Tổng hợp 10 món ăn ngon, bổ, dễ làm bằng nồi ủ giữ nhiệt

Cập nhật lần cuối:

Nồi ủ giữ nhiệt là một thiết bị nấu ăn có lớp cách nhiệt và nắp đậy kín, giúp nấu chín thực phẩm mà không cần phải đun liên tục nhờ cơ chế giữ nhiệt lâu và ổn định. Nồi ủ có thể nấu được nhiều món ăn, xong chủ yếu là các món hầm/ tiềm, ninh nhừ,…

Bài viết này giới thiệu cách làm 10 món ăn ngon, bổ và dễ làm bằng nồi ủ chân không. Cụ thể là:

  1. Cháo
  2. Cá kho
  3. Cơm trắng
  4. Xôi
  5. Cơm gạo lứt
  6. Sữa chua
  7. Xương hầm
  8. Bánh chưng
  9. Bò kho
  10. Chè đậu đen

Khi nấu ăn bằng nồi ủ, cần lưu ý một số điều sau: Cho lượng nguyên liệu vừa phải vào nồi để thực phẩm chín đều, đóng nắp nồi trong suốt quá trình ủ thực phẩm để giữ nhiệt tốt nhất, cẩn thận trong quá trình sử dụng nồi để tránh bị bỏng,…

Phần cuối của bài viết hướng dẫn thời gian nấu phù hợp cho những loại thực phẩm phổ biến, cách vệ sinh nồi ủ đúng và loại nồi ủ chất lượng nên chọn mua.

1. Cháo

Để nấu cháo bằng nồi ủ giữ nhiệt, bạn làm như sau:

  1. Bước 1: Cho gạo và nước vào lõi nồi theo tỉ lệ 1:10, gia giảm lượng nước tùy theo độ đặc loãng của cháo mà bạn muốn.
  2. Bước 2: Đun sôi nồi cháo trên bếp từ 5 – 7 phút nếu bạn muốn ăn cháo nhừ, hoặc từ 3 – 4 phút nếu bạn muốn ăn cháo không quá nhừ.
  3. Bước 3: Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ và đậy nắp. Ủ cháo từ 60 – 90 phút là hoàn thiện.

Cháo là một món ăn dễ nấu mà lại tốt cho sức khỏe. Theo HelloBacsi, ăn cháo giúp cung cấp nước cho cơ thể, giúp kiểm soát cân nặng, tốt cho hệ tiêu hóa và phòng ngừa cảm lạnh, viêm họng.

2. Cá kho

Để nấu cá kho bằng nồi ủ giữ nhiệt, bạn thực hiện như sau.

Nguyên liệu: Cá và các gia vị tùy theo món cá kho bạn muốn nấu.

Cách làm:

  1. Bước 1: Cho cá và các gia vị vào lõi nồi ủ. Đổ nước xâm xấp mặt các nguyên liệu trên.
  2. Bước 2: Đun sôi nồi cá trên bếp từ 5 – 7 phút.
  3. Bước 3: Đặt lõi nồi vào vỏ nồi ủ và đậy nắp. Ủ cá trong 4 – 6 giờ hoặc qua đêm.

Cá kho là một món ăn quen thuộc của người Việt, bao gồm cá kho nhừ với các gia vị như nước mắm, đường, hạt tiêu, hành tím, riềng, nước màu,… Cá kho nấu bằng nồi ủ giữ nhiệt có hương vị thơm ngon, thịt cá chín mềm và ngấm gia vị. Một vài công thức cá kho ngon có thể kể đến như cá kho nghệ, cá kho tương, cá kho riềng, cá kho tộ, cá kho cà,…

Cá kho làm bằng nồi ủ chân không
Cá kho làm bằng nồi ủ chân không

3. Cơm trắng

Nồi ủ có nấu cơm được không? Có, nồi ủ có thể nấu được cơm. Dưới đây là cách nấu cơm trắng tiện lợi bằng nồi ủ giữ nhiệt.

Nguyên liệu:

  • 1 bát (chén) gạo trắng, vo sạch và để ráo
  • 2 bát (chén) nước lọc

Cách làm:

  1. Bước 1: Đổ nước lọc vào lõi nồi ủ. Đun lõi nồi trên bếp cho nước trong nồi sôi lên.
  2. Bước 2: Đổ gạo vào nồi nước đang sôi. Đun nồi gạo đến khi nước trong nồi sôi trở lại.
  3. Bước 3: Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ và đậy nắp. Ủ gạo trong 30 phút.
  4. Bước 4: Mở nắp nồi ủ và xới đều cơm.

Gạo trắng là loại gạo đã được xay xát để bỏ đi lớp vỏ, lớp cám và mầm bên ngoài. Theo Báo Sức khỏe đời sống, cơm gạo trắng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể nhờ hàm lượng chất bột đường cao. Ngoài ra, cơm gạo trắng còn giúp tăng cường sức khỏe xương, sức khỏe ruột kết và an toàn với người mắc bệnh Celiac.

4. Xôi

Sau đây là cách nấu xôi đơn giản bằng nồi ủ giữ nhiệt.

Nguyên liệu:

  • 3 cốc gạo nếp, rửa sạch và ngâm nước 30 phút
  • 2 cốc nước lọc (đong bằng cốc đong gạo)

Cách làm:

  1. Bước 1: Đổ gạo nếp và nước vào lõi nồi ủ. Đậy nắp nồi, đun nồi gạo trên bếp trong 10 phút hoặc đến khi có hơi nước thoát ra.
  2. Bước 2: Đặt lõi nồi vào trong vỏ nồi ủ và đóng nắp. Ủ gạo nếp trong 45 phút.
  3. Bước 3: Mở nắp nồi ủ và xới đều xôi.

Xôi là một món ăn được ưa chuộng ở nhiều nước châu Á, gồm có nguyên liệu chính là gạo nếp được hấp chín bằng hơi nước. Xôi thường được ăn kèm với giò, chả, trứng chiên, mỡ hành, thịt kho,… Xôi còn được biến tấu với nhiều cách nấu khác nhau để thơm ngon hơn và lạ miệng hơn, chẳng hạn như xôi nấu với đậu xanh, đậu đen, đậu phộng, gấc, ngô,…

5. Cơm gạo lứt

Dưới đây là cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi ủ giữ nhiệt.

Nguyên liệu:

  • 1 bát (chén) gạo lứt, rửa sạch và để ráo
  • 1 ¼ hoặc 1 ½ bát (chén) nước lọc (tùy theo loại gạo)

Cách làm:

  1. Bước 1: Đổ nước lọc vào lõi nồi ủ và đun sôi nước trên bếp.
  2. Bước 2: Đổ gạo lứt vào nồi nước sôi.
  3. Bước 3: Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ và đóng nắp. Ủ gạo lứt trong 20 – 30 phút.

Gạo lứt là loại gạo chỉ được xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát để loại bỏ lớp cám gạo. Gạo lứt có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất hơn so với gạo trắng. Theo Vinmec, ăn cơm gạo lứt giúp giảm cân, tốt cho hệ tim mạch, phù hợp với người bị tiểu đường và người dị ứng gluten.

6. Sữa chua

Cách ủ sữa chua nhanh và tiện lợi bằng nồi ủ giữ nhiệt được nêu dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 380 gram sữa đặc
  • 220 ml sữa tươi không đường
  • 2 hộp sữa chua không đường (100 gram/ hộp)
  • 1,1 lít nước sôi

Cách làm:

  1. Bước 1: Đổ sữa tươi, sữa đặc và sữa chua vào lõi nồi ủ. Khuấy đều cho tất cả các nguyên liệu trên hòa tan hoàn toàn với nhau.
  2. Bước 2: Đổ nước sôi vào hỗn hợp sữa ở bước 1 và khuấy đều 1 lần nữa.
  3. Bước 3: Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ và đậy nắp. Ủ sữa chua trong 5 giờ.
  4. Bước 4: Múc sữa chua ra hũ nhỏ và bảo quản trong tủ lạnh.

Làm sữa chua bằng nồi ủ giữ nhiệt là một phương pháp tiện lợi, giúp sữa chua lên men tốt nhờ cơ chế giữ nhiệt của nồi ủ. Trong quá trình ủ sữa chua, bạn chú ý không mở nắp nồi, không đảo khuấy sữa chua và hạn chế di chuyển nồi ủ để sữa chua có chất lượng tốt nhất.

7. Xương hầm

Để làm xương hầm bằng nồi ủ giữ nhiệt, bạn thực hiện theo các bước sau:

  1. Bước 1: Rửa sạch xương. Chần sơ xương với nước sôi trong 2 – 3 phút rồi rửa lại xương bằng nước sạch.
  2. Bước 2: Cho xương vào lõi nồi ủ, đổ nước xâm xấp mặt xương.
  3. Bước 3: Đun sôi nồi xương trên bếp trong 5 – 10 phút và hớt bọt.
  4. Bước 4: Cho nồi xương vào vỏ nồi ủ và đóng nắp. Ủ xương trong 3 – 5 giờ.

Hầm xương bằng nồi ủ giữ nhiệt giúp tiết kiệm năng lượng và thời gian đứng bếp hơn so với hầm xương bằng các thiết bị khác. Theo Báo Sức khỏe đời sống, trong nước hầm xương có các khoáng chất như magie, phốt pho, canxi và các amino axit như glutamine, glucosamine, glycine,… Do đó, nước xương hầm giúp làn da khỏe đẹp, tốt cho tim mạch, giúp hệ cơ khỏe mạnh, tốt cho xương khớp và đường ruột,…

8. Bánh chưng

Sau đây là cách ủ bánh chưng bằng nồi ủ giữ nhiệt:

  1. Bước 1: Xếp bánh chưng vào lõi nồi ủ. Đổ nước ngập mặt bánh.
  2. Bước 2: Đun sôi nồi bánh trong 15 – 20 phút. Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ để ủ bánh lần 1, thời gian ủ bánh là 2 giờ.
  3. Bước 3: Lấy lõi nồi có đựng bánh chưng ra, đổ thêm nước cho ngập mặt bánh. Đun sôi lõi nồi trên bếp trong 5 – 7 phút. Cho lõi nồi vào vỏ nồi ủ và ủ bánh lần 2, thời gian ủ bánh là 2 – 4 giờ.
Luộc bánh chưng bằng nồi ủ nhiệt
Luộc bánh chưng bằng nồi ủ nhiệt

Bánh chưng luộc bằng nồi ủ giữ nhiệt mềm ngon mà lại tiết kiệm thời gian, công sức. Khi ủ bánh chưng bằng nồi ủ, bạn cần đun bánh và ủ bánh 2 lần. Việc đun bánh lần 2 gọi là gia nhiệt, giúp nồi có thêm nhiệt độ để làm dền gạo trong bánh.

9. Bò kho

Cách làm bò kho đơn giản bằng nồi ủ chân không như sau.

Nguyên liệu:

  • 1,2 kg thịt bắp bò, thái miếng vuông vừa ăn
  • 4 củ cà rốt nạo vỏ, bổ miếng
  • ½ củ hành tây bổ miếng cau
  • 6 tép tỏi băm nhỏ
  • 2 cây sả đập dập
  • Gia vị: Muối, hạt tiêu xay, hạt nêm, bột gia vị bò kho

Cách làm:

  1. Bước 1: Tẩm ướp thịt bò với ½ lượng tỏi băm, 1 muỗng canh gia vị bò kho, 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh hạt nêm và ½ muỗng canh hạt tiêu xay. Thời gian để thịt bò ngấm gia vị là 30 phút.
  2. Bước 2: Xào săn thịt bò với lượng tỏi băm còn lại, hành tây, sả, và ½ muỗng canh gia vị bò kho.
  3. Bước 3: Đổ nước sôi xâm xấp mặt thịt bò. Đun nồi thịt bò ở lửa to, khi nước trong nồi sôi thì vớt bọt. Hạ nhỏ lửa, hầm thịt bò trong 1 giờ.
  4. Bước 4: Đổ cà rốt vào nồi, đun sôi nồi thịt thêm 5 phút nữa.
  5. Bước 5: Cho nồi thịt bò vào vỏ nồi ủ và đóng nắp. Ủ thịt từ sáng đến tối hoặc qua đêm để thịt mềm nhừ hoàn toàn.

Bạn có thể làm theo cách sau nếu không có thời gian để hầm thịt 1 giờ trước khi cho thịt vào nồi ủ: Một, tẩm ướp và xào thịt bò tương tự bước 1 và bước 2. Hai, đổ nước vào nồi và đun sôi nồi thịt trong 5 – 7 phút. Ba, ủ thịt trong nồi ủ qua đêm. Bốn, nấu sôi nồi thịt 1 lần nữa và cho vào nồi ủ thêm 2 giờ.

Bò kho là một trong nhiều món hầm ngon và bổ có thể làm bằng nồi ủ chân không. Bò kho bằng nồi ủ mềm nhừ, thấm gia vị và thơm ngon. Món bò kho thường được ăn kèm với bánh mì, cơm nóng hoặc bánh bao chay.

10. Chè đậu đen

Dưới đây là cách nấu chè đậu đen đơn giản bằng nồi ủ giữ nhiệt:

  1. Bước 1: Ngâm đậu đen với nước trong 2 – 3 giờ.
  2. Bước 2: Cho đậu đen vào lõi nồi ủ, đổ nước tùy theo sở thích.
  3. Bước 3: Đun sôi nồi đỗ đen trên bếp trong 5 – 7 phút.
  4. Bước 4: Đặt lõi nồi vào vỏ nồi ủ, ủ chè đậu đen trong 60 – 70 phút.
  5. Bước 5: Nêm nếm đường theo khẩu vị sau khi quá trình ủ chè kết thúc.
Nấu chè đỗ đen trong nồi ủ
Nấu chè đỗ đen bằng nồi ủ

Theo khuyến nghị của nhà sản xuất nồi ủ, bạn chỉ nên cho thêm đường vào các món đậu sau khi quá trình ủ giữ nhiệt đã hoàn tất. Bạn có thể đun nồi chè trên bếp sau khi nêm đường để đường tan hết.

Lưu ý để nấu ăn ngon với nồi ủ nhiệt

Để nấu ăn ngon với nồi ủ nhiệt, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Nên sử dụng nước nóng để ủ thực phẩm, từ đó rút ngắn thời gian ủ.
  • Nên đóng nắp nồi liên tục trong quá trình ủ thực phẩm để giữ nhiệt tốt nhất.
  • Nên vệ sinh nồi ủ chân không sau mỗi lần sử dụng.
  • Không nên cho quá nhiều nguyên liệu vào nồi vì có thể khiến thực phẩm không chín đều.
  • Không đun vỏ nồi trên bếp để tránh hỏng hóc, cháy nổ. Không đặt thực phẩm trực tiếp vào vỏ nồi.
  • Không nên ủ thức ăn quá lâu. Tốt nhất nên đun lại thức ăn nếu đã ủ quá 8 giờ.
  • Không chạm vào vỏ nồi khi đang ủ thực phẩm bên trong hoặc khi vừa mới lấy thực phẩm ra. Cẩn thận khi mở nắp nồi nóng để tránh bị bỏng.

Nên nấu thức ăn bao lâu trong nồi ủ nhiệt?

Dưới đây là bảng thời gian ủ các thực phẩm phổ biến trong nồi ủ nhiệt:

Thực phẩmThời gian đun sôiThời gian ủ
Gạo0 – 10 phút (tùy loại gạo)20 – 45 phút (tùy loại gạo)
Chè đậu xanh, đậu trắng, đậu đen5 – 7 phút60 – 70 phút
Đuôi bò, xương bò, móng bò5 – 7 phút120 – 150 phút
Chân lợn (heo), tai lợn5 – 7 phút60 – 90 phút
Xương

5 – 7 phút

3 – 5 giờ
Thịt gà, thịt vịt, thịt lợn5 – 7 phút45 – 60 phút

Thời gian để nấu thức ăn trong nồi ủ nhiệt ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như loại thực phẩm, kích thước và khối lượng thực phẩm, nhiệt độ đun nóng ban đầu, lượng nước, độ dày của vỏ nồi ủ và khả năng giữ nhiệt của nồi ủ.

Vệ sinh nồi ủ chân không bằng cách nào?

Cách vệ sinh nồi ủ chân không như sau: Rửa lõi nồi bằng miếng bọt biển tẩm nước rửa chén dịu nhẹ và nước sạch. Sau đó, dùng khăn mềm để lau khô lõi nồi. Tiếp đến, lau sạch vỏ nồi bằng khăn ẩm và để nồi khô trong không khí.

Nồi ủ chân không nào nấu ngon?

Một số nồi ủ chân không nấu ngon nhất mà gia đình nên mua là Comet CM7661, Mishio MK-187, Thermos KBG-4500. Đây là các mẫu nồi ủ làm bằng chất liệu tốt, đến từ thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng đánh giá tốt. Bạn có thể tham khảo thêm đánh giá các dòng nồi ủ chân không tốt ở bài viết liên quan trên Blog Tranthuyduyen.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!