Tổng hợp cách làm 12 món gà hầm bồi bổ cơ thể

Cập nhật lần cuối:

Gà hầm là món ăn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp cải thiện giấc ngủ và sức khỏe xương khớp, bổ sung nhiều năng lượng cho cơ thể và giúp tăng cường miễn dịch. Món gà hầm được dùng phổ biến trong bữa ăn của người Việt và đặc biệt có lợi cho người bị suy nhược cơ thể.

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách tiềm gà ngon để bồi bổ cơ thể, kết hợp gà với các nguyên liệu phổ biến như thuốc bắc, ngải cứu, táo đỏ, dứa, hạt sen,… Gà hầm gì ngon? Dưới đây là 12 món gà hầm có hương vị ngon nhất:

  1. Gà hầm táo đỏ
  2. Canh gà Trung Quốc
  3. Canh gà hầm khóm (dứa/thơm)
  4. Gà hầm sả
  5. Gà ác hầm hạt sen
  6. Gà ác hầm thuốc bắc
  7. Gà hầm sâm
  8. Gà hầm bao tử
  9. Gà hầm ớt hiểm
  10. Gà hầm ngũ quả
  11. Gà hầm ngải cứu
  12. Gà hầm bí đỏ

Cách làm gà hầm đơn giản. Bạn có thể ninh gà trên bếp gas/ bếp từ, hoặc sử dụng nồi nấu chậm, nồi ủ hay nồi áp suất để tiết kiệm thời gian.

1. Gà hầm táo đỏ

Để làm món gà hầm táo đỏ, thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,2 – 1,5 kg
  • 20 gram nấm hương (nấm đông cô) cắt nhỏ
  • 70 gram táo đỏ (ngâm nước  trong 10 phút)
  • 1 củ cà rốt (để trang trí)
  • 1 muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • 1 muỗng canh nước mắm

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Lấy dĩa (nĩa) châm đều lên thịt gà để gà dễ ngấm gia vị. Chặt con gà thành miếng nhỏ vừa ăn. Ướp thịt gà với hạt nêm và nước mắm trong 10 phút.
  2. Bước 2: Đổ nước vào nồi, xâm xấp mặt thực phẩm. Hầm gà trong 30 – 35 phút nếu dùng niêu đất. Hầm thịt gà táo đỏ trong 10 – 15 phút nếu dùng nồi áp suất.
Gà hầm táo đỏ
Cách làm gà hầm táo đỏ

Gà hầm táo đỏ là món ăn được làm từ 2 nguyên liệu chính là gà và táo đỏ ninh nhừ với các nguyên liệu khác như hạt sen, nấm hương, cà rốt,… (tùy ý). Táo đỏ là loại quả nhỏ, có vỏ đỏ, ruột mềm, xuất xứ từ Trung Quốc. Theo Pharmacity, táo đỏ chứa nhiều chất xơ và vitamin C, giúp cung cấp chất chống oxy hóa, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ hệ tim mạch, cải thiện tiêu hóa, giúp xương chắc khỏe,… Vì thế, ăn gà hầm táo đỏ có nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe.

2. Canh gà Trung Quốc

Dưới đây là cách nấu món canh gà Trung Quốc.

Nguyên liệu:

  • 1 kg thịt gà
  • 50 gram kỷ tử (ngâm nước cho mềm)
  • 50 gram táo đỏ (ngâm nước cho mềm)
  • 1 củ cà rốt (thái miếng vừa ăn)
  • 100 ml rượu gạo
  • 1 củ gừng thái lát mỏng
  • 2 muỗng canh (thìa canh) dầu mè
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 1 muỗng canh hạt nêm
  • ½ muỗng cà phê tiêu
  • 1 lít nước lọc

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Rửa sạch thịt gà. Chặt gà thành miếng vừa ăn. Tẩm ướp thịt gà với nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm trong 30 phút.
  2. Bước 2: Phi thơm gừng trong nồi với 2 muỗng canh dầu mè. Đổ thịt gà vào xào trong 7 – 10 phút để thịt gà săn lại.
  3. Bước 3: Đổ 1 lít nước vào nồi thịt gà. Đun sôi và hớt bỏ bọt, mỡ. Sau đó, thêm táo đỏ, kỷ tử, cà rốt vào nồi thịt gà và đun sôi.
  4. Bước 4: Hạ nhỏ lửa. Cho thêm 100 ml rượu gạo vào nồi thịt gà. Đun thêm 20 phút cho đến khi các nguyên liệu chín mềm.
Canh gà Trung Quốc
Cách làm canh gà Trung Quốc

Canh gà Trung Quốc là món ăn từ gà nấu với gia vị chính là gừng và rượu gạo. Ngoài các lợi ích sức khỏe từ thịt gà, món canh gà Trung Quốc còn giúp chống viêm, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị cảm lạnh.

3. Canh gà hầm khóm (dứa/ thơm)

Các bước làm canh gà hầm khóm được hướng dẫn dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,5 kg (chọn gà hơi già)
  • 1 muỗng canh hành tím băm
  • 1 muỗng canh tỏi băm
  • 1,5 muỗng canh đường
  • 1 muỗng cà phê tiêu
  • 1 muỗng canh hạt nêm
  • 2 muỗng canh dầu hào
  • 1 muỗng cà phê dầu điều
  • 1 trái khóm (thơm, dứa) cắt miếng vừa ăn
  • 1 củ cà rốt cắt miếng vừa ăn
  • 1 củ hành tây cắt múi cau
  • Hành lá
  • 3 – 5 củ sả đập dập
  • 700 ml nước dừa tươi
  • 800 ml nước lọc

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Tẩm ướp thịt gà với hỗn hợp gia vị gồm hành tỏi băm, đường, tiêu, hạt nêm, dầu hào, dầu điều trong 30 phút.
  2. Bước 2: Phi thơm hành tỏi và sả trong 2 muỗng canh dầu ăn. Thêm thịt gà vào nồi và đảo đều cho đến khi thịt gà săn lại. 
  3. Bước 3: Thêm nước dừa và nước lọc vào nồi thịt gà. Đun sôi canh và hớt bớt bọt và mỡ. 
  4. Bước 4: Xào sơ dứa trên bếp rồi thêm dứa vào nồi canh gà. Đun lửa nhỏ trong 20 phút. Hoặc hầm canh gà và dứa 5 – 10 phút nếu dùng nồi áp suất.
  5. Bước 5: Cho thêm cà rốt và cuối cùng là hành tây vào nồi canh. Đun thêm 5 – 10 phút cho đến khi cà rốt và hành tây chín.
  6. Bước 6: Múc canh gà hầm khóm ra tô. Thêm hành lá cắt nhỏ lên trên tô canh và thưởng thức.
Gà hầm thơm
Canh gà nấu khóm

Gà hầm khóm là món ăn của người miền Tây, kết hợp 2 nguyên liệu chính là gà và khóm (dứa, thơm). Canh gà hầm dứa nhanh chín, nhờ enzym bromelain trong quả dứa có khả năng phân hủy protein rất mạnh, vì thế tiết kiệm thời gian nấu. Gà hầm khóm dễ ăn vì có vị chua ngọt tự nhiên của khóm, giúp kích thích vị giác.

4. Gà hầm sả

Để chế biến món gà hầm sả, bạn chuẩn bị các nguyên liệu và làm theo các bước sau đây.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,8 kg chặt miếng vừa ăn
  • ½ quả đu đủ vừa chín tới, cắt miếng vừa ăn
  • 2 củ cải cắt miếng vừa ăn
  • 10 – 12 nhánh sả đập dập, cắt khúc
  • 1 củ hành tây cắt đôi
  • 1 củ gừng băm nhỏ
  • 30 gram hành tím băm nhỏ
  • 1 muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • 1 muỗng đường trắng
  • 1 muỗng cà phê tiêu
  • 1 muỗng cà phê bột nghệ
  • 1 muôi canh dầu điều
  • 1 lít nước dừa
  • 3 lít nước lọc

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Tẩm ướp gà với sả, hành tím, gừng, hạt nêm, đường, tiêu, bột nghệ trong 30 phút.
  2. Bước 2: Phi thơm hành và gừng với dầu điều. Đổ thịt gà vào nồi và xào ở lửa lớn cho đến khi thịt gà săn lại.
  3. Bước 3: Thêm nước dừa và nước lọc vào nồi thịt gà. Đun sôi rồi hớt bỏ bọt và mỡ. Thêm sả cây, hành tây, củ cải, đu đủ vào nồi và đun 30 – 40 phút ở lửa nhỏ.

Với nồi áp suất, hầm gà trong 10 phút ở mức áp suất cao. Sau khi xả hết hơi trong nồi, thêm sả, hành tây, củ cải, đu đủ vào nồi và đun áp suất thêm 5 phút. 

Gà hầm sả
Cách làm gà hầm sả

Gà hầm sả là món ăn quen thuộc của người Việt, kết hợp thịt gà với sả và các loại rau củ chính là củ cải và đu đủ. Gà hầm sả giúp chống viêm, tăng cường miễn dịch, kích thích tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu,…

5. Gà ác hầm táo đỏ hạt sen

Cách hầm gà ác hạt sen táo đỏ gồm các nguyên liệu và bước thực hiện sau.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,2 kg
  • 200 gram hạt sen bỏ tâm
  • 45 gram táo đỏ
  • 20 gram nấm hương khô, ngâm nước và thái nhỏ
  • 1 củ cà rốt cắt miếng mỏng 5 mm
  • 30 gram gừng, băm nhỏ
  • 30 gram hành tím, băm nhỏ
  • 2 muỗng canh (thìa canh) rượu trắng
  • Rễ rau mùi (ngò rí) đập dập
  • Hành lá cắt nhỏ
  • ½ muỗng canh hạt nêm
  • ½ muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng canh đường
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • ½ muỗng cà phê tiêu xay

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Rửa sạch gà và chặt gà thành miếng vừa ăn.
  2. Bước 2: Tẩm ướp thịt gà với nước cốt hành và gừng, rượu, hạt nêm, muối, đường, nước mắm, tiêu xay, trong 20 phút.
  3. Bước 3: Phi thơm hành tím và gừng băm nhỏ với 1 muỗng canh dầu ăn. Đổ thịt gà vào nồi và xào cho đến khi thịt gà săn lại. 
  4. Bước 4: Thêm 3,5 lít nước lọc vào nồi. Đun sôi gà, hớt bỏ bọt và mỡ gà. Thêm hạt sen, rễ ngò rí vào nồi thịt gà và đun 1 giờ ở lửa nhỏ. Hoặc hầm gà trong 10 – 15 phút nếu dùng nồi áp suất.
  5. Bước 5: Khi gà và hạt sen đã chín, thêm nấm hương, táo đỏ và cà rốt vào nồi. Tiếp tục hầm canh trong 30 phút ở lửa nhỏ, hoặc 5 phút nếu dùng nồi áp suất.
  6. Bước 6: Nêm nếm gia vị (hạt nêm, muối, tiêu) tùy khẩu vị. Múc canh gà hạt sen táo đỏ ra tô và rắc hành lá cắt nhỏ lên trên.
Gà ác tiềm táo đỏ hạt sen
Công thức gà ác tiềm táo đỏ hạt sen

Gà ác là giống gà nhỏ, có xương màu đen và có nhiều tên gọi khác như ô cốt kê, ô kê, dược kê, vũ dương kê,… Theo Báo Sức khỏe và đời sống, gà ác có công dụng cải thiện sức chịu đựng của cơ thể, tăng cường miễn dịch, cải thiện năng lực của hệ thống võng mạc nội mô, bồi bổ khí huyết,… Món gà ác hầm hạt sen táo đỏ giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, an thần, tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ tim mạch,…

6. Gà ác hầm thuốc bắc

Dưới đây là nguyên liệu và cách bước làm món gà ác hầm thuốc bắc bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • 2 con gà ác (~ 500 gram)
  • Gói gia vị thuốc bắc (200 gram)
  • 50 gram hạt sen
  • 1 muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • ½ muỗng cafe hạt tiêu
  • ½ muỗng cafe muối
  • 500 ml nước dừa (có thể thay bằng nước lọc)
  • 1 lít nước lọc 

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Ngâm gia vị thuốc bắc trong nước ở nhiệt độ thường 20 phút.
  2. Bước 2: Rửa sạch gà với muối và rượu trắng để khử mùi tanh.
  3. Bước 3: Tẩm ướp gà với tiêu xay, hạt nêm và muối trong 30 phút.
  4. Bước 4: Đun gia vị thuốc bắc với 500 ml nước dừa và 1 lít nước lọc trong 20 phút. Sau đó, hạ nhỏ lửa. Cho gà ác và hạt sen vào nồi và hầm 1 giờ ở mức lửa nhỏ. Hoặc hầm gà ác, gia vị thuốc bắc và hạt sen trong 10 – 15 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
Gà hầm thuốc bắc
Cách nấu gà hầm thuốc bắc

Gà hầm thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng từ gà, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có thể dùng bất kỳ loại gà nào để hầm với thuốc bắc, nhưng gà ác là lựa chọn phổ biến nhất. Gói gia vị thuốc bắc dùng để hầm gà gồm có các nguyên liệu chính là sâm mỹ, bắc hoàng kì, thục địa, hoài sơn bắc, đương qui, ngọc trúc, đỗ trọng, bạch chỉ, kỷ tử, táo tàu, nhãn nhục, xuyên khung.

Theo Nhà thuốc Long Châu, món gà hầm thuốc bắc giúp người ốm nhanh chóng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ điều trị cảm mạo, bổ máu, giúp xương mau lành, cải thiện hệ tim mạch. Tuy vậy, chỉ nên ăn gà hầm thuốc bắc 1 – 2 lần/ tuần để tránh dư thừa chất dinh dưỡng.

7. Gà hầm sâm

Để làm món gà hầm sâm Hàn Quốc, bạn chuẩn bị các nguyên liệu và chế biến như sau.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,5 kg
  • 1 củ nhân sâm Hàn Quốc
  • 1 củ hành tây
  • 6 tép tỏi
  • 3 lát gừng
  • Hành lá
  • 50 gram hạt dẻ (hoặc bạch quả) gọt sạch vỏ
  • Gói gia vị hầm gà của Hàn Quốc gồm đương quy, táo tàu, hoàng kỳ
  • Hạt sen (tùy ý)
  • ½ bát con nếp cái hoa vàng 
  • ½ muỗng cà phê muối

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Ngâm ½ bát con nếp cái hoa vàng với ½ muỗng cà phê muối trong 1 giờ rồi để ráo nước.
  2. Bước 2: Nhồi ½ lượng gia vị kể trên vào bụng gà. Dùng tăm khâu kín bụng gà lại.
  3. Bước 3: Cho con gà và lượng gia vị còn lại vào nồi. Thêm 1,5 – 1,7 lít nước. Đun sôi và hớt bọt. Sau đó, hầm gà trong 1 giờ ở mức lửa trung bình.
Gà hầm sâm Hàn Quốc
Cách nấu gà hầm sâm Hàn Quốc

Gà hầm sâm (samgyetang) là món ăn có nguồn gốc từ Hàn Quốc, với nguyên liệu chính là gà và sâm Hàn Quốc. Món gà hầm sâm thường được sử dụng khi thời tiết oi bức vì có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường tuần hoàn máu.

8. Gà hầm bao tử

Cách làm món gà hầm bao tử được hướng dẫn chi tiết dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,2 kg
  • 1kg bao tử heo (dạ dày lợn)
  • 20 gram pate
  • 5 chùm tiêu xanh
  • 2 muỗng canh (thìa canh) hành tím băm nhỏ
  • 1 muỗng canh tỏi băm nhỏ
  • 1 củ cà rốt
  • 500 ml nước dừa
  • 1 muỗng cafe đường
  • ½ muỗng cafe muối
  • 1 muỗng canh dầu hào

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Rửa sạch gà và chặt gà thành miếng vừa ăn. Tẩm ướp gà với 1 muỗng canh hành tím băm nhỏ, ½ muỗng canh tỏi băm, 10 gram pate, 1 muỗng cafe đường, ½ muỗng cafe muối, 1 muỗng canh dầu hào và dầu điều trong 30 phút.
  2. Bước 2: Làm sạch và luộc chín bao tử. Thái bao tử thành miếng nhỏ vừa ăn.
  3. Bước 3: Phi thơm hành và tỏi với dầu ăn và pate. Đổ thịt gà, bao tử và tiêu xanh vào nồi và đảo đều cho đến khi thịt săn lại.
  4. Bước 4: Đổ nước dừa và nước lọc vào nồi xâm xấp mặt thịt. Hầm thịt gà và bao tử heo ở lửa nhỏ trong 40 phút (Hầm 15 phút nếu bạn dùng nồi áp suất).
  5. Bước 5: Thêm cà rốt vào nồi. Đum thêm 5 – 7 phút để cà rốt chín mềm.
Món gà hầm bao tử
Cách làm gà hầm bao tử

Gà hầm bao tử là món ăn lạ miệng kết hợp gà với bao tử heo (dạ dày lợn) được ninh mềm trong nước dừa với các gia vị khác. Khi chế biến gà hầm bao tử, nên loại bỏ phần mỡ trong bao tử heo và hớt bớt mỡ để làm giảm lượng chất béo và cholesterol nạp vào cơ thể. 

9. Gà hầm ớt hiểm (Gà tiềm ớt hiểm)

Để làm gà hầm ớt hiểm, hãy làm theo hướng dẫn dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,4 kg
  • 1 kg xương gà
  • ½ muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • 1 muỗng canh bột tỏi/ tỏi băm
  • 4 muỗng canh nước tương
  • ⅓ muỗng canh dầu hào
  • ½ muỗng canh mật ong
  • 2 củ hành tây
  • 5 củ hành tím
  • 40 gram nấm đông cô (nấm hương)
  • 70 gram táo đỏ
  • 15 gram kỷ tử
  • 100 gram củ sen gọt vỏ, cắt miếng mỏng
  • Ớt hiểm (lượng tùy ý)

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Chặt đôi con gà. Tẩm ướp gà với hỗn hợp gia vị gồm hạt nêm, bột tỏi, nước tương, dầu hào, mật ong trong 60 phút.
  2. Bước 2: Đun sôi một nồi nước với hành tây. Chần xương gà rồi rửa sạch xương gà với nước
  3. Bước 3: Nướng 1 ½ củ hành tây và hành tím ở 200℃ trong 7 phút.
  4. Bước 4: Ninh xương gà, hành tây và hành tím (đã nướng thơm) với 3,5 lít nước trong 1 giờ để làm nước lẩu. Hoặc ninh xương gà trong 15 phút nếu bạn dùng nồi áp suất. Sau khi hầm xong, vớt gà và hành ra khỏi nồi. Thêm nấm đông cô, táo đỏ, kỷ tử, củ sen, ớt hiểm vào nồi nước dùng và đun sôi.
  5. Bước 5: Chiên gà ngập dầu hoặc chiên trong nồi chiên không dầu nếu bạn muốn giảm lượng dầu mỡ.
  6. Bước 6: Dùng gà tiềm ớt hiểm với rau và bún.
Món gà tiềm ớt hiểm
Cách làm gà tiềm ớt hiểm

Gà tiềm ớt hiểm là món ăn đặc trưng của miền Tây, kết hợp vị mềm của gà và vị cay nồng của ớt. Theo Vinmec, ớt có nhiều tác dụng với sức khỏe như kích thích vị giác, ngăn ngừa ung thư dạ dày và tuyến tiền liệt, giúp kiểm soát lượng insulin trong máu, giảm đau, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, người bị bệnh tim, bệnh não, bệnh huyết quản, huyết áp cao, đau dạ dày không nên ăn ớt. Khi làm gà tiềm ớt hiểm, nên chọn quả ớt xanh và gia giảm lượng ớt để phù hợp với khẩu vị. 

10. Gà hầm ngũ quả

Sau đây là nguyên liệu cần chuẩn bị và 4 bước chế biến món gà hầm ngũ quả.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,8 kg
  • 200 gram thịt nạc heo (tùy ý)
  • 200 gram củ năng cắt miếng vừa ăn
  • 50 gram hạt sen khô
  • 70 gram bạch quả (ngân hạnh) bóc vỏ, bỏ tâm
  • 12 trái táo đỏ bỏ vỏ
  • 10 gram bông trùng thảo (kim trùng thảo) hoặc kỷ tử
  • 1 muỗng cafe bột năng
  • ½ muỗng canh muối
  • 10 gram gừng đập dập
  • 5 cái đầu hành
  • 1 muỗng canh rượu nếp

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Thái thịt nạc heo thành miếng hạt lựu. Bóp thịt heo với bột năng.
  2. Bước 2: Đun sôi nước với muối, gừng, đầu hành và rượu nếp. Chần thịt heo và gà trong nước rồi vớt thịt ra.
  3. Bước 3: Cho thịt gà, thịt heo, củ năng, hạt sen, bạch quả và nước lọc vào nồi tiềm hoặc nồi thường. Hầm thịt ở mức lửa nhỏ trong 90 phút. Hoặc hầm 20 – 30 phút trong nồi áp suất.
  4. Bước 4: Thêm táo đỏ và bông trùng thảo vào nồi canh. Đun canh thêm 30 phút ở mức lửa nhỏ. 

Xem hướng dẫn chi tiết cách làm gà hầm ngũ quả trong video dưới đây.

Gà hầm ngũ quả là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, ninh mềm gà với 5 loại quả có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Có nhiều cách để kết hợp ngũ quả. Ngoài công thức gà hầm ngũ quả hướng dẫn ở trên, bạn có thể hầm gà với táo tàu, nhãn nhục, kỷ tử, hạt sen và cà rốt.

11. Gà hầm ngải cứu

Món gà hầm ngải cứu được chế biến tương tự món gà tiềm thuốc bắc đã được hướng dẫn ở trên. Trong đó, bạn thêm ngải cứu vào bụng gà và vào nồi để hầm cùng gà và thuốc bắc.

Ngải cứu là một loại thảo mộc phổ biến ở Việt Nam và được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian. Theo Medlatec, ngải cứu có nhiều công dụng với sức khỏe như chữa bệnh xương khớp, điều hòa kinh nguyệt, an thai, cầm máu, chữa trị suy nhược cơ thể, chữa mẩn ngứa và mề đay, giúp lưu thông khí huyết,… Gà hầm ngải cứu là món ăn đơn giản và dễ làm, giúp bạn kết hợp lợi ích sức khỏe của gà và ngải cứu.

12. Gà hầm bí đỏ

Nguyên liệu:

  • 1 quả bí đỏ lớn (quả tròn)
  • 500 gram thịt gà
  • 1 củ cà rốt xắt khúc vừa ăn
  • 50 gram hạt sen
  • 100 gram nấm rơm và nấm rơm
  • 3 củ hành tím băm nhỏ
  • Táo đỏ, nhãn nhục, đương sâm, kỷ tử (ngâm nở)
  • Hành lá thái nhỏ
  • 500 ml nước dừa
  • 1 muỗng canh (thìa canh) đường phèn
  • 1 muỗng canh đường cát
  • ½ muỗng cafe bột canh/ muối
  • 1 muỗng canh hạt nêm
  • 1 muỗng canh dầu hào
  • 1 muỗng canh xì dầu (nước tương)
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 1 muỗng cafe tiêu

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Rửa sạch thịt gà. Chặt thịt gà thành miếng vừa ăn. Tẩm ướp thịt gà với 1 hành tím băm, muối, tiêu, xì dầu, dầu hào trong 30 phút.
  2. Bước 2: Phi thơm hành tím với dầu ăn. Xào thịt gà với hành tím cho đến khi thịt gà săn lại.
  3. Bước 3: Rửa sạch quả bí đó. Cắt cuống để tạo thành phần nắp. Bỏ ruột bí đỏ. 
  4. Bước 4: Cho gà, hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, đương sâm, kỷ tử, nấm rơm, nấm kim châm, đầu hành lá vào trong ruột quả bí đỏ. Nêm nếm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường phèn. Đổ nước dừa vào trong quả bí đỏ.
  5. Bước 5: Hấp trái bí đỏ trong 1 – 2 giờ, tùy thuộc vào kích cỡ trái bí.

Theo dõi các bước thực hiện món gà hầm bí đỏ trong video dưới đây.

Gà hầm bí đỏ là một món ăn cung đình Huế, được chế biến bằng cách hầm gà, các loại rau củ quả và gia vị thuốc bắc trong ruột quá bí đỏ. Gà hầm bí đỏ là món ăn rất bổ dưỡng, nhưng cách làm khá cầu kỳ. Các chất dinh dưỡng từ gà và gia vị được giữ lại gần như nguyên vẹn, nhờ được hầm trong ruột quả bí. Gà hầm bí đỏ giúp bổ sung dinh dưỡng cho người mới ốm dậy, tăng cường trí nhớ, giảm đau đầu chóng mặt, cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ, hỗ trợ tiêu hóa,…

Làm gà hầm như thế nào?

Gà hầm là món ăn bổ dưỡng làm từ gà, các loại rau củ và gia vị, được ninh trong thời gian dài hoặc bằng áp suất cao. Để làm gà hầm, bạn cần làm các bước chính sau đây:

  1. Bước 1: Làm sạch gà và các loại nguyên liệu, cắt miếng vừa ăn.
  2. Bước 2: Tẩm ướp gà với các gia vị phù hợp với từng món ăn. 
  3. Bước 3: Xào săn thịt gà. Đổ nước vào nồi để ninh gà và các loại rau củ, gia vị trong thời gian từ 30 – 120 phút.

Nên hầm gà trong thời gian bao lâu? Thời gian hầm gà phụ thuộc vào loại nồi bạn sử dụng và kích cỡ gà (gà to hay gà nhỏ, gà nguyên con hay gà chặt miếng). Dưới đây là thời gian hầm gà cho 4 loại nồi được dùng phổ biến nhất:

  • Nồi áp suất: 10 – 30 phút
  • Nồi ủ nhiệt: 3 – 4 giờ
  • Nồi nấu chậm: 4 – 5 giờ (chế độ cao), 6 – 8 giờ (chế độ thấp)
  • Nồi cơm điện có tính năng hầm: 1 – 2 giờ

Nên chọn loại gà nào để hầm?

Nên chọn gà ta hoặc gà ác để hầm. Gà ta có thịt săn chắc, ngọt và thơm tự nhiên. Khi hầm, thịt gà ta không bị bở mà vẫn giữ được độ dai vừa phải. Gà ác có kích thước nhỏ, da và xương màu đen, chứa nhiều dưỡng chất và ít mỡ. Thịt gà ác khi hầm rất ngọt và giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng trong các món ăn bồi bổ sức khỏe. 

Ngoài ra, bạn có thể hầm gà công nghiệp. Gà công nghiệp có thịt mềm, nhiều thịt hơn so với gà ta, nhưng nhiều mỡ. Loại gà này phù hợp cho những ai thích món hầm có thịt mềm, dễ ăn. Nên loại bỏ mỡ gà công nghiệp để giảm lượng chất béo động vật trong món hầm.

Các loại gà dùng để hầm
Các loại gà dùng để hầm

Làm cách nào để khử mùi hôi của thịt gà?

Để khử mùi hôi của gà, bạn có thể áp dụng một trong các cách sau:

  • Rửa sạch gà bằng muối
  • Dùng chanh hoặc giấm
  • Rửa gà bằng rượu trắng
  • Xoa bóp gà với gừng
  • Trần gà qua nước sôi (có thể cho thêm gừng và hành lá vào nước)

Nên chọn những nguyên liệu và gia vị gì để hầm với gà?

Một số nguyên liệu và gia vị phù hợp để hầm với gà là:

  • Dứa: Dứa cung cấp enzyme bromelain, giúp làm mềm thịt và hỗ trợ tiêu hóa. Dứa có vị chua ngọt tự nhiên nên giúp món gà hầm bớt ngán.
  • Hạt sen: Hạt sen là loại hạt giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng an thần và cải thiện giấc ngủ. Hạt sen có vị  bùi, làm tăng dinh dưỡng và hương vị cho món gà hầm.
  • Táo đỏ: Táo đỏ là loại quả có nhiều tác dụng sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ giấc ngủ,… Táo đỏ giúp món gà hầm có vị ngọt tự nhiên và hương thơm dịu nhẹ.
  • Thuốc bắc: Thuốc bắc là hỗn hợp các loại thảo dược như đương quy, hoàng kỳ, đẳng sâm, táo đỏ,…tạo hương vị đặc trưng và bổ sung nhiều dưỡng chất cho món gà hầm.
  • Ngải cứu: Ngải cứu là loại thảo mộc có tác dụng giảm đau, chống viêm và cải thiện tuần hoàn máu. Ngải cứu có hương vị đắng nhẹ, giúp cân bằng hương vị và làm món gà hầm bớt ngán.
  • Ớt hiểm: Ớt hiểm chứa capsaicin, có tác dụng kích thích tiêu hóa và tăng cường tuần hoàn máu. Ớt hiểm tạo vị cay nồng, làm tăng hương vị cho món gà hầm và kích thích vị giác.
  • Bí đỏ: Bí đỏ giàu beta-carotene, vitamin A, và chất xơ, giúp cải thiện thị lực và sức khỏe tiêu hóa. Hầm bí đỏ với gà giúp món hầm có vị ngọt tự nhiên.
  • Hành tây: Hành tây tạo độ ngọt tự nhiên cho nước hầm và  giúp khử mùi hôi của gà.

Ngoài ra, khoai tây, cà rốt, củ sen và nấm là các loại rau củ thường xuyên được dùng để hầm với gà.

Nên ăn gà hầm với gì?

Nên ăn gà hầm với cơm, bún, mì sợi hoặc bánh mì. Gà hầm nên được chấm với muối tiêu chanh nếu thịt gà có vị nhạt.

Món gà hầm bảo quản được trong bao lâu?

Gà hầm có thể bảo quản được 3 – 4 ngày nếu để trong hộp kín trong tủ mát và 2 – 3 tháng nếu đông lạnh đúng cách. Khi sử dụng lại gà hầm đã bảo quản, phải đun sôi gà hầm hoàn toàn trước khi ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Món gà hầm có tác dụng gì?

Gà hầm là một món ninh hầm bổ dưỡng với các lợi ích sức khỏe chính sau đây:

  • Tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều collagen, gelatin, và các amino acid.
  • Cải thiện sức khỏe tiêu hóa nhờ chứa nhiều gelatin có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột.
  • Tốt cho xương khớp vì giàu chondroitin sulfate và glucosamine.
  • Hỗ trợ giấc ngủ và giảm căng thẳng do thịt gà chứa nhiều tryptophan – một amino acid giúp sản sinh serotonin, làm tăng cảm giác thư giãn và cải thiện giấc ngủ. 
  • Cung cấp năng lượng và dinh dưỡng do cung cấp protein, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Ai nên ăn gà hầm?

Gà hầm phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em, người mới ốm dậy, và người tập thể dục thường xuyên.

Với người lớn tuổi, gà hầm giúp bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Với trẻ em, món gà hầm cung cấp protein và vitamin cần thiết cho sự phát triển. Với người mới ốm dậy, gà hầm giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng nhờ giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Với người tập thể dục, gà hầm cung cấp năng lượng và protein, hỗ trợ xây dựng và duy trì cơ bắp.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!