Cách làm 6 món ngon, tốt cho sức khỏe với máy ép chậm

Cập nhật lần cuối:

Máy ép chậm là một thiết bị nhà bếp, được dùng để ép trái cây, rau củ với tốc độ chậm từ 30 đến 90 vòng/phút. Ngoài nước ép, máy ép chậm có thể làm được nhiều món ngon khác như kem, sữa hạt, đậu phụ, dầu hạt,… Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách dùng máy ép chậm để làm các món ngon vừa nêu.

Tuy nhiên, những loại máy chuyên dụng như máy ép dầu, máy làm sữa hạt sẽ cho ra thành phẩm tốt hơn do có thiết kế và tính năng riêng biệt. Chẳng hạn, máy ép dầu có trục xoắn lớn và bộ phận gia nhiệt để làm nóng, tách dầu trong buồng ép, từ đó ép kiệt dầu trong nguyên liệu. Máy làm sữa hạt có chế độ nấu cho từng loại hạt khác nhau, có thể nấu chín sữa luôn và không cần đun lại trên bếp.

1. Cách làm nước ép rau quả với máy ép chậm

Hướng dẫn làm nước ép bằng máy ép tốc độ chậm như sau:

  • Nguyên liệu: Táo, ổi, lê, cam, dứa, nho, kiwi, dâu tây, cà rốt, củ dền, dưa chuột, cà chua, cần tây, rau chân vịt (rau bina), cải xoăn,…
  • Các bước thực hiện: Cho từ từ nguyên liệu đã được rửa sạch và cắt nhỏ vào máy ép chậm, dùng dụng cụ nhồi để nhồi nguyên liệu xuống trục ép. Nên ép nguyên liệu liệu mềm và ít xơ trước, nguyên liệu cứng và nhiều xơ sau để tối ưu hiệu suất ép.
Làm nước ép rau củ quả bằng máy ép chậm
Làm nước ép bằng máy ép chậm

Nước ép rau quả là thức uống được tạo ra bằng cách ép, vắt hoặc dầm để lấy nước từ các loại rau củ quả mà không dùng nhiệt độ hoặc dung môi như nước, sữa,… Nước ép rau quả cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, enzym và nhiều dưỡng chất khác giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tiêu hóa, làm đẹp da và thanh lọc cơ thể.

Có nhiều công thức nước ép ngon, dễ làm và giàu dinh dưỡng. Bạn hãy thử kết hợp các loại rau củ quả để tìm được phù hợp nhất cho riêng mình!

2. Cách làm kem bằng máy ép chậm

Các bước làm kem bằng máy ép tốc độ chậm như sau:

  1. Bước 1: Chọn hoa quả mềm dẻo, rửa sạch và cắt nhỏ, đông đá khoảng 2 – 3 giờ
  2. Bước 2: Lắp máy ép chậm, sử dụng lưới lọc làm kem (nếu có). Cho từng miếng hoa quả đông đá vào máy ép chậm rồi bật máy.
  3. Bước 3: Hứng bát ở đầu ra của máy, vừa hứng vừa xoay để tạo hình đẹp mắt
Làm kem bằng máy ép tốc độ chậm
Cách làm kem bằng máy ép chậm

Làm thế nào để kem làm bằng máy ép chậm không bị tách nước? Để làm kem bằng máy ép chậm không bị tách nước, bạn nên dùng máy ép có tốc độ càng chậm càng tốt và không xay kem quá lâu.

Một số công thức kem phổ biến làm bằng máy ép chậm là kem dâu tây, chuối, xoài, bơ, mãng cầu xiêm, bơ chuối, chuối dâu tây, việt quất xoài dâu tây,…

Kem làm bằng máy ép chậm (sorbet) là kem được tạo ra từ việc ép mịn các loại hoa quả đông đá bằng trục của máy ép chậm và không thêm các nguyên liệu khác như đường, sữa, bột kem béo,… Loại kem này sau khi ép sẽ ăn được ngay mà không cần làm đông lại.

Kem làm từ máy ép hoa quả chậm tốt cho sức khỏe do có nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, có vị ngọt tự nhiên từ hoa quả tươi, ít calo và giúp giải nhiệt nhanh chóng.

3. Cách làm sữa hạt từ máy ép chậm

Các bước làm sữa hạt bằng máy ép chậm như sau:

  1. Bước 1: Ngâm hạt ngũ cốc, hạt đậu hoặc hạt dinh dưỡng cho mềm rồi rửa sạch lại bằng nước.
  2. Bước 2: Cho từ từ phần hạt với lượng nước tương ứng vào máy ép chậm. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết hạt.
  3. Bước 3: Dùng rây hoặc túi vải lọc lại phần sữa hạt thu được. Sữa hạt thu được có thể dùng luôn hoặc cần nấu chín, tùy loại hạt. Bạn có thể cho thêm đường khi nấu, tùy khẩu vị.
3 bước làm sữa hạt với máy ép chậm
Cách làm sữa hạt bằng máy ép chậm

Sữa hạt là thức uống được làm từ các hạt ngũ cốc như yến mạch, vừng (mè), gạo,…; các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu đỏ,…; các hạt dinh dưỡng như hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó,… Sữa hạt ít calo, chứa nhiều vitamin, chất xơ, chất khoáng, protein và chất béo không bão hòa. Vì vậy sữa hạt có nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ bảo vệ mắt, dễ tiêu hóa hơn sữa bò (đặc biệt phù hợp với người không dung nạp lactose hoặc dị ứng đạm sữa bò), giúp kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì làn da sáng khỏe. Sữa từ các loại hạt còn là nguồn protein thực vật dồi dào cho những người ăn chay.

Có nhiều loại hạt có thể làm sữa với máy ép trái cây chậm như ngô (bắp), đậu nành, hạnh nhân, gạo lứt, hạt điều, yến mạch, macca,… Bạn có thể kết hợp nhiều loại hạt với nhau để tạo ra những công thức sữa hạt ngon, bổ dưỡng và lạ miệng.

4. Cách ép dầu lạc bằng máy ép chậm

Máy ép chậm không ép được dầu lạc. Theo công ty TNHH Cơ khí chế tạo và Thương mại Lalifa, máy ép chậm không thể ép kỹ hạt đậu phộng (do hạt này tương đối cứng) và cũng không có thiết bị làm nóng để tách dầu trong hạt đậu phộng ra. Vì vậy, để ép dầu động phộng, bạn cần có máy ép dầu chuyên dụng thay vì dùng máy ép chậm.

Dầu lạc (dầu đậu phộng) là một loại dầu thực vật có chiết xuất từ lạc, có hương vị thơm ngon, thường được sử dụng trong nấu ăn. Theo WebMD, trong dầu lạc có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất béo chưa bão hòa đơn và đa, omega 6, vitamin E,… Bởi vậy, dầu lạc có công dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cholesterol, điều chỉnh lượng đường trong máu.

5. Cách làm đậu phụ từ máy ép chậm

Các bước làm đậu hũ với máy ép trái cây chậm được liệt kê dưới đây:

  1. Bước 1: Chuẩn bị 500 gram hạt đậu nành, 1,2 lít nước, 1,5 lít nước đã hòa chung với 20 ml giấm gạo và 20 gram muối, khăn vải, khuôn ép đậu (một số dòng máy ép chậm như Kalite KL-599 có khuôn làm đậu đi kèm).
  2. Bước 2: Cho từ từ nước và đậu nành (đã ngâm qua đêm) vào máy ép chậm theo tỉ lệ 1:1, thu được hỗn hợp nước đậu.
  3. Bước 3: Hòa phần nước đậu vừa thu được vào 1,5 lít nước giấm muối đã pha, đem nấu trên bếp khoảng 5 – 10 phút sẽ xuất hiện óc đậu (trong khi đun cần khuấy đều tay để không bị cháy)
  4. Bước 4: Để đậu nguội bớt rồi đổ vào khuôn làm đậu đã lót khăn vải, dùng 1 vật nặng vừa phải đè lên khuôn để ép nước ra
  5. Bước 5: Mỗi 10 – 15 phút bạn kiểm tra đậu 1 lần, đến khi có độ mềm như ý muốn thì ngừng ép
Làm đậu phụ bằng máy ép chậm
Cách làm đậu phụ bằng máy ép chậm

Đậu phụ (đậu hũ) là một món ăn được làm bằng cách ngâm và xay đậu nành với nước, nấu chín hỗn hợp nước đậu với một chút giấm và ép khuôn. Đậu phụ có hàm lượng bột đường thấp, không chứa gluten hay cholesterol, có nhiều chất đạm và chất béo tốt, có nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, sắt, magie, natri. Theo Vinmec, đậu phụ có chứa isoflavone, một phytoestrogen tương tự như hormone estrogen, mang đến một số lợi ích sức khỏe như giảm bốc hỏa ở phụ nữ, ngăn ngừa một số bệnh ung thư, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, làm đẹp da và hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương.

6. Cách làm nước cốt dừa bằng máy ép chậm

Để làm nước cốt dừa với máy ép tốc độ chậm, trước hết cần cắt nhỏ cơm dừa. Sau đó, cho từ từ cơm dừa vào máy và thêm một ít nước trong khi ép để không tắc máy và nước cốt ra được hết.

Nước cốt dừa còn gọi là sữa dừa, là phần nước cốt được chiết xuất từ cùi dừa (cơm dừa) già. Nước cốt dừa được sử dụng trong nhiều món ăn để tạo hương vị thơm ngon, béo ngậy. Nước cốt dừa có nhiều công dụng như chăm sóc da và tóc, hỗ trợ giảm cân, giúp tăng khả năng miễn dịch, giảm viêm loét dạ dày, hỗ trợ hệ tim mạch, giảm huyết áp, giảm sự phát triển bệnh tiểu đường, phòng tránh viêm nhiễm và cải thiện tiêu hóa.

Máy ép chậm loại nào có thể làm kem?

Loại máy ép chậm nào cũng có thể làm kem. Để làm kem bằng máy ép tốc độ chậm, bạn chỉ cần đông đá các loại hoa quả và ép như bình thường. Dù vậy, bạn hãy lựa chọn những dòng máy ép chậm từ những thương hiệu uy tín. Một chiếc máy ép chậm tốt với bộ lọc làm kem riêng biệt sẽ cho ra món kem có chất lượng tốt và ngon miệng.

Máy ép chậm không có lưới lọc kem có thể làm kem không?

Có, máy ép chậm không có lưới lọc kem có thể làm được kem. Tuy nhiên, thành phẩm kem làm từ hoa quả cứng sẽ hơi dăm đá. Mặt khác, sau khi làm kem bằng máy ép chậm không có lưới làm kem, còn nhiều kem trong khoang chứa nước ép không được đẩy ra ngoài.

Video dưới đây của Điện Máy Xanh so sánh kem trái cây làm bằng máy ép chậm có và không có bộ lọc làm kem.

Máy ép chậm nào làm được sữa hạt?

Loại máy ép chậm nào cũng làm được sữa hạt. Các bước làm sữa hạt bằng máy ép hoa quả chậm là ngâm mềm hạt rồi ép cùng nước và nấu chín.

Nhược điểm của việc làm sữa hạt bằng máy ép chậm là đôi khi cần phải lọc lại sữa sau khi ép, chẳng hạn sữa đậu nành hay sữa hạnh nhân, do bị lợn cợn. Ngoài ra, bạn còn phải nấu chín sữa hạt trên bếp mới có thể sử dụng nên sẽ tốn nhiều thời gian.

Bạn nên dùng máy làm sữa hạt để thu được thành phẩm có chất lượng tốt hơn do loại máy này được thiết kế chuyên dụng để nấu sữa hạt. Máy làm sữa hạt có nhiều chế độ nấu sữa hạt cài đặt sẵn, có thể tự động ngâm, xay mịn và nấu chín sữa hạt mà không cần trông chừng. Hãy tham khảo bài review máy làm sữa hạt trên Blog Tranthuyduyen để tìm hiểu chi tiết hơn về loại máy này.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận