Cách dùng nồi cơm điện cao tần và bí quyết giữ nồi bền lâu

Cập nhật lần cuối:

Nồi cơm điện cao tần (induction heating rice cooker) là một thiết bị nhà bếp, dùng để nấu cơm hoặc các món ăn khác như cháo, súp, hầm canh,… Nồi cơm điện cao tần sử dụng công nghệ cảm ứng từ để làm nóng trực tiếp lòng nồi nên điều chỉnh được nhiệt độ chính xác và đều, nhờ đó giúp nấu cơm ngon hơn, dẻo hơn và giữ được nhiều dinh dưỡng hơn so với nồi cơm điện thông thường.

Cách sử dụng nồi cơm điện cao tần bao gồm 3 bước đơn giản là: đong gạo và nước; chọn chế độ nấu và ấn nút “Khởi động”. Để nấu cơm ngon, an toàn và giữ cho nồi được bền, bạn cần chú ý: Sử dụng nồi ở nơi khô ráo, thoáng mát và điện áp ổn định; đậy chặt nắp nồi khi nấu; không dùng thìa kim loại để múc cơm trong lòng nồi; vệ sinh nồi thường xuyên và không che kín lỗ thoát hơi khi nồi đang hoạt động. Nồi cơm điện cao tần có thể nấu nhiều món như: Cơm, xôi, các món hầm, bánh bông lan, pizza, sữa chua,…

Bạn cũng cần chú ý vệ sinh nồi cơm điện cao tần đúng cách, việc vệ sinh nồi bao gồm: Một là, rửa sạch lòng nồi , đĩa nấu, nắp trong, cốc đong, muỗng múc cơm, muỗng múc canh, nắp ngoài và nắp hơi ngay sau khi dùng. Hai là, làm sạch nút mở khóa, cảm biến trung tâm, tấm thoát nhiệt, khung trên, dây điện và phích cắm điện khi những bộ phận này bị bẩn.

3 bước dùng nồi cơm điện cao tần

Sử dụng nồi cơm điện cao tần gồm có 3 bước là:

  • Bước 1: Đong gạo và nước
  • Bước 2: Chọn chế độ cần dùng
  • Bước 3: Ấn nút “Khởi động”

Cụ thể, mỗi bước được thực hiện như sau:

Bước 1: Đong gạo và nước

Để đong gạo cho nồi cơm điện cao tần, bạn sử dụng cốc đong đi kèm với nồi hoặc bát (chén) ăn cơm nếu không có sẵn cốc đong. Một cốc gạo đong bằng mặt chứa 160 – 180 gram gạo (tùy theo từng nhà sản xuất), tương đương với 1,3 – 1,5 bát gạo và nấu được 2 – 2,5 bát cơm. Bạn dựa vào công thức trên để đong gạo theo nhu cầu sử dụng của gia đình.

Việc đong nước tùy thuộc vào loại gạo và số lượng gạo mà bạn sử dụng. Bạn đong nước theo vạch chia có sẵn bên trong lòng nồi theo quy tắc: Đổ nước đến vạch số 3 nếu nấu 3 cốc gạo. Một vài hãng nồi cơm điện cao tần có quy ước khác về việc đong nước và gạo. Tốt hơn hết, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nồi của nhà sản xuất.

Trong lòng nồi có một số ký hiệu cần biết sau đây:

  • Cốc/ Cups: Số lượng gạo (1 cốc, 2 cốc,…).
  • Nước/ Water: Mức nước tương ứng với số cốc gạo.
  • Tên các loại gạo khác nhau: White Rice/ Gạo thường, Brown Rice/ Gạo lứt,…
  • Porridge: Mức nước cho chế độ nấu cháo.
  • Quick Cook: Mức nước cho chế độ nấu nhanh.
Các ký hiệu trong lòng nồi cơm điện cao tần
Các ký hiệu trong lòng nồi cơm điện cao tần

Bước 2: Chọn chế độ cần dùng

Chọn chế độ phù hợp với từng món mà bạn nấu. Cụ thể nồi cao tần có những chế độ sau:

  • Gạo thường/ Plain: Nấu cơm gạo trắng.
  • Gạo lứt/ Brown Rice: Nấu cơm gạo lứt.
  • Gạo nếp/ Mixed – Sweet: Nấu cơm nếp/ xôi.
  • Nấu nhanh/ Quick Cook: Nấu cơm trắng nhanh hơn chế độ “Gạo thường”.
  • Cháo/ Porridge: Nấu cháo. Một số nồi phân chia riêng chế độ “Cháo đặc” và “Cháo thường”.
  • Sữa chua: Ủ sữa chua.
  • Hấp/ Steam: Hấp thực phẩm.
  • Canh/ Hầm/ Soup: Nấu súp và các món hầm.
  • Nướng bánh/ Gato: Nướng bánh bông lan.
  • Chè: Nấu chè.
  • Long-grain: Nấu gạo hạt dài.
Bảng ký hiệu nồi cơm điện cao tần
Ký hiệu chức năng nồi cơm điện cao tần

Bước 3: Ấn nút “Khởi động”

Nhấn nút “Khởi động/ Start” sau khi đã đong gạo, nước và chọn chế độ nấu phù hợp. Lúc này, nồi cơm điện cao tần sẽ bắt đầu hoạt động để nấu món ăn bạn mong muốn.

Nồi cơm điện cao tần sẽ tự động chuyển sang chế độ “Giữ ấm/ Keep Warm” sau khi hoàn tất chu trình nấu.

Bí quyết dùng nồi cơm điện cao tần tốt và bền

Các bí quyết để sử dụng nồi cơm điện cao tần tốt và bền là:

  • Đặt nồi ở nơi khô ráo, thoáng mát, cách xa lò vi sóng, lò nướng, bếp nấu,… vì nồi tỏa ra lượng nhiệt lớn khi nấu.
  • Cắm nồi cơm ở nơi có điện áp ổn định để món ăn có chất lượng tốt nhất và giữ độ bền của nồi.
  • Đậy chặt nắp nồi, không để các vật dụng khác như thìa (muỗng), cốc, muôi múc cơm,… vào nồi khi nồi đang nấu.
  • Không dùng thìa kim loại múc cơm để tránh làm xước lớp chống dính của nồi cơm điện cao tần.
  • Vệ sinh lòng nồi và mâm nhiệt hàng ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe.
  • Không đặt vật dụng che kín lỗ thoát hơi.
  • Không đặt tay vào lỗ thoát hơi khi nồi cơm điện cao tần đang nấu để tránh bị bỏng.
  • Không đổi chế độ nấu khi nồi đang hoạt động vì việc này khiến món ăn thành phẩm không ngon.

Nồi cơm điện cao tần nấu bao lâu?

Dưới đây là bảng thời gian nấu của nồi cơm điện cao tần với từng chế độ:

Chế độThời gian
Cơm20 – 45 phút, tùy thuộc vào loại gạo, lượng gạo và lượng nước
Cháo đặc90 phút
Cháo thường60 phút
Cơm niêu60 phút
Sữa chua8 giờ
Hấp40 phút
Canh/ soup120 phút
Nướng bánh50 phút
Chè60 phút

Nồi cao tần nấu cơm bị sống phải làm sao?

Nồi cao tần nấu cơm bị sống do nhiều nguyên nhân và có cách xử lý khác nhau. Bảng dưới đây tổng hợp các nguyên nhân và cách xử lý tương ứng khi nồi cơm điện cao tần nấu cơm bị sống:

STT

Nguyên nhân

Cách xử lý

1Bộ phận cảm biến trung tâm bị bẩnLàm sạch bộ phận cảm biến trung tâm để đảm bảo nhiệt độ nấu đúng

2

Nấu nhiều gạo hơn lượng gạo cho phépCăn chỉnh lượng nước và gạo theo tỉ lệ khuyến nghị của nhà sản xuất
3Chọn sai chế độ nấuChọn đúng chế độ nấu cho từng loại gạo như “Gạo thường/ Gạo trắng”, “Gạo lứt”, “Gạo Nhật”
4Chưa ấn nút “Khởi động” hoặc chưa tắt nút “Giữ ấm”Tắt chế độ “Giữ ấm” rồi bật nút “Khởi động”
5Đáy nồi trong bị bẩn hoặc dính nướcRửa sạch và lau khô đáy nồi trong trước khi cho vào thân nồi
6Khi đang nấu cơm thì mất điệnNồi sẽ tự động nấu trở lại khi có điện, nhưng cơm có thể không chín hoàn toàn nếu mất điện lâu
7Dùng nước trên 35℃ để vo gạo hoặc nấu cơmDùng nước mát thông thường để vo gạo và nấu cơm
8Trộn gạo với các loại ngũ cốc khác nhưng chọn chế độ nấu “Gạo thường”Chọn chế độ nấu “Mixed/ Cơm trộn”

Nồi cơm điện cao tần IH nấu được món gì?

Nồi cơm điện cao tần IH nấu được nhiều món ăn như: Cơm gạo trắng, cơm gạo lứt, cơm trộn hạt ngũ cốc, xôi, gà hầm, chân giò hầm, bò sốt vang, cháo, bánh bông lan, sữa chua, pizza,…

Nấu cháo bằng nồi cơm điện cao tần như thế nào?

Để nấu cháo bằng nồi cơm điện cao tần, bạn thực hiện 3 bước sau:

  • Bước 1: Đong gạo bằng cốc đong đi kèm với nồi, sau đó vo sạch gạo.
  • Bước 2: Cho gạo và nước vào nồi, đong nước theo vạch chia “Porridge” trên lòng nồi. Dàn đều gạo cho tất cả gạo chìm trong nước.
  • Bước 3: Chọn chế độ “Porridge/ Cháo” trên bảng điều khiển của nồi rồi ấn nút “Khởi động/ Start”.
Nấu cháo bằng nồi cơm điện cao tần IH
Nấu cháo bằng nồi cơm điện cao tần

Nấu xôi bằng nồi cơm điện cao tần như thế nào?

Để nấu xôi bằng nồi cơm điện cao tần, bạn thực hiện 3 bước sau:

  • Bước 1: Đong gạo bằng cốc đong đi kèm theo nồi, sau đó vo sạch gạo.
  • Bước 2: Cho gạo và nước vào nồi, căn chỉnh nước theo mức “Sticky/ Xôi”. Dàn đều gạo để tất cả gạo chìm trong nước.
  • Bước 3: Chọn chế độ “Sticky Rice” trên bảng điều khiển của nồi rồi chọn nút “Khởi động/ Start”.

Nồi cơm điện cao tần có ninh chè được không?

Nồi cơm điện cao tần có thể ninh chè. Để ninh chè bằng nồi cơm điện cao tần, bạn làm như sau:

  • Bước 1: Chọn nguyên liệu bạn muốn dùng để ninh chè, chẳng hạn như đậu đen, đậu xanh, hạt sen,… Ngâm nước các nguyên liệu đã chuẩn bị trong 1 – 2 giờ.
  • Bước 2: Cho nguyên liệu và nước vào nồi theo tỉ lệ 1:3 hoặc theo công thức cụ thể của món chè bạn nấu.
  • Bước 3: Chọn chế độ “Chè” hoặc “Cháo” hoặc “Soup” trên bảng điều khiển của nồi. Bật nút “Khởi động/ Start”.
  • Bước 4: Thêm đường vào nồi chè sau khi nồi nấu xong. Bật nút “Keep Warm/ Giữ ấm” trong 10 – 15 phút cho đường tan hết.

Vệ sinh nồi cơm điện cao tần như thế nào?

Dưới đây là cách vệ sinh nồi cơm điện cao tần theo hướng dẫn chung của nhà sản xuất.

Các bộ phận cần rửa ngay sau mỗi lần sử dụng, bao gồm: Lòng nồi, xửng hấp, nắp trong, cốc đong, muỗng múc cơm, muỗng múc canh, nắp ngoài và nắp hơi.

  • Bước 1: Tháo rời tất cả các bộ phận kể trên.
  • Bước 2: Rửa từng bộ phận của nồi với miếng bọt biển mềm và nước rửa chén.
  • Bước 3: Lau khô các bộ phận vừa rửa bằng khăn khô mềm và cất ở nơi khô ráo.
Làm sạch nắp nồi cơm điện cao tần
Vệ sinh nắp nồi cơm điện cao tần

Các bộ phận cần vệ sinh khi bẩn, bao gồm: Nút mở khóa, cảm biến trung tâm, tấm thoát nhiệt, khung trên, dây điện và phích cắm điện.

  • Bước 1: Loại bỏ cơm thừa ra khỏi phần cảm biến trung tâm.
  • Bước 2: Loại bỏ các hạt ngũ cốc hoặc cơm thừa vương trên nút mở khóa nồi và xung quanh khung trên.
  • Bước 3: Lau bên ngoài và bên trong nồi cơm điện, bao gồm cả tấm thoát nhiệt, bằng khăn ướt vắt khô.
  • Bước 4: Lau sạch dây điện và phích cắm điện bằng khăn khô.

Cần lưu ý một số điểm sau khi vệ sinh nồi cơm điện cao tần:

  • Rút phích cắm điện và để nồi nguội hoàn toàn rồi mới vệ sinh.
  • Không sử dụng chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh bất kỳ bộ phận nào của nồi.
  • Không dùng mặt nhám của miếng bọt biển hoặc xơ sắt để cọ nồi trong, tránh gây xước lớp chống dính của nồi.
  • Không rửa nồi bằng nước nóng
  • Không ngâm các bộ phận của nồi trong nước.
  • Không làm sạch các bộ phận của nồi bằng máy rửa bát và máy sấy bát để tránh làm biến dạng các bộ phận này.

Nồi cơm điện cao tần nào nấu cơm ngon nhất?

Những nồi cơm điện cao tần nấu ngon nhất là: Sharp KS-IH191V, Cuckoo CRP-JHT1009F, Xiaomi Gen 3, Toshiba RC-18IX1PV, Tefal RK604165,… Tham khảo thông tin chi tiết về ưu – nhược điểm của những mẫu nồi cơm điện cao tần kể trên tại Blog Tranthuyduyen.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!