Bánh mì làm bằng máy là bánh mì được làm bằng máy làm bánh mì tự động. Máy làm bánh mì sẽ trộn, nhào, ủ và nướng bột để tạo ra bánh mì hoàn chỉnh mà không cần nhiều sự can thiệp thủ công.
Máy làm bánh mì có thể làm được nhiều loại bánh mì khác nhau. Bài viết này hướng dẫn bạn 8 công thức làm bánh mì bằng máy phổ biến nhất, đó là: Bánh mì sandwich, bánh mì sourdough, bánh mì ngọt mềm, bánh mì baguette, bánh mì đen, bánh mì nguyên cám, bánh bông lan và bánh mì hoa cúc. Bài viết sẽ nêu ra các nguyên liệu làm bánh, cách cho các nguyên liệu vào máy làm bánh mì và cách lựa chọn chế độ phù hợp với từng loại bánh.
Phần cuối của bài viết này sẽ giới thiệu và nêu ra tác dụng của các nguyên liệu, dụng cụ thường dùng khi làm bánh mì, tác dụng của bánh mì và một số loại bánh mì tốt cho sức khỏe.
1. Bánh mì sandwich (bánh mì gối)
Dưới đây là công thức làm bánh mì sandwich bằng máy làm bánh mì.
Nguyên liệu: Cho 1 kg (1000 gram) bánh mì sandwich thành phẩm:
- 270 ml nước
- 420 gram bột mỳ
- 2 thìa (muỗng) canh dầu ăn
- 1,5 thìa canh đường
- 1,5 thìa canh sữa bột
- 1,5 thìa canh bơ
- 1,5 thìa cafe muối
- 1 thìa cafe bột nở
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Đầu tiên, cho nước và dầu ăn vào máy. Thứ hai, cho bột mỳ, đường, sữa bột, bơ và muối vào máy. Cuối cùng, dùng tay tạo một khoảng nhỏ trên bột mì rồi cho bột nở vào, không để bột nở dính nước và muối.
Chọn chế độ làm bánh mì cho máy: Chọn kích thước bánh 1 kg, chọn màu sắc vỏ bánh theo sở thích (sáng, vừa, đậm) và chọn loại bánh mì “Sandwich”. Nhấn nút START để bắt đầu làm bánh.
Bánh mì sandwich hay bánh mì gối là loại bánh mì ruột mềm, có kết cấu nhẹ và vỏ mỏng. Bánh mì sandwich phù hợp để ăn cùng trứng, thịt nguội, rau xà lách và cà chua,… tạo thành món bánh sandwich kẹp.
2. Bánh mì sourdough
Cách làm bánh mì sourdough bằng máy làm bánh mì tự động được nêu dưới đây.
Nguyên liệu: Cho 1 kg bánh mì sourdough thành phẩm:
- 300 gram bột mì làm bánh mì (bột mì số 11)
- 240 ml nước ấm
- 115 ml bột chua sống
- 60 ml dầu ăn
- 60 gram bột mì nguyên cám
- 10 – 15 gram đường trắng (đường kính)
- 5 gram muối
- 3 gram men làm bánh mì
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Trước tiên, đổ nước, bột chua và dầu ăn vào máy. Tiếp theo, cho bột mì, đường và muối vào máy. Cuối cùng, tạo 1 lỗ trên bề mặt bột và đổ men làm bánh mì vào lỗ này, không cho men tiếp xúc với nước và muối.
Chọn chế độ cho máy làm bánh mì: Chọn kích thước bánh 1 kg, chọn màu sắc vỏ bánh theo ý thích (đậm, nhạt, vừa) và chọn loại bánh mì “Bánh mì cơ bản/ Basic bread”. Bấm nút START để máy bắt đầu công đoạn làm bánh.
Bạn nên phết 1 lớp bơ mỏng lên bề mặt bánh ngay khi lấy bánh ra khỏi máy để tăng vị thơm và cho bánh nghỉ trong 1 – 2 giờ trước khi cắt bánh.
Bánh mì sourdough là bánh mì được làm bằng bột chua lên men tự nhiên thay vì men công nghiệp. Bánh mì sourdough có lớp vỏ vàng giòn, kết cấu bên trong dai, xốp, nhiều lỗ khí bong bóng và hương vị chua nhẹ đặc trưng. Bánh mì sourdough không chỉ ngon mà còn tốt cho hệ tiêu hóa.
3. Bánh mì ngọt mềm
Dưới đây hướng dẫn cách làm bánh mì ngọt mềm bằng máy làm bánh mì gia đình.
Nguyên liệu: Cho 750 gram bánh mì ngọt mềm thành phẩm:
- 150 ml sữa tươi không đường
- 300 gram bột mì số 13
- 1 quả trứng gà
- 45 – 60 gram đường
- 40 gram bơ lạt
- 12 gram sữa bột
- 2 gram muối
- 2 gram men khô
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Đầu tiên, đổ sữa và trứng gà vào máy. Tiếp theo, cho bột mì, đường, bơ lạt, sữa bột và muối vào máy. Sau cùng, tạo 1 lỗ nhỏ trên bột rồi đổ men khô vào lỗ này, không để men tiếp xúc trực tiếp với nước và muối.
Chọn chế độ làm bánh mì: Chọn kích cỡ bánh 750 gram, chọn màu sắc vỏ bánh đậm nhạt tùy thích và chọn loại bánh mì “Bánh mì Pháp/ French bread”. Nhấn nút START để máy bắt đầu làm bánh.
Bánh mì ngọt mềm là loại bánh mì vỏ mỏng, có vị ngọt nhẹ và kết cấu mềm mịn, được ăn kèm với bơ, mứt hoặc socola. Bánh mì ngọt mềm có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, chẳng hạn như brioche của Pháp, challah của người Do Thái hay bánh mì sữa Hokkaido của Nhật Bản.
4. Bánh mì baguette
Dưới đây là gợi ý cách làm bánh mì baguette bằng máy làm bánh mì tự động.
Nguyên liệu: Cho 3 ổ bánh mì baguette dài 50 cm, đường kính 6 cm:
- 400 gram bột mì số 11
- 300 ml nước ấm
- 8 gram muối
- 5 gram men khô
- 4 gram đường
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Cho nước ấm vào máy trước, sau đó cho bột mì, muối và đường vào máy. Tiếp đó, dùng tay tạo 1 lỗ trên bột mì và đổ men khô vào lỗ này, tránh để men khô tiếp xúc với nước và muối.
Chọn chế độ cho máy làm bánh mì: Chọn chức năng “Dough/ Trộn bột” và nhấn nút START. Máy làm bánh mì sẽ giúp bạn trộn bột và ủ bột. Sau đó, bạn cần tạo hình bánh thủ công và nướng bánh trong lò nướng, do máy làm bánh mì không có chế độ làm bánh mì baguette tự động. Thời gian trộn bột và ủ bột là 1 giờ 30 phút.
Khi thời gian ủ bột hoàn tất, bạn lấy bột bánh ra khỏi máy và chia bột thành 3 phần bằng nhau. Tiếp đến, đặt bột lên khay nướng và để bột nở thêm 1 giờ nữa. Sau đó, dùng dao cắt vài đường chéo sâu 1cm lên bề mặt bột rồi đem bột đi nướng. Cách cài đặt thời gian và nhiệt độ của lò nướng như sau: Làm nóng lò không ở nhiệt độ 230℃ (450℉) và nướng bánh ở nhiệt độ 230℃ trong thời gian 15 – 20 phút.
Bánh mì baguette là một loại bánh mì truyền thống nổi tiếng của Pháp, có hình dáng dài, vỏ giòn và ruột mềm. Bánh mì baguette ngon khi ăn cùng với bơ, mứt, sữa đặc,…
5. Bánh mì đen
Sau đây là công thức làm bánh mì đen bằng máy làm bánh mì.
Nguyên liệu: Cho 1 kg bánh mì đen thành phẩm:
- 260 gram bột mì
- 170 gram bột lúa mạch đen
- 250 ml nước 50℃
- 3 muỗng canh đường nâu
- 2 muỗng (thìa) canh mật mía
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh bột cacao
- 2,5 muỗng cafe bột nở
- 1 muỗng cafe muối
- ¾ muỗng cafe hạt cây carum (không bắt buộc)
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Đầu tiên, cho nước, mật mía và dầu ăn vào máy. Tiếp đến, cho bột mì, bột lúa mạch đen, đường nâu, bột cacao và muối vào máy. Sau đó, dùng tay tạo một lỗ nhỏ ở bột và cho bột nở vào lỗ, không để bột nở tiếp xúc với nước và muối. Cuối cùng, cho hạt cây carum vào khay đựng hạt và gắn khay đựng hạt vào máy, máy sẽ tự động cho hạt vào bánh khi đến thời gian.
Chọn chế độ cho máy làm bánh mì: Chọn kích thước bánh 1 kg, chọn màu sắc vỏ bánh tùy thích (sáng, trung bình, sẫm) và chọn loại bánh mì “Multigrain”/ “Bánh mì ngũ cốc”. Nhấn START khi đã cài đặt xong các chế độ trên.
Bánh mì đen, còn gọi là bánh mì lúa mạch đen, là loại bánh mì được làm từ bột lúa mạch đen thay vì bột mì thông thường. Bánh mì đen có màu sẫm, hương vị đậm đà và đắng nhẹ đặc trưng. Bánh mì đen tốt cho sức khỏe nhờ hàm lượng chất xơ và vitamin cao.
6. Bánh mì nguyên cám
Dưới đây gợi ý công thức làm bánh mì nguyên cám bằng bánh mì.
Nguyên liệu: Cho 1 kg bánh mì nguyên cám thành phẩm:
- 250 ml nước 50℃
- 420 gram bột mỳ nguyên cám
- 35 gram bột táo
- 2 muỗng (thìa) canh mật ong
- 1 muỗng cafe muối
- 2,5 muỗng cafe bột nở
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Đầu tiên, cho nước và mật ong vào máy. Kế đến, cho bột mì, bột táo và muối vào máy. Cuối cùng, tạo một lỗ ở bột và cho bột nở vào lỗ này, không để bột nở dính nước và muối.
Chọn chế độ làm bánh mì: Chọn kích cỡ bánh 1 kg, chọn màu sắc vỏ bánh tùy thích (màu sáng, trung bình, màu đậm) và chọn loại bánh mì “Whole-wheat/ Bánh mì nguyên cám”. Bấm START sau khi cài đặt xong các chế độ kể trên.
Bánh mì nguyên cám (bánh mì ngũ cốc) là bánh mì được làm từ bột mì nguyên cám – loại bột được xay bằng toàn bộ hạt lúa mì, bao gồm cám, mầm và nội nhũ. Bánh mì nguyên cám có màu nâu đậm và hương vị thơm ngon từ hạt lúa mì. Bánh mì nguyên cám được khuyến cáo bổ sung vào chế độ ăn giảm cân, giảm mỡ nhờ hàm lượng chất xơ cao.
7. Bánh bông lan
Dưới đây hướng dẫn công thức làm bánh bông lan bằng máy làm bánh mì.
Nguyên liệu: Cho 750 gram bánh bông lan thành phẩm.
- 5 quả trứng gà
- 75 gram dầu ăn
- 75 gram nước cốt dừa
- 75 gram đường
- 65 gram bột mì số 8
- ¼ thìa cafe muối
Cách cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Trộn bột giống như khi làm bánh bông lan bằng các thiết bị khác như lò nướng, nồi chiên không dầu, nồi cơm điện,… Sau đó, đổ bột đã trộn vào máy làm bánh mì. Tham khảo cách trộn bột bánh bông lan tại video sau:
Chọn chế độ làm bánh mì: Chọn kích thước bánh 750 gram, chọn màu sắc của vỏ bánh tùy ý (vàng nhạt, trung bình, vàng đậm) và chọn loại bánh “Bánh mì mềm/ Soft bread”. Bấm START khi đã chọn xong các chế độ kể trên.
Bánh bông lan là một loại bánh ngọt có nguồn gốc từ phương Tây, với cấu trúc bánh mềm nhẹ và bông xốp. Bánh bông lan được sử dụng để biến tấu thành nhiều món bánh khác như bánh gato, bánh bông lan cuộn hay bánh layer.
8. Bánh mì hoa cúc
Cách làm bánh mì hoa cúc bằng máy làm bánh mì, cụ thể được nêu dưới đây.
Nguyên liệu: Cho 750 gram bánh mì hoa cúc thành phẩm:
- 110 gram whipping cream (kem whipping)
- 300 gram bột mì số 13
- 2 quả trứng gà
- 60 gram bơ lạt
- 45 – 60 gram đường
- 12 gram sữa bột
- 8 ml tinh chất hoa cam
- 2 gram men nở
- 2 gram muối
- 2 ml tinh chất vani
- Hạnh nhân lát để trang trí bánh
Thứ tự cho nguyên liệu vào máy làm bánh mì: Đầu tiên, cho whipping cream, trứng gà, tinh chất hoa cam vào máy. Tiếp đến, cho đường, muối, bơ lạt, sữa bột, bột mì và tinh chất vani vào máy. Cuối cùng, tạo 1 lỗ trên bột rồi đổ men nở vào lỗ này, tránh để men tiếp xúc trực tiếp với nước và muối.
Chọn chế độ làm bánh mì: Chọn kích thước bánh 750 gram, chọn màu sắc vỏ bánh theo ý thích (nhạt, trung bình, đậm) và chọn loại bánh mì “Bánh mì kiểu Pháp/ French bread”. Nhấn nút START để máy bắt đầu hoạt động.
Bạn cần canh giờ để lấy bột ra khỏi máy và tạo hình thủ công nếu muốn làm bánh mì hoa cúc dạng thắt bím. Khi màn hình hiển thị còn 1 giờ 30 phút thì lấy bột bánh ra tạo hình, sau đó cho bột trở lại vào máy để đợi bột nở ra. Khi màn hình hiển thị còn 40 phút thì rắc hạnh nhân lát lên trên mặt bánh để trang trí và lúc này máy sẽ bắt đầu nướng bánh.
Bánh mì hoa cúc là một loại bánh mì ngọt và mềm mịn, có nguồn gốc từ nước Pháp. Đặc trưng của bánh mì hoa cúc là kết cấu xốp mềm và nhẹ nhờ việc sử dụng nhiều bơ và trứng trong công thức.
Làm bánh mì cần những nguyên liệu gì?
Làm bánh mì cần những nguyên liệu là: Bột mì, nước, men nở, muối, đường, bơ hoặc dầu ăn, trứng và sữa tươi. Tác dụng của những nguyên liệu này như sau:
- Bột mì là nguyên liệu quan trọng khi làm bánh, giúp tạo kết cấu và sự vững chắc cho bánh nhờ quá trình chuyển hóa protein thành gluten khi gặp nước.
- Nước kích hoạt men nở và giúp hòa quyện các nguyên liệu khô như bột mì, muối, đường,… để tạo thành hỗn hợp bột nhào. Nước cũng góp phần chuyển hóa protein trong bột mì thành gluten để hình thành cấu trúc bánh.
- Men nở thúc đẩy quá trình lên men của khối bột khiến bột nở to hơn.
- Muối giúp trung hòa độ ngọt của bánh, giúp kiểm soát quá trình lên men của bột để bột không nở quá to và làm cho khối bột được săn chắc.
- Đường giúp quá trình lên men diễn ra nhanh hơn, giúp cho bánh có vị ngon hơn, vỏ bánh có màu vàng đẹp khi nướng.
- Bơ hoặc dầu ăn giúp bánh mềm mịn, giữ ẩm khi nướng và làm cho bánh có vị béo ngậy.
- Trứng giúp cho bánh có độ đàn hồi, giữ ẩm cho bánh, làm bánh nở tốt hơn và cho ra màu sắc bánh vàng đẹp khi nướng.
- Sữa tươi đôi khi thay thế cho nước, giúp hòa quyện các nguyên liệu khác thành một khối bột đồng nhất và làm cho bánh khi nướng lên có mùi thơm và vị béo từ sữa.
Đồ nghề làm bánh mì gồm những gì?
Đồ nghề làm bánh mì bao gồm những vật dụng dưới đây:
- Dụng cụ đo lường: Cân điện tử, muỗng đong, cốc đong,…
- Dụng cụ trộn bột và nhồi bột: Âu trộn bột, máy nhồi bột, máy đánh trứng, phới lồng, cây lăn bột, tấm nhồi bột chống dính,…
- Dụng cụ nướng bánh: Khuôn bánh, khay nướng bánh, máy làm bánh mì tự động, lò nướng, nồi chiên không dầu,….
- Dụng cụ phụ trợ: Khăn vải ủ bột, rao rạch bột, chổi phết bơ, kẹp gắp bánh, găng tay làm bánh,…
Làm sao để làm bánh mì nếu không có máy?
Bạn có thể dùng các thiết bị thay thế là lò nướng, nồi chiên không dầu và lò vi sóng có nướng để làm bánh mì, nếu không có máy làm bánh mì tự động. Ưu – nhược điểm của những thiết bị trên như sau:
- Lò nướng bánh có ưu điểm là dung tích lớn, nướng được nhiều ổ bánh cùng lúc, nhiệt độ ổn định và dễ kiểm soát. Xong, điểm hạn chế của lò nướng là bạn cần biết cài đặt nhiệt độ và thời gian chính xác để tránh việc bánh bị cháy hoặc chưa chín.
- Nồi chiên không dầu có ưu điểm là tiện lợi, dễ sử dụng và cài đặt được nhiệt độ. Tuy nhiên, nhược điểm của nồi chiên không dầu là dung tích nhỏ, không nướng được bánh mì cỡ lớn và cần lật trở bánh trong quá trình nướng để bánh chín đều.
- Lò vi sóng có chức năng nướng có ưu điểm là được lập trình sẵn các chế độ nướng bánh, nướng bánh nhanh và tiết kiệm thời gian. Nhưng, điểm hạn chế của lò vi sóng là nhiệt độ không ổn định giữa các khu vực trong lò, dẫn đến bánh không chín đều. Bên cạnh đó, bánh thành phẩm nướng bằng lò vi sóng không có màu vàng đều và vỏ bánh không giòn như khi nướng bánh bằng các thiết bị khác.
Ngoài những điểm hạn chế đã nêu của những thiết bị trên, khi làm bánh mà không dùng máy làm bánh mì tự động, bạn cần tự ủ bột theo cách thủ công. Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, bánh cũng sẽ không ngon như ý muốn nếu bạn không thể canh giờ ủ bột chuẩn xác.
Ăn bánh mì có tốt không?
Ăn bánh mì tốt nếu bạn ăn ở mức độ vừa phải và ăn đúng loại bánh mì. Theo Healthline, bánh mì có nhiều carbs (bột đường), ít vi chất dinh dưỡng thiết yếu và lượng calo trong bánh mì cao. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng của mỗi loại bánh mì lại khác nhau. Chẳng hạn, bánh mì nguyên cám có chứa nhiều chất xơ và chất khoáng hơn bánh mì trắng thông thường. Bạn nên ăn bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì nguyên hạt, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng để đạt lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
Ăn bánh mì nhiều có tốt không?
Ăn bánh mì nhiều không tốt, đặc biệt là ăn bánh mì trắng. Theo Medical News Today, tiêu thụ quá nhiều bánh mì trắng góp phần gây nên bệnh béo phì, bệnh tim và bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trong bánh mì đóng gói sẵn còn chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.
Loại bánh mì nào tốt nhất?
Loại bánh mì tốt nhất cho việc giảm cân và hỗ trợ tiêu hóa là: Bánh mì nguyên cám, bánh mì nguyên hạt nảy mầm, bánh mì đen, bánh mì yến mạch, bánh mì bột chua, bánh mì Pita,… nhờ hàm lượng chất xơ cao tạo cảm giác no lâu và hàm lượng calo thấp. Ngoài ra, bánh mì không chứa gluten cũng tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là với người bị dị ứng gluten.
Loại bánh mì tốt nhất cho việc phòng tránh tiểu đường là: Bánh mì Ezekiel, bánh mì đen, bánh mì nguyên cám, bánh mì hạt lanh, bánh mì Pita, bánh mì yến mạch, bánh mì nguyên hạt và bánh mì lúa mạch, nhờ có chỉ số đường huyết thấp.