Máy xay sinh tố là một thiết bị nhà bếp, được dùng để xay vỡ, xay nhuyễn hoặc pha trộn các loại thực phẩm như hoa quả, sữa tươi, sữa đặc, nước, đá, thịt cá, hải sản,… Sử dụng máy xay sinh tố đúng cách giúp bạn thu được những những cốc sinh tố thơm ngon nhiều dinh dưỡng, sơ chế thực phẩm bảo toàn nhiều dưỡng chất, hợp vệ sinh và tránh ngộ độc thực phẩm.
Bài viết này hướng dẫn cách sử dụng máy xay sinh tố để bàn, máy xay sinh tố cầm tay (máy xay nhúng). Ngoài ra, những lưu ý để sử dụng máy xay sinh tố an toàn, hiệu quả như xay đá, các thực phẩm không nên xay, cách xử lý các lỗi máy xay sinh tố cũng sẽ được thảo luận trong phần cuối bài viết.
Cách dùng máy xay sinh tố để bàn
Các bước sử dụng máy xay sinh tố để bàn bao gồm:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bước 2: Chọn lưỡi dao và cối xay thích hợp
- Bước 3: Lắp máy xay sinh tố và cho nguyên liệu vào cối
- Bước 4: Chọn chức năng và tốc độ xay phù hợp với nhu cầu
- Bước 5: Tắt máy và đổ thành phẩm ra cốc
- Bước 6: Làm sạch máy xay sinh tố
Máy xay sinh tố để bàn là loại máy xay phổ biến nhất trong căn bếp của gia đình Việt, nhờ sự đa năng, khả năng xay nghiền mạnh mẽ và giúp người dùng rảnh tay. Máy xay sinh tố để bàn có cấu tạo gồm thân máy chứa động cơ, lưỡi dao và cối xay dung tích từ 1 – 2 lít. Một số dòng máy xay được trang bị thêm cối nhỏ để xay thịt cá, gia vị,… Máy xay để bàn có thể xay nguyên liệu khô hoặc ướt, khi xay cần để trên mặt phẳng.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bạn cần rửa sạch tất cả các nguyên liệu sẽ dùng để xay. Đối với các loại rau thân dài cần cắt thành từng khúc ngắn, để nguyên cọng dài có thể khiến lưỡi dao bị kẹt. Các loại củ quả cứng cần cắt thành miếng nhỏ, củ quả mềm cắt thành miếng vừa. Những loại quả có hạt như xoài, mận, bơ,… thì phải bỏ hạt để không làm gãy lưỡi dao.
Bước 2: Chọn lưỡi dao và cối xay thích hợp
Máy xay sinh tố để bàn có nhiều loại lưỡi dao với số lượng cánh, hình dáng và kích thước khác nhau. Các loại lưỡi dao thường gặp là lưỡi dao 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, 6 cánh. Hình dáng và kích thước lưỡi dao có bản to hoặc bản nhỏ, lưỡi phẳng hoặc răng cưa, cong lên hoặc cong xuống,… Cối xay cũng có nhiều dung tích và kích thước khác nhau.
Mỗi loại lưỡi dao và cối xay phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau, cụ thể như sau:
- Lưỡi dao 4 cánh hoặc 6 cánh bản nhỏ và cối lớn phù hợp để xay sinh tố hoa quả (smoothies).
- Lưỡi dao 2 cánh hoặc 3 cánh bản nhỏ và cối nhỏ thường dùng để xay gia vị như hạt tiêu hoặc các hạt như lạc, vừng (mè),…
- Lưỡi dao 2 cánh bản to và cối tròn (cối xay thịt) phù hợp cho xay thịt cá.
Bước 3: Lắp máy xay sinh tố và cho nguyên liệu vào cối
Bạn lắp lưỡi dao vào thân cối xay thật chặt để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Sau đó, lắp cối xay vào đúng khớp của thân máy, nếu lắp sai khớp máy sẽ không hoạt động hoặc bị cháy.
Đặt máy xay sinh tố để bàn trên bề mặt phẳng, khô ráo. Cho các nguyên liệu cần xay vào trong cối. Nếu xay sinh tố, bạn cần cho thêm nước, nhất là khi xay các loại quả đặc như bơ, chuối, xoài,… Đóng chặt nắp cối, cắm điện và chọn chế độ xay phù hợp.
Bước 4: Chọn chức năng và tốc độ xay phù hợp với nhu cầu
Mỗi loại máy xay sinh tố để bàn có các chức năng, tốc độ xay và bảng điều khiển khác nhau. Sau đây là hướng dẫn cơ bản cách dùng các chức năng và tốc độ của máy xay sinh tố để bàn:
- Máy xay sinh tố cài sẵn các chế độ xay: Bạn nhấn nút hoặc xoay núm điều khiển đến chức năng phù hợp nhu cầu sử dụng. Các chức năng thường có ở máy xay sinh tố để bàn là xay rau củ quả mềm, xay củ quả cứng, xay đá, xay thịt,…
- Máy xay sinh tố để bàn có nhiều tốc độ xay: Chọn tốc độ xay thấp cho nguyên liệu mềm như rau, trái cây. Chọn tốc độ xay cao cho nguyên liệu cứng như bí đỏ, cà rốt sống hay thịt cá tươi sống. Khi cần xay nhỏ đá viên, bạn nên chọn chế độ xay nhồi (pulse) sau đó chuyển sang tốc độ xay bình thường.
- Máy xay sinh tố để bàn không có chế độ cài đặt sẵn hay tốc độ xay: Bật nút “Khởi động” để xay và nhấn nút “Tắt” để ngừng xay.
Bước 5: Tắt máy và đổ thành phẩm ra cốc
Khi xay xong hỗn hợp, bạn tắt máy xay sinh tố và rút điện. Sau đó, xoay cối xay ngược chiều kim đồng hồ để gỡ cối ra khỏi thân máy và đổ thành phẩm ra ngoài để sử dụng.
Đối với sinh tố, nếu chưa sử dụng ngay thì cần được cho vào hộp đậy nắp kín hoặc hộp hút chân không. Bảo quản sinh tố trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 48 giờ.
Bước 6: Làm sạch máy xay sinh tố
Sau khi dùng xong máy xay sinh tố để bàn, bạn cần rửa sạch ngay cối xay, lưỡi dao và nắp cối với nước rửa chén và nước sạch. Lưỡi dao và đế dao là phần khó làm sạch nhất, bạn nên dùng bàn chải để cọ sạch thức ăn còn sót lại. Người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm do nấm mốc, vi khuẩn hay bị rối loạn tiêu hóa,… nếu sử dụng máy xay sinh tố chưa được làm sạch hoàn toàn. Cuối cùng, lau thân máy bằng khăn ẩm (tuyệt đối không rửa thân máy trực tiếp bằng nước).
Cách sử dụng máy xay sinh tố cầm tay
Các bước sử dụng máy xay sinh tố cầm tay như sau:
- Bước 1: Lắp ráp các bộ phận của máy
- Bước 2: Đặt máy xay vào cối và chọn chế độ phù hợp
- Bước 3: Tắt máy và vệ sinh
Máy xay sinh tố cầm tay (máy xay nhúng) là một thiết bị nhà bếp nhỏ gọn có khả năng xay linh hoạt ngay trong bát, trong nồi ở nhiều vị trí và nhiều góc khác nhau. Cách dùng máy xay cầm tay đơn giản hơn máy xay để bàn và sẽ được hướng dẫn chi tiết dưới đây.
Bước 1: Lắp ráp các bộ phận của máy xay cầm tay
Các bộ phận của máy xay cầm tay bao gồm:
- Thân máy: Bên trong chứa động cơ của máy. Trên thân máy có Nút nhấn khởi động, Nút Turbo (xay nhanh), nút xoay chỉnh tốc độ (thường ở trên đầu máy) và nút nhấn tháo rời trục xoay ở phía dưới thân máy.
- Trục xoay, cây đánh trứng: Dùng để xay thực phẩm và đánh trứng
- Cối xay thịt và cốc đựng để xay sinh tố, súp, cháo.
Để lắp ráp các bộ phận của máy xay cầm tay, bạn gắn trục xoay hoặc cối xay thịt vào thân máy, đảm bảo các khớp nằm đúng vị trí, sau đó vặn chặt đến khi nghe tiếng “tách”.
Bước 2: Đặt máy xay vào cối và chọn chế độ phù hợp
Nhúng trực tiếp lưỡi dao của máy xay vào thực phẩm. Thực phẩm cần xay có thể được chứa đựng trong cốc đựng (đi kèm với máy) hoăc các vật dụng chịu lực khác như bát tô sứ, bát tô thủy tinh, thau inox, nồi nấu thực phẩm,…
Tiếp theo, bạn chọn tốc độ xay phù hợp và nhấn nút “Khởi động”. Máy xay sinh tố cầm tay thường có 2 chế độ xay là xay chậm và xay nhanh. Chế độ xay chậm phù hợp để xay cháo, hành, tỏi, nước sốt,… Chế độ xay nhanh để xay thịt cá, phô mai cứng. Kết hợp cả hai chế độ này để xay củ quả cứng như khoai tây, khoai lang. Nếu máy xay cầm tay có nhiều tốc độ xay, bạn xoay núm ở đầu máy để chọn chế độ từ thấp đến cao.
Lưu ý khi vận hành máy xay nhúng, bạn phải nhúng ngập lưỡi dao vào trong thực phẩm để tránh văng bắn.
Đánh trứng bằng máy xay sinh tố cầm tay như thế nào? Để đánh trứng bằng máy xay sinh tố cầm tay, cần gắn que đánh trứng vào thân máy và bật chế độ xay chậm.
Bước 3: Tắt máy và vệ sinh
Sau khi dùng xong máy xay cầm tay, bạn tắt máy và rút nguồn điện rồi mới tháo máy để đảm bảo an toàn. Ấn vào nút tháo rời trục xoay trên thân máy xay để tháo máy.
Dùng khăn ẩm để lau sạch phần thân máy. Rửa sạch trục xoay, que đánh trứng và cối xay với nước rửa chén. Sau khi rửa máy xay sinh tố cầm tay, cần để khô các bộ phận rồi cất ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh hỏng hóc, gỉ sét.
Một số lưu ý khi vệ sinh máy xay cầm tay: sau khi xay nguyên liệu nhiều muối cần vệ sinh ngay để không bị gỉ sét, xay nguyên liệu có màu như củ dền, cà rốt,… thì dùng dầu thực vật tẩy màu trước rồi rửa lại bằng nước rửa chén.
Lưu ý để dùng máy xay sinh tố an toàn và hiệu quả
- Cắt nguyên liệu thành miếng nhỏ để xay nhanh, giúp máy không bị quá tải và không kẹt lưỡi dao
- Xay nguyên liệu theo thứ tự “lỏng trước, khô sau” để rút ngắn thời gian xay. Khi xay nguyên liệu khô, thỉnh thoảng nên dừng máy và đẩy nguyên liệu xuống đáy cối rồi xay tiếp
- Bỏ hạt cứng của hoa quả, lọc xương thịt cá để không làm gãy, làm cong lưỡi dao
- Không mở nắp cối xay, không dùng thìa đũa khuấy nguyên liệu khi máy vẫn đang chạy để đảm bảo an toàn
- Không bật máy xay liên tục quá 30 giây, ngừng sử dụng khi máy bị nóng. Rút điện máy xay ngay sau khi dùng để tránh chập cháy
- Rửa sạch cối xay và lưỡi dao ngay sau khi dùng giúp tránh nấm mốc, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Thân máy chứa động cơ chỉ được lau bằng khăn ẩm, không được rửa bằng nước
- Bảo quản máy xay sinh tố ở nơi khô ráo, thoáng mát sẽ kéo dài tuổi thọ của máy
Máy xay sinh tố có thể xay đá không?
Máy xay sinh tố để bàn công suất từ 500W trở lên có thể xay đá viên. Máy xay sinh tố cầm tay hoặc máy xay sinh tố mini không thể xay đá viên. Tham khảo các dòng máy xay sinh tố chất lượng có thể xay đá trong bài viết liên quan trên blog Trần Thùy Duyên.
Thực phẩm nào không nên xay bằng máy xay sinh tố?
Những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố là nguyên liệu lỏng đang nóng, đá viên cỡ lớn, thực phẩm đông lạnh, cua đồng, xương động vật, trái cây khô có nhiều xơ, hạt cà phê, thực phẩm quá nhiều tinh bột mới được nấu chín như khoai tây, khoai lang.
Máy xay sinh tố bị chảy nước phải làm thế nào?
Nguyên nhân: Trục của lưỡi dao bị dơ, gioăng cối xay bị rão hoặc bị hở, cối xay bị nứt,…
Cách xử lý: Thay lưỡi dao của máy xay; thay gioăng cối xay; đảm bảo gioăng cối xay không bị kênh rồi mới lắp lưỡi dao; kiểm tra, bảo hành máy xay thường xuyên để kịp thời phát hiện vấn đề và sửa chữa;…
Máy xay sinh tố bị kẹt phải làm sao?
Nguyên nhân: Xay quá nhiều nguyên liệu cùng lúc, không cắt nhỏ nguyên liệu, xay thực phẩm quá cứng, động cơ máy xay yếu, nguồn điện không ổn định, lưỡi dao bị rỉ sét,…
Cách xử lý: Không dồn nhiều nguyên liệu vào cối xay cùng lúc; cắt nhỏ thực phẩm; bỏ hạt cứng của trái cây, lọc bỏ xương động vật; không xay thực phẩm đông đá; bảo dưỡng động cơ máy xay thường xuyên; dùng máy xay ở nơi có điện áp ổn định; thay lưỡi dao máy xay;…
Máy xay sinh tố bị khét phải làm sao?
Nguyên nhân: Động cơ máy xay quá tải hoặc bám bẩn, lưỡi dao bị kẹt, trục quay lưỡi dao bị khô dầu, chập mạch ở bảng điều khiển, dây máy xay bị chảy nhựa.
Cách khắc phục: Thường xuyên kiểm tra và bảo trì máy xay sinh tố tại cửa hàng uy tín, không xay nhiều thực phẩm cùng lúc hoặc xay thực phẩm cứng để tránh kẹt dao, tra dầu vào trục quay của lưỡi dao, không dùng máy xay quá lâu,…