Nước ép là thành phẩm tạo ra sau quá trình tách phần nước trong rau củ quả ra khỏi thịt quả. Các loại nước ép được làm từ một hay nhiều loại rau củ, trái cây kết hợp với nhau. Bài viết này sẽ giới thiệu công thức nước ép làm từ các nguyên liệu quen thuộc và sẵn có tại Việt Nam như cần tây, cà rốt, dưa hấu, thơm,… cùng với tác dụng và cách sử dụng. Bạn có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị.
Uống nước ép trái cây giúp bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó mang lại nhiều lợi ích như đẹp da, giải độc phổi, giải độc gan, ngăn ngừa bệnh tật,… tùy thuộc vào nguyên liệu ép. Theo hướng dẫn của CDC, mỗi người lớn chỉ nên uống tối đa 250 ml nước ép mỗi ngày và liều lượng cho trẻ em còn ít hơn nữa. Nước ép có thể được uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng không uống lúc đói.
Ngoài ra, nước ép trái cây được cho là không tốt bằng sinh tố do chứa nhiều đường và ít chất xơ hơn. Bài viết này sẽ so sánh nước ép và sinh tố để giúp bạn hiểu rõ nên sử dụng thức uống nào tốt hơn cho sức khỏe.
Bạn hoàn toàn có thể tự làm nước ép rau quả tại nhà bằng các thiết bị như máy ép chậm, máy ép nhanh hoặc máy xay sinh tố. Nước ép nên được uống ngay sau khi ép và chỉ bảo quản ở nhiệt độ phòng trong tối đa 2 giờ. Nếu không uống hết, bạn cần bảo quản nước ép trong tủ lạnh và uống hết trong tối đa 5 ngày.
1. Nước ép cần tây
Một số công thức mix nước ép cần tây ngon và dễ uống là:
- Nước ép cần tây ổi: 3 bẹ cần tây, 1 quả ổi
- Nước ép cần tây dứa (thơm): 4 bẹ cần tây, ½ quả dứa
- Nước ép cần tây táo mật ong: 340 gram cần tây, 125 gram táo và 1 muỗng canh mật ong
- Nước ép cần tây cà rốt củ dền: 2 bẹ cần tây, 1 củ cà rốt, 1 củ dền (tùy chọn: 1 quả táo và ½ quả chanh)
- Nước ép cần tây dưa leo cải bó xôi táo: 2 nhánh cần tây, 1 quả dưa leo, 1 nắm cải bó xôi, 2 quả táo, 1 nắm rau mùi (tùy ý)
Cần tây là loại rau xanh, phần thân có xơ dài và chứa nhiều nước nên thường được dùng để ép nước uống. Khi làm nước ép cần tây, bạn nên bỏ lá để nước ép không bị đắng. Hãy cắt ngắn cần tây để tránh làm kẹt máy ép và ép cần tây sau cùng nếu mix cần tây với nguyên liệu khác.
Theo Vinmec, uống nước ép cần tây sẽ giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương do oxy hóa, giảm viêm sưng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, duy trì đường huyết ở mức khỏe mạnh và trung hòa tính axit trong cơ thể.
Theo Anthony William – tác giả của bộ sách “Cơ thể tự chữa lành”, uống nước ép cần tây nguyên chất mang lại lợi ích tối đa cho cơ thể. Bạn nên uống 475 ml nước ép cần tây mỗi buổi sáng khi bụng rỗng, trong ít nhất một tuần. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kết hợp cần tây với các loại rau củ quả khác cho ngon miệng.
2. Nước ép cà rốt
Một số công thức nước ép cà rốt ngon và dễ làm là:
- Nước ép cà rốt mật ong: 3 củ cà rốt và 1 – 2 thìa cà phê mật ong
- Nước ép cà rốt ổi: 3 củ cà rốt, 1 quả ổi
- Nước ép cà rốt dứa (thơm): 2 củ cà rốt, ½ quả dứa
- Nước ép cà rốt cam: 2 củ cà rốt, 1 quả cam
- Nước ép cà rốt dưa leo táo: 2 củ cà rốt, 1 quả dưa leo, 1 quả táo
Cà rốt là loại củ cứng, có màu vàng cam, chứa rất nhiều vitamin A. Khi ép cà rốt bằng máy ép chậm, bạn lưu ý nên ép chúng sau các loại nguyên liệu mềm như rau lá, dưa hấu, thơm, để tăng hiệu quả ép nước.
Uống nước ép cà rốt giúp cải thiện sức khỏe đôi mắt, bảo vệ mắt bạn khỏi tia cực tím. Ngoài ra, nước ép cà rốt cũng hỗ trợ giảm biến chứng tim mạch. Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Texas A&M-Kingsville (Mỹ) cho thấy uống nước ép cà rốt tăng cường chống oxy hóa và giảm quá trình peroxid hóa lipid ở người lớn.
Bạn chỉ nên uống tối đa 120 ml nước ép cà rốt mỗi ngày, do nước ép cà rốt chứa nhiều beta carotene hơn cà rốt sống. Uống quá nhiều nước ép cà rốt sẽ khiến da bạn bị vàng tạm thời.
3. Nước ép dưa hấu
Sau đây là một số công thức nước ép dưa hấu ngon lành và giải nhiệt:
- Nước ép dưa hấu ổi: ½ quả dưa hấu và 1 quả ổi
- Nước ép dưa hấu cà rốt: ½ quả dưa hấu, 1 củ cà rốt
- Nước ép dưa hấu dứa (thơm): ½ quả dưa hấu, 1 trái thơm
- Nước ép dưa hấu táo: 300 gram dưa hấu, 2 quả táo
- Nước ép dưa hấu dâu tây: 300 gram dưa hấu, 100 gram dâu tây
Dưa hấu là loại trái cây có ruột màu đỏ, mọng nước, vị ngọt mát. Khi dùng máy ép chậm, bạn nên ép dưa hấu trước do nó mềm và nhiều nước.
Nước ép dưa hấu là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt (ví dụ như kali, magie). Vitamin C và vitamin A trong nước ép dưa hấu giúp tăng cường miễn dịch. Một nghiên cứu của Đại học bang Ekiti (Nigeria) cho thấy nước ép dưa hấu cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nước ép dưa hấu là nguồn cung cấp dồi dào lycopene – một chất chống oxy hóa. Các nhà nghiên cứu của Đại học Alabama (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng uống 360 ml nước ép dưa hấu tiệt trùng 100% làm tăng mức lycopene ở phụ nữ lớn tuổi.
4. Nước ép dứa (thơm)
Dưới đây là một số công thức nước ép dứa ngon, mát và giàu chất dinh dưỡng:
- Nước ép dứa táo: ½ quả dứa và 1 quả táo
- Nước ép dứa cà rốt cam: ½ quả dứa, 3 củ cà rốt và 1 quả cam
- Nước ép dứa cà rốt gừng: ½ quả dứa, 3 củ cà rốt và 1 nhánh gừng nhỏ
- Nước ép dứa dâu gừng: 1 quả dứa, 300 gram quả mâm xôi đen, 300 gram dâu tây, 1 nhánh gừng nhỏ
- Nước ép dứa, cần tây, cải bó xôi, táo: 330 gram dứa, 2 bẹ cần tây, 60 gram cải bó xôi, 1 quả táo, 1 nhánh gừng nhỏ.
Dứa (hay còn gọi là thơm, khóm) là loại quả nhiệt đới có vỏ cứng, ruột màu vàng và nhiều nước. Khi làm nước ép dưa hấu bằng máy ép tốc độ chậm, bạn nên ép dưa hấu trước các nguyên liệu cứng.
Nước ép dứa là nguồn dồi dào mangan, đồng, vitamin B6 và vitamin C. Theo Healthline, nước ép dứa giúp tăng cường miễn dịch, giúp xương khỏe hơn và giảm triệu chứng hen suyễn. Ngoài ra, nước ép dứa cũng chứa bromelain – một nhóm enzyme giúp giảm viêm sưng, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch và có thể giúp cơ thể chống lại một vài loại ung thư.
Healthline khuyến nghị mỗi người không nên uống quá 150 ml nước ép dứa mỗi ngày để tránh gây hại cho sức khỏe. Người có vấn đề về dạ dày, bị bệnh thận hay bị sâu răng cũng không nên uống nước ép dứa.
5. Nước ép táo
Dưới đây là một số công thức mix nước ép táo ngon và bổ dưỡng:
- Nước ép táo thơm: 1 quả táo và ½ trái thơm
- Nước ép táo cà rốt: 1 quả táo và 1 củ cà rốt
- Nước ép táo cần tây: 1 quả táo, 2 bẹ cần tây (mật ong tùy ý)
- Nước ép táo dâu: 2 quả táo, 4-5 quả dâu tây
- Nước ép táo kiwi: 2 quả táo, 4 quả kiwi (có thể thêm một chút muối, tùy ý)
Táo có vị thanh, không gắt nên có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu đa dạng. Nước ép táo có vị ngọt thơm, chua nhẹ và chứa 88% nước.
Theo Healthline, nước ép táo giúp giải khát tốt, chứa nhiều dưỡng chất thực vật giúp giảm viêm sưng và chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và cải thiện chức năng não. Tuy nhiên, nước ép táo không chứa nhiều vitamin và khoáng chất, ít xơ và nhiều chất bột đường (theo số liệu của USDA). Người lớn được khuyến cáo uống tối đa 250 ml nước ép táo mỗi ngày để tránh tăng cân.
6. Nước ép ổi
Một số công thức nước ép ổi thơm ngon và dễ làm tại nhà được liệt kê dưới đây:
- Nước ép ổi dứa: 2 quả ổi và ¼ quả dứa
- Nước ép ổi dưa hấu: 3 quả ổi và ½ quả dưa hấu
- Nước ép ổi cần tây táo: 2 trái ổi, 4 bẹ cần tây và ½ trái táo
- Nước ép ổi dưa leo: 2 trái ổi và 1 trái dưa leo
- Nước ép ổi cần tây lê: 2 quả ổi, 4 bẹ cần tây, ½ quả lê
Khi làm nước ép ổi bằng máy ép, bạn nên cho ổi sau các nguyên liệu mềm để tăng hiệu suất ép.
Theo PharmEasy, nước ép ổi rất giàu vitamin C (24mg vitamin C/100g nước ép ổi). Uống nước ép ổi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch, chống viêm sưng,… Hiện tại, chưa có khuyến nghị về lượng nước ép ổi tối đa nên uống mỗi ngày.
7. Nước ép lựu
Dưới đây là một số công thức nước ép lựu tươi ngon và lạ miệng:
- Nước ép lựu táo: 1 quả lựu, 1 quả táo
- Nước ép lựu ổi: 1 quả lựu, 2 quả ổi
- Nước ép lựu dưa hấu: 2 quả lựu, ½ quả dưa hấu
- Nước ép lựu nho: 1 quả lựu và 1 chùm nho
- Nước ép lựu cà rốt: 1 quả lựu, 3 củ cà rốt
Lựu là loại trái cây gồm nhiều hạt nhỏ, mọng nước, khi chín hạt có màu đỏ. Lựu chứa nhiều vitamin E, K và magie. Theo MedicalNewsToday, nước ép lựu có rất nhiều tác dụng với sức khỏe con người, như chống oxy hóa, ngừa ung thư, có lợi cho người bị viêm ruột và viêm khớp, cải thiện trí nhớ, cải thiện khả năng sinh sản, cải thiện sắc tố da,…
Bạn có thể uống 1 ly nước ép lựu (250 ml) mỗi ngày, vào bất kỳ thời điểm nào. Uống quá nhiều nước ép lựu có thể gây tụt huyết áp và gây hại cho người bị tiểu đường do nước ép lựu chứa rất nhiều đường (trung bình 1 quả lựu chứa 39g đường).
8. Nước ép cam
Một vài công thức nước ép cam mix rất ngon và mát lành là:
- Nước ép cam dứa: 1 quả cam và ½ quả dứa (thơm, khóm)
- Nước ép cam cà chua: 1 quả cam, 2 quả cà chua
- Nước ép cam táo cà rốt: 1 quả cam, 1 quả táo và 1 củ cà rốt (một vài lát gừng, tùy ý)
- Nước ép cam ổi: 1 quả cam và 1 quả ổi
- Nước ép cam cần tây: 1 quả cam, 2 bẹ cần tây
Để ép nước cam, bạn có thể dùng máy ép hoặc máy vắt cam. Cam mọng nước nên cần được ép trước các loại nguyên liệu cứng và nhiều xơ để tăng hiệu quả ép nước.
Nước cam là nguồn cung cấp lượng lớn chất chống oxy hóa và các dưỡng chất như vitamin C, folate (vitamin B9) và kali. Theo Báo Sức khỏe đời sống, nước ép cam mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có tăng cường miễn dịch, giải độc cơ thể (đặc biệt là thận, gan và đường tiêu hóa), chống lão hóa, cải thiện sức khỏe xương, răng và cơ.
Healthline khuyến nghị mỗi người lớn chỉ nên uống tối đa 250 ml nước cam ép mỗi ngày. Uống nhiều hơn mức này có thể làm tăng đường huyết và tăng cân. Ăn cam nguyên trái tốt hơn uống nước ép cam.
9. Nước ép cà chua
Hãy ép cà chua với các nguyên liệu khác theo một vài công thức được gợi ý dưới đây:
- Nước ép cà chua dứa (thơm): 4 quả cà chua, 1 quả dứa
- Nước ép cà chua táo: 3 quả cà chua, 3 quả táo và 1 mẩu gừng.
- Nước ép cà chua cà rốt dưa leo: 2 quả cà chua, 2 củ cà rốt và 1 quả dưa leo.
- Nước ép cà chua dưa hấu: 2 quả cà chua lớn, ½ quả dưa hấu
- Nước ép cà chua táo cần tây: 3 quả cà chua, 1 quả táo và 1 bẹ cần tây (1 miếng gừng nhỏ, tùy ý)
Bạn có thể làm nước ép từ cà chua tươi hoặc cà chua đã nấu chín. Nên kết hợp cà chua với trái cây mọng nước như dứa, dưa hấu, dưa leo, cần tây,… để nước ép không bị đặc.
Cà chua là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cực kỳ dồi dào cho cơ thể người. Trong cà chua có rất nhiều vitamin A, C, K, B6, B12, và khoáng chất như kali, magie, mangan,… Theo Healthline, nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao, nước ép cà chua giúp giảm viêm sưng, cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ da khỏi tia UV. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương năm 2017 ghi nhận uống nước ép cà chua hàng ngày có thể cải thiện khả năng vận động của tinh trùng ở nam giới vô sinh.
10. Nước ép bưởi
Dưới đây là những công thức nước ép bưởi ngon và giàu chất dinh dưỡng:
- Nước ép bưởi: 1 quả bưởi, 3 muỗng mật ong
- Nước ép bưởi cà rốt: 1 quả bưởi, 2 củ cà rốt, 1 mẩu gừng nhỏ
- Nước ép bưởi táo: 1 quả bưởi, 2 quả táo
- Nước ép bưởi dưa leo táo cần tây: ½ quả bưởi, ½ trái dưa leo, ½ trái táo, 1 bẹ cần tây, 1 quả chanh.
- Nước ép bưởi sơ ri: 1 quả bưởi, 200 gram sơ ri
Theo nhà thuốc Long Châu, nước ép bưởi có nhiều công dụng với sức khỏe như tăng cường miễn dịch, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, tăng sinh collagen cho da,…
Tuy nhiên, người đang sử dụng thuốc nên lưu ý khi uống nước ép bưởi để tránh gây ra những tương tác nguy hiểm như nhịp tim bất thường, chảy máu dạ dày, suy cơ, khó thở, tổn thương thận,… Theo hướng dẫn của Vinmec, người đang sử dụng các loại thuốc sau không được uống nước ép bưởi: thuốc điều trị cholesterol (statin), 4 loại thuốc huyết áp, thuốc điều trị nhịp tim, một số dòng thuốc chống nhiễm trùng, một số thuốc điều trị rối loạn tâm trạng và rối loạn hành vi, thuốc chống đông máu, 3 nhóm thuốc giảm đau, một số nhóm thuốc điều trị rối loạn cương dương và tuyến tiền liệt.
11. Nước ép củ dền
Một số công thức nước ép củ dền ngon và dễ uống được liệt kê dưới đây:
- Nước ép củ dền cà rốt cam: ½ củ dền, 1 quả cam, 2 củ cà rốt
- Nước ép củ dền dưa chuột: 2 củ dền, 1 quả dưa chuột, 1 quả chanh và 1 mẩu gừng
- Nước ép củ dền táo: 2 củ dền, 2 quả táo
- Nước ép củ dền thơm: 2 củ dền, ½ trái thơm
- Nước ép củ dền rau chân vịt (cải bó xôi, rau bina): 2 củ dền, 100 gram rau chân vịt
Bạn có thể ép củ dền sống, không cần nấu chín. Củ dền cứng nên khi ép bằng máy, bạn lưu ý ép củ dền sau các loại nguyên liệu mềm như dứa, rau lá, cam,…
Củ dền (beet hay beetroot) là loại củ vỏ và ruột màu đỏ thẫm, vị ngọt đậm. Củ dền là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin B6, B9, canxi, sắt, magie, mangan,… và một số hợp chất thực vật quan trọng như phytochemical, betalains, nitrat. Theo MedicalNewsToday, uống nước ép củ dền giúp giảm huyết áp, giảm viêm sưng, ngăn ngừa thiếu máu, bảo vệ gan và tăng cường hiệu suất thể thao.
Hiện nay, chưa có khuyến cáo chính thức về lượng nước ép củ dền nên uống mỗi ngày. Người huyết áp thấp hoặc đang dùng thuốc huyết áp cần thận trọng khi uống loại nước ép này vì nước ép củ dền chứa nhiều nitrat.
12. Nước ép bí đao
Sau đây là gợi ý một vài công thức nước ép bí đao ngon, dễ làm:
- Nước ép bí đao dứa: 1 quả bí đao, 1 quả dứa
- Nước ép bí đao táo: 1 khúc bí đao, 1 quả táo, nước cốt chanh
- Nước ép bí đao dưa lê: 1 khúc bí đao và 1 quả dưa lê
- Nước ép bí đao cần tây: 1 khúc bí đao, 3 bẹ cần tây, 1 mẩu gừng
- Nước ép bí đao cà rốt cam dứa: 1 khoanh bí đao lớn, 1 củ cà rốt, 1 quả cam, ½ trái dứa
Bí đao là một loài quả đặc trưng của Đông Nam Á, có tên tiếng Anh là ash gourd, winter melon, wax gourd, white pumpkin, hay Chinese water melon. Bí đao chứa phần lớn là nước (96%), nhiều chất xơ, vitamin C, riboflavin, kẽm (các vitamin và khoáng chất khác lượng không đáng kể). Bí đao có vị thanh nhạt nên dễ kết hợp với các loại nguyên liệu có hương vị đậm và mạnh như cần tây, cà rốt, dứa,…
Theo Liberate, nước ép bí đao có nhiều lợi ích sức khỏe như giúp thanh nhiệt hiệu quả, giảm triệu chứng táo bón, cải thiện chức năng thận, làm đẹp da, chống viêm sưng. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ép bí đao có thể dẫn đến tiêu chảy.
13. Nước ép cóc
Hãy thử một số công thức nước ép cóc ngon và lạ miệng sau đây:
- Nước ép cóc xí muội: 2 quả cóc và 3 quả ô mai xí muội
- Nước ép cóc ổi: 2 quả cóc, 1 quả ổi (thêm 1 thìa mật ong và nước cốt chanh, tùy ý)
- Nước ép cóc táo: 2 quả cóc, 1 quả táo
- Nước ép cóc thơm (dứa): 2 quả cóc, ½ trái thơm, 1 mẩu gừng
- Nước ép cóc cà rốt cần tây: 2 quả cóc, 1 củ cà rốt, 2 bẹ cần tây
Quả cóc, tên tiếng Anh là ambarella, là một loại quả nhiệt đới cứng, nhiều xơ, có thể ăn khi xanh hoặc chín. Khi ép quả cóc lấy nước, bạn nên ép chúng sau các nguyên liệu mềm để tối ưu hiệu suất máy ép.
Hiện tại chưa có nghiên cứu về lợi ích của nước ép cóc với sức khỏe, nhưng quả cóc được xem là loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên. Quả cóc chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C, canxi, phốt pho,.. Theo WebMD, một số tác dụng của quả cóc với sức khỏe bao gồm hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm sưng, cải thiện thị lực, tăng sức bền, ngừa lão hóa, cải thiện sức khỏe xương và răng.
14. Nước ép dưa leo
Dưới đây là một số công thức nước ép dưa leo (dưa chuột) cực mát và giải nhiệt:
- Nước ép dưa leo cần tây táo: 1 trái dưa leo, 2 bẹ cần tây, ½ trái táo
- Nước ép dưa leo táo: 1 trái dưa leo, 1 quả táo và vài lá bạc hà
- Nước ép dưa leo cà rốt: 1 trái dưa leo, 1 củ cà rốt, 1 mẩu gừng
- Nước ép dưa leo dứa (thơm): 2 trái dưa leo, ¼ trái thơm, vài lá bạc hà
- Nước ép dưa leo cam: 1 trái dưa leo, 1 trái cam
Dưa leo (dưa chuột) là loại quả nhiều nước, có vị thanh mát và giải nhiệt cực tốt. Dưa chuột rất dễ kết hợp với các nguyên liệu ép khác do có vị nhẹ.
Theo Healthline, nước ép dưa chuột có nhiều lợi ích sức khỏe như giải khát, hỗ trợ giảm cân, bổ sung chất chống oxy hóa (như vitamin C, beta carotene, mangan, molybdenum, flavonoid), ngừa ung thư, giảm huyết áp, trị mụn, tăng cường sức khỏe xương.
Theo Vinmec, bạn có thể uống nước ép dưa leo mỗi ngày và thời điểm uống tốt nhất là buổi sáng.
15. Nước ép dưa lưới
Một vài công thức nước ép dưa lưới ngon, mát và dễ làm được chia sẻ dưới đây:
- Nước ép dưa lưới cà rốt dưa leo: ⅓ quả dưa lưới, 1 củ cà rốt, 1 quả dưa chuột
- Nước ép dưa lưới dứa: ⅓ quả dưa lưới, ½ quả dứa
- Nước ép dưa lưới ổi: ⅓ quả dưa lưới, 1 quả ổi
- Nước ép dưa lưới táo: ⅓ quả dưa lưới, 1 quả táo, 1 mẩu gừng
- Nước ép dưa lưới thơm rau chân vịt: ½ quả dưa lưới, ¼ trái thơm, 50 gram rau chân vịt (rau bina)
Dưa lưới (tiếng Anh là cantaloupe) là loại dưa có vị ngọt, nhiều nước và sẵn có vào mùa hè. Thịt quả dưa lưới mềm và mọng nước nên rất dễ ép và thích hợp làm nước ép.
Một cốc dưa lưới 177 gram có thể cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết cho một ngày. Ngoài ra, dưa lưới cũng rất giàu vitamin A, B, E và các khoáng chất như canxi, kẽm, đồng, sắt, magie, selen,… Chưa có nghiên cứu khoa học về lợi ích sức khỏe của nước ép dưa lưới, nhưng đã có nhiều bằng chứng về lợi ích của loại trái cây này. Theo WebMD, dưa lưới giúp giải khát, chống thoái hóa điểm vàng, ngừa hen suyễn, giúp giảm huyết áp, ngừa bệnh ung thư, hỗ trợ tiêu hóa và nuôi dưỡng tóc, da.
Người mắc bệnh thận không nên uống quá nhiều nước ép dưa lưới do chứa nhiều kali.
16. Nước ép nho
Một vài công thức mix nước ép nho ngon, lạ miệng và dễ làm được liệt kê dưới đây:
- Nước ép nho táo: 200 gram nho, 1 quả táo, vài lá bạc hà
- Nước ép nho đào: 200 gram nho, 1 quả đào
- Nước ép nho chanh lê: 270 gram nho, 1 ½ quả lê vừa, ¼ quả chanh (6 nụ hoa lavender khô, tùy ý)
- Nước ép nho cam: 150 gram nho, 1 quả cam, 1 mẩu gừng nhỏ
- Nước ép nho cần tây củ dền cà rốt: 150 gram nho, 2 bẹ cần tây, 2 củ dền, 2 củ cà rốt
Theo Healthline, nước ép nho rất giàu vitamin C và mangan. 1 cốc nước ép nho (237 ml) có thể đáp ứng 70% nhu cầu vitamin C một ngày của cơ thể, giúp làm đẹp da và tăng cường miễn dịch. Lượng mangan dồi dào đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành xương và sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh trong não. Ngoài ra, nước ép nho còn chứa một số loại flavonoids and polyphenols, những hợp chất thực vật đóng vai trò chất chống oxy hóa và chống viêm.
Tuy nhiên, nước ép nho chứa rất nhiều đường tự nhiên, cụ thể là 36 gram đường trong 1 ly nước ép nho 237 ml. Vì thế, uống nhiều nước ép nho sẽ khiến đường huyết tăng cao và có thể gây tăng cân. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng uống 100 – 150 ml nước ép nho mỗi ngày là tốt nhất cho sức khỏe.
17. Nước ép rau má
Dưới đây là một số công thức nước ép rau má mix ngon, mát lành, giải nhiệt:
- Nước rau má mật ong: 200 gram rau má và 10 ml mật ong
- Nước ép rau má táo: 100 gram rau má, 1 quả táo, ½ muỗng nước cốt chanh
- Nước ép rau má diếp cá: 50 gram rau má, 50 gram diếp cá, nước cốt ½ quả chanh
- Nước ép rau má thơm (dứa): 100 gram rau má và 1 trái thơm
- Nước ép rau má cà rốt: 100 gram rau má, 2 củ cà rốt
Rau má (tên tiếng Anh là pennywort, tên khoa học là Centella asiatica hay gotu kola) là loài rau đặc trưng của vùng Đông Nam Á, thường mọc ở vùng đất ẩm. Để làm nước ép rau má, bạn có thể dùng máy ép hoặc máy xay sinh tố.
Nước ép rau má thường được uống để giải nhiệt. Tuy nhiên, nước ép rau má còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác, đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Theo Healthline, các tác dụng chính của rau má là tăng cường chức năng nhận thức, chữa bệnh Alzheimer, giảm căng thẳng, chống trầm cảm, cải thiện tuần hoàn máu, giảm mất ngủ và đau khớp,…
18. Nước ép chanh dây
Các công thức nước ép chanh dây mix ngon và mát được chia sẻ dưới đây:
- Nước ép chanh dây dưa hấu: 2 quả chanh dây, ⅓ quả dưa hấu, vài lá bạc hà
- Nước ép chanh leo cà rốt: 2 quả chanh leo, 1 củ cà rốt, 1 mẩu gừng tươi
- Nước ép chanh dây cần tây táo: 2 quả chanh dây, 1 bẹ cần tây, ½ quả táo, nước cốt chanh ⅓ quả.
- Nước ép chanh dây cam: 2 quả chanh dây, 1 quả cam, 2 muỗng cafe mật ong
- Nước ép chanh dây thơm (dứa): 2 quả chanh dây, ½ trái thơm và 1 mẩu gừng tươi
Chanh dây (chanh leo, tiếng Anh là passion fruit) là loại quả có vỏ dày, bên trong chứa nhiều hạt, khá mọng nước, có vị chua mạnh và rất thơm. Khi làm nước ép chanh dây bạn có thể thêm 1 chút muối để làm giảm bớt vị chua và khiến thức uống đậm vị. Để làm nước ép chanh leo, bạn lấy phần lõi quả pha với nước hoặc xay bằng máy xay sinh tố, chứ không sử dụng máy ép.
Chanh leo là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, vitamin A, chất xơ, các hợp chất thực vật như carotenoids and polyphenols. Nhờ đó, nó có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, chống viêm sưng, cải thiện thị lực,… Một nghiên cứu nhỏ tiến hành bởi Burapha University, Thailand cho thấy uống nước chanh leo hỗ trợ hoạt động tim mạch.
19. Nước ép lê
Sau đây là các công thức nước ép lê kết hợp với các nguyên liệu khác:
- Nước ép lê táo cà rốt: 2 quả lê, ⅔ quả táo, 2 ½ củ cà rốt và nước cốt ⅛ quả chanh
- Nước ép lê cải xoăn dưa leo: 900 gram lê, 1 bó cải xoăn (kale), 1 trái dưa leo, 2 quả chanh và 1 mẩu gừng.
- Nước ép lê ổi: 1 quả lê và 1 quả ổi
- Nước ép lê dứa (thơm): 2 quả lê và 1 quả dứa
- Nước ép lê cần tây: 2 quả lê, 3 bẹ cần tây, 1 mẩu gừng và vài lá bạc hà
- Nước ép lê táo cải bó xôi: 3 quả lê, 3 quả táo, 100 gram cải bó xôi (rau chân vịt), vài lá bạc hà
Lê là loại quả ngọt mát và mọng nước nên rất dễ làm nước ép và phối hợp với các rau củ quả khác.
Lê có giá trị dinh dưỡng cao, với lượng vitamin C, K, kali, đồng và chất xơ dồi dào. Các nhà nghiên cứu của Đại học Lâm nghiệp Trung Nam và Đại học Khoa học và Công nghệ Trường Sa (Trung Quốc), và Viện Nông nghiệp Yanco (Úc) chỉ ra rằng nước ép lê là một loại thuốc tốt để nuôi dưỡng phổi, thúc đẩy tiết nước bọt, giảm ho và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh do đặc tính mát và hoạt động hóa học thực vật của nó. Ngoài ra, theo Healthline, nước ép lê còn có đặc tính chống viêm sưng, giảm nguy cơ tiểu đường, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ giảm cân.
20. Nước ép thanh long
Một số công thức nước ép thanh long ngon và dễ làm được liệt kê sau đây:
- Nước ép thanh long dứa chanh leo: 1 quả thanh long, ¼ quả dứa, 1 quả chanh leo
- Nước ép thanh long táo: 1 quả thanh long, 1 quả táo, vài lá bạc hà, nước cốt chanh ½ quả
- Nước ép thanh long cà rốt: 1 quả thanh long, 2 củ cà rốt, nước cốt ½ quả chanh
- Nước ép thanh long cam: ½ quả thanh long, 2 quả cam, nước cốt ½ quả chanh và vài lá bạc hà.
- Nước ép thanh long dừa: 1 quả thanh long, 1 quả dừa tươi lấy nước
Thanh long là loại trái cây nhiệt đới lành tính, thuộc họ xương rồng, rất phổ biến ở Việt Nam. Quả thanh long có phần ruột mềm và nhiều bột nên nước ép thanh long thường có lẫn thịt quả và đặc sánh. Bạn có thể xay sinh tố thanh long và trộn với các loại nước ép khác.
Theo Vinmec, thanh long giàu magie, sắt và vitamin C, cùng một số chất chống oxy hóa như flavonoid, hydroxycinnamates và betalains. Nhờ những thành phần dinh dưỡng này, nước ép thanh long có thể giúp bạn ngừa lão hóa và ung thư, hỗ trợ quản lý đường huyết, cải thiện tiêu hóa, tăng cường sức khỏe của não.
21. Nước ép xoài
Dưới đây là các công thức nước ép xoài mix dễ làm tại nhà:
- Nước ép xoài táo: 1 quả xoài và 1 quả táo
- Nước ép xoài dứa: 2 quả xoài, 1 quả dứa, 1 mẩu gừng nhỏ, nước cốt ½ quả chanh
- Nước ép xoài ổi: 1 quả xoài và 1 quả ổi
- Nước ép xoài dưa lưới: 1 quả xoài và 100 gram dưa lưới
- Nước ép xoài cam đào: 80 gram xoài, 50 gram cam và 50 gram đào.
Xoài là loại trái cây nhiệt đới khi chín có vị ngọt, thơm và màu vàng. Bạn có thể làm nước ép từ cả xoài xanh và xoài chín. Xoài xanh thường có vị chua nhẹ, trong khi xoài chín thường có vị ngọt đậm và thơm hơn.
Quả xoài chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C, K, B6, beta carotene, các khoáng chất như kali, magie,… Theo Nhà thuốc An Khang, xoài giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, cải thiện chứng táo bón, cải thiện sinh lý, ngăn ngừa thiếu máu, cải thiện trí nhớ, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da,… Uống nước ép xoài là một cách hiệu quả để nhận những lợi ích sức khỏe từ loại quả này. Tuy nhiên, xoài chứa hàm lượng đường cao nên có thể gây nguy hiểm cho người bị tiểu đường hoặc gây tăng cân nếu tiêu thụ quá nhiều.
22. Nước ép mận (Mận Hà Nội)
Dưới đây là một số công thức nước ép mận lạ miệng, giàu vitamin và khoáng chất:
- Nước ép mận mật ong: 400 gram mận, 1 thìa cafe mật ong
- Nước ép mận dứa: 400 gram mận, ½ quả dứa, 1 muỗng cafe muối hồng
- Nước ép mận táo: 400 gram mận, 1 trái táo, 1 muỗng cafe mật ong và nước cốt ½ quả chanh
- Nước ép mận gừng: 200 gram mận, 1 mẩu gừng, 1 thìa cafe muối hồng (mật ong tùy ý)
- Nước ép mận táo củ dền: 200 gram mận, 1 quả táo, 1 củ dền và 1 mẩu gừng
- Nước ép mận bưởi táo: 200 gram mận, ½ quả bưởi, 1 quả táo
Quả mận, hay còn gọi là mận Bắc, mận Hà Nội, là loại quả có hạt cứng nên khi ép bạn cần tách hạt ra, nếu không sẽ làm hỏng trục ép của máy ép chậm hay lưỡi dao của máy xay sinh tố. Nước ép mận có vị chua mạnh, vì thế bạn nên kết hợp với các nguyên liệu có vị ngọt, hoặc thêm gừng, muối, mật ong để nước ép ngon hơn.
Quả mận chứa nhiều vitamin và khoáng chất đa dạng như vitamin A, C, K, kali, đồng, mangan,… Quả mận có nhiều lợi ích sức khỏe như giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hạ huyết áp. Chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của nước ép mận với sức khỏe. Một nghiên cứu trên chuột của Barbara Shukitt-Hale, Wilhelmina Kalt và các cộng sự cho thấy nước ép mận cải thiện trí nhớ. Một nghiên cứu khác của E.O. Igwe, K.E. Charlton và cộng sự chỉ ra nước mận giúp giảm huyết áp do chứa nhiều anthocyanin.
23. Nước ép bí đỏ
Một vài công thức nước ép bí đỏ mix tốt cho da, bảo vệ thị lực được liệt kê dưới đây:
- Nước ép bí đỏ gừng: 200 gram bí đỏ, 1 mẩu gừng, nước cốt ½ quả chanh và 1 thìa cafe muối hồng
- Nước ép bí đỏ dứa (thơm): 200 gram bí đỏ, ½ quả dứa, 1 mẩu gừng.
- Nước ép bí đỏ táo: 200 gram bí đỏ, 1 quả táo, ½ quả chanh lấy nước cốt
- Nước ép bí đỏ lê cam: 50 gram bí đỏ, 1 quả lê, 2 quả cam, 1 mẩu gừng
Bí đỏ (bí ngô) cứng và không quá mọng nước, vì thế bạn nên kết hợp bí đỏ với các loại trái cây mọng nước khác. Khi ép bí đỏ bằng máy, bạn nên cho bí đỏ sống sau các nguyên liệu mềm.
Chưa có nghiên cứu về lợi ích của nước ép bí đỏ với sức khỏe con người. Tuy vậy, bí đỏ là một thực phẩm rất giàu vitamin và khoáng chất, tiêu biểu là vitamin A, C, magie, kali, canxi. Theo WebMD, bí đỏ có thể cấp nước cho cơ thể hiệu quả, cải thiện hệ thống miễn dịch, cải thiện thị lực (nhờ chứa lutein and zeaxanthin), hỗ trợ tiêu hóa, hạ huyết áp và là thức ăn tốt cho người bị tiểu đường.
Nước ép bí đỏ lành tính nhưng người có vấn đề về thận nên hạn chế sử dụng do hàm lượng kali trong nước ép bí đỏ cao.
24. Nước ép dâu tây
Dưới đây là một số công thức nước ép ngon, mát và dễ uống:
- Nước ép dâu tây dưa leo táo cà rốt: 6 quả dâu tây, 1 quả dưa leo, 1 quả táo, 2 củ cà rốt
- Nước ép dâu tây dưa hấu: 450 gram dâu tây và ¼ quả dưa hấu
- Nước ép dâu tây xoài: 450 gram dâu tây và 250 gram xoài
- Nước ép dâu tây nước dừa: 450 gram dâu tây và 125 ml nước dừa
- Nước ép dâu tây táo đào: 8 quả dâu tây, 1 quả táo, 3 quả đào
Dâu tây (strawberry) là một loại trái cây ôn đới, màu đỏ, mọng nước (91% dâu tây là nước) và có vị ngọt xen lẫn chút chua nhẹ.
Không có nhiều nghiên cứu trực tiếp về lợi ích sức khỏe của nước ép dâu tây, nhưng loại quả này từ lâu đã được biết đến với những tác dụng phong phú. Quả dâu tây là nguồn dồi dào vitamin C, K, folate, sắt, magie, kali, phốt pho, canxi,… và các hợp chất thực vật như polyphenol, anthocyanin, flavonoid quercetin. Theo Hellobacsi, nước ép dâu tây có nhiều công dụng với cơ thể người như giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ngăn ngừa bệnh đột quỵ, ung thư, hỗ trợ giảm huyết áp, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da,…
25. Nước ép khổ qua (mướp đắng)
Một số công thức nước ép khổ qua dễ uống, tốt cho sức khỏe là:
- Nước ép khổ qua chanh muối hồng: 2 trái khổ qua, 1 quả chanh, 1 muỗng cafe muối hồng
- Nước ép khổ qua chanh bột nghệ: 2 trái khổ qua, 1 quả chanh, 1 muỗng cafe bột nghệ, 1 muỗng cafe muối
- Nước ép khổ qua dưa leo mật ong: 2 trái khổ qua, 2 trái dưa leo và 1 thìa mật ong
- Nước ép khổ qua táo xanh gừng: 2 trái khổ qua, 2 trái táo xanh, 1 mẩu gừng
Khổ qua (mướp đắng) là một loại quả có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Có 2 loại khổ qua: một loại có màu xanh nhạt, vỏ sần sùi nhẹ và hơi bóng; một loại khác có màu xanh đậm, vỏ sần sùi dạng gai nhọn. Cả 2 loại khổ qua này đều có thể dùng làm nước ép. Khi ép cần lưu ý loại bỏ phần hạt cứng của khổ qua.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nước ép khổ qua có chứa polypeptide-p, charantin và vicine, là các chất đã được chứng minh có đặc tính hạ đường huyết. Bởi vậy, nước ép khổ qua có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo Healthline, nước ép khổ qua còn giúp tăng cường sức khỏe làn da do chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A và C. Ngoài ra, loại nước ép này cũng hỗ trợ quá trình giảm cân, giảm mỡ.
Tuy nước ép khổ qua lành tính, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường, đang dùng thuốc, đang mang thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
26. Nước ép rau diếp cá
Các công thức nước ép rau diếp cá dễ uống, dễ làm là:
- Nước ép rau diếp cá mướp đắng cam: 85 ml nước ép rau diếp cá, 1 quả mướp đắng, ½ quả cam, ½ quả chanh
- Nước ép rau diếp cá dứa ổi mật ong: 85 ml nước ép rau diếp cá, ½ quả dứa (quả thơm/khóm), 1 quả ổi, 2 thìa mật ong, ½ quả chanh
- Nước ép rau diếp cá cần tây mật ong: 85 ml nước ép rau diếp cá, 1 nhánh cần tây to, 2 thìa cafe mật ong, ½ quả chanh
- Nước ép rau diếp cá táo dứa: 85 ml nước ép rau diếp cá, 1 quả táo, ¼ quả dứa, ½ quả chanh
- Nước ép rau diếp cá dưa leo chanh: 85 ml nước ép rau diếp cá, 2 trái dưa leo, ½ quả chanh
Rau diếp cá (giấp cá, ngư tinh thảo) được coi là “siêu thực phẩm”, chỉ có ở các nước châu Á. Rau diếp cá có vị chua và hơi tanh nhẹ.
Theo Nhà thuốc Pharmacity, trong rau diếp cá có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng đa dạng có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa và tốt cho hệ miễn dịch như: tinh dầu, decanoyl acetaldehyde, quercitrin, hyperin, apric acid và calcium sulfate… Bởi vậy, uống nước ép rau diếp cá hỗ trợ điều trị tốt với bệnh đái tháo đường, giúp kiểm soát cân nặng, tăng sức đề kháng, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc cơ thể, làm đẹp da và giảm phát ban.
Do rau diếp cá có tính hàn nên những người thường bị lạnh tay chân, lạnh bụng hay hệ tiêu hóa kém thì không nên dùng nước ép rau diếp cá.
27. Nước ép cải kale
Một vài công thức nước ép cải kale mix thơm ngon, có lợi cho sức khỏe liệt kê sau đây:
- Nước ép cải kale táo gừng: 5 lá cải kale, 1 quả táo, 1 mẩu gừng, ½ quả chanh
- Nước ép cải kale dứa bạc hà: 5 lá cải kale, ½ quả dứa, vài nhánh bạc hà, 1 mẩu gừng tươi, ½ quả chanh
- Nước ép cải kale ổi mật ong: 5 lá cải kale, 1 quả ổi, 2 thìa mật ong và ½ quả chanh
- Nước ép cải kale củ dền dứa: 5 lá cải kale, 1 củ dền, ½ quả dứa, ½ quả chanh
- Nước ép cải kale cà rốt: 5 lá cải kale, 1 củ cà rốt, 1 mẩu gừng tươi, ½ quả chanh
Cải kale (cải xoăn) là một loại rau có nguồn gốc từ các nước ôn đới, rất giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Cải kale có vị hơi đắng nhẹ nên bạn nên ép nó chung với rau củ quả có vị ngọt hay chua nhẹ cho dễ uống.
Theo Vimec, 1 cốc nước ép cải kale 67 gram đáp ứng được 10% lượng chất xơ, 134% hàm lượng vitamin C, 206% hàm lượng vitamin A, 684% vitamin K mà cơ thể cần mỗi ngày. Trong nước ép cải kale còn chứa nhiều vitamin như B6, B1, B2, B3, các khoáng chất như mangan, đồng, canxi, magie. Uống nước ép cải kale giúp ngăn ngừa ung thư, cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe xương, hỗ trợ hoạt động của não và giảm cân.
28. Nước ép sơ ri
Gợi ý một số công thức nước ép sơ ri chua chua, ngọt ngọt lạ miệng:
- Nước ép sơ ri táo: 300 gram sơ ri, 1 quả táo, ¼ quả chanh
- Nước ép sơ ri ổi: 300 gram sơ ri, 1 quả ổi, ¼ quả chanh
- Nước ép sơ ri mật ong: 300 gram sơ ri, 2 thìa cafe mật ong, ¼ quả chanh
Sơ ri là quả của một loại cây bụi nhiệt đới, có vị chua ngọt, có hàm lượng vitamin C cao tốt cho sức khỏe. Sơ ri có hạt cứng nên khi ép cần bỏ hạt để không làm kẹt máy ép. Sơ ri khi bổ ra khá nhỏ nên cần ép cùng các nguyên liệu khác cho dễ ép.
Ngoài vitamin C, trong sơ ri còn có nhiều vitamin A, B1, B2, B3 và chất chống oxy hóa. Chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của nước ép sơ ri. Theo Nhà thuốc Long Châu, nước ép sơ ri giúp chống lão hóa, làm đẹp da, kiểm soát cân nặng, bảo vệ tim mạch và làm sáng mắt,… nhờ có những thành phần dinh dưỡng kể trên.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ép sơ ri có thể gây tiêu chảy, chuột rút bụng, buồn nôn và nôn,… Vinmec khuyến nghị người lớn chỉ nên uống 100 ml – 250 ml nước ép sơ ri mỗi ngày. Ngoài ra, người bị bệnh gút và sỏi thận không được uống nước ép sơ ri do chứa nhiều vitamin C. Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh sử dụng nước sơ ri do chưa có thông tin an toàn. Người có tiền sử dị ứng sơ ri cũng không nên uống nước ép từ loại quả này.
29. Nước ép ớt chuông
Các công thức làm nước ép ớt chuông lạ miệng, thanh mát ngay tại nhà:
- Nước ép ớt chuông dứa (thơm): ½ quả ớt chuông, 1 quả dứa và ½ quả chanh vàng
- Nước ép ớt chuông táo cam: 1 quả ớt chuông, 2 quả táo, ½ quả cam, 1 mẩu gừng, ¼ quả chanh
- Nước ép ớt chuông cần tây cà rốt: 1 quả ớt chuông, 1 nhánh cần tây to, 1 củ cà rốt, vài lá bạc hà, ½ quả chanh
- Nước ép ớt chuông cà rốt: 1 quả ớt chuông, 2 củ cà rốt, 1 mẩu gừng, ¼ quả chanh
- Nước ép ớt chuông dưa hấu: 1 quả ớt chuông, 200 gram dưa hấu, ½ quả chanh
Quả ớt chuông tươi có đến 92% là nước, khi ăn sống có vị ngọt thanh và chua nhẹ tùy vào độ chín của ớt chuông. Ớt chuông rất tốt cho sức khỏe nhờ có hàm lượng vitamin C cao, cùng với các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, K1, E, folate và kali. Ớt chuông còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể, gồm violaxanthin, capsanthin, lutein, luteolin và quercetin.
Hiện tại chưa có nghiên cứu về tác dụng trực tiếp của nước ép ớt chuông với cơ thể con người. Xong theo Vinmec, bổ sung ớt chuông vào chế độ ăn hàng ngày giúp giảm cholesterol trong máu, ngừa ung thư, làm đẹp tóc và da, giữ đôi mắt sáng khỏe,…
30. Nước ép cải bó xôi
Liệt kê một số công thức nước ép cải bó xôi dễ uống, dễ làm:
- Nước ép cải bó xôi cần tây: 100 – 150 gram cải bó xôi, 1 cây cần tây, vài nhánh mùi tây, 2 thìa cafe mật ong, 1 mẩu gừng, ½ quả chanh
- Nước ép cải bó xôi cà rốt cần tây: 200 – 300 gram cải bó xôi, 3 củ cà rốt, 2 nhánh cần tây, ½ quả chanh
- Nước ép cải bó xôi táo: 100 – 150 gram cải bó xôi, 1 quả táo, ¼ quả dứa, ½ quả chanh
- Nước ép cải bó xôi chuối: 100 – 150 gram cải bó xôi, 1 quả chuối, 2 thìa mật ong, 2 thìa hạt chia (tùy thích)
- Nước ép cải bó xôi dưa leo: 100 – 150 gram cải bó xôi, 1 quả dưa leo, vài lá bạc hà, 2 thìa mật ong, ½ quả chanh
Cải bó xôi (còn gọi là rau bina hay rau chân vịt) là loại rau ưa mát, chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, có tác dụng tăng cường sức khỏe, ngăn bệnh tật trong mùa đông.
Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, khoảng 30 ml nước ép cải bó xôi là đủ để cung cấp lượng vitamin A cơ thể cần mỗi ngày. Ngoài ra, nước ép cải bó xôi còn chứa kẽm, chất xơ, vitamin B6, C, E, K, canxi, protein, sắt, kali và phốt pho,… Vì vậy, nước ép cải bó xôi có công dụng hạ huyết áp, kiểm soát cân nặng, giúp chắc xương, ngừa thiếu máu và tăng cường hệ tiêu hóa,…
31. Nước ép củ cải trắng
Dưới đây là gợi ý các công thức nước ép củ cải trắng:
- Nước ép củ cải trắng giá đỗ: 1 củ cải trắng, 300 gram giá đỗ, vài nhánh bạc hà, 1 mẩu gừng tươi, ½ quả chanh
- Nước ép củ cải trắng cà rốt dưa leo: 1 củ cải trắng, 1 củ cà rốt, 1 quả dưa leo, ½ quả chanh
- Nước ép củ cải trắng dứa (thơm): 2 củ cải trắng, 1 quả dứa, vài lá bạc hà, ½ quả chanh
- Nước ép củ cải trắng cần tây: 1 củ cải trắng, 1 bẹ cần tây
- Nước ép củ cải trắng củ dền: 1 củ cải trắng, 1 củ dền
Củ cải trắng (whiter radish, daikon) là một loại rau có nguồn gốc ở Đông Á hoặc Đông Nam Á. Củ cải trắng chứa 95.3% là nước (theo USDA) nên rất thích hợp để làm nước ép và dễ dàng ép bằng máy ép chậm.
Chưa có nghiên cứu khoa học trực tiếp về lợi ích sức khỏe của củ cải trắng. Theo Healthline, củ cải trắng chứa nhiều chất xơ, vitamin C, B9 (folate) và một số khoáng chất thiếu yếu như canxi, magie, kali, đồng. Nhờ đó, củ cải trắng rất tốt cho hệ miễn dịch và sự phát triển của tế bào, sản xuất máu, tổng hợp DNA và tốt cho phụ nữ mang thai. Sử dụng củ cải trắng là một cách tốt để bổ sung các chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường, suy giảm thần kinh
32. Nước ép củ cải đỏ
Dưới đây là gợi ý các công thức nước ép củ cải đỏ:
- Nước ép củ cải đỏ củ dền: 3 củ cải đỏ, 1 củ dền, vài nhánh bạc hà và ¼ quả chanh
- Nước ép củ cải đỏ táo dứa: 3 củ cải đỏ, 1 quả táo, ½ quả dứa, ¼ quả chanh
- Nước ép củ cải đỏ cần tây: 3 củ cải đỏ, 1 bẹ cần tây to, 1 nắm rau mầm, ¼ quả chanh
- Nước ép củ cải đỏ cà rốt dưa hấu: 125 gram củ cải đỏ, 250 gram cà rốt, ½ quả dưa hấu, ½ quả chanh
- Nước ép củ cải đỏ táo cà chua: 200 gram củ cải đỏ, 250 gram táo, 200 gram cà chua, ½ quả chanh
Củ cải đỏ (radish) là loại củ cải có vỏ đỏ, ruột màu trắng hoặc hơi hồng. Củ cải đỏ giàu chất xơ, chứa nhiều đường hơn củ cải trắng, chứa nhiều natri, canxi, kali và một số vitamin nhóm B.
Theo VeryWellHealth, củ cải đỏ giúp giảm nguy cơ tiểu đường, cải thiện chức năng gan (nhờ chứa anthocyanins và coenzyme Q10 (CoQ10)), phòng ngừa ung thư và cải thiện hệ tim mạch. Tuy nhiên, ăn quá nhiều củ cải đỏ lại dẫn đến nguy cơ mất nước, hạ đường huyết, hạ huyết áp.
33. Nước ép giá đỗ
Dưới đây là một vài công thức nước ép giá đỗ mix lạ miệng và bổ dưỡng:
- Nước ép giá đỗ dứa củ đậu: 100 gram giá đỗ, 1 quả dứa, 1 củ đậu, vài lá bạc hà
- Nước ép giá đỗ táo lê: 100 gram giá đỗ, 1 quả táo, 1 quả lê, 1 mẩu gừng nhỏ
- Nước ép giá đỗ cần tây táo: 220 gram giá đỗ, 100 gram cần tây, 1 quả táo, 1 quả chanh, 1 mẩu gừng
Giá đỗ là mầm của hạt đỗ (phổ biến nhất là đỗ xanh và đỗ tương). Khi làm nước ép bằng máy, bạn cho giá đỗ kèm với các nguyên liệu khác để dễ ép hơn.
Chưa có nghiên cứu trực tiếp về lợi ích sức khỏe của nước ép giá đỗ, nhưng tác dụng của giá đỗ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Giá đỗ là thực phẩm giàu canxi, magie, phốt pho, kali, folate (vitamin B9), choline. Theo WebMD, giá đỗ giúp giảm huyết áp, ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe đường ruột, ngừa thoái hóa điểm vàng và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
34. Nước ép lá tía tô
Sau đây là một vài công thức nước ép lá tía tô ngon, dễ uống:
- Nước ép tía tô chanh: ½ cốc tía tô tươi, ½ cốc nước lọc, nước cốt 1 quả chanh (mật ong tùy ý).
- Nước ép tía tô nho: ½ cốc tía tô tươi, ½ cốc nước lọc, ½ cốc nho tươi
- Nước ép tía tô dưa hấu: ½ cốc tía tô tươi, ½ cốc nước lọc, ½ cốc dưa hấu
- Nước ép tía tô dưa leo táo: 1 nắm tía tô, 3 quả dưa leo, 1 quả táo
- Nước ép tía tô củ dền táo cần tây: 1 nắm tía tô, ½ củ dền, 1 quả táo, 3 bẹ cần tây
Bạn có thể làm nước ép tía tô bằng máy ép hoặc máy xay sinh tố. Do tía tô không chứa nhiều nước nên bạn cần pha thêm nước lọc vào nước ép tía tô nguyên chất.
Tía tô là một loại thảo mộc có rất nhiều tác dụng với sức khỏe. Lá tía tô là nguồn cung cấp dồi dào canxi, kali, magie, đồng. Đặc biệt, lá tía tô còn chứa nhiều omega 3, 6, 9 rất hữu ích với con người. Theo Vinmec, một số lợi ích sức khỏe chính của tía tô là chống dị ứng, phòng bệnh Alzheimer, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm hội chứng ruột kích thích, ngăn ngừa ung thư, ổn định các bệnh tự miễn.
35. Nước ép cỏ lúa mì
Tham khảo một số công thức mix nước ép cỏ lúa mì ngon và dễ làm dưới đây:
- Nước ép cỏ lúa mì cà rốt: 85 ml nước ép cỏ lúa mì và 2 củ cà rốt, ½ quả chanh (tùy ý)
- Nước ép cỏ lúa mì dưa chuột: 85 ml nước ép cỏ lúa mì. 2 trái dưa chuột, vài lá bạc hà, nước cốt chanh ½ quả.
- Nước ép cỏ lúa mì táo cam: 30 gram cỏ lúa mì, 1 quả táo, 1 hoặc 2 quả cam.
- Nước ép cỏ lúa mì dứa (thơm): 30 gram cỏ lúa mì, 165 gram dứa, 1 mẩu gừng.
- Nước ép cỏ lúa mì cam dừa: 54 gram cỏ lúa mì, 2 quả cam to, 125 ml nước dừa, 1 quả chanh nhỏ, 1 mẩu gừng.
Để làm nước ép cỏ lúa mì, bạn có thể dùng máy ép chậm hoặc máy xay sinh tố. Cỏ lúa mì không nhiều nước nên dùng máy xay sinh tố sẽ dễ hơn máy ép chậm.
Cỏ lúa mì (wheatgrass., tên khoa học là Triticum aestivum) được làm từ mầm tươi của cây lúa mì. Cỏ lúa mì là loại thực vật chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như vitamin C, E selen, kẽm, đồng, chlorophyll, flavonoids, alkaloids, và tannins. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành về lợi ích sức khỏe của nước ép cỏ lúa mì. Theo WebMD, các tác dụng nổi bật của cỏ lúa mì bao gồm hạn chế độc tính của hóa trị, cải thiện triệu chứng viêm loét đại tràng, cải thiện đường huyết, giúp giảm cholesterol, ngăn ngừa ung thư, chống ngộ độc thực phẩm, cải thiện chức năng nhận thức, hỗ trợ tiêu hóa.
Cỏ lúa mì không chứa gluten, nhưng có thể bị lây nhiễm chéo gluten trong quá trình sản xuất. Người bị dị ứng với gluten nên cẩn trọng khi sử dụng cỏ lúa mì mua trên thị trường.
36. Nước ép rau ngót
Một số công thức nước ép rau ngót ngon, dễ uống như sau:
- Nước ép rau ngót nguyên chất: 100 gram rau ngót, 250 ml nước, 1 chút muối (tùy ý)
- Nước ép rau ngót chanh gừng: 100 gram rau ngót, 250 ml nước, 35 ml nước cốt chanh, 1 mẩu gừng
- Nước ép rau ngót dứa dưa hấu: 250 gram rau ngót, 1 quả dứa, ¼ quả dưa hấu
Để làm nước ép rau ép ngót, bạn cần xay rau ngót với nước bằng máy xanh sinh tố, rồi dùng rây lọc bã đi.
Rau ngót (hay còn gọi là bồ ngót) là loại rau lá màu lục thẫm, lá hình bầu dục, thân bụi. Trong rau ngót có chứa rất nhiều vitamin C, A và các khoáng chất như canxi, sắt, magie, mangan, kali, phốt pho. Theo Vinmec, rau ngót có nhiều lợi ích sức khỏe đáng chú ý như thanh nhiệt, giải độc, bổ huyết, lợi tiểu, sát khuẩn. Rau ngót còn có thể chữa nhức xương, nám da, bổi bổ cho phụ nữ sau sinh, chữa sót nhau thai.
Tuy nhiên, bà bầu không nên dùng nước ép rau ngót do có chứa papaverin – là chất gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, có thể dẫn đến sảy thai.
37. Nước ép quả roi (quả mận Nam Bộ)
Công thức làm nước ép quả roi (mận) chanh tắc như sau: 10 quả mận, 1 quả chanh, 2 trái tắc (quả quất), mật ong tùy khẩu vị. Ngoài ra, bạn có thể thử làm nước ép kết hợp quả roi với bưởi, đào, ổi,…
Quả roi (tên gọi khác là quả mận, tên khoa học là Syzygium aqueum) là loại quả nhiệt đới có ruột xốp, nhiều nước, khi chín vỏ màu hồng, có vị ngọt mát. Nước ép quả roi không phải loại thức uống phổ biến, thậm chí nhiều người còn không biết rằng loại quả này có thể làm nước ép.
Quả roi chứa 90% là nước và là nguồn dồi dào vitamin C, A, kali, canxi,… Theo Netmeds.com, vitamin C và hợp chất flavonoids trong quả roi có tác dụng ngăn ngừa sự tấn công của gốc tự do, tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ đột quỵ. Quả roi cũng giúp tăng cholesterol tốt HDL nhờ sự hiện diện của niacin, giảm chuột rút nhờ chứa nhiều kali, giúp chữa lành tổn thương gan và bù nước cho cơ thể.
Nước ép là gì?
Nước ép là một loại thức uống thiên nhiên được làm từ phần nước của các loại thực vật, được tạo ra bằng cách nghiền ép các nguyên liệu để loại bỏ bã. Nước ép là thức uống chứa nhiều vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật, chất chống oxy hóa, nhưng lại thiếu mất phần lớn chất xơ có trong nguyên liệu ép.
Nước ép là đồ uống không lên men, khác với các loại đồ uống được làm bằng cách lên men như kombucha hay rượu.
Nước ép với sinh tố khác nhau như thế nào?
Sinh tố khác nước ép ở cách làm và sự ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm hàm lượng chất xơ, đường và chất chống oxy hóa, lượng calo, tác động với hệ tiêu hóa, khả năng khiến bạn no bụng và lợi ích giảm cân.
Sinh tố là thành phẩm của quá trình xay nhuyễn mịn rau củ quả bằng máy xay sinh tố, trong khi nước ép được tạo ra sau quá trình tách nước khỏi phần xơ và thịt quả và thường được làm bằng máy ép.
Dưới đây là bảng so sánh giữa nước ép và sinh tố dựa trên 7 yếu tố sức khỏe:
Tiêu chí so sánh | Nước ép | Sinh tố |
---|---|---|
Hàm lượng chất xơ | Không hoặc rất ít chất xơ | Nhiều chất xơ |
Hàm lượng đường | Chứa nhiều đường | Chứa nhiều đường |
Calo | Ít calo hơn sinh tố | Nhiều calo hơn nước ép |
Chất chống oxy hóa | Ít hơn sinh tố | Nhiều hơn nước ép |
Lợi ích với hệ tiêu hóa | Hỗ trợ tiêu hóa nhờ có các hợp chất thực vật | Hỗ trợ tiêu hóa nhờ chất xơ và hợp chất thực vật |
Khả năng tạo cảm giác no | Ít tạo cảm giác no | Tạo cảm giác no nhiều hơn nước ép |
Tác dụng giảm cân | Hỗ trợ giảm cân kém hơn do ít calo, nhưng chứa nhiều đường và ít tạo cảm giác no | Hỗ trợ giảm cân tốt hơn nhờ chứa nhiều chất xơ và protein |
Thức uống nào tốt hơn cho sức khỏe: Nước ép hay sinh tố?
Nước ép hay sinh tố tốt hơn cho sức khỏe còn tùy thuộc vào cách sử dụng và mục đích chăm sóc sức khỏe của bạn. Cả 2 thức uống này đều có lợi cho sức khỏe nhưng theo những cách khác nhau.
Sinh tố tốt hơn cho bạn nếu bạn muốn bổ sung chất xơ và protein, cần hỗ trợ sức khỏe đường ruột và muốn sử dụng đồ uống như một bữa ăn.
Nước ép là thức uống tốt hơn cho bạn nếu bạn không quá đói, chỉ muốn bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, muốn bổ sung năng lượng nhanh chóng và muốn kết hợp đồ uống với bữa ăn.
Nước ép rau củ quả có công dụng gì?
Tác dụng chính của nước ép rau củ quả là giúp hấp thụ nhiều dưỡng chất hơn và bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh tật. Các lợi ích mà nước ép trái cây mang lại cho da, phổi, gan,… phụ thuộc vào thành phần dinh dưỡng có trong mỗi loại nước ép cụ thể.
Nhiều người cho rằng uống nước ép có tác dụng thanh lọc, thải độc cơ thể, nhưng chưa có bằng chứng khoa học cho tác dụng này của nước ép. Có nhiều nghiên cứu khoa học về tác dụng của rau củ quả đối với cơ thể, nhưng không có nhiều nghiên cứu về lợi ích của nước ép rau củ quả.
- Nước ép giúp cơ thể hấp thụ nhiều dưỡng chất: Nhiều người có thể không nạp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu qua chế độ ăn hàng ngày, do chất lượng thực phẩm kém, quá trình chế biến không phù hợp hay ô nhiễm môi trường. Uống nước ép rau củ quả có thể giúp con người bổ sung thêm nhiều vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật,…Theo Healthline, một nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung nước ép rau quả hỗn hợp trong 14 tuần đã cải thiện mức độ dinh dưỡng của beta carotene, vitamin C, vitamin E, selen và folate cho người tham gia.
- Nước ép giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật: Chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về khả năng phòng chống bệnh tật của nước ép, nhưng đã có một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý. Một nghiên cứu của Caroline Bell Stowe chỉ ra uống nước ép lựu giúp giảm huyết áp do có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu khác của Hyson D và cộng sự cho thấy nước ép táo chứa có hoạt tính chống oxy hóa, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Vanderbilt kết luận rằng những người uống nước trái cây ít nhất 3 lần/tuần sẽ ít mắc bệnh Alzheimer hơn những người uống nước trái cây ít thường xuyên hơn.
Ăn trái cây tốt hơn uống nước ép vì chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng có trong thực vật. Quá trình ép nước có thể loại bỏ đến 90% chất xơ có trong rau củ quả. Hiện tại chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng loại bỏ chất xơ giúp cơ thể dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn.
Uống nước ép gì để giảm cân?
Các loại nước ép hỗ trợ giảm cân tốt nhất là nước ép cần tây, dưa leo, bưởi, lê, sơ ri, mướp đắng, cỏ lúa mì,… Đây là những loại nước ép rau củ quả chứa ít calo và ít đường nên sẽ giúp giảm cân hiệu quả.
Tuy nhiên, nước ép chỉ nên là một phần của chế độ giảm cân lành mạnh chứ không thể thay thế hoàn toàn bữa ăn. Áp dụng chế độ giảm cân bằng nước ép tạo ra sự thâm hụt calo và dẫn đến giảm cân, nhưng cũng sẽ gây ra sự thiếu hụt dinh dưỡng, do nước ép không cung cấp đủ loại và lượng dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
Nước ép gì giúp đẹp da?
Nước ép trái cây giúp đẹp da bao gồm nước ép từ rau lá xanh (cải xoăn, rau chân vịt), ớt chuông đỏ hoặc vàng, cà chua, nho đỏ, cam, đu đủ, dưa hấu, dưa leo, dứa, xoài, táo, dâu tây, chuối, kiwi, lựu,.. Những loại rau củ quả nêu trên có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho da, bao gồm protein, vitamin A, E và C, kẽm, selen (theo WebMD).
- Protein được dùng để tạo collagen và keratin, giúp hình thành cấu trúc của da.
- Vitamin A giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và làm lành vết thương trên da.
- Vitamin C giảm nguy cơ ung thư da.
- Vitamin E bảo vệ da khỏi tia UV, giảm nếp nhăn, chảy xệ.
- Kẽm giúp vết thương mau lành và bảo vệ da khỏi tia cực tím.
- Selen giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím.
Nước ép gì tốt cho phổi?
Các loại nước ép tốt nhất cho phổi là nước ép từ củ dền, táo, bí đỏ, cà chua và ớt chuông, theo Verywellhealth và Healthline.
- Củ dền: Nước ép củ dền giàu nitrate giúp cải thiện chức năng phổi, theo một nghiên cứu trên bệnh nhân bị tăng huyết áp động mạch phổi, thực hiện bởi nhóm nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học Uppsala, Thụy Điển.
- Táo và cà chua: Ăn nhiều táo và cà chua giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng phổi ở những người đã từng hút thuốc, được cho là nhờ lượng vitamin C và lycopene có trong 2 loại trái cây này, theo kết quả nghiên cứu của Garcia-Larsen V, Potts JF, Omenaas E, và cộng sự.
- Bí đỏ: Bí đỏ rất giàu chất chống oxy hóa (như beta carotene, lutein, zeaxanthin), kẽm và sắt. Các nhà nghiên cứu nhận thấy bí đỏ có thể giúp điều trị các bệnh về đường hô hấp cấp tính như Covid-19 do đặc tính tăng cường miễn dịch.
- Ớt chuông: Ớt chuông là một trong những loại trái cây chứa nhiều vitamin C nhất. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có lượng vitamin C cao có chức năng phổi tốt hơn những người hút thuốc tiêu thụ lượng vitamin C thấp.
Làm nước ép trái cây tại nhà như thế nào?
Có 3 cách để làm nước ép trái cây tại nhà, đó là sử dụng máy ép chậm, máy ép nhanh và máy xay sinh tố.
- Làm nước ép bằng máy ép chậm: Máy ép chậm là thiết bị ép nước từ rau củ quả bằng trục ép quay ở tốc độ chậm (30 – 90 vòng/phút). Sử dụng máy ép chậm là cách tốt nhất để làm nước ép vì thu được nhiều nước ép với chất lượng ngon nhất. Bạn chỉ cần cho các nguyên liệu ép vào máy theo thứ tự “mềm trước, cứng sau, ít xơ trước, nhiều xơ sau” là có thể thu được nước ép thành phẩm. Hãy tham khảo bài review máy ép chậm trên Blog Tranthuyduyen để biết những dòng máy tốt nhất hiện nay.
- Làm nước ép bằng máy ép nhanh: Máy ép nhanh hay máy ép ly tâm là thiết bị tách nước từ rau củ quả bằng tốc độ cực nhanh của trục quay (lên đến 2.500 vòng/phút). Sử dụng máy ép nhanh thu được ít nước ép hơn máy ép chậm. Nước ép làm bằng máy ép nhanh thường nhiều bọt và dễ phân lớp. Để làm nước ép với máy ép nhanh, bạn chỉ cần cắt nhỏ nguyên liệu và cho vào máy.
- Làm nước ép bằng máy xay sinh tố: Máy xay sinh tố là thiết bị xay nhuyễn nguyên liệu bằng tốc độ quay cực nhanh của lưỡi dao. Để làm nước ép trái cây bằng máy ép chậm, bạn cần xay nhuyễn nguyên liệu và nước, rồi lọc hỗn hợp thu được qua rây hoặc khăn lọc.
Nên uống nước ép khi nào?
Bạn có thể uống nước ép vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Hiện tại, không có một hướng dẫn cụ thể nào về thời gian uống nước ép tốt nhất. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước ép rau củ quả khi đói vì có thể khiến đường huyết tăng vọt và gây vấn đề về tiêu hóa.
Uống nhiều nước ép có tốt không?
Uống quá nhiều nước ép có thể gây hại cho sức khỏe như tăng cân, tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường, do một số loại nước ép trái cây chứa nhiều đường và calo.
Một ngày nên uống tối đa bao nhiêu nước ép? Lượng nước ép tối đa nên tiêu thụ mỗi ngày được liệt kê dưới đây, dựa theo hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC):
- Trẻ em từ 1–3 tuổi: 125 ml
- Trẻ em từ 4–6 tuổi: 125 ml – 187 ml
- Trẻ em từ 7 tuổi trở lên: 250 ml
- Người lớn: không quá 250 ml
Lượng nước ép tối đa mỗi ngày được đề cập trên cây áp dụng cho nước ép nói chung. Một số loại nước ép sẽ có khuyến nghị riêng do thành phần dinh dưỡng khác biệt.
CDC khuyến nghị mỗi người trưởng thành nên ăn ít nhất 225 gram trái cây mỗi ngày (đối với nữ), 300 gram (đối với nam) và ít nhất một nửa phải là trái cây nguyên quả. Điều đó nghĩa là bạn không nên thay thế toàn bộ lượng trái cây cần ăn mỗi ngày bằng nước ép.
Uống nước ép cần tây đúng như thế nào?
Cách uống nước ép cần tây đúng cách là uống nước ép nguyên chất vào buổi sáng khi bụng rỗng. Bất kỳ ai cũng có thể uống cần tây (trừ một số trường hợp bệnh lý) và người lớn có thể uống 475 ml nước ép mỗi ngày. Nước ép cần tây nên được tiêu thụ ngay sau khi ép và bảo quản lạnh trong tối đa 3 ngày. Để hiểu chi tiết về cách uống nước ép cần tây, bạn hãy tham khảo bài viết liên quan trên Blog Tranthuyduyen.
Bảo quản nước ép như thế nào?
Các cách bảo quản nước ép rau củ quả cùng với thời gian lưu trữ được liệt kê dưới đây:
- Để nước ép trong tủ lạnh hoặc tủ đông: Nước ép có thể bảo quản được 5 ngày trong tủ lạnh mà không bị thay đổi màu sắc, đặc tính vật lý và các dưỡng chất có trong nó, theo một nghiên cứu Đơn vị nghiên cứu cây trồng phân tử thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan). Nước ép trái cây có thể để được 12 đến 16 tháng nếu bảo quản trong tủ đông. Nước ép bảo quản lạnh hoặc đông đá nên được đựng trong chai thủy tinh nắp kín của hộp hút chân không.
- Bảo quản nước ép ở trạng thái chân không: Chân không (vacuum) được hiểu là trạng thái không có không khí. Để bảo quản nước ép trong trạng thái chân không, bạn sẽ dùng các hộp hút chân không thực phẩm. Nước ép được bảo quản chân không sẽ không tiếp xúc với không khí nên giảm tối đa tốc độ oxy hóa, mất chất dinh dưỡng.
- Đựng nước ép trong chai thủy tinh nắp kín: Bạn nên dùng các chai thủy tinh có dung tích phù hợp với lượng nước ép bạn muốn uống mỗi lần. Khi đổ nước ép vào chai thủy tinh, hãy đổ đầy sát nắp chai để hạn chế tối đa lượng không khí còn lại trong chai. Việc này giúp bạn hạn chế được quá trình oxy hóa nước ép.
- Tăng tính acid của nước ép: Nước ép trái cây càng có tính acid cao (độ pH thấp) thì mức độ hoạt động của enzym càng thấp. Enzyme là các protein đặc biệt có thể tăng tốc độ phản ứng hóa học và đóng vai trò là chất xúc tác sinh học. Do vậy, nước ép có tính acid cao sẽ lâu bị hỏng hơn, chậm bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu. Cách đơn giản nhất để tăng tính acid của nước ép trái cây là cho thêm nước cốt chanh.
Nước ép để được bao lâu?
Nước ép trái cây có thể để bên ngoài được 2 giờ và để trong tủ lạnh 5 ngày. Sau thời gian này, nước ép sẽ bị thay đổi màu sắc, mùi vị và biến đổi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, thời gian bảo quản nước ép phụ thuộc vào loại nước ép, cách ép, môi trường bảo quản (nhiệt độ, độ ẩm) và vật dụng bảo quản. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Viti-Viniculture Thiểm Tây (Đại học Northwest A&F, Trung Quốc) trên nước ép dưa hấu tươi cho thấy, chất lượng dinh dưỡng cũng như màu sắc của nước ép vẫn tốt trong vòng 2 giờ, ở nhiệt độ 25℃, nhưng kém đi nhanh chóng sau 2 giờ ở mức nhiệt 37℃.
Nước ép để qua đêm được không?
Nước ép có thể để qua đêm nếu bảo quản trong tủ lạnh và không thể để qua đêm ở nhiệt độ thường. Nghiên cứu của Đại học Northwest A&F, Trung Quốc cho thấy nước ép trái cây sẽ bị biến chất sau 2 giờ bảo quản ở nhiệt độ thường.