Tổng hợp cách làm 16 món bò hầm bồi bổ cơ thể

Cập nhật lần cuối:

Bò hầm là món ăn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, thịt bò hầm còn giúp xây dựng cơ bắp, nang tóc, da, enzym, hóc-môn, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và hệ tim mạch. Bò hầm phù hợp với người cần bổ sung dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và cho con bú, người tập thể thao, người bị thiếu máu,…

Thịt bò thường được hầm với các nguyên liệu như khoai tây, cà rốt, hành tây, nấm, đậu, thuốc bắc, tiêu xanh, dưa chua, bí đỏ, sả, đu đủ,… Bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm chi tiết của 16 món bò hầm bổ dưỡng cho cơ thể, đó là:

  1. Bò sốt vang
  2. Bò kho
  3. Cà ri bò
  4. Xáo bò
  5. Thịt bò hầm rau củ
  6. Bò hầm nấm
  7. Đuôi bò hầm sả
  8. Đuôi bò hầm thuốc bắc
  9. Bò hầm kiểu Đức
  10. Bê nấu nị
  11. Sườn bò hầm sả và đu đủ
  12. Gân bò hầm dưa chua
  13. Bò hầm tiêu xanh
  14. Bò hầm đậu Hà Lan
  15. Pín bò hầm thuốc bắc
  16. Thịt bò hầm bí đỏ

Các kinh nghiệm để nấu các món bò hầm ngon như cách hầm bò nhừ, cách khử mùi hôi thịt bò, phần thịt bò cần chọn và các nguyên liệu nên kết hợp với thịt bò sẽ được chia sẻ ở phần sau của bài viết.

1. Bò sốt vang

Cách nấu bò sốt vang đơn giản và ngon miệng như sau.

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt sườn bò hoặc cổ bò thái miếng vuông vừa ăn
  • 50 gram bơ
  • 3 quả cà chua thái miếng cau
  • 2 củ khoai tây bổ miếng vừa ăn
  • 2 củ cà rốt cắt miếng vừa ăn
  • ½ củ hành tây thái miếng cau
  • ½ củ hành tây thái lát mỏng
  • 2 muôi canh rượu vang đỏ
  • 2 muỗng (thìa) cafe đường
  • 2 muỗng cafe hạt nêm
  • 1,5 muỗng cafe ngũ vị hương
  • 1,5 muỗng cafe muối
  • 1 muỗng cafe bột gà
  • 1 muỗng cafe hạt tiêu xay
  • 1 bát tô nước đun sôi
  • ⅓ bát con tương cà chua
  • 5 lá nguyệt quế
  • 3 tép tỏi băm nhỏ
  • ½ củ gừng băm nhỏ
  • Rau mùi và cần tây thái nhỏ
  • Bột bắp hòa với nước

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp thịt bò với đường, muối, ngũ vị hương và rượu vang đỏ trong 20 – 30 phút.
  • Bước 2: Chắt riêng phần rượu vang còn thừa khi ướp thịt bò ra. Xào thịt bò với bơ, gừng và tỏi trong nồi lớn. Khi thịt bò săn lại thì đổ phần rượu vang vừa chắt, tương cà, hạt tiêu và bột gà vào nồi, xào đến khi phần nước trong nồi sánh lại.
  • Bước 3: Cho nước sôi và lá nguyệt quế vào nồi thịt bò, hầm thịt trong 10 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 4: Đổ cà chua, cà rốt và hạt nêm vào nồi, tiếp tục đun ở lửa nhỏ. Khi cà rốt bắt đầu mềm thì cho khoai tây vào nồi. Khi khoai tây chín mềm thì cho hành tây vào nồi, nấu chín hành tây.
  • Bước 5: Đổ từ từ nước bột bắp vào nồi thịt bò đến khi có được độ sánh mong muốn. Đun thịt bò thêm 3 phút rồi cho cần tây vào nồi và đun tiếp 1 – 2 phút nữa.
  • Bước 6: Múc thịt bò sốt vang ra bát và rắc rau mùi, hành tây thái lát lên trên mặt bát.

Bò sốt vang là món ăn có xuất xứ từ phương Tây, gồm có các nguyên liệu chính là thịt bò, rượu vang, khoai tây và cà rốt nấu nhừ. Bò sốt vang cung cấp nguồn đạm và sắt dồi dào, tốt cho người tập thể thao, người cần tăng cơ và người thiếu máu. Bò sốt vang phù hợp để ăn khi thời tiết mát mẻ và thường được ăn kèm với bánh mì, cơm, phở.

Món bò hầm sốt vang
Công thức nấu bò sốt vang

2. Bò kho

Dưới đây là cách nấu bò kho mềm và ngon.

Nguyên liệu:

  • 1 kg thịt nạm bò
  • 1 lít nước dừa
  • 300 gram cà rốt
  • 100 gram sả cây
  • 100 gram hành tây
  • 20 gram đường phèn
  • 20 gram bột năng
  • 10 gram hành tím
  • 10 gram tỏi
  • 10 gram muối
  • 10 gram hạt nêm
  • 10 ml dầu màu điều
  • 10 ml nước mắm
  • 3 gram bột ngũ vị hương
  • 2 viên gia vị nấu bò kho

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Chần thịt bò 3 phút bằng nước sôi để thịt ra bớt bọt.
  2. Bước 2: Rửa sạch thịt bò và thái thịt thành những miếng vuông vừa ăn.
  3. Bước 3: Cho thịt và tất cả các nguyên liệu, gia vị (trừ bột năng) vào nồi áp suất. Cho nước xâm xấp mặt thực phẩm.
  4. Bước 4: Đậy chặt nắp nồi áp suất rồi khóa van nồi.
  • Nồi áp suất điện: Chọn chế độ “Nấu áp suất cao”, thời gian 25 phút. Chọn chế độ “Thịt bò” nếu nồi áp suất điện có cài đặt sẵn chế độ. Xả áp tự nhiên sau khi nồi nấu xong.
  • Nồi áp suất cơ: Đun sôi nồi thịt ở lửa to. Khi nồi áp suất bắt đầu xì hơi nhẹ qua van thì hạ lửa nhỏ và đun nồi thịt trong 25 – 30 phút. Cho nồi xả áp tự nhiên.
  1. Bước 5: Khuấy tan bột năng với 2 thìa canh (muỗng canh) nước. Đổ từ từ bột năng vào nồi bò kho đang nóng, khuấy đều cho nước dùng sệt lại.

Bò kho là một món ăn ngon từ thịt bò, bao gồm thịt bò hầm mềm với các gia vị như sả, tỏi, hành, gừng, hồi, quế và ngũ vị hương. Bò kho có hương vị đậm đà, thường ăn kèm với cơm, bún và bánh mì.

Bò kho
Cách nấu bò kho

3. Cà ri bò

Cách nấu cà ri bò được nêu cụ thể sau đây:

Nguyên liệu:

  • 800 gram thịt dẻ sườn bò, thái miếng vuông vừa ăn
  • 400 gram khoai tây gọt vỏ, bổ miếng
  • 60 gram hành tây bóc vỏ, bổ miếng vuông
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ miếng
  • 270 ml nước cốt dừa
  • 5 củ sả đập dập
  • 2 quả ớt chỉ thiên
  • Nước cốt tỏi, tỏi băm
  • Gia vị: Bột cà ri, bột nghệ, bột quế, hạt nêm, bột canh, muối, hạt tiêu xay, nước mắm.

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp thịt bò với 1 thìa cafe (muỗng cafe) bột canh, 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe hạt tiêu xay, 1 thìa cafe bột cà ri, 1 thìa cafe bột quế, 15 ml nước cốt tỏi và 5 ml nước mắm. Thời gian để thịt bò ngấm đều gia vị là 30 – 60 phút.
  • Bước 2: Trộn khoai tây với ½ thìa cafe muối. Rán vàng khoai trong chảo dầu.
  • Bước 3: Xào săn thịt bò ở lửa lớn với 3 thìa canh dầu ăn, 1 thìa canh tỏi băm, 1 thìa canh bột cà ri, 1 thìa canh bột nghệ và sả đập dập.
  • Bước 4: Cho 1 lít nước lọc (hoặc 1 lít nước dừa tươi), 180 ml nước cốt dừa và ớt vào nồi thịt bò. Hầm thịt bò ở lửa nhỏ trong 50 – 60 phút.
  • Bước 5: Vớt bỏ củ sả. Cho cà rốt, khoai tây và hành tây vào nồi thịt bò, tiếp tục hầm 30 – 35 phút.
  • Bước 6: Nêm nếm nồi cà ri bò với ½ thìa cafe bột canh, 1 thìa cafe hạt nêm và 90 ml nước cốt dừa.
  • Bước 7: Tắt bếp, múc cà ri bò ra bát và thưởng thức.

Cà ri bò là món ăn có nguồn gốc từ Ấn Độ, gồm có thịt bò hầm mềm với gia vị cà ri, nước cốt dừa và các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, hành tây. Cà ri bò có hương vị đậm đà, cay, nước sốt sệt và béo ngậy, thích hợp để ăn cùng với bánh mì, bún hoặc cơm nóng,…

4. Xáo bò

Dưới đây là các bước để nấu món xáo bò tại nhà:

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt bò (nên chọn phần gân thịt)
  • 50 gram sả băm nhỏ
  • 25 gram hành tím băm nhỏ
  • 25 gram tỏi băm nhỏ
  • 20 gram ớt băm nhỏ
  • 3 cây sả đập dập
  • 1 muỗng canh (thìa canh) rượu trắng
  • 2 muỗng cafe mắm ruốc

Cách làm:

  • Bước 1: Đun sôi 1 nồi nước cùng ½ muỗng cafe muối và 1 thìa cafe nước mắm. Chần sơ thịt bò trong nồi nước vừa đun rồi vớt thịt bò ra rửa lại với nước sạch. Thái thịt bò thành miếng mỏng vừa ăn.
  • Bước 2: Phi thơm sả, hành tím, tỏi và ớt với dầu ăn trong nồi lớn. Cho thịt bò, sả cây, mắm ruốc và rượu trắng vào nồi. Nêm thêm 3 muỗng canh hạt nêm, 2 muỗng canh đường và 1 muỗng canh muối. Xào cho các gia vị ngấm vào thịt bò.
  • Bước 3: Cho 2,5 lít nước lọc vào nồi thịt bò rồi đun ở lửa lớn. Khi nước trong nồi sôi thì hạ nhỏ lửa và hầm thịt bò trong 45 phút.
  • Bước 4: Tắt bếp, nêm vào nồi xáo bò 3 muỗng canh nước mắm. Giảm lượng nước mắm nếu bạn muốn ăn nhạt, tuy nhiên hương vị của món xáo bò thường đậm đà hơn các món nước dùng khác.

Xáo bò là một món ăn mang nét đặc trưng của ẩm thực Huế. Xáo bò có hương vị đậm đà, phù hợp để ăn kèm với bánh ướt, bánh hỏi, phở, bún và nhiều loại tinh bột khác. Có thể dùng thịt bắp bò thay thế cho thịt gân bò.

Món xáo bò
Cách làm món xáo bò

5. Thịt bò hầm rau củ

Để nấu món thịt bò hầm rau củ, bạn làm theo hướng dẫn sau đây:

Nguyên liệu:

  • 300 gram thịt bò, thái miếng vuông vừa ăn
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, cắt miếng vuông nhỏ
  • 1 củ khoai tây gọt vỏ, cắt miếng vuông nhỏ
  • 1 quả cà chua bỏ vỏ, xay nhuyễn
  • ½ củ hành tây bóc vỏ, cắt miếng vuông nhỏ
  • 1 muỗng canh hành tím băm
  • Rau mùi (ngò rí) thái nhỏ
  • Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, dầu hào, hạt tiêu, đường.
  • Dầu ăn

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp thịt bò với 1 muỗng (thìa) cafe hạt tiêu, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cafe dầu ăn và 1 tép tỏi giã nhỏ. Thời gian tẩm ướp thịt là 30 phút.
  • Bước 2: Xào săn thịt bò với hành tím băm và 3 muỗng canh dầu ăn trong nồi lớn.
  • Bước 3: Cho cà chua xay, cà rốt và 500 ml nước lọc vào nồi thịt bò. Hầm nồi thịt ở lửa nhỏ – vừa trong 10 phút.
  • Bước 4: Cho khoai tây vào nồi, tiếp tục hầm đến khi khoai chín mềm.
  • Bước 5: Cho hành tây vào nồi, nêm thêm 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 ½ muỗng cafe đường. Đun nồi thịt bò trong 3 phút nữa.
  • Bước 6: Múc thịt bò hầm rau củ ra bát và trang trí thêm rau mùi thái nhỏ.

Thịt bò hầm rau củ là món ăn có nhiều chất dinh dưỡng nhờ sự kết hợp của đạm thịt bò và đường bột, xơ, vitamin, khoáng chất từ các loại rau củ (cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây). Thịt bò hầm rau củ phù hợp với nhiều đối tượng, từ trẻ em, người trưởng thành đến người lớn tuổi.

Bò hầm rau củ
Bò hầm rau củ

6. Bò hầm nấm

Dưới đây là cách làm món bò hầm nấm đậm đà, đưa cơm.

Nguyên liệu:

  • 1 kg thịt sườn bò, thái miếng vuông vừa ăn
  • 250 gram nấm đông cô (nấm hương)
  • 30 gram hành tím
  • 30 gram đầu hành lá
  • 10 gram rau mùi tàu (ngò gai) thái nhỏ
  • 2 củ cà rốt gọt vỏ, bổ khúc
  • 1 đầu hành baro
  • 1 củ gừng
  • 3 tép tỏi
  • 2 gram vỏ quả chanh
  • Gia vị: Hạt nêm, đường, muối

Cách làm:

  • Bước 1: Nướng thơm và đập dập hành tím, tỏi, gừng, đầu hành baro. Cho các nguyên liệu trên vào 1 túi lưới lọc.
  • Bước 2: Ướp thịt bò với 1 vài lát gừng trong 15 phút.
  • Bước 3: Xào săn thịt bò cùng đầu hành baro và 3 muỗng canh dầu ăn.
  • Bước 4: Cho 1,5 lít nước vào nồi thịt bò. Đun nồi thịt bò trên bếp ở lửa lớn, khi nước sôi thì vớt bọt, hạ nhỏ lửa và hầm thịt bò trong 1 giờ.
  • Bước 5: Nêm vào nồi thịt bò 30 gram hạt nêm, 1 thìa (muỗng) cafe muối và 20 gram đường. Cho túi gia vị ở bước 1 vào nồi. Hầm nồi thịt thêm 20 phút.
  • Bước 6: Vớt bỏ túi gia vị. Cho cà rốt vào nồi, tiếp tục hầm 15 phút.
  • Bước 7: Cho nấm đông cô vào nồi thịt bò, hầm trong 15 – 20 phút nữa.
  • Bước 8: Cho hành và rau mùi tàu vào nồi thịt bò rồi khuấy đều lên.

Bò hầm nấm được chế biến bằng cách hầm thịt bò cùng với nấm đông cô và một số gia vị khác, tạo nên một món ăn có hương vị thơm ngon, đậm đà, thơm ngon, thịt bò mềm và nấm ngọt. Món bò hầm nấm thường được ăn kèm với bánh mì do có phần nước sốt sánh nhẹ. Ngoài ra, bạn có thể ăn bò hầm nấm với cơm nóng.

Bò hầm nấm
Cách làm bò hầm nấm

7. Đuôi bò hầm sả

Dưới đây gợi ý cách nấu món đuôi bò hầm sả.

Nguyên liệu:

  • 1 kg đuôi bò, sơ chế sạch và chặt khúc
  • 10 cây sả, đập dập và cắt khúc 5 cm
  • 2 củ cải trắng, bổ miếng
  • 3 bông hoa hồi
  • 3 tép tỏi băm nhỏ
  • 3 củ hành tím băm nhỏ
  • 1 củ hành tây, thái miếng
  • 1 miếng vỏ quế
  • 1 củ gừng cắt lát, đập dập
  • 1 cây sả băm nhỏ
  • Gia vị: Bột cà ri, bột ớt, nước mắm, hạt nêm, muối, bột ngọt, đường thốt nốt, hạt tiêu xay

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp đuôi bò với 2 muỗng (thìa) canh nước mắm, 1 muỗng canh đường thốt nốt, ½ muỗng canh bột ớt, ½ muỗng cafe muối, ½ muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe hạt tiêu xay, 1 muỗng canh sả băm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe hành tím băm và ½ muỗng cafe bột cà ri. Thời gian ướp đuôi bò là 30 phút.
  • Bước 2: Xào nhanh đuôi bò ở lửa lớn với 2 muỗng canh dầu ăn, tỏi băm và hành băm còn lại, hoa hồi, vỏ quế, gừng, 2 cây sả đập dập và 1 muỗng canh đường thốt nốt.
  • Bước 3: Đổ nước xâm xấp mặt đuôi bò và đun ở lửa lớn cho nước sôi lên.
  • Bước 4: Chuyển phần đuôi bò ở bước 3 sang nồi áp suất, cho nốt phần sả cây đập dập, hành tím và củ cải vào nồi. Đổ thêm nước xâm xấp mặt các nguyên liệu. Hầm đuôi bò trong 20 phút ở áp suất cao.

Theo Báo Sức khỏe đời sống, đuôi bò được coi là một “siêu thực phẩm” nhờ hàm lượng collagen cao. Trong đuôi bò còn có nhiều protein, sắt, vitamin B và kẽm. Theo Y học cổ truyền, đuôi bò có vị ngọt, tính ấm, tốt cho người bị gân xương yếu, da sần khô nám, râu tóc bạc sớm và yếu sinh lý. Xong, bạn chỉ nên ăn món đuôi bò hầm với lượng vừa phải do đuôi bò chứa nhiều cholesterol, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

8. Đuôi bò hầm thuốc bắc

Để làm đuôi bò hầm thuốc bắc, bạn thực hiện theo các bước sau.

Nguyên liệu:

  • 1 cái đuôi bò nhỏ, sơ chế sạch và chặt khúc
  • 500 ml nước dừa
  • 50 gram hạt sen
  • 5 lát củ sen
  • 1 gói gia vị thuốc bắc
  • Nước lọc
  • Gia vị: Hạt nêm, đường, bột ngọt

Cách làm:

  • Bước 1: Cho đuôi bò, củ sen, hạt sen, gia vị thuốc bắc và nước dừa vào nồi. Nêm nếm 2 thìa (muỗng) cafe hạt nêm, 2 thìa cafe đường và ½ thìa cafe bột ngọt. Đun nồi đuôi bò ở lửa lớn cho nước dừa sôi lên.
  • Bước 2: Đổ thêm nước lọc ngập các nguyên liệu. Đun nồi đuôi bò ở lửa lớn, khi nước trong nồi sôi thì hạ lửa nhỏ và hầm đuôi bò trong 1 giờ.
  • Bước 3: Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị và thưởng thức.

Bạn không cần tẩm ướp trước đuôi bò với bất kể gia vị nào khi nấu đuôi bò hầm thuốc bắc. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng dầu ăn, đường và các gia vị đậm để món đuôi bò hầm có vị ngọt thanh tự nhiên, tốt cho sức khỏe.

Đuôi bò hầm thuốc bắc
Cách làm đuôi bò hầm thuốc bắc

9. Bò hầm kiểu Đức

Cách nấu bò hầm kiểu Đức chuẩn vị như sau.

Nguyên liệu:

  • 5 miếng thịt bò dần mỏng (kích thước 10 cm x 50 cm)
  • Thịt nguội (bacon)
  • 6 củ khoai tây luộc chín, nghiền nhuyễn
  • 5 quả dưa leo bao tử muối chua, bổ làm 4
  • 3 củ cà rốt gọt vỏ, bổ khúc nhỏ
  • 2 quả cà chua, bổ miếng cau
  • 1 củ hành tây bóc vỏ, thái miếng dài
  • ½ củ cần tây gọt vỏ, bổ miếng vuông nhỏ
  • Hành lá cắt nhỏ
  • Dầu ăn
  • Gia vị: Muối tiêu, mù tạt vàng, rượu vang đỏ

Cách làm:

  • Bước 1: Phết 1 lớp mỏng mù tạt vàng lên 1 mặt của miếng thịt bò.
  • Bước 2: Trải lần lượt 3 miếng thịt nguội, hành tây, dưa leo và 1 nhúm muối tiêu lên miếng thịt bò. Cuộn miếng thịt bò lại và cố định bằng que xiên thịt.
  • Bước 3: Đun nóng 2 thìa canh dầu ăn trên chảo, áp chảo thịt bò đến khi thịt vàng đều các mặt.
  • Bước 4: Xào hành tây, cà chua, cà rốt và củ cần tây với 2 thìa canh dầu ăn trong 2 phút. Cho vào nồi rau củ 4 thìa canh rượu vang đỏ và xào thêm 2 phút nữa.
  • Bước 5: Đổ 600 ml nước lọc vào nồi rau củ và đun sôi nước. Cho thịt bò vào nồi, hầm thịt bò trong 90 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 6: Cho hành lá vào nồi bò hầm và khuấy đều.
  • Bước 7: Múc thịt bò hầm và rau củ ra đĩa, ăn kèm với khoai tây nghiền.

Bò cuộn hầm kiểu Đức là một món ăn truyền thống của người Đức, thường được người Đức ăn trong các bữa trưa. Bò hầm kiểu Đức có nước sốt đậm đà, ngọt thơm từ các loại rau củ và hương vị đặc trưng của rượu vang đỏ.

10. Bê nấu nị

Sau đây là các bước làm món bê nấu nị đơn giản.

Nguyên liệu:

  • 250 gram thịt bê, thái miếng vừa ăn
  • 700 – 800 ml nước hầm xương
  • ½ củ khoai tây, ½ củ cà rốt, ¼ củ khoai môn gọt vỏ, cắt miếng vuông vừa và chiên chín
  • 3 tép tỏi đập dập
  • 2 cây sả cắt lát
  • 1 quả ớt sừng cắt lát
  • ½ bát ăn cơm nước cốt dừa
  • Gia vị: Bột cà ri, sốt cà ri nị, nước mắm, đường, muối, hạt nêm gà

Cách làm:

  • Bước 1: Băm rối ½ phần rau củ chiên để tạo độ sánh cho nước sốt.
  • Bước 2: Ướp thịt bê với 1 thìa (muỗng) cafe bột cà ri, ½ thìa cafe hạt nêm gà và ⅓ thìa cafe muối.
  • Bước 3: Bắc chảo lên bếp, xào thơm sả, ớt và tỏi với 1 thìa canh dầu ăn. Cho phần bột cà ri còn lại và thịt bê vào chảo, xào đến khi thịt bê săn lại. Tiếp tục cho phần rau củ băm vào chảo để xào.
  • Bước 4: Đổ nước hầm xương vào chảo thịt bê. Hầm chảo thịt bê trong 25 phút cho nước sốt sánh lại.
  • Bước 5: Nêm vào chảo thịt bê ½ thìa hạt nêm gà, 2 thìa cafe đường, ½ thìa cafe muối, 3 thìa cafe nước mắm, 1 thìa cafe sốt cà ri nị và nước cốt dừa.
  • Bước 6: Cho phần rau củ chiên còn lại vào chảo. Hầm thịt bê trong 5 phút nữa là hoàn thiện.

Bê nấu nị là một món ăn dạng cà ri, có mùi vị nồng hơn và cay hơn cà ri thông thường. Bạn nên chọn thịt bê có bì cho món bê nấu nị và chiên rau củ trước để khi nấu để rau củ không bị nát và tạo độ ngậy cho món ăn. Bê nấu nị thường được ăn kèm với bánh mì do có phần nước sốt sệt đậm đà.

Món bê nấu nị
Cách làm bê nấu nị

11. Sườn bò hầm sả và đu đủ

Cách làm sườn bò hầm sả nhanh gọn được nêu dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1,1 kg sườn bò
  • 1 kg thịt nạm bò
  • 1,2 kg đu đủ ương gọt vỏ, bổ miếng
  • 10 cây sả đập dập, cắt đôi
  • 30 gram gừng nướng thơm, đập dập
  • 3 củ hành tím nướng thơm
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ miếng
  • 1 củ hành tây bỏ vỏ, bổ đôi và nướng thơm
  • Gia vị: Hạt nêm, đường phèn, muối, nước mắm (tùy thích)

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sơ thịt bò bằng nước sôi trong 3 phút. Rửa sạch lại thịt bò với nước.
  • Bước 2: Cho thịt bò với 5 lít nước lọc, gừng nướng, hành tây nướng, hành tím nướng và sả vào nồi. Nêm nếm 1 thìa canh (muỗng canh) hạt nêm và 1 thìa canh đường phèn.
  • Bước 3: Đun nồi thịt bò ở lửa lớn. Khi nước trong nồi sôi thì vớt bọt và hạ lửa vừa. Hầm thịt bò trong 80 phút. Hoặc hầm trong 30 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 4: Vớt bỏ hành tây và hành tím. Vớt phần thịt nạm ra ngoài và để nguội, sau đó thái miếng vừa ăn.
  • Bước 5: Cho thêm 90 ml nước sôi, cà rốt và đu đủ vào nồi canh. Hầm canh trong 30 phút nữa.
  • Bước 6: Nêm nếm vào nồi canh 1 thìa canh hạt nêm, ½ thìa cafe muối và 1 thìa canh đường phèn. Tùy chỉnh lượng gia vị nếu muốn ăn đậm đà hoặc ăn nhạt hơn.

Sườn bò hầm sả và đu đủ là một món canh ít dầu mỡ và có hương vị ngọt thanh, phù hợp để ăn với bún và cơm. Khi nấu món sườn bò hầm sả và đu đủ, bạn nên chọn đu đủ hơi chín vàng để tạo độ ngọt cho nước dùng, tránh chọn đu đủ quá xanh hoặc quá chín.

12. Gân bò hầm dưa chua

Để nấu món gân bò hầm dưa chua, bạn làm như sau:

Nguyên liệu:

  • 250 gram gân nạm bò
  • 250 gram cà chua bi bổ đôi
  • 150 gram dưa chua thái nhỏ
  • 1 thìa (muỗng) canh nước cốt chanh
  • 1 thìa canh tỏi băm
  • 1 thìa canh dầu ăn
  • 1 thìa canh hạt nêm
  • 1 thìa canh nước mắm
  • ½ thìa cafe bột ngọt (tùy ý)
  • Đường
  • Rau mùi tàu (ngò gai) và rau ngổ (ngò om) thái nhỏ

Cách làm:

  • Bước 1: Hầm gân bò với 700 ml nước, nước cốt chanh, 1 thìa canh đường, hạt nêm và bột ngọt. Dùng đũa để kiểm tra độ chín mềm của gân bò, khi đũa xiên được qua gân bò nghĩa là gân bò đã mềm. Lúc này, vớt gân bò ra và thái miếng vừa ăn.
  • Bước 2: Xào thơm gân bò, cà chua và dưa chua với dầu ăn, tỏi băm, 1 thìa cafe đường, nước mắm và rau ngò.
  • Bước 3: Đổ phần nguyên liệu vừa xào ở bước 2 vào nồi nước hầm bò. Nấu cho nồi canh sôi lên là hoàn thiện.

Gân bò hầm dưa chua là một món ăn ngon, với sự kết hợp của gân bò dai giòn nhẹ và dưa muối chua thanh. Gân bò hầm dưa chua thích hợp để làm món canh trong bữa cơm gia đình.

Món gân bò hầm dưa chua
Gân bò hầm dưa chua

13. Bò hầm tiêu xanh

Dưới đây là hướng dẫn cách nấu món bò hầm tiêu xanh.

Nguyên liệu:

  • 1 kg thịt bắp bò làm sạch, thái miếng vuông vừa ăn
  • 40 gram tiêu xanh tước hạt, đập dập
  • 40 gram tiêu xanh tước hạt, để nguyên hạt
  • 100 gram hành tím nguyên củ, nướng thơm
  • 1 lít nước dừa tươi
  • 2 củ cà rốt gọt vỏ, bổ khúc
  • 2 muỗng (thìa) canh bột mì rang vàng
  • Hành tím băm và tỏi băm
  • Dầu ăn
  • Gia vị: Hạt tiêu xay, đường, hạt nêm, bột ngọt, nước tương, cà chua cô đặc, muối

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp thịt bò với ½ muỗng canh tỏi băm, ½ muỗng canh hành tím băm, 20 gram tiêu xanh đập dập, ½ muỗng cafe hạt tiêu xay, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh cà chua cô đặc và 1 muỗng canh dầu ăn. Thời gian để thịt bò ngấm gia vị là 30 – 60 phút.
  • Bước 2: Xào thơm ½ muỗng canh tỏi băm, ½ muỗng canh hành tím băm, 20 gram tiêu xanh đập dập và 2 muỗng canh cà chua cô đặc. Khi phần dầu ăn trong nồi ngả màu vàng, đổ thịt bò vào xào săn ở lửa lớn.
  • Bước 3: Cho bột mì rang vàng vào nồi thịt bò và đảo đều.
  • Bước 4: Đổ nước dừa tươi vào nồi thịt bò. Đun nồi thịt bò ở lửa lớn, khi nước trong nồi sôi bùng lên thì hạ lửa nhỏ – vừa. Nêm vào nồi ½ muỗng cafe muối. Hầm thịt bò trong 1 giờ. Hoặc hầm thịt bò 30 phút ở áp suất cao nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 6: Cho cà rốt, hành tím nướng, tiêu xanh nguyên hạt vào nồi và hầm thêm 30 phút nữa.

Bò hầm tiêu xanh được chế biến bằng cách hầm mềm thịt bò với tiêu xanh, tạo ra món ăn có hương vị đậm đà, cay nồng và thơm đặc trưng từ tiêu xanh. Món bò hầm tiêu xanh thích hợp để ăn với bánh mì nhờ có phần nước sốt sánh mịn. Khi nấu bò hầm tiêu xanh, bạn nên chọn phần bắp bò để thịt mềm, không bị khô và xen lẫn gân trong dai nhẹ.

Bò hầm tiêu xanh
Bò hầm tiêu xanh

14. Bò hầm đậu Hà Lan

Sau đây là cách nấu bò hầm đậu Hà Lan.

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt bắp bò, thái miếng cỡ vừa
  • 100 gram đậu trắng (ngâm qua đêm)
  • 75 gram đậu Hà Lan
  • 900 ml nước lọc
  • 500 ml nước dừa
  • 4 củ hành tím băm nhỏ
  • 3 tép tỏi băm nhỏ
  • 1 củ khoai tây gọt vỏ, bổ miếng
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ khúc
  • Rau mùi ta (ngò rí) thái nhỏ
  • Dầu ăn và dầu màu điều
  • 3 muỗng (thìa) canh bột năng hòa tan với ½ bát ăn cơm nước lọc
  • Gia vị: Tương cà chua, muối, hạt tiêu xay, bột ngọt

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp thịt bò với 3 muỗng canh tương cà, ½ muỗng cafe muối, ½ muỗng cafe hạt tiêu xay, 1 muỗng cafe bột ngọt và 1 muỗng canh dầu màu điều trong 60 phút.
  • Bước 2: Xào săn thịt bò với 2 muỗng canh dầu ăn, tỏi băm và hành tím băm.
  • Bước 3: Đổ đậu trắng, nước dừa và nước lọc vào nồi thịt bò. Đun nồi thịt bò ở lửa lớn, khi nước trong nồi sôi thì nêm nếm 1 muỗng cafe muối, 2 muỗng cafe đường và 2 muỗng canh tương cà.
  • Bước 4: Hầm thịt bò ở lửa nhỏ – vừa trong 2 giờ. Hoặc hầm thịt bò trong 60 – 75 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 5: Cho cà rốt vào nồi thịt bò, tiếp tục hầm trong 10 phút.
  • Bước 6: Cho khoai tây và đậu Hà Lan vào nồi, hầm đến khi khoai và đậu mềm.
  • Bước 7: Đổ từ từ nước bột năng vào nồi thịt bò và khuấy đều. Đun thêm 2 – 3 phút cho nước sốt sệt lại thì tắt bếp.
  • Bước 8: Múc thịt bò hầm ra bát, trang trí bằng rau mùi cắt nhỏ.

Theo Vinmec, đậu Hà Lan là nguồn cung cấp tuyệt vời chất xơ, protein, vitamin A, C, E, K, selen, kẽm và một số chất dinh dưỡng thực vật khác. Đậu Hà Lan giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, giảm mỡ máu và bệnh tim mạch, giúp chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da. Nhờ những lợi ích trên, đậu Hà Lan được khuyến nghị đưa vào chế độ ăn mùa Đông. Món bò hầm đậu Hà Lan là một gợi ý tuyệt vời cho thực đơn ngày đông của bạn. Bò hầm đậu Hà Lan có thể ăn kèm với cơm và bánh mì.

15. Pín bò hầm thuốc bắc

Sau đây là các bước để nấu món pín bò hầm thuốc bắc.

Nguyên liệu:

  • 1 bộ pín bò
  • 700 ml nước dừa tươi
  • 70 gram củ sen gọt vỏ, cắt lát
  • 50 gram hạt sen
  • 30 gram tỏi (để nguyên tép)
  • 1 gói gia vị thuốc bắc
  • 1 củ gừng cạo vỏ, thái lát
  • 300 gram rau xà lách xoong (ăn kèm)
  • Gia vị: Muối hạt, đường phè, hạt nêm

Cách làm:

  • Bước 1: Làm sạch pín bò. Dùng dao nhọn dọc thẳng đường ống của pín. Bóp pín nhiều lần với nước pha muối, rượu trắng, giấm và nước gừng. Rửa lại pín với nước sạch nhiều lần và để ráo.
  • Bước 2: Cho nước dừa, 300 ml nước lọc, gia vị thuốc bắc (trừ kỷ tử), củ sen, gừng và tỏi vào nồi. Nêm nếm ½ muỗng canh (thìa canh) muối hạt và ⅔ muỗng canh đường phèn.
  • Bước 3: Đun nồi nước ở lửa lớn, khi nước sôi thì cho pín bò vào nồi và tiếp tục đun. Vớt bọt và hạ lửa nhỏ.
  • Bước 4: Hầm pín bò trong 40 – 50 phút. Thỉnh thoảng mở nồi và kiểm tra độ chín của pín. Khi pín chín được 80% thì cho hạt sen tươi và kỷ tử vào nồi.
  • Bước 5: Hầm pín thêm 10 phút nữa. Sau đó, gắp pín ra khỏi nồi và thái pín thành miếng vừa ăn.
  • Bước 6: Nêm nếm thêm gia vị vào nước dùng tùy theo khẩu vị gia đình và tắt bếp. Cho thêm 1 muỗng canh rượu trắng vào nước dùng.

Pín bò (còn gọi là ngầu pín/ ngẩu pín bò) là cách gọi của người Quảng Đông (Trung Quốc) để chỉ bộ phận sinh dục của con bò đực, bao gồm cả dương vật và tinh hoàn. Món pín bò hầm thuốc bắc tốt cho nam giới, giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, trị yếu sinh lý, liệt dương,…

16. Thịt bò hầm bí đỏ

Để làm thịt bò hầm bí đỏ, bạn thực hiện như các bước dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt dẻ sườn bò, thái miếng vuông vừa ăn
  • 500 gram bí đỏ gọt vỏ, bổ miếng vuông
  • 1 củ cà rốt nhỏ gọt vỏ, bổ miếng
  • Gừng thái lát
  • Dầu ăn
  • Gia vị: Muối, hạt nêm, hạt tiêu xay, đường, hành tím băm, tỏi băm

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc chín cà rốt và 200 gram bí đỏ trong 5 – 7 phút, sau đó rây mịn.
  • Bước 2: Xào 300 gram bí đỏ còn lại với 1 muỗng canh dầu ăn và 1 muỗng canh tỏi băm. Nêm nếm ¼ muỗng (thìa) cafe hạt nêm, ¼ muỗng cafe đường, ½ muỗng cafe dầu hào. Thời gian xào bí là 1 – 2 phút.
  • Bước 3: Chần sơ thịt bò với nước sôi và vài lát gừng trong 2 – 3 phút. Rửa sạch lại thịt bò với nước.
  • Bước 4: Xào thịt bò với 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng canh hành tím băm và vài lát gừng. Nêm nếm ½ muỗng cafe hạt nêm, ½ muỗng cafe dầu hào, ½ muỗng cafe hạt tiêu xay, ½ muỗng cafe đường. Thời gian xào thịt là 3 – 5 phút.
  • Bước 5: Cho 1,5 lít nước lọc vào nồi thịt bò. Đun nồi thịt bò ở lửa lớn, khi nước trong nồi sôi thì hớt bọt và hạ nhỏ lửa. Hầm thịt bò trong 60 phút.
  • Bước 6: Cho bí đỏ xào, bí đỏ và cà rốt rây mịn vào nồi thịt bò. Tiếp tục hầm trong 10 – 12 phút.
  • Bước 7: Múc thịt bò hầm bí đỏ ra bát và trang trí thêm hành lá thái nhỏ.

Món thịt bò hầm bí đỏ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Thịt bò hầm bí đỏ thường ăn kèm với cơm nóng, bún và bánh mì. Khi nấu thịt bò hầm bí đỏ, bạn hạn chế cho đường và bột ngọt do thịt bò và bí đỏ đã có vị ngọt thanh tự nhiên.

Món bò hầm bí đỏ
Bò hầm bí đỏ

Làm thế nào để hầm bò nhừ?

Để hầm bò nhừ, cách tốt nhất và tiết kiệm thời gian là sử dụng nồi áp suất. Sử dụng nồi hầm chân không (hay nồi ủ chân không) là một cách để hầm bò nhừ trong thời gian dài mà không cần sử dụng nhiều điện hay gas. Ngoài ra, áp dụng một số bí quyết sau sẽ giúp thịt bò hầm nhanh mềm nhừ:

  • Cho rượu trắng hoặc giấm vào nồi thịt bò trong quá trình nấu. Cứ 1 kg thịt bò thì cho 2 – 3 thìa canh (muỗng canh) rượu trắng hoặc 1 thìa canh giấm.
  • Cho vào nồi thịt bò 1 cục đá lạnh khi hầm gân, thịt bắp đùi hoặc xương sườn để thịt bò nhanh mềm.
  • Chọn phần thịt bắp, gân hoặc nạm của con bò tơ để nấu. Cần chọn miếng thịt đỏ tươi, thớ nhỏ, có độ đàn hồi tốt và không bị hôi.
  • Trường hợp không mua được bò tơ, phết lên thịt bò 1 lớp mỏng mù tạt và để trong 6 – 8 giờ. Rửa sạch lại thịt bò với nước trước khi chế biến.

Hầm bò trong bao lâu?

Thời gian hầm bò tùy thuộc vào kích thước miếng thịt, loại thịt và loại nồi mà bạn sử dụng. Dưới đây là thời gian hầm bò trung bình đối với từng loại thiết bị nhà bếp:

  • Nồi áp suất: 20 – 60 phút (⅓ – 1 giờ)
  • Nồi ủ chân không: 120 – 150 phút (2 – 2,5 giờ)
  • Nồi nấu chậm: 150 phút (2,5 giờ)
  • Nồi cơm điện có tính năng hầm: 120 – 180 phút (2 – 3 giờ)

Thịt bò hầm gì ngon?

Thịt bò hầm với những nguyên liệu dưới đây sẽ cho ra các món ăn ngon:

  • Khoai tây, cà rốt có vị ngọt tự nhiên, giúp nước sốt của món hầm sánh mịn
  • Tiêu xanh có hương vị cay nồng đặc trưng, làm tăng hương vị của món bò hầm
  • Nấm có vị ngọt thanh và hương thơm tự nhiên, giúp món bò hầm thơm ngon
  • Sả có mùi thơm và hương vị đặc trưng, giúp khử mùi hôi của bò và làm nước dùng đậm vị
  • Dưa chua có độ chua nhẹ, làm mềm thịt bò và cân bằng vị béo
  • Rượu vang giúp thịt bò mềm và có hương vị phong phú, đậm đà
  • Cà chua có độ chua nhẹ, giúp làm mềm thịt bò và làm món hầm có màu sắc đẹp mắt
  • Đậu Hà Lan có nhiều dưỡng chất tốt, khi hầm với thịt bò tạo ra món ăn bổ dưỡng, phù hợp để ăn vào mùa lạnh.

Nên chọn phần thịt bò nào để hầm?

Nên chọn phần thịt bò bắp, nạm gân, sườn, đuôi hoặc đùi để hầm. Các phần thịt bò trên chứa nhiều mô liên kết, gân, và mỡ. Các mô liên kết và gân sẽ dần tan chảy khi được hầm nhừ, làm cho thịt trở nên mềm và nước dùng bò trở nên ngọt và thơm.

Một số phần thịt bò nên dùng để hầm
Các phần thịt bò dùng để hầm

Làm thế nào để khử bớt mùi gây của thịt bò?

Để khử bớt mùi gây của thịt bò, bạn ngâm rửa thịt bò bằng gừng, rượu, chanh, giấm hoặc muối trắng; chần sơ thịt bò trong nước sôi hoặc tẩm ướp thịt bò với hành và tỏi.

Bò hầm ăn với gì ngon?

Bò hầm ngon khi ăn với cơm nóng, bún, phở, bánh mì, bánh hỏi, bánh ướt, bánh cuốn,…

Bò hầm có tác dụng gì?

Bò hầm là một trong các món hầm được nhiều người yêu thích. Bò hầm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người như:

  • Cung cấp nhiều chất đạm, giúp xây dựng cơ bắp, tế bào da, nang tóc, enzym và hóc-môn và tái tạo các mô bị tổn thương.
  • Cung cấp hàm lượng lớn sắt, kẽm, selen, vitamin B có trong thịt bò, giúp giảm viêm sưng, giúp cơ tim hoạt động tốt.
  • Hỗ trợ sức khỏe hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng thiết yếu nhờ các vitamin, khoáng chất có trong rau củ hầm. Chẳng hạn, vitamin A có trong cà rốt, vitamin C có trong khoai tây, vitamin B1 – B6 có trong nhiều loại rau củ,…
  • Cải thiện sức khỏe đường ruột nhờ chất xơ từ rau củ.

Ai nên ăn bò hầm?

Những người nên ăn bò hầm là người cần bổ sung dinh dưỡng (người ốm, người bị suy nhược cơ thể), phụ nữ mang thai và cho con bú, người tập thể thao, người bị thiếu máu,… do trong thịt bò có nhiều protein, sắt và vitamin B12,…

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận