Cách sử dụng lò nướng đúng cách với 5 bước và 6 kinh nghiệm

Cập nhật lần cuối:

Lò nướng là thiết bị làm chín món ăn nhờ vào dòng điện từ trường đốt nóng tạo nhiệt bên trong khoang lò. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách dùng lò nướng dễ dàng với 5 bước, bao gồm: Làm nóng lò trước khi nướng thực phẩm; Cho thức ăn vào lò; Chọn chế độ nướng phù hợp; Cài đặt nhiệt độ và thời gian nướng và cuối cùng, nhấn Start để bắt đầu chương trình.

Bên cạnh đó, để dùng lò nướng an toàn và hiệu quả, bạn cũng cần hiểu về vị trí đặt lò nướng phù hợp, những vật liệu dùng được với lò nướng, nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp với mỗi loại thực phẩm, tại sao không nên mở lò khi đang nướng, cách tận dụng các chức năng khác của lò và cách vệ sinh lò nướng sạch sẽ. Cuối cùng bài viết sẽ chỉ ra những lỗi bạn cần tránh trong quá trình sử dụng lò để tăng hiệu quả nướng và phòng chống nguy cơ cháy nổ.

Hướng dẫn sử dụng lò nướng đúng cách

Cách dùng lò nướng đúng cách gồm 5 bước sau đây:

  1. Bước 1 – Làm nóng lò: Khởi động làm nóng lò nướng ít nhất 10 – 15 phút trước khi nướng món ăn. Làm nóng lò giúp loại bỏ các chất bẩn, vi khuẩn, mùi trong khoang lò và giúp nhiệt độ lòng lò ổn định, từ đó làm thức ăn chín đều hơn.
  2. Bước 2 – Cho thức ăn vào trong lò: Mở cửa lò và đặt thực phẩm cần nướng vào trong lò. Dùng vỉ nướng, khay nướng, xiên quay, lồng chiên,… phù hợp với từng loại thực phẩm. Đặt khay hứng dầu mỡ bên dưới để tránh dây mỡ hoặc nước ra lò.
  3. Bước 3 – Chọn chế độ nướng thích hợp với từng món ăn: Chọn một trong số các chế độ nướng có sẵn của lò như nướng đối lưu, nướng nhiệt trên, nhiệt dưới,… hoặc chương trình nướng cài đặt sẵn như nướng thịt, nướng sườn, nướng bánh,… (nếu có)
  4. Bước 4 – Cài đặt nhiệt độ và thời gian nướng: Nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp với từng loại thực phẩm được hướng dẫn chi tiết trong phần sau của bài viết này.
  5. Bước 5 – Nhấn Start (Bắt đầu): Ấn nút Start để lò nướng bắt đầu hoạt động. Đợi thời gian nướng kết thúc để thưởng thức món ăn thơm ngon.
Quy trình 5 bước dùng lò nướng
5 bước sử dụng lò nướng

6 kinh nghiệm sử dụng lò nướng hiệu quả và an toàn

Các kinh nghiệm để dùng lò nướng hiệu quả và an toàn được liệt kê dưới đây:

  1. Không mở lò khi đang nướng
  2. Chỉ sử dụng các vật liệu có thể dùng trong lò nướng
  3. Điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp với thực phẩm
  4. Đặt lò nướng đúng vị trí
  5. Tận dụng các chức năng của lò vi sóng
  6. Làm sạch lò nướng ngay sau khi sử dụng

1. Không mở lò khi đang nướng

Có được mở lò nướng khi đang nướng không? Không nên mở lò nướng khi lò đang hoạt động vì mở lò sẽ làm thất thoát nhiệt độ, ảnh hưởng đến độ chín của món ăn. Ngoài ra, mở cửa lò đột ngột có thể khiến người dùng bị bỏng.

2. Chỉ sử dụng các vật liệu có thể dùng trong lò nướng

Vật liệu có thể dùng trong lò nướng là các vật liệu có khả năng chịu nhiệt tốt, không bị biến dạng hoặc biến chất ở nhiệt độ cao. Các vật liệu phổ biến có thể sử dụng trong lò nướng là inox, nhôm, gang, gốm sứ, sành, giấy bạc (giấy nhôm), giấy nến. Riêng que tre cần được luộc sơ qua hoặc ngâm nước kỹ trước khi dùng trong lò nướng để tránh bị cháy.

Giấy bạc có cho vào lò nướng được không?

Giấy bạc có cho được vào lò nướng. Giấy bạc được làm từ nhôm tinh khiết, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và trong nấu nướng. Giấy bạc chịu nhiệt tốt và thường được sử dụng để phủ vào khay nướng khi nướng bánh mỳ, bánh quy,… hay bọc quanh thịt, cá. Dùng giấy bạc ngăn thức ăn dính ra lò và giữ độ ẩm của món ăn.

Đĩa sứ có cho vào lò nướng được không?

Đĩa sứ sử dụng được trong lò nướng, nhưng cần chắc chắn rằng đĩa sứ này được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao. Đĩa sứ sử dụng trong lò nướng không nên có bất kỳ lớp phủ từ kim loại như mạ vàng, mạ bạc hay chất phủ khác để tránh bị hỏng khi gặp nhiệt độ cao.

Những thứ gì không nên cho vào lò nướng?

Không nên cho vào lò nướng những vật dụng làm từ vật liệu dễ cháy và không chịu được nhiệt độ cao như gỗ, giấy, nhựa, nilon, xốp, màng bọc thực phẩm, thủy tinh không chịu nhiệt. Gỗ và giấy dễ bị cháy trong khoang lò gây mất an toàn. Nhựa, nilon và xốp khi gặp nhiệt độ cao trong khoang lò sẽ cháy và sinh ra các khí độc như hydro clorua (HCl), photgen (COCl2), dioxin, metyn clorua (CH3Cl), furan,… Các khí độc kể trên là nguyên nhân gây ung thư, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi,…

Các vật liệu không được dùng trong lò nướng
Các vật liệu không dùng đươc trong lò nướng

3. Điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp với thực phẩm

Mỗi loại thực phẩm có nhiệt độ và thời gian chín khác nhau. Cài đặt nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp giúp món ăn chín đều, ngon đúng vị, không bị sống, khô hay bị cháy. Dưới đây là bảng nhiệt độ và thời gian nướng một số món ăn phổ biến.

Món ănNhiệt độ nướngThời gian nướng
Thịt lợn (thịt heo) 175°C đến 250°CLần 1: 18 – 20 phút
Lần 2: 10 phút (sau khi lật trở thực phẩm)
Thịt bò (steak)250°C10 – 20 phút (tùy độ chín của steak)
Thịt gà/vịt nguyên con (2 – 3 kg)180°C đến 200°C45 – 60 phút
Cánh/ đùi gà/ vịt180°C15 – 20 phút
Sườn nướng250°CLần 1: 20 – 25 phút
Lần 2: 10 phút (sau khi lật mặt thực phẩm)
Cá nướng180°C đến 220°C10 – 15 phút/mặt tùy độ dày của miếng cá
Rau củ nướng
(khoai tây, khoai lang, cà tím, cà chua, ngô)
190°C đến 220°C20 – 30 phút
Lạc (đậu phộng) rang160°C10 phút
Bánh pizza200°C – 210°C15 – 20 phút
Bánh bông lan, bánh quy160°C đến 180°C15 – 25 phút
Mực khô200°C1 – 2 phút/ mặt
Mực tươi180°C – 200°C10 – 15 phút
Hàu200°C5 – 10 phút

4. Đặt lò nướng đúng vị trí

Hướng dẫn đặt lò nướng đúng cách sau đây sẽ giúp bạn thao tác dễ dàng khi nấu nướng và đảm bảo an toàn trong bếp.

  • Đặt lò nướng ngang tầm nhìn, ở nơi có không gian rộng rãi, thoáng mát, vị trí thuận tiện cho việc nấu ăn.
  • Đặt lò cách tường tối thiểu 10 cm để giúp lò tản nhiệt tốt hơn, tránh ẩm mốc và hạn chế hỏng lò do ma sát giữa tường và lò nướng.
Đặt lò nướng xa tường ít nhất 10 cm
Đặt lò nướng cách tường ít nhất 10cm
  • Để lò xa khỏi tầm tay của trẻ em để hạn chế những sự cố như bỏng, thay đổi chương trình nấu đã cài đặt.
  • Dùng một ổ cắm riêng biệt cho lò nướng để tránh đường điện bị quá tải, do lò nướng có công suất lớn.
  • Đặt lò nướng xa bếp gas hoặc các vật dễ bắt lửa như rèm cửa, giấy, khăn lau… để hạn chế nguy cơ cháy nổ.
  • Để lò nướng xa nơi ẩm ướt như bồn rửa chén, máy nước, khu vực có độ ẩm cao để tránh giật điện và rỉ sét lò nướng.

Có nên để lò nướng dưới bếp từ?

Có thể để lò nướng dưới bếp từ. Tuy nhiên, cần đảm bảo lò nướng đặt cách bếp từ ít nhất 20cm. Giữa bếp từ và lò vi sóng cần đặt một vật cách điện (như gỗ) để đảm bảo an toàn.

Có nên để lò nướng trên tủ lạnh?

Không nên để lò nướng trên tủ lạnh vì nhiệt lượng lớn tỏa ra từ lò nướng sẽ làm hỏng tủ lạnh.

Có nên để lò nướng lên lò vi sóng?

Không nên đặt lò nướng trực tiếp lên lò vi sóng mà cần tạo khoảng cách ít nhất 10 cm giữa 2 thiết bị. Lò vi sóng và lò nướng đều sinh nhiều nhiệt khi hoạt động. Việc giữ khoảng cách phù hợp giữa lò nướng và lò vi sóng giúp 2 thiết bị thoát nhiệt dễ dàng, giảm nguy cơ bỏng, cháy, nổ.

5. Tận dụng dải nhiệt và các chức năng của lò nướng

Ngoài tính năng nướng, lò nướng còn có khả năng hâm nóng, sấy khô, rã đông, ủ men,… tùy vào dải nhiệt độ của lò. Ví dụ: Ủ bột ở 30℃ – 40℃, ủ sữa chua ở 45℃ – 50℃, sấy trái cây ở 60℃ – 80℃, rã đông ở 80℃ – 120℃,… Biết tận dụng dải nhiệt của lò nướng sẽ giúp bạn làm được nhiều công việc bếp núc, tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, một số mẫu lò nướng hiện đại còn có các chương trình nấu lập trình sẵn như nướng gà, nướng bánh pizza,… giúp bạn nấu nướng mà không cần ghi nhớ thời gian và nhiệt độ của từng loại thực phẩm.

các ký hiệu chương trình lập trình sẵn trên lò nướng
Ký hiệu các chương trình của lò nướng

Lò nướng có hâm thức ăn được không?

Lò nướng có khả năng hâm nóng thức ăn. Để hâm thức ăn bằng lò nướng, bạn cần làm nóng lò trong 10 phút ở 150°C – 160°C. Sau đó, đặt thực phẩm vào trong lò và cài đặt nhiệt độ 120°C – 160°C trong 10 – 15 phút. Không hâm nóng thức ăn ở mức nhiệt nướng (trên 160°C).

Lò nướng có sấy được không?

Lò nướng sấy được thực phẩm. Chế độ sấy ở lò nướng dùng nhiệt và gió quạt để làm bốc hơi nước bên trong thực phẩm. Để sấy thực phẩm bằng lò nướng, bạn chọn tính năng sấy chuyên biệt hoặc cài đặt nhiệt độ sấy khô từ 60°C – 80°C trong thời gian 2 – 6 giờ (với rau củ quả), nhiệt độ 80°C – 100°C trong 4 – 6 giờ (với thịt).

Lò nướng có rã đông được không?

Lò nướng rã đông được thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, lò nướng rã đông không hiệu quả bằng lò vi ba. Để rã đông thực phẩm trong lò nướng, bạn cho thực phẩm cần rã đông vào khay thủy tinh hoặc bát đĩa sứ, điều chỉnh nhiệt độ 80°C trong 10 phút. Thời gian rã đông thay đổi tùy thuộc vào khối lượng và độ dày của thực phẩm đông lạnh.

6. Làm sạch lò nướng ngay sau khi dùng

Trong quá trình nướng, dầu mỡ, mùi, gia vị và thực phẩm thừa sẽ bám vào khoang và thành lò. Làm sạch lò nướng thường xuyên giúp loại bỏ mùi hôi, hạn chế khí độc sinh ra từ thức ăn thừa bị cháy và tăng độ bền của lò.

Để làm sạch lò nướng, hãy tận dụng chế độ tự làm sạch của lò hoặc dùng các chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, giấm, baking soda. Bài viết hướng dẫn vệ sinh lò nướng trên Blog Tranthuyduyen sẽ giúp bạn biết cách làm sạch thiết bị này đúng cách, an toàn, loại bỏ toàn bộ mùi hôi, rỉ sét.

Vệ sinh bên trong lò nướng
Làm sạch bên trong lò nướng

Lỗi cần tránh khi dùng lò nướng

Các lỗi cần tránh khi dùng lò nướng được liệt kê dưới đây, giúp bạn dùng lò nướng an toàn và hiệu quả hơn.

  • Không khởi động và làm nóng lò trước khi nướng thực phẩm
  • Chọn phụ kiện như khay nướng hoặc vỉ nướng không phù hợp với thực phẩm. Ví dụ, dùng khay màu đen để nướng bánh sẽ khiến mặt dưới bánh chín hơn mặt trên do màu tối hấp thụ nhiều nhiệt.
  • Đặt khay nướng sai vị trí hoặc chọn chế độ nướng không hợp lý khiến món ăn chín không đều. Ví dụ, chọn chức năng nướng bằng cả 2 thanh nhiệt trên và dưới, trong khi thực phẩm cần chín mặt dưới nhiều hơn mặt trên.
  • Cho quá nhiều thực phẩm vào lò khiến thực phẩm không chín.
  • Sờ vào lò nướng và mặt kính khi lò đang hoạt động có nguy cơ gây bỏng.
  • Dùng tay không lấy thức ăn ngay sau khi nướng. Để tránh bị bỏng, nên sử dụng bao tay chuyên dụng hoặc kẹp gắp để kéo khay thức ăn ra ngoài.
  • Dùng các vật liệu dễ cháy như nhựa, giấy, báo, bìa,… trong lò nướng.
Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!