.
  • Bước 3: Lắp chặt ngăn trên của bình Moka.
  • Bước 4: Đun bình cà phê trên bếp và đợi cà phê chiết xuất hết.
  • Bước 5: Rót cà phê ra cốc và thưởng thức.
Bình Moka pha cà phê
Pha cà phê bằng bình Moka

Bình Moka (hay Moka Pot) là bình pha cà phê có nguồn gốc từ nước Ý, cấu tạo bao gồm 3 phần là: khoang dưới chứa nước, phần giữa chứa bã cà phê và khoang trên chứa cà phê đã pha. Cách thức hoạt động của bình Moka là đun sôi nước ở khoang dưới, nước sôi làm áp suất đẩy hơi nước qua cà phê ở phần giữa và cà phê thành phẩm chảy ra ở khoang trên. Cà phê pha bằng bình Moka có hương vị đậm đà và độ mạnh tương tự như espresso.

8. Pha cà phê kiểu cao bồi (Cow boy)

Dưới đây là cách pha cà phê kiểu cao bồi.

Dụng cụ: Ấm đun, bếp đun, cốc.

Nguyên liệu:

  • 40 gram bột cafe xay thô
  • 950 ml nước
  • 1 nhúm muối

Cách pha:

  • Bước 1: Đổ nước và muối vào ấm đun. Đặt ấm đun lên bếp và bắt đầu đun nước.
  • Bước 2: Khi nhiệt độ của nước đã ấm thì đổ bột cà phê vào và khuấy đều.
  • Bước 3: Tiếp tục đun đến khi cà phê sôi lên, để sôi trong 2 – 3 phút.
  • Bước 4: Nhấc ấm ra khỏi bếp và để yên cho bã cà phê lắng xuống đáy ấm.
  • Bước 5: Rót cà phê ra cốc và thưởng thức.

Pha cà phê kiểu cao bồi là một cách pha cà phê rất đơn giản và dễ thực hiện, dụng cụ pha cà phê là bất kỳ loại ấm đun và bếp đun nào. Pha cà phê kiểu cao bồi bằng cách cho bột cà phê thô vào ấm nước và đun sôi trong vài phút, sau đó để bã cà phê lắng xuống và thưởng thức. Cà phê pha bằng phương pháp trên có hương vị ngon và đậm đà, xong sẽ không cảm nhận được hương vị tốt nhất của hạt cà phê và có thể lợn cợn cặn cà phê khi uống.

Cách pha cà phê nào ngon nhất?

Không có câu trả lời chính xác về cách pha cà phê nào là ngon nhất. Độ ngon của một ly cà phê được quyết định bởi 5 yếu tố, đó là: Độ ngọt, độ đắng, độ chua, độ đậm và hương thơm.

  • Về độ ngọt: Mỗi hạt cà phê có chứa 6 – 9% trọng lượng đường tự nhiên. Vị ngọt này chịu ảnh hưởng bởi loại cà phê, quá trình hái và sơ chế cà phê đúng cách.
  • Về độ đắng: Vị đắng của cà phê ngon đến từ hàm lượng caffeine cao, không phải vị đắng do cà phê bị rang cháy hoặc pha trộn với các thành phần khác.
  • Về độ chua: Mỗi loại cà phê sẽ có vị chua khác nhau. Chẳng hạn, cà phê Arabica chua hơn cà phê Robusta do Arabica có hàm lượng acidity cao.
  • Về độ đậm: Độ đậm của cà phê do khẩu vị và sự lựa chọn loại cà phê của người uống. Chẳng hạn, cà phê nguyên chất có vị đắng và hậu vị kéo dài, cà phê truyền thống có vị đậm đà và thơm,…
  • Về hương thơm: Mùi thơm trong cà phê rất đa dạng và phong phú. Chỉ riêng cà phê Arabica đã có trên 800 mùi hương từ nhiều giống khác nhau.

Cà phê để qua đêm còn uống được không?

Có, cà phê để qua đêm có thể uống được nếu được bảo quản đúng cách. Theo Healthline, có rất ít nghiên cứu về thời hạn sử dụng của cà phê đã pha, hầu hết các khuyến nghị đều đến từ kinh nghiệm cá nhân. Thời gian tốt nhất để sử dụng và bảo quản cà phê như sau:

  • Cà phê pha nóng/espresso không sữa có thể uống trong 4 giờ; có sữa nên uống trong 2 giờ hoặc 1 – 2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.
  • Cold Brew cô đặc bảo quản được 7 – 10 ngày; pha nước bảo quản 3 – 4 ngày; pha sữa nên uống trong 2 giờ hoặc 1 – 2 ngày nếu để lạnh. Cold Brew đông đá dùng trong 2 tuần.

Làm thế nào để pha cafe espresso không dùng máy?

Có 3 cách để pha cafe espresso không dùng máy, đó là: Dùng bình Moka, dùng bình French Press và dùng bình Aeropress.

  • Dùng bình Moka: Đổ nước vào bình dưới, cho cà phê xay mịn vào chén lọc và đặt bình lên bếp. Nước sôi tạo áp suất đẩy cà phê lên bình trên.
  • Dùng bình French Press: Cho cà phê xay mịn vào bình, đổ nước nóng, khuấy nhẹ nước và cà phê. Đậy nắp và ấn pittông xuống sau 4 phút.
  • Dùng bình Aeropress: Cho cà phê xay mịn vào ống, thêm nước nóng, khuấy đều nước và cafe. Sau 2 phút, ấn pittông từ từ để chiết xuất cà phê.
3 cách pha espresso không dùng máy
3 cách pha cà phê espresso không dùng máy

Nhiệt độ nước lý tưởng để pha cà phê là bao nhiêu?

Nhiệt độ nước lý tưởng nhất để pha cà phê ngon là từ 90℃ đến 96℃ (tương đương 195℉ đến 205℉), giúp cà phê không bị đắng hoặc bị nhạt. Bạn có thể lấy nước trực tiếp từ vòi nước nóng của cây nước nóng lạnh (90℃ đến 94℃) hoặc đun nước sôi rồi để ở nhiệt độ phòng trong 1 – 2 phút.

Pha cà phê với nước lạnh được không?

Có, có thể pha cà phê với nước lạnh (nước nguội). Theo Coffee Tree, cà phê pha bằng nước lạnh có hương vị thơm ngon do hương thơm của cà phê không bị bay hơi nhiều.

Pha loại cà phê nào ngon?

Một số loại cà phê pha ngon là: Arabica, Robusta, Cherry và Catimor. Dưới đây tổng hợp hương vị đặc trưng và ưu – nhược điểm của từng loại cà phê kể trên.

  • Arabica (cà phê chè): Có vị chua thanh, hậu vị đắng nhẹ, chất lượng cao và ít chát hơn cà phê Robusta.
  • Robusta (cà phê vối): Chủ yếu có vị đắng, hàm lượng caffeine cao hơn Arabica.
  • Cherry (cà phê mít): Mang hương trái cây đặc trưng, vị chua thanh, hậu vị ngọt nhẹ, thanh thoát, phù hợp với phái nữ. Cafe cherry ít được tiêu thụ do hương vị kén người thưởng thức.
  • Catimor: Vị đậm đắng nhẹ pha lẫn chua thanh, hậu vị ngọt, dành cho người sành cafe.

Uống cà phê có tốt không?

Có, uống cà phê tốt và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu uống đúng lượng và đúng cách. Theo Vinmec, uống cà phê giúp cung cấp năng lượng, cải thiện khả năng tư duy, hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa, cung cấp một số vitamin nhóm B, làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2, phòng ngừa bệnh Alzheimer, giảm nguy cơ mắc Parkinson, bảo vệ gan, chống trầm cảm, ngừa ung thư, làm chậm quá trình lão hóa,… Tuy nhiên, cà phê có thể gây nghiện. Bạn chỉ nên uống 1 – 2 cốc cà phê mỗi ngày nếu bạn là người khỏe mạnh bình thường.

Một số tác dụng của cà phê với sức khỏe
Tác dụng của cà phê với sức khoẻ

Uống cà phê mỗi ngày có tốt không?

Có, uống cà phê mỗi ngày là tốt nếu bạn uống với lượng phù hợp. Tuy vậy, uống cà phê mỗi ngày có khả năng gây ra một số tác hại như: nghiện caffeine nếu uống cà phê mỗi sáng, gián đoạn giấc ngủ nếu uống cà phê vào mỗi chiều, trở nên kích động do uống quá nhiều cà phê trong ngày. Theo Healthline, một người trưởng thành khỏe mạnh nên uống tối đa 400 mg cafein, tương đương 4 cốc (945ml) cà phê mỗi ngày.

Nên uống cà phê vào lúc nào?

Nên uống cà phê vào những thời điểm sau, theo Vinmec: Từ giữa đến cuối buổi sáng, khi nồng độ hormone căng thẳng cortisol thấp hơn so với khi mới ngủ dậy; 30 – 60 phút trước khi tập thể dục và muộn nhất 6 giờ trước khi đi ngủ để không bị rối loạn ngủ.

Những ai không nên uống cà phê?

Theo WebMD, những người không nên uống cà phê là: Người mắc các chứng rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn chảy máu, động kinh; người mắc các bệnh về tim, tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, cao huyết áp, hội chứng ruột kích thích, loãng xương; người bị tiêu chảy và người bị mất kiểm soát bàng quang (bàng quang tăng hoạt).

Bầu uống cà phê được không?

Có, bà bầu có thể uống cà phê với một lượng tối đa là 200 mg caffeine (tương đương 1 cốc cafe phin hoặc 2 cốc cafe hòa tan) mỗi ngày, theo Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc. Tốt nhất, bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống cà phê để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Cho con bú uống cà phê được không?

Có, mẹ cho con bú có thể uống cà phê với một lượng vừa phải và không nên lạm dụng. Theo HelloBacsi, mẹ cho con bú nên uống dưới 300 mg caffeine (tương đương 3 cốc cafe hòa tan)/ ngày. Bé bú mẹ có thể bồn chồn, kích động, khó chịu, khó ngủ nếu mẹ uống quá nhiều cà phê.

Giải say cafe như thế nào?

Để giải say cà phê, bạn hãy uống nước lọc, vận động nhẹ, bổ sung thực phẩm giàu magie và kẽm.

  • Uống nước lọc giúp cơ thể nhanh đào thải caffeine.
  • Vận động nhẹ giúp tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, từ đó loại bỏ caffeine nhanh hơn.
  • Ăn những thực phẩm giàu magie và kẽm, chẳng hạn như chuối, giúp giảm nhẹ triệu chứng say cà phê.

Nên uống cà phê loại nào tốt nhất cho sức khỏe?

Nên uống cà phê đen nóng tốt nhất cho sức khỏe. Theo WebMD, một cốc cà phê đen nóng gần như không có calo hay carbs, không có lipid và ít natri. Trong cà phê đen còn có các vi chất dinh dưỡng là kali, magie và niacin.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!