Tổng hợp cách làm 10 món chân giò hầm bổ mà không ngấy

Cập nhật lần cuối:

Chân giò heo hầm cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chân giò heo hầm còn có tác dụng như bài thuốc, giúp bổ khí huyết, trị các chứng viêm nhiễm lâu ngày, giúp sinh cơ, liền sẹo,… Món chân giò hầm tốt cho người ốm bệnh, người cần tẩm bổ, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em chậm lớn, người lớn tuổi, người lao động nặng,…

Chân giò heo thường được hầm với các nguyên liệu như hạt sen, nấm hương, gia vị thuốc bắc, khoai,… Bài viết này sẽ gợi ý cách làm chi tiết của 10 món chân giò hầm bổ dưỡng mà không ngấy, đó là:

  1. Giò heo hầm hạt sen
  2. Chân giò hầm thuốc bắc
  3. Chân giò hầm Quảng Đông
  4. Chân giò hầm nấm
  5. Chân giò hầm kiểu Trung quốc
  6. Chân giò hầm ngũ vị
  7. Chân giò hầm măng khô
  8. Chân giò ninh khoai
  9. Chân giò hầm sữa kiểu Đức
  10. Giò heo hầm đu đủ

Các lưu ý để nấu món chân giò hầm ngon như cách hầm chân giò mềm nhừ, cách chọn mua chân giò ngon và các nguyên liệu nên kết hợp với chân giò có ở phần sau của bài viết này.

1. Giò heo hầm hạt sen

Sau đây là cách nấu món giò heo hầm hạt sen.

Nguyên liệu:

  • 1 cái giò heo làm sạch, chặt khúc
  • 100 gram hạt sen
  • 1 củ cà rốt nạo vỏ, cắt miếng
  • ½ bắp ngô ngọt, bổ miếng vừa ăn
  • ½ củ cải trắng gọt vỏ, cắt miếng
  • Rau mùi ta (ngò rí) thái nhỏ
  • Gia vị: Hạt nêm, muối, đường, bột ngọt

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sơ giò heo với nước sôi và 1 thìa cafe (muỗng cafe) muối trong 2 – 3 phút. Rửa sạch lại chân giò với nước.
  • Bước 2: Đổ 1,5 lít nước vào nồi. Cho chân giò, 1 thìa cafe muối và ½ thìa cafe bột ngọt vào nồi nước. Đun nồi chân giò ở lửa to.
  • Bước 3: Khi nước trong nồi sôi thì cho ngô và hạt sen vào nồi. Hạ lửa nhỏ, hầm nồi canh đến khi hạt sen chín mềm.
  • Bước 4: Cho củ cải trắng vào nồi canh. Tiếp tục hầm đến khi củ cải trắng, ngô và hạt sen chín đều.
  • Bước 5: Cho cà rốt vào nồi. Nêm nếm 2 thìa cafe hạt nêm, ½ thìa cafe bột ngọt, 2 thìa cafe đường. Hầm canh thêm 5 – 10 phút cho cà rốt chín.
  • Bước 6: Tắt bếp, cho rau mùi vào nồi canh và khuấy đều.

Giò heo hầm hạt sen có hương vị thanh mát, ngọt dịu, giúp an thần, cải thiện giấc ngủ và bồi bổ sức khỏe. Món giò heo hầm hạt sen có thể ăn kèm với bún hoặc cơm nóng.

2. Chân giò hầm thuốc bắc

Để làm chân giò hầm thuốc bắc, bạn thực hiện theo các bước sau.

Nguyên liệu:

  • 1 cái chân giò trước (1 – 1,2 kg)
  • 1 lít nước lọc
  • 500 ml nước ngâm nấm hương
  • 50 gram gừng thái lát mỏng
  • 40 gram hành tím đập dập
  • 30 gram nấm hương khô ngâm nước
  • 30 gram quả táo đỏ
  • 1 gói thuốc bắc ngâm nước, rửa sạch và để ráo
  • 2 thìa (muỗng) canh xì dầu đặc
  • 1 thìa cafe hạt nêm
  • 1 thìa cafe hạt tiêu xay
  • 1 thìa cafe bột ngọt (tùy thích)
  • Ớt thái chỉ
  • Rau mùi
  • Đầu hành

Cách làm:

  • Bước 1: Quết 1 lớp mỏng xì dầu đặc lên chân giò. Chiên chân giò ngập trong dầu ăn đến khi giòn bì. Hoặc nướng chân giò bằng lò chiên không dầu ở 200℃, mỗi mặt chân giò nướng trong 30 phút.
  • Bước 2: Rải hành tím, gừng và nấm hương xuống đáy nồi. Cho chân giò, thuốc bắc, nước ngâm nấm hương, 1 thìa canh xì dầu đặc, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu và nước lọc vào nồi.
  • Bước 3: Đun nồi chân giò ở lửa lớn, đến khi nước sôi thì hớt bọt và hạ nhỏ lửa. Hầm chân giò trong tối thiểu 1 giờ. Hoặc hầm chân giò 30 – 40 phút với nồi áp suất và để nồi xả áp tự nhiên.
  • Bước 4: Lấy chân giò hầm thuốc bắc ra bát và trang trí với đầu hành, rau mùi, ớt thái chỉ.

Chân giò hầm thuốc bắc được chế biến bằng cách hầm nhừ chân giò heo với các gia vị thuốc bắc như đương quy, táo đỏ, kỷ tử, hoàng kỳ,… Chân giò hầm thuốc bắc thơm ngon và bổ dưỡng, phù hợp với người cần tăng cân, phụ nữ sau sinh, người cần bồi bổ sức khỏe,… Xong, bạn không nên ăn món chân giò hầm quá nhiều do trong chân giò có nhiều chất béo.

3. Chân giò hầm Quảng Đông

Dưới đây hướng dẫn các bước nấu món chân giò hầm Quảng Đông.

Nguyên liệu:

  • 1 chân giò heo trước (1,5 kg) nướng xém bì
  • 50 ml rượu trắng
  • 10 gram đầu hành
  • 5 cánh hoa hồi
  • 2 củ hành tím thái lát
  • 1 thanh vỏ quế
  • 1 quả thảo quả
  • ½ củ gừng thái lát
  • 2 muỗng (thìa) canh xì dầu
  • 2 muỗng canh dầu điều
  • 2 muỗng canh dầu mè
  • 2 muỗng canh đường
  • 1 muỗng canh ớt bột không cay
  • 1 muỗng canh bột năng pha nước
  • 1 muỗng canh dầu hào
  • 1 muỗng cafe muối
  • 1 muỗng cafe hạt nêm
  • 1 muỗng cafe ớt sừng thái nhỏ

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc chân giò với hành tím, gừng và rượu trắng trong 15 phút.
  • Bước 2: Rang vàng vỏ quế, hoa hồi, thảo quả, đầu hành và ớt sừng.
  • Bước 3: Trộn đều hỗn hợp xì dầu, dầu điều, dầu hào, dầu mè, đường, muối, hạt nêm và ớt bột không cay để làm nước sốt.
  • Bước 4: Đổ 1,5 lít nước lọc vào nồi. Cho gia vị đã rang thơm ở bước 2 và hỗn hợp nước sốt đã trộn ở bước 3 vào nồi. Đun sôi nồi nước.
  • Bước 5: Cho chân giò vào nồi và hầm chân giò ở lửa nhỏ. Khi trong nồi còn lại 1,5 bát con nước dùng thì lấy chân giò ra và lọc nước dùng qua rây.
  • Bước 6: Tiếp tục đun nước dùng với nước bột năng đến khi nước dùng sánh lại.
  • Bước 7: Bày chân giò ra đĩa. Rưới nước dùng lên chân giò và thưởng thức.

Chân giò hầm Quảng Đông là món ăn truyền thống trong nền ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc). Món chân giò hầm Quảng Đông được làm bằng cách hầm nhừ chân giò heo với rượu trắng và các gia vị như hoa hồi, vỏ quế, thảo quả, ớt bột,… Chân giò hầm Quảng Đông có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho người ốm, người cần bồi bổ sức khỏe, phụ nữ sau sinh,…

4. Chân giò hầm nấm

Cách nấu món chân giò hầm nấm được nêu chi tiết dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 chân giò heo trước (1,5 kg) làm sạch
  • 300 gram hạt sen tươi, bỏ tâm sen
  • 200 gram nấm hương tươi, cắt miếng dày 1cm
  • 50 gram hành tím, bổ đôi hoặc bổ 4
  • 35 gram tỏi
  • 8 gram ớt khô
  • 900 ml nước dừa tươi
  • 2 lít nước lọc
  • 2 củ cà rốt nạo vỏ, bổ miếng
  • 1 củ hành tây bóc vỏ, bổ đôi
  • Hành lá cắt khúc 1 cm
  • Rễ rau mùi (ngò rí) đập dập
  • 3 thìa canh bột chiên giòn
  • Gia vị: Nước tương, nước mắm, đường thốt nốt, rượu trắng, hạt nêm, muối

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sơ chân giò với nước sôi, 1 củ hành tím, hành lá và 1 thìa cafe muối trong 3 phút. Rửa lại chân giò với nước sạch và để ráo.
  • Bước 2: Bắc 1 chảo dầu lên bếp rồi cho bột chiên giòn vào chảo dầu. Cho chân giò vào chảo và chiên đến khi chân giò vàng đều.
  • Bước 3: Chiên sơ hành tím, tỏi và ớt khô trong chảo dầu. Vớt các nguyên liệu trên ra và cho vào nồi lớn.
  • Bước 4: Cho chân giò, rễ rau mùi, hành tây, nước dừa tươi và nước lọc vào nồi. Nêm nếm 4 thìa canh nước tương, 3 thìa canh nước mắm, 45 gram đường thốt nốt, 4 thìa canh rượu trắng, 1 thìa canh hạt nêm và 1 thìa cafe muối.
  • Bước 5: Đun nồi chân giò ở lửa lớn. Khi nước trong nồi sôi thì hớt bọt và hạ lửa vừa. Hầm chân giò trong 1 giờ.
  • Bước 6: Cho hạt sen và nấm hương vào nồi chân giò. Tiếp tục hầm canh trong 20 phút nữa.
  • Bước 7: Vớt rễ rau mùi và hành tây ra khỏi nồi canh. Cho cà rốt vào nồi và hầm thêm 10 phút. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị gia đình.
Chân giò hầm nấm
Món chân giò hầm nấm

Chân giò hầm nấm là một món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng, kết hợp chân giò hầm nhừ với nấm đông cô giòn ngọt và các gia vị khác. Món chân giò hầm nấm ngon khi ăn kèm với cơm, bún hoặc bánh mì.

5. Chân giò hầm kiểu Trung quốc

Sau đây là các bước để làm chân giò hầm kiểu Trung Quốc.

Nguyên liệu:

  • 1 cái chân giò (1,2 kg) làm sạch, chặt khúc
  • 200 ml xì dầu loãng
  • 40 ml rượu trắng
  • 30 gram đường phèn
  • 30 gram hạt nêm
  • 5 quả ớt sừng
  • 3 cây hành hoa (hành lá), cuộn thành búi
  • 2 cánh hoa hồi
  • 1 nhánh gừng thái lát
  • 1 miếng vỏ quế

Nguyên liệu:

  • Bước 1: Chần sơ chân giò với nước sôi trong 1 – 2 phút. Rửa sạch lại chân giò với nước.
  • Bước 2: Chiên vàng chân giò và gừng bằng dầu ăn.
  • Bước 3: Thắng đường phèn cùng 1,5 thìa canh (muỗng canh) dầu ăn. Khi đường ngả màu cánh gián thì đổ chân giò vào đảo đều.
  • Bước 4: Đổ lần lượt rượu trắng, hạt nêm, xì dầu, vỏ quế, hoa hồi, ớt và gừng vào nồi chân giò. Đảo đều chân giò cùng các gia vị trên trong 2 phút cho chân giò ngấm gia vị.
  • Bước 5: Đổ nước xâm xấp mặt chân giò và cho hành hoa vào nồi. Hầm chân giò ở lửa nhỏ trong 1 giờ kể từ khi nước trong nồi sôi lên.

Chân giò hầm Trung Quốc được làm bằng cách hầm nhừ chân giò với xì dầu loãng và các gia vị như rượu trắng, đường phèn, hồi, quế,… Chân giò hầm Trung Quốc có hương vị thơm ngon đặc trưng, thích hợp để làm món ăn đổi bữa cho gia đình. Món chân giò hầm Trung Quốc thường ăn kèm với cơm nóng, bánh mì hoặc bánh bao chay.

6. Chân giò hầm ngũ vị

Để nấu món chân giò hầm ngũ vị, bạn làm theo các bước sau đây.

Nguyên liệu:

  • 2 cái chân giò làm sạch, chặt khoanh tròn
  • 3 tép tỏi đập dập
  • 2 cánh hoa hồi
  • 1 thanh quế
  • 1 quả thảo quả
  • 1 củ gừng thái lát, đập dập
  • 3 thìa (muỗng) cafe nước hàng (nước màu)
  • 2 thìa cafe bột canh
  • 1 thìa cafe nước tương
  • 1 thìa cafe dầu hào

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sơ chân giò với nước sôi trong 2 – 3 phút. Rửa lại chân giò với nước sạch.
  • Bước 2: Đảo đều chân giò cùng nước hàng, bột canh, nước tương và dầu hào trong 2 phút.
  • Bước 3: Cho chân giò, quế, hoa hồi, thảo quả, gừng và tỏi vào nồi áp suất. Đổ nước xâm xấp mặt các nguyên liệu trên.
  • Bước 4: Cài đặt chế độ “”Thịt” và “Áp suất cao” trong 30 phút nếu dùng nồi áp suất điện. Hoặc canh giờ hầm chân giò 30 phút kể từ khi nồi bắt đầu xì hơi nếu dùng nồi áp suất cơ.

Chân giò hầm ngũ vị gồm có chân giò heo hầm nhừ với hoa hồi, vỏ quế, thảo quả, tỏi và gừng. Chân giò hầm ngũ vị có hương vị thơm ngon, đậm đà và màu sắc đẹp mắt. Món chân giò hầm ngũ vị rất ngon khi ăn kèm với cơm nóng.

7. Chân giò hầm măng khô

Cách làm món chân giò hầm măng khô được nêu cụ thể dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 800 gram chân giò làm sạch, chặt khúc
  • 100 gram măng xé sợi 1 cm, sơ chế sạch
  • 5 gram nấm hương khô ngâm nở
  • 5 cái đầu hành
  • 3 – 4 củ hành tím băm nhỏ
  • 2 củ hành tím đập dập
  • 1 quả ớt sừng cắt khúc
  • Gia vị: Hạt nêm, muối, bột ngọt

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc chân giò với nước sôi và muối trong 5 – 7 phút. Rửa sạch lại chân giò với nước.
  • Bước 2: Ướp măng với 1 muỗng (thìa) cafe hạt nêm và ⅓ muỗng cafe muối trong 10 phút. Xào thơm măng và nấm hương với hành tím băm và 2 thìa canh dầu ăn trong 3 phút.
  • Bước 3: Hầm chân giò với 1,5 lít nước, 1 muỗng cafe muối, hành tím đập dập và ớt sừng trong 40 phút.
  • Bước 4: Cho măng và nấm xào vào nồi chân giò, tiếp tục hầm 15 phút.
  • Bước 5: Cho đầu hành vào nồi chân giò. Nêm nếm ½ muỗng cafe muối, ½ muỗng cafe bột ngọt và 1 muỗng cafe hạt nêm. Hầm canh thêm 5 phút là hoàn thiện.

Chân giò hầm măng khô là một trong những món ăn truyền thống của Việt Nam, thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, giỗ chạp, đám tiệc,… Chân giò hầm măng khô có hương vị thơm ngon, nước súp đậm đà và béo ngậy, chân giò mềm tan và măng khô dai giòn.

Món chân giò hầm măng khô
Chân giò hầm măng khô

8. Chân giò ninh khoai

Dưới đây là hướng dẫn cách làm chân giò ninh khoai.

Nguyên liệu:

  • 1 cái chân giò heo trước (1,1 kg) thui, làm sạch, lọc xương và thái miếng
  • 1 kg khoai sọ gọt vỏ, ngâm nước muối loãng 10 phút, rửa sạch và bổ miếng
  • 40 gram hành tím và 25 gram tỏi băm nhỏ
  • 30 gram gừng đập dập
  • 1 củ hành tây bổ đôi
  • Gốc mùi ta (ngò rí) đập dập
  • Đầu hành đập dập
  • Mùi tàu (ngò gai), hành lá và mùi ta thái nhỏ
  • Gia vị: Muối, đường, hạt tiêu xay, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp chân giò với ½ phần hành tỏi băm nhỏ, 1 muỗng cafe (thìa cafe) muối, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe đường, ⅓ muỗng cafe hạt tiêu xay, ½ muỗng cafe bột ngọt và 1 muỗng canh nước mắm. Thời gian để chân giò thấm gia vị là 20 phút.
  • Bước 2: Xào chân giò với phần hành tỏi băm còn lại và 2 muỗng canh dầu ăn trong 2 phút.
  • Bước 3: Hầm phần xương lọc ra từ chân giò với hành tây, gừng, đầu hành, gốc mùi ta và 3 lít nước. Thời gian hầm xương là 30 – 40 phút kể từ khi nước sôi.
  • Bước 4: Đổ chân giò vào nồi nước xương. Hầm chân giò 40 – 60 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 5: Lọc nước hầm qua rây để loại bỏ các gia vị hầm kèm và cặn xương.
  • Bước 6: Cho khoai sọ vào nồi chân giò, hầm thêm 15 phút nữa ở lửa nhỏ. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị gia đình.
  • Bước 7: Múc canh chân giò ninh khoai ra bát và trang trí với rau hành thái nhỏ.

Chân giò ninh khoai bao gồm chân giò heo hầm nhừ với khoai môn/ khoai sọ. Chân giò ninh khoai có phần nước dùng hơi sánh và nhớt nhẹ do collagen tiết ra từ bì heo và chất nhớt có trong khoai. Nhìn chung, chân giò ninh khoai là một món ăn ngon, cung cấp nhiều năng lượng, giúp giảm táo bón và tốt cho xương khớp.

9. Chân giò hầm sữa kiểu Đức

Sau đây là cách nấu món chân giò hầm sữa kiểu Đức.

Nguyên liệu:

  • Phần chân giò hầm:
    • 600 gram chân giò rút xương
    • 250 ml nước hầm xương
    • 200 ml sữa tươi không đường
    • 30 ml rượu vang
    • 7 lá nguyệt quế
    • 2 củ khoai tây gọt vỏ, bổ 4
    • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ miếng
    • 1 củ hành tây bổ miếng vuông nhỏ
    • 1 cây tỏi tây bổ đôi, cắt khúc 5 cm
    • 3 tép tỏi băm nhỏ
    • 1,5 thìa cafe (muỗng cafe) hạt nêm
    • ½ thìa cafe hạt tiêu
  • Phần nước sốt kem:
    • 250 ml sữa tươi không đường
    • 70 ml kem tươi
    • 1 bát ăn cơm nước hầm (chắt từ nồi chân giò hầm)
    • 3 thìa cafe bột mỳ
    • 2 thìa cafe bơ
    • 1 thìa cafe tỏi băm
    • ½ thìa cafe hạt tiêu
    • Rau mùi (ngò rí) thái nhỏ

Cách làm:

  • Phần chân giò hầm:
    • Bước 1: Ướp chân giò với tỏi băm, hạt tiêu và hạt nêm trong 10 phút.
    • Bước 2: Xào hành tây và tỏi tây với 1 thìa canh dầu oliu. Cho chân giò, nước hầm xương, sữa tươi, rượu vang và lá nguyệt quế vào nồi hành tỏi vừa xào.
    • Bước 3: Hầm chân giò trong 2,5 giờ ở lửa nhỏ. Hoặc hầm chân giò trong 1,5 giờ nếu dùng nồi áp suất.
    • Bước 4: Cho khoai tây và cà rốt vào nồi chân giò, hầm thêm 30 phút nữa.
  • Phần nước sốt kem:
    • Bước 1: Phi thơm tỏi băm với bơ.
    • Bước 2: Đổ nước hầm và sữa tươi vào nồi bơ tỏi, đun sôi hỗn hợp các nguyên liệu trên.
    • Bước 3: Cho bột mỳ vào hỗn hợp ở bước 2 và khuấy đều. Khi hỗn hợp trên sệt lại thì đổ kem tươi vào.
    • Bước 4: Cho rau mùi và hạt tiêu vào sốt kem, khuấy đều là hoàn thiện.

Chân giò hầm sữa kiểu Đức là một món ăn có hương vị độc đáo, với sự kết hợp của chân giò hầm nhừ trong sữa và sốt kem béo. Chân giò hầm sữa thường được ăn kèm với bánh mì. Xong, bạn nên cân nhắc khi đưa món chân giò hầm sữa vào thực đơn do hàm lượng chất béo cao của món ăn này.

10. Giò heo hầm đu đủ

Để nấu giò heo hầm đu đủ, bạn làm như sau.

Nguyên liệu:

  • 500 gram giò heo làm sạch, chặt khúc
  • 350 gram đu đủ ương, gọt vỏ và bổ miếng
  • Hành lá và rau mùi (ngò rí) thái nhỏ
  • Gia vị: Hành tím băm, muối, đường, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu xay

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp chân giò với ½ muỗng canh hành tím băm, ⅓ muỗng canh muối, ¼ muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm và ½ muỗng cafe hạt tiêu xay. Thời gian ướp chân giò là 30 phút.
  • Bước 2: Hầm chân giò với 1,5 lít nước lọc trong 60 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 3: Cho đu đủ vào nồi chân giò, hầm thêm 15 phút nữa.
  • Bước 4: Múc canh giò heo hầm đu đủ ra bát và rắc hành mùi lên trên.

Giò heo hầm đu đủ có vị ngọt thanh từ nước dùng giò heo hầm với đu đủ xanh. Giò heo hầm đu đủ cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, tốt cho mẹ sau sinh và cho con bú và người cần phục hồi sức khỏe. Xong, theo Vinmec, bà bầu cần thận trọng khi ăn đu đủ xanh vì nhựa đu đủ có nguy cơ gây sảy thai. Tốt nhất, bà bầu nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia trước khi ăn các món liên quan đến loại quả trên.

Giò heo hầm đu đủ
Chân giò hầm đu đủ

Làm thế nào để hầm chân giò nhừ?

Để hầm chân giò nhừ, bạn cần hầm ở lửa nhỏ trong thời gian tối thiểu là 1 giờ nếu sử dụng nồi thường. Hoặc sử dụng phương pháp nấu áp suất, nấu chậm trong nồi ủ, hầm thời gian dài bằng nồi nấu chậm hoặc nồi cơm điện có chức năng hầm. Những thiết bị nêu trên giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong thời gian dài, làm cho chân giò chín nhừ mà không bị khô.

Ngoài ra, để hầm chân giò nhừ và ngon, bạn hãy áp dụng một số mẹo như: Đảm bảo chân giò ngập nước, cho muối vào nước hầm để chân giò đậm đà, hầm chân giò cùng hành và gừng để khử mùi hôi của chân giò, hầm chân giò cùng thảo mộc để món ăn thơm ngon và bổ dưỡng.

Nên ninh chân giò heo trong bao lâu?

Nên ninh chân giò heo trong thời gian như sau:

  • Sử dụng nồi áp suất: 30 – 40 phút (½ – ⅔ giờ)
  • Sử dụng nồi ủ chân không: 120 – 180 phút (2 – 3 giờ)
  • Sử dụng nồi nấu chậm: 150 phút (2,5 giờ)
  • Sử dụng nồi cơm điện có chức năng hầm: 120 – 180 phút (2 – 3 giờ)

Thời gian hầm chân giò heo có thể nhanh hoặc lâu hơn thời gian gợi ý ở trên, tùy thuộc vào kích cỡ của miếng chân giò và độ mềm mong muốn.

Chân giò heo hầm với gì ngon?

Chân giò heo hầm với các nguyên liệu dưới đây sẽ cho ra những món ăn ngon:

  • Hạt sen có tính mát và vị ngọt bùi tự nhiên, có công dụng an thần, giúp dễ ngủ. Món hầm chân giò với hạt sen có hương vị ngọt thanh, cung cấp protein, chất xơ và vitamin giúp bồi bổ sức khỏe.
  • Cà rốt và hành tây có vị ngọt nhẹ, giúp phần nước súp của món hầm thơm ngon.
  • Gia vị thuốc bắc (đinh hương, táo đỏ, kỷ tử, đẳng sâm, ý dĩ,…) có hương vị đặc trưng và giàu dưỡng chất.
  • Nấm hương (nấm đông cô) có mùi thơm độc đáo và vị ngọt thanh, có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol trong máu, tăng cường sức khỏe xương và da,…
  • Đu đủ xanh hầm chân giò có vị ngọt thơm, khi ăn rất ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, giúp mẹ sau sinh lợi sữa và nhanh hồi phục cơ thể.

Chọn mua chân giò heo ngon như thế nào?

Cách chọn mua chân giò heo ngon như sau: Chọn chân giò có màu sắc da và thịt hồng tươi, có khối thịt rắn chắc và các thớ thịt đều, đường cắt khô ráo và không có mùi lạ.

Chân giò heo ngon
Chọn chân giò heo ngon

Làm sạch chân giò như thế nào?

Một số cách làm sạch chân giò là: Ngâm rửa chân giò với muối hột; thui chân giò trước khi chế biến hoặc chần sơ chân giò với nước sôi, muối, hành, gừng,…

Chân giò hầm ăn với gì ngon?

Chân giò hầm ngon khi ăn kèm với cơm nóng, bún, bánh mì,…

Món chân giò hầm có lợi ích gì?

Món chân giò hầm là một trong những món canh hầm nhiều dinh dưỡng. Theo Đông y, chân giò có tác dụng thanh thấp nhiệt, thông ứ, tiêu viêm, bổ khí huyết, sinh cơ, liền sẹo… giúp trị chứng viêm đại tràng, viêm nhiễm lâu ngày, da khô nhăn, hư nhược gân cơ yếu,… Món chân giò khi hầm với những nguyên liệu sau đây đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:

  • Chân giò hầm rau củ trị viêm dạ dày và ruột, tốt cho sản phụ ít sữa.
  • Chân giò hầm ý dĩ tốt cho người tay chân tê nhức mỏi, viêm phổi, viêm ruột phù thũng,…
  • Chân giò hầm đu đủ tốt cho phụ nữ ít sữa, mất sữa, người viêm đại tràng, viêm khớp, viêm da,…
  • Chân giò hầm khoai môn giúp trị chứng đau mỏi cơ khớp do loãng xương, người bị khô sần da, trẻ em chậm lớn.

Ai nên ăn giò heo hầm?

Những người nên ăn giò heo hầm là người cần phục hồi sức khỏe (người ốm bệnh, người mệt mỏi, người suy nhược cơ thể), phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người lớn tuổi, người lao động nặng nhọc, trẻ em còi chậm lớn,… do trong giò heo có nhiều protein, chất béo, collagen, canxi, sắt, kẽm, vitamin A, B và C,…

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!