14 tác dụng của lò vi sóng với công việc bếp núc

Cập nhật lần cuối:

Lò vi sóng dùng để làm gì? Dưới đây là 14 công dụng mà lò vi sóng thực hiện được:

  1. Hâm nóng đồ ăn đã chín
  2. Rã đông thực phẩm sống
  3. Nướng thực phẩm
  4. Hấp thực phẩm
  5. Nấu chín thực phẩm
  6. Sấy khô thực phẩm
  7. Ủ men bánh mì
  8. Khử trùng đồ dùng
  9. Hóa lỏng thực phẩm
  10. Làm bỏng ngô (bắp rang)
  11. Giúp bóc vỏ thực phẩm dễ dàng
  12. Giảm độ cay của hành tây
  13. Giúp vắt cam, chanh mọng nước
  14. Rút ngắn thời gian ngâm hạt

Sử dụng lò vi sóng an toàn sức khỏe, chế biến được nhiều món ăn dinh dưỡng và tiết kiệm thời gian nấu bếp. Bài viết này sẽ phân tích các tác dụng của lò vi sóng để giúp bạn khai thác tối đa công năng của thiết bị này.

1. Hâm nóng đồ ăn đã chín

Hâm nóng là việc làm nóng lại các món ăn đã nấu chín trước đó để lấy lại hương vị của món ăn và giúp ngon miệng hơn. Đây là phương pháp truyền thống để tái sử dụng thức ăn còn dư hoặc đã chuẩn bị sẵn từ trước.

Hâm nóng là tác dụng chính của lò vi sóng. Chọn chế độ “Hâm nóng” trên bảng điều khiển của lò vi sóng (ký hiệu bằng hình 1 cái bát có hơi nóng bốc lên) hoặc mức công suất “Trung bình cao/ Mid High” để hâm nóng thức ăn. Thời gian hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trung bình là 3 – 5 phút.

2. Rã đông thực phẩm sống

Rã đông thực phẩm là quá trình làm mềm thực phẩm đã được đông đá, đưa thực phẩm quay về trạng thái gần giống bình thường trước khi chế biến.

Lò vi sóng là thiết bị nhà bếp giúp rã đông tốt nhất. Để rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng, chọn chế độ “Rã đông/ Defrost”, ký hiệu bằng hình bông tuyết. Thời gian rã đông thực phẩm sống tùy thuộc vào loại thực phẩm và khối lượng của chúng. Cách rã đông thực phẩm và thời gian rã đông tương ứng được trình bày cụ thể trong bài viết quy trình rã đông thực phẩm trong lò vi sóng trên Blog Tranthuyduyen.

3. Nướng

Nướng là phương pháp làm chín thực phẩm bằng cách sử dụng nhiệt độ cao. Lò vi sóng thông thường có nướng được không? Lò vi sóng thông thường không thể nướng được, chỉ lò vi sóng tích hợp chức năng nướng mới có thể nướng thực phẩm.

Có 3 chế độ nướng trên lò vi sóng là:

  • Nướng (Grill): Ký hiệu bằng hình đường uốn lượn. Chế độ “Nướng” có ở lò vi sóng tích hợp nướng thông thường.
  • Nướng kết hợp vi sóng (Combi): Thường được trang bị ở tất cả lò vi sóng có nướng, với nhiều mức độ khác nhau, từ Combi 1 đến Combi 3
  • Nướng đối lưu (Convention): Ký hiệu bằng hình đường uốn lượn và hình đường lượn sóng đè trên 1 cái bát. Chế độ “Nướng đối lưu” có ở các mẫu lò vi sóng hiện đại.
Món nướng làm bằng lò vi sóng
Nướng thực phẩm bằng lò vi sóng

Tham khảo thời gian nướng các loại thực phẩm phổ biến trong bài viết món ăn nấu bằng lò vi sóng trên Blog Tranthuyduyen.

4. Hấp

Hấp là cách làm chín thực phẩm nhờ sức nóng của hơi nước. Lò vi sóng có hấp được không? Lò vi sóng có thể hấp thực phẩm, giữ được chất dinh dưỡng và hương vị tự nhiên của món ăn. Để hấp thực phẩm bằng lò vi sóng, hãy chọn mức công suất cao nhất của lò và tự cài đặt thời gian phù hợp cho từng loại thực phẩm, do lò vi sóng không cài đặt sẵn chức năng “Hấp”. Chẳng hạn, thời gian hấp bông cải xanh từ 3 – 5 phút ở công suất cao nhất (800 – 1000W).

5. Nấu chín thực phẩm

Lò vi sóng hoạt động theo nguyên lý sử dụng sóng vi sóng (sóng vi ba) để nấu chín thức ăn. Lò vi sóng phát ra sóng vi sóng thông qua bộ phận magnetron. Sóng vi sóng thâm nhập vào thực phẩm, kích thích các phân tử nước, mỡ, đường bên trong những thực phẩm và tạo ra sự dao động mạnh mẽ. Sự dao động này tạo ra ma sát giữa các phân tử, từ đó sinh ra nhiệt, làm chín thực phẩm từ trong ra ngoài.

Các chức năng nấu của lò vi sóng là:

  • Nấu tự động: Tự động điều chỉnh thời gian và công suất nấu theo loại thực phẩm và khối lượng thực phẩm.
  • Nấu kết hợp: Kết hợp giữa chế độ vi sóng và chế độ nướng hoặc hấp cùng lúc giúp thực phẩm chín đều, có kết cấu và màu sắc tốt hơn.

Thời gian nấu bằng lò vi sóng là khác nhau cho mỗi món ăn. Chẳng hạn, thời gian nấu cơm là 25 phút, thời gian nấu xôi (cơm nếp) là 10 phút.

6. Sấy khô thực phẩm

Sấy khô là quá trình loại bỏ độ ẩm khỏi thực phẩm bằng cách sử dụng nhiệt, không khí khô hoặc các phương pháp khác để làm thực phẩm nhẹ hơn và bảo quản được lâu hơn. Lò vi sóng không có chức năng “Sấy khô” chuyên biệt như các máy sấy chuyên dụng. Mặc dù vậy, bạn có thể sấy khô thịt và các loại rau củ bằng lò vi sóng có tích hợp nướng.

Để sấy thực phẩm trong lò vi sóng, chọn chế độ nướng với mức nhiệt và thời gian sấy phù hợp với từng loại thực phẩm. Chẳng hạn, khoai lang thái lát mỏng sấy trong 15 – 20 phút ở 200℃, chuối thái lát sấy ở 150℃ từ 18 – 20 phút, thịt thái mỏng đã sao qua trên chảo nóng sấy ở 140℃ trong 20 – 30 phút.

7. Ủ men bánh mì

Ủ men bánh mì là việc tạo điều kiện cho men nở ra và phát triển, giúp bột bánh mì có độ xốp và cấu trúc tốt hơn. Tổng thời gian ủ men bánh mì bằng lò vi sóng là 15 phút, chi tiết như sau:

  • Bước 1: Đặt 1 cốc nước ở góc lò. Cho bột đã chia thành các phần nhỏ vào bát, đặt bát ở giữa lò.
  • Bước 2: Cài đặt lò ở công suất thấp nhất (Low) trong thời gian 3 phút, để bột nghỉ trong lò 3 phút.
  • Bước 3: Tiếp tục quay bột ở công suất Low trong 3 phút nữa, để bột nghỉ thêm 6 phút trong lò.
Ủ men bánh mì trong lò vi sóng
Ủ men bánh mì bằng lò vi sóng

Có làm bánh mì bằng lò vi sóng được không?

Có thể làm bánh mì bằng lò vi sóng có tích hợp chức năng nướng. Mặc dù nhiệt độ của lò vi sóng không cao như lò nướng, xong lò vi sóng vẫn có thể làm chín bột và nở men nếu công thức và thời gian nướng bánh được điều chỉnh phù hợp.

Tuy vậy, bánh mì làm bằng lò vi sóng không có màu sắc hấp dẫn và lớp vỏ giòn giống như bánh mì làm bằng lò nướng chuyên dụng hay máy làm bánh mì.

8. Khử trùng đồ dùng

Khử trùng là quá trình loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn và vi rút, nhưng không tiêu diệt bào tử vi khuẩn, khỏi các bề mặt hoặc vật thể.

Lò vi sóng có thể khử trùng thớt nhựa hoặc miếng bọt biển (mút xốp), cách làm như sau:

  • Chà chanh lên bề mặt thớt nhựa, để thớt vào lò vi sóng và bật công suất cao trong 1 phút.
  • Ngâm miếng bọt biển vào nước có vắt 1 miếng chanh, để miếng bọt biển vào lò vi sóng và bật công suất cao trong 1 phút.

9. Hóa lỏng thực phẩm

Hóa lỏng thực phẩm là chuyển đổi thực phẩm từ thể rắn hoặc bán rắn thành thể lỏng để chế biến hoặc tiêu thụ thực phẩm. Các thực phẩm phổ biến được hóa lỏng bằng lò vi sóng là so-co-la, mật ong và bơ. Bạn cài đặt lò vi sóng ở công suất thấp hoặc trung bình thấp (rã đông) trong 30 giây – 1 phút để làm tan chảy những thực phẩm kể trên.

10. Làm bỏng ngô (bắp rang)

Bỏng ngô là món ăn nhẹ được làm từ hạt ngô (bắp), khi hạt ngô được đun nóng đến mức nhất định sẽ nổ ra thành những mảnh xốp và giòn.

Dưới đây là cách làm bỏng ngô bơ (bắp rang bơ) bằng lò vi sóng đơn giản, nhanh chóng:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 2 thìa (muỗng) canh hạt ngô khô dùng để nổ bỏng, 1 thìa canh bơ, ½ thìa canh đường.
  • Chuẩn bị dụng cụ: Thố thủy tinh hoặc thố sứ có nắp đậy dùng trong lò vi sóng.
  • Cách làm:
    • Bước 1: Cho bơ vào thố, làm tan chảy bơ bằng lò vi sóng trong 30 giây ở công suất thấp. Sau đó, trộn đều ngô và đường với bơ chảy. Đậy nắp thố lại rồi cho thố vào lò vi sóng.
    • Bước 2: Chọn chế độ “Bỏng ngô”, ký hiệu bằng hình 1 gói bỏng ngô. Hoặc quay thố trong lò vi sóng từ 3 – 4 phút ở công suất 800W (thường là mức công suất cao nhất), nếu lò vi sóng của bạn không có chế độ làm bỏng ngô được cài sẵn.
Nổ bỏng ngô bằng lò vi sóng
Nổ bỏng ngô bằng lò vi sóng

11. Giúp bóc vỏ thực phẩm dễ dàng

Cách bóc vỏ cà chua và vỏ tỏi dễ dàng với lò vi sóng như sau:

  • Rạch nhẹ hình chữ thập lên vỏ cà chua. Quay cà chua trong lò vi sóng 30 giây ở công suất cao. Để cà chua trong lò thêm 2 phút rồi lấy ra bóc vỏ.
  • Tách rời các tép tỏi. Quay tỏi trong lò vi sóng 10 – 20 giây ở công suất cao. Lấy tỏi ra và bóc vỏ.

12. Giảm độ cay của hành tây tươi

Cách làm giảm độ cay của hành tươi bằng lò vi sóng như sau: Cắt 2 đầu của củ hành tây và bóc hết lớp vỏ ngoài. Quay hành tây trong lò vi sóng 30 giây ở công suất cao.

13. Giúp vắt cam, chanh mọng nước

Quay cam hoặc chanh bằng lò vi sóng ở công suất cao trong 20 giây. Lúc này, cam và chanh sẽ dễ vắt và cho ra nhiều nước hơn.

14. Rút ngắn thời gian ngâm hạt

Dưới đây là cách rút ngắn thời gian ngâm hạt đậu với lò vi sóng:

  • Cho đậu vào bát dùng được trong lò vi sóng. Thêm một ít baking soda vào bát đậu và đổ ngập nước.
  • Cài đặt lò vi sóng ở công suất cao nhất trong 10 phút. Để nguội đậu từ 30 – 40 phút.

Quay đồ ăn trong lò vi sóng có tốt không?

Quay đồ ăn trong lò vi sóng là tốt nếu bạn dùng lò vi sóng đúng cách. Theo Healthline, thực phẩm nấu trong lò vi sóng giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các phương pháp chế biến khác và hạn chế sản sinh acrylamide. Tuy vậy, bạn cần đảm bảo thức ăn được hâm nóng đều để tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Lò vi sóng gia đình loại nào tốt và nên mua nhất?

Một số loại lò vi sóng gia đình tốt nhất và nên mua hiện nay là Electrolux EMM20K22B, Cuckoo CMW-A201D, Bluestone MOB-7815,…

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận