Sữa hạt là loại đồ uống được chế biến từ các loại thảo mộc phổ biến như hạt dinh dưỡng, ngũ cốc, hạt đậu, các loại củ như cà rốt, khoai lang, bí đỏ,… Cách làm sữa hạt cho bé rất đơn giản, sử dụng máy xay nấu sữa hạt, máy xay sinh tố hoặc máy ép chậm. Bài viết này chia sẻ 19 công thức sữa hạt cho trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện và tăng cân lành mạnh.
Sữa hạt là thức uống giàu dinh dưỡng giúp bé phát triển trí não, thị lực, xương, răng, tăng cường miễn dịch,… Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêu thụ sữa hạt, tối đa 500 ml – 700 ml mỗi ngày. Trẻ uống quá nhiều sữa hạt có thể bị mất cân bằng dinh dưỡng, đầy bụng, khó tiêu. Thời điểm tốt để cho bé uống sữa hạt là buổi sáng, bữa phụ chiều và buổi tối. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết các loại sữa hạt đều tốt cho trẻ, trừ sữa dừa và sữa gạo.
Ngoài sữa hạt, bố mẹ có thể bổ sung các loại hạt bằng nhiều cách cho trẻ ăn dặm như xay bột làm bánh, nấu cháo, làm bơ hạt,… Trẻ em có thể bắt đầu làm quen với các loại hạt từ khi bắt đầu ăn dặm.
1. Sữa hạt sen
Dưới đây là công thức sữa hạt sen thơm ngon cho bé:
Nguyên liệu
- Hạt sen tươi hoặc hạt sen khô: 50 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt sen tươi bỏ vỏ và tim sen. Hạt sen ngô ngâm nước ấm 30 phút – 60 phút.
Làm sữa hạt sen:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt sen và 500 ml nước vào máy làm sữa hạt. Chọn chức năng Sữa hạt nấu chín/Sữa thảo mộc. Thời gian nấu là 25 phút.
- Dùng máy xay sinh tố: Đổ 500 ml nước và hạt sen vào máy xay sinh tố, xay mịn. Lọc hỗn hợp thu được qua rây. Đổ sữa hạt sen vào nồi và đun nhỏ lửa cho đến khi sữa sôi lăn tăn (25 – 35 phút).
Hạt sen là hạt của cây sen, được bán phổ biến tại Việt Nam. Hạt sen là một trong những nguyên liệu làm sữa hạt phổ biến nhất. Hạt sen có tính mát, giúp thanh nhiệt và giải độc. Theo Vinmec, uống sữa hạt sen giúp ngừa táo bón ở trẻ, giảm đau nhức khi trẻ mọc răng, thúc đẩy phát triển xương khớp và trí não, giúp bé ngủ ngon.
2. Sữa hạt sen bí đỏ
Công thức làm sữa hạt sen bí đỏ cho bé tăng cân như sau:
Nguyên liệu
- Hạt sen tươi hoặc hạt sen khô: 25 gram
- Bí đỏ: 25 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt sen tươi bỏ vỏ và tim sen, rửa sạch. Hạt sen ngô ngâm nước ấm 30 phút – 60 phút cho mềm. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch và cắt miếng nhỏ.
Làm sữa hạt sen bí đỏ:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt sen, bí đỏ và 500 ml nước vào cối xay nấu. Chọn chế độ Sữa hạt nấu chín/Sữa thảo mộc. Thời gian nấu một mẻ sữa là 25 phút.
- Dùng máy xay sinh tố: Hấp chín bí đỏ. Cho bí đỏ, hạt sen và nước vào cối xay sinh tố để xay mịn. Lọc hỗn hợp qua rây rồi đun sữa trên bếp trong 20 – 30 phút. Sữa sôi lăn tăn thì tắt bếp.
Bí đỏ là loại thực phẩm thường xuyên được sử dụng để làm món ăn cho các bé. Hạt sen và bí đỏ chứa nhiều tinh bột, sẽ giúp bé nhanh no. Hạt sen có nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ như ngừa táo bón, giúp trẻ phát triển xương khớp, trí não,…Bí đỏ chứa nhiều vitamin A giúp bé phát triển xương, bổ mắt, tăng cường miễn dịch.
Mẹ chỉ nên cho bé ăn hoặc uống sữa có bí đỏ 2 – 3 bữa/tuần để tránh dư thừa beta caroten, dẫn đến vàng da.
3. Sữa ngô hạt sen
Công thức làm món sữa ngô hạt sen cho trẻ như sau:
Nguyên liệu
- Ngô ngọt (bắp ngọt): ½ trái
- Hạt sen tươi hoặc khô: 25 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Ngô ngọt rửa sạch, tách hạt và luộc lõi để lấy nước ngọt. Hạt sen tươi bóc vỏ, bỏ tim sen. Hạt sen khô ngâm nước ấm từ 30 phút đến 1 giờ.
Làm sữa ngô hạt sen:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt ngô ngọt, hạt sen và nước luộc ngô vào cối máy làm sữa hạt, thêm nước (nếu cần) cho đủ 500 ml. Bật tính năng “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Cho hạt ngô, hạt sen, nước vào cối xay sinh tố và xay mịn. Lọc hỗn hợp qua rây lọc. Cho sữa lên bếp trong 20 – 30 phút đến khi sôi lăn tăn thì tắt bếp.
Sữa ngô hạt sen có vị ngọt tự nhiên của ngô và vị bùi của hạt sen nên các bé rất thích. Ngô nhiều chất xơ nên mẹ lọc kỹ sữa ngô để sữa mịn và dễ uống hơn.
Sữa ngô hạt sen bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như vitamin A, C, phốt pho, mangan, beta caroten,… Sữa ngô hạt sen nhiều chất nên mẹ không nên cho trẻ uống quá nhiều để tránh bị đầy hơi, tiêu chảy.
4. Sữa hạt sen đậu xanh
Cách làm món sữa hạt sen đậu xanh cho bé như sau:
Nguyên liệu
- Hạt sen tươi hoặc khô: 25 gram
- Đậu xanh (đỗ xanh): 25 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt sen tươi bóc vỏ, bỏ tim sen cho khỏi đắng. Hạt sen khô ngâm nước ấm từ 30 phút đến 1 giờ cho mềm. Đậu xanh ngâm 8 – 12 giờ, rửa sạch, ngữ nguyên vỏ.
Làm sữa hạt sen đậu xanh:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt sen, đậu xanh cùng 500 ml nước lọc vào cối xay nấu. Chọn tính năng “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay kỹ hạt sen và đậu xanh với 500 ml nước. Lọc hỗn hợp qua rây lọc cho mịn. Đun sữa trên bếp với lửa nhỏ cho đến khi sữa sôi lăn tăn.
Đậu xanh và hạt sen là 2 nguyên liệu có tính chất thanh nhiệt, giải độc. Vì thế, sữa hạt sen đậu xanh là thức uống tuyệt vời để giải nhiệt cho bé, hạn chế tình trạng sốc nhiệt trong mùa nóng. Ngoài ra, đậu xanh giúp bổ sung đạm thực vật cho bé và cung cấp nhiều chất xơ giúp bé tiêu hóa tốt.
5. Sữa yến mạch hạt sen
Công thức làm sữa yến mạch hạt sen cho trẻ được trình bày dưới đây:
Nguyên liệu
- Yến mạch cán mỏng: 15 gram
- Hạt sen tươi hoặc khô: 25 gram
- Nước: 400 ml
Sơ chế nguyên liệu: Yến mạch rang thơm rồi rửa lại bằng nước lọc cho bớt nhớt. Hạt sen tươi làm sạch vỏ và loại bỏ tim sen. Hạt sen khô ngâm trong nước ấm từ 30 phút đến 1 giờ. Hấp chín hạt sen.
Làm sữa yến mạch hạt sen:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho yến mạch, hạt sen đã chín và 400 ml nước đun sôi để nguội vào máy xay sữa hạt. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay nhuyễn mịn yến mạch, hạt sen chín với 400 ml nước đun sôi để nguội. Sau đó lọc hỗn hợp sữa qua rây là thu được thành phẩm.
Yến mạch là loại ngũ cốc lành tính không chứa gluten nên phù hợp để làm sữa cho trẻ bị dị ứng gluten. Hỗn hợp yến mạch và hạt sen giàu chất xơ, vitamin nhóm B, vitamin K, E và nhiều khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, sắt, phốt pho,… Sữa yến mạch hạt sen bổ sung dưỡng chất giúp bé phát triển xương và răng, ngăn ngừa thiếu máu, cải thiện tiêu hóa, thanh nhiệt và giúp giảm nguy cơ hen suyễn.
6. Sữa khoai lang hạt sen
Công thức để làm sữa khoai lang hạt sen cho bé như sau:
Nguyên liệu:
- Khoai lang: 25 gram
- Hạt sen tươi hoặc khô: 25 gram
- Nước lọc: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Khoai lang làm sạch vỏ và cắt thành miếng nhỏ. Hạt sen tươi bỏ vỏ và tim sen. Hạt sen khô ngâm 30 phút – 1 giờ trong nước ấm.
Làm sữa khoai lang hạt sen:
- Dùng máy làm sữa hạt: Bỏ khoai lang, hạt sen và 500 ml nước vào cối máy xay nấu sữa hạt. Chọn tính năng “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Cho khoai lang, hạt sen và 500 ml nước vào cối xay và xay thật mịn. Lọc hỗn hợp sữa qua rây để loại bỏ bớt xơ. Đun sữa khoai lang hạt sen trên bếp với mức nhiệt thấp cho đến khi sữa sôi lăn tăn.
Khoai lang là loại củ nhiều tinh bột và có vị ngọt tự nhiên. Vì thế, sữa khoai lang hạt sen có kết cấu đặc sánh và vị ngọt, kích thích vị giác của trẻ.
Khoai lang chứa nhiều vitamin A, E canxi, beta carotene và folate (vitamin B9),…giúp hệ tiêu hóa, trí não, hệ thần kinh, xương, răng của bé phát triển… Sữa khoai lang hạt sen cung cấp lượng chất xơ dồi dào, giúp bé hạn chế táo bón, cải thiện tiêu hóa, từ đó giúp bé tăng cân. Khoai lang và hạt sen đều có tính mát nên sữa khoai lang hạt sen là thức uống thanh nhiệt tuyệt vời cho bé vào mùa hè.
7. Sữa đậu đỏ hạt sen
Dưới đây là công thức và cách làm sữa hạt đậu đỏ hạt sen cho trẻ:
Nguyên liệu:
- Đậu đỏ: 30 gram
- Hạt sen tươi hoặc khô: 20 gram
- Nước lọc: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Đậu đỏ ngâm 8 – 12 tiếng rồi rửa sạch, loại bỏ nước ngâm. Hạt sen tươi bóc sạch vỏ và bỏ tâm sen. Hạt sen khô ngâm 30 phút – 60 phút trong nước ấm.
Làm sữa đậu đỏ hạt sen:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hỗn hợp đậu đỏ, hạt sen, 500 ml nước vào cối xay nấu. Chọn chế độ “Sữa thảo mộc” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Bỏ đậu đỏ, hạt sen và 500 ml nước vào cối xay sinh tố và xay mịn. Lọc hỗn hợp sữa qua rây để loại bỏ bã. Sau đó, đun sôi sữa đậu đỏ hạt sen trên bếp với lửa nhỏ.
Đậu đỏ (Adzuki bean) là loại đậu giàu đạm và chất xơ, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiếu yếu cho cơ thể như mangan, kali, sắt, vitamin nhóm B,… Đậu đỏ và hạt sen đều có tác dụng thanh nhiệt nên sữa đậu đỏ hạt sen phù hợp để giải nhiệt mùa hè, rất tốt cho bé bị mẩn ngứa, mụn nhọt. Sữa hạt sen đậu đỏ cung cấp nhiều đạm và xơ, giúp bé nhanh no và thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
8. Sữa hạt sen mè đen
Cách làm sữa hạt sen mè đen cho bé được chia sẻ dưới đây:
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi hoặc khô: 25 gram
- Mè đen (vừng đen): 25 gram
- Nước lọc: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt sen tươi bóc vỏ, bỏ tâm sen, rửa sạch. Hạt sen khô ngâm nước ấm từ 30 đến 60 phút. Hấp chín hạt sen. Hạt mè đen ngâm 8 giờ rồi rửa sạch, rang thơm.
Làm sữa hạt sen mè đen
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hỗn hợp hạt sen chín và mè đen rang vào cối máy xay sữa hạt, thêm 500 ml nước. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Cho hạt sen đã hấp chín, mè đen rang và 500 ml nước vào cối, xay mịn. Lọc hỗn hợp bằng rây để bỏ xác hạt. Thành phẩm thu được là sữa hạt sen mè đen cho bé.
Mè đen (hay còn gọi là vừng đen) là một trong những loại hạt nhiều dầu nhất hiện nay. Mè đen chứa nhiều chất béo lành mạnh như lignan và phytosterol, giúp chống oxy hóa và chống viêm sưng, giúp trẻ tăng cường miễn dịch. Mè đen kết hợp với hạt sen sẽ cung cấp nhiều canxi, sắt và kẽm – những khoáng chất thường thiếu hụt trong chế độ ăn của trẻ.
Sữa mè đen hạt sen là thức uống bổ dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, mè đen là loại hạt dễ gây dị ứng nên mẹ cần thận trọng khi cho trẻ uống sữa hạt sen mè đen.
9. Sữa bí đỏ
Công thức làm sữa bí đỏ cho bé đơn giản như sau:
Nguyên liệu:
- 75 gram bí đỏ
- 500 ml nước lọc
- 50 ml sữa tươi (Không thêm sữa tươi nếu bé bị dị ứng lactose)
- Lá dứa
Sơ chế nguyên liệu: Bí đỏ gọt sạch vỏ, cắt thành miếng vừa. Lá dứa rửa sạch. Hấp hoặc luộc bí đỏ với lá dứa cho đến khi bí đỏ chín mềm.
Làm sữa bí đỏ:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho bí đỏ chín, nước luộc bí, sữa tươi vào cối xay. Chọn chức năng “Sữa hạt không nấu” và đợi 8 phút.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay bí đỏ chín với nước luộc bí và nước lọc (tổng 500 ml) cho đến khi nhuyễn mịn. Hỗn hợp thu được đem đun sôi trên bếp, thêm sữa tươi và lá dứa.
Sữa bí đỏ là thức uống bổ dưỡng, thơm ngon và có vị ngọt tự nhiên dễ uống. Uống sữa bí đỏ giúp trẻ bổ sung nhiều vitamin A, bột đường và chất xơ, giúp trẻ sáng mắt, tăng cường miễn dịch, cải thiện tiêu hóa, giúp trẻ mau lớn, tăng cân. Mẹ chỉ nên cho bé dùng bí đỏ 2 – 3 lần/tuần để tránh bị vàng da.
10. Sữa hạt óc chó
Sau đây là công thức làm sữa hạt óc chó cho bé:
Nguyên liệu:
- 50 gram nhân hạt óc chó
- 500 ml nước lọc
Sơ chế nguyên liệu: Hạt óc chó ngâm 4 giờ để loại bỏ acid phytic ức chế tiêu hóa, sau đó bóc sạch lớp vỏ.
Làm sữa bí đỏ:
- Dùng máy làm sữa hạt: Xay nhân hạt óc chó với 500 ml nước đun sôi để nguội bằng chế độ “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay nhuyễn mịn nhân hạt óc chó với 500 ml nước đun sôi để nguội, sau đó lọc sữa qua rây để bỏ bã.
Hạt óc chó là loại hạt nhiều chất béo omega-3 cao giúp trẻ phát triển não bộ và tăng trí thông minh. Vì thế, loại hạt này được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra, axit béo omega-3 và omega-6 có trong hạt óc chó giúp trẻ miễn dịch tốt hơn, ngăn ngừa các bệnh tay chân miệng, viêm mũi họng, tiêu chảy cấp, suy hô hấp,… Sữa hạt óc chó chứa lượng canxi tương đương với sữa bò nên sẽ giúp xương, răng của bé phát triển và chắc khỏe.
11. Sữa ngô ngọt (bắp ngọt)
Công thức làm sữa bắp ngọt nguyên chất cho trẻ em như sau:
Nguyên liệu
- Ngô ngọt (bắp ngọt): 1 trái nhỏ
- Nước: 500 ml
- Sữa tươi: 100 ml (tùy ý)
Sơ chế nguyên liệu: Ngô ngọt rửa sạch, tách hạt. Lõi ngô và râu ngô đem luộc để để lấy nước ngọt.
Làm sữa ngô:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt ngô, nước luộc ngô vào cối máy xay nấu đa năng. Thêm nước cho đủ 500 ml. Bật chế độ “Sữa hạt nấu chín”. Sau 15 phút, tạm dừng máy và cho thêm sữa tươi, sau đó để máy tiếp tục quy trình nấu.
- Dùng máy xay sinh tố: Cho hạt ngô, nước luộc và nước lọc vào cối xay sinh tố và xay mịn. Lọc hỗn hợp thu được qua rây để bỏ bã. Đun sữa trên bếp cùng với sữa tươi, cho đến khi sữa sôi lăn tăn.
Sữa ngô ngọt (bắp Mỹ) là thức uống ngon và dễ uống cho bé nhờ vị ngọt tự nhiện. Sữa ngô ngọt là thức uống bổ dưỡng, cung cấp nhiều vitamin A, C, phốt pho, mangan, beta caroten,… tốt cho mắt, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ sự hấp thụ canxi, giúp xương và răng của bé nhanh phát triển.
12. Sữa ngô nếp (bắp nếp)
Công thức làm sữa ngô nếp cho bé được hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu
- Ngô nếp non (bắp nếp): 1 trái nhỏ
- Nước: 500 ml
- Lá dứa: vài lá
Sơ chế nguyên liệu: Ngô nếp rửa sạch, tách hạt. Luộc lõi ngô, râu ngô với lá dứa.
Làm sữa ngô:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt ngô và nước luộc ngô (đã lọc bã) vào cối của máy xay nấu sữa hạt. Chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay hạt ngô với nước luộc ngô để tạo thành hỗn hợp nhuyễn mịn. Lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ bã. Đun sữa trên bếp cho đến khi sữa sôi lăn tăn thì tắt bếp.
Sữa bắp nếp sánh, có vị béo ngậy nhưng không ngọt như sữa bắp ngọt. Mẹ có thể cho thêm 1 – 2 thìa sữa đặc vào sữa. Tốt nhất nên cho bé uống sữa bắp nếp nguyên chất để bé cảm nhận rõ hương vị của bắp.
Theo Nhà thuốc Long Châu, ngô nếp chứa nhiều chất bột đường, chất xơ, protein, vitamin A, B, D, sắt, kẽm, magie,… Uống sữa ngô nếp giúp bé nhanh no và dễ tiêu hóa, từ đó thúc đẩy quá trình tăng cân của trẻ. Ngoài ra, vitamin A và các hợp chất lutein, zeaxanthin trong bắp nếp giúp tăng cường sức khỏe mắt và bảo vệ thị lực của bé.
13. Sữa ngũ cốc
Công thức sữa ngũ cốc cho bé rất đa dạng. Mẹ có thể phối hợp nhiều loại hạt khác nhau. Cách làm sữa ngũ cốc cho trẻ em như sau:
Nguyên liệu
- Gạo lứt, lúa mì (hoặc yến mạch), ngô, mè, đậu: mỗi loại 10 gram.
- Nước: 600 ml
Sơ chế nguyên liệu: Ngâm kỹ các loại ngũ cốc để loại bỏ chất ức chế tiêu hóa. Thời gian ngâm như sau:
- Gạo lứt: ngâm 9 giờ
- Lúa mì nguyên cám: 7 giờ
- Yến mạch cán mỏng: Không ngâm
- Ngô: Không ngâm
- Mè (vứng): 8 giờ
- Các loại đậu: 8 – 12 giờ
Làm sữa ngũ cốc:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho tất cả nguyên liệu làm sữa ngũ cốc vào cối xay nấu, cùng 600 ml nước. Bật chế độ “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay mịn toàn bộ ngũ cốc đã ngâm với 600 ml nước lọc, rồi lọc bỏ bã. Đun sữa ngũ cốc thu được trên bếp ở mức nhiệt thấp, cho đến khi sữa sôi lăn tăn.
Ngũ cốc được hiểu theo nhiều cách. Tiếng Việt hiện đại định nghĩa ngũ cốc gồm kê, đậu, ngô, lúa nếp, lúa tẻ. Theo ISO, ngũ cốc (cereal) được hiểu là hạt của cây trồng thuộc họ Hòa thảo như lúa, lúa mì, lúa mạch, đại mạch, yến mạch, kê, ngô v.v… và không bao gồm hạt đậu, vừng, lạc. Tuy nhiên, hiện nay ngũ cốc được hiểu rộng rãi hơn, bao gồm lúa gạo, lúa mì, ngô, các loại đậu, khoai,…
Theo YouMed, ngũ cốc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ như phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp, bổ máu, thanh nhiệt giải độc, ngăn ngừa các tình trạng chảy máu cam, khô da, táo bón, tiêu chảy, kích thích sự phát triển thị giác, trí não của trẻ,… Sữa hạt ngũ cốc là nguồn dinh dưỡng đa dạng và là một trong những loại sữa hạt tăng cân tốt nhất cho trẻ em.
14. Sữa yến mạch
Dưới đây là công thức sữa hạt yến mạch cho bé:
Nguyên liệu
- Yến mạch cán mỏng: 40 gram
- Nước: 400 ml
- Bột quế: tùy thích
Sơ chế nguyên liệu: Yến mạch cán mỏng không cần ngâm mà đem rang thơm rồi rửa lại băng nước cho bớt nhớt.
Làm sữa yến mạch
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho yến mạch, bột quế và 400 ml nước vào cối xay. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay mịn hỗn hợp yến mạch, bột quế và nước rồi gạn bã qua rây lọc. Sữa yến mạch cán mỏng có thể dùng luôn mà không cần đun sôi.
Yến mạch là loại ngũ cốc lành tính cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Yến mạch giàu chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ và tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa đường beta-glucans. Yến mạch giàu dinh dưỡng và rất ít gây dị ứng. Vì thế, sữa yến mạch là thức uống mà mẹ có thể cho trẻ sử dụng từ sớm.
15. Sữa hạnh nhân
Cách làm sữa hạnh nhân cho bé được hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu
- Hạt hạnh nhân: 50 gram
- Nước: 400 ml
Sơ chế nguyên liệu: Ngâm hạt hạnh nhân 8 – 12 giờ trong nước đun sôi để nguội, sau đó bóc sạch vỏ nâu.
Làm sữa hạnh nhân:
- Dùng máy làm sữa hạt: Thêm hạnh nhân đã bóc vỏ và 400 ml nước đun sôi để nguội vào máy xay sữa hạt. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu” hoặc “Sữa hạt nấu chín”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay nhuyễn hỗn hợp hạnh nhần và nước đun sôi để nguội. Dùng rây lọc loại bỏ bã hạt. Mẹ có thể đun sữa hạnh nhân trên bếp hoặc dùng trực tiếp mà không cần đun sôi.
Hạnh nhân là loại hạt dinh dưỡng phổ biến tại Việt Nam, thuộc nhóm quả hạch. Trong hạt hạnh nhân có nhiều chất béo omega-3, giàu canxi, vitamin E, magie, mangan. Uống sữa hạnh nhân giúp bé phát triển trí não, hệ xương và răng, giúp bé ngủ ngon giấc, tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, sữa hạnh nhân làm bằng máy làm sữa hạt giữ lại nhiều chất xơ, giúp bé tiêu hóa tốt hơn, hạn chế táo bón.
16. Sữa hạt điều
Sau đây là công thức làm sữa hạt điều cho trẻ em:
Nguyên liệu
- Hạt điều tươi hoặc hạt điều rang mộc (không muối): 50 gram
- Nước: 400 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt điều tươi ngâm 2 – 4 giờ. Hạt điều đã rang không cần ngâm.
Làm sữa hạt điều:
- Dùng máy làm sữa hạt: Thêm hạt điều và 400 ml nước đun sôi để nguội vào máy làm sữa hạt. Chọn tính năng “Sữa hạt không nấu”. Bạn có thể chọn tính năng “Sữa hạt không nấu” hoặc “Sữa hạt nấu chín” nếu làm sữa từ hạt điều tươi.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay nhuyễn hỗn hợp hạt điều và nước đun sôi để nguội, sau đó lọc bỏ bã. Sữa làm từ hạt điều rang dùng luôn, không cần đun sôi. Sữa từ hạt điều tươi có thể dùng luôn hoặc đun sôi đều được.
Hạt điều là loại hạt dinh dưỡng rất dễ mua tại Việt Nam. Hạt điều giàu đạm, chất béo tốt omega-3, vitamin nhóm B, vitamin E, K và các khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, phốt pho, sắt, kali, kẽm, các hợp chất lutein và zeaxanthin,… Vì thế, uống sữa hạt điều giúp bé phát triển não bộ, xương, răng, tăng cường sức khỏe mắt, sản sinh hồng cầu, tăng cường miễn dịch, mau lành vết thương,…
Bé đang bị ho và khàn tiếng không nên uống sữa hạt điều. Mẹ chỉ nên cho bé uống sữa hạt điều 3 – 4 lần/tuần, do hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, khó hấp thụ hết chất dinh dưỡng từ hạt điều.
17. Sữa hạt Macca
Cách làm món sữa hạt Macca cho các bé được hướng dẫn dưới đây:
Nguyên liệu
- Nhân hạt Macca: 50 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Ngâm nhân hạt macca với nước trong 2 giờ cho mềm.
Làm sữa hạt Macca:
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt Macca và 500 ml nước đun sôi để nguội vào cối, rồi chọn chế độ “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay nhuyễn hỗn hợp hạt Macca và 500 ml nước đun sôi để nguội, rồi lọc bỏ bã. Sữa hạt Macca dùng trực tiếp, không cần đun sôi.
Hạt Macca (Macadamia) là loại hạt dinh dưỡng có vị béo ngậy, rất thích hợp làm sữa hạt cho trẻ em. Hạt Macca chứa khá nhiều chất bột đường nên sẽ cung cấp nhiều năng lượng cho bé, thúc đẩy cơ thể trẻ nhỏ tăng trưởng. Theo Vinmec, hạt Macca giúp bé phát triển não bộ, thần kinh, tốt cho trẻ có làn da nhạy cảm, bổ máu, giúp bé phát triển xương và răng, hỗ trợ tuần hoàn.
Trẻ nhỏ chỉ nên uống sữa hạt Macca vào buổi sáng. Sữa hạt Macca nhiều năng lượng nên có thể khiến bé khó ngủ nếu uống vào chiều và tối. Ngoài ra, bé chỉ nên uống ít hạt Macca trong lần đầu sử dụng, do sữa hạt Macca chứa nhiều xơ, dễ gây đầy bụng.
18. Sữa đậu phộng (lạc)
Có 2 cách làm sữa đậu phộng là làm sữa đậu phộng tươi và làm sữa đậu phộng rang. Sữa đậu phộng rang ngậy và béo hơn nhiều so với sữa đậu phộng tươi. Mẹ nên làm cả 2 loại sữa lạc và xem bé thích loại nào hơn.
Công thức làm sữa đậu phộng tươi cho bé như sau:
Nguyên liệu
- Đậu phộng tươi: 50 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Đậu phộng tươi rửa sạch, không cần ngâm.
Làm sữa đậu phộng tươi
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho đậu phộng và nước vào máy xay nấu sữa hạt đa năng. Chọn chế độ “Sữa hạt nấu chín” hoặc “Sữa thảo mộc”.
- Dùng máy xay sinh tố: Cho hạt lạc và nước vào cối xay sinh tố rồi xay mịn. Lọc bỏ bã rồi đun sữa trên bếp cho đến khi sữa sôi lăn tăn là hoàn thành.
Cách làm sữa đậu phộng rang cho bé như sau:
Nguyên liệu
- Đậu phộng tươi: 50 gram
- Nước đun sôi để nguội: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Đậu phộng rang chín rồi bóc vỏ. Không thêm muối khi rang.
Làm sữa đậu phộng rang
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho đậu phộng rang và nước đun sôi để nguội vào máy xay nấu sữa hạt đa năng. Dùng tính năng “Sữa hạt không nấu”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay mịn lạc rang với nước đun sôi để nguội rồi lọc bỏ bã. Sữa hạt đậu phộng rang dùng được ngay, không cần nấu.
Đậu phộng (lạc) là loại hạt rẻ tiền nhưng có giá trị dinh dưỡng cao. Đậu phộng tốt cho tim mạch không kém các loại hạt dinh dưỡng như hạnh nhân, điều, Macca,… Sữa hạt đậu phộng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch của trẻ, giảm viêm sưng, cải thiện chức năng não bộ.
Đậu phộng là loại hạt có nguy cơ dị ứng cao. Cần thận trọng khi cho bé uống sữa hạt đậu phộng, đặc biệt nếu bố mẹ, anh chị của trẻ bị dị ứng với loại hạt này. Không nên cho bé uống nhiều sữa hạt đậu phộng để tránh bị đầy bụng, khó tiêu.
19. Sữa đậu nành
Dưới đây là công thức làm sữa đậu nành nguyên chất cho bé:
Nguyên liệu
- Đậu nành (đậu tương): 50 gram
- Nước: 500 ml
Sơ chế nguyên liệu: Hạt đậu nành ngâm 8 tiếng, xát sạch vỏ.
Làm sữa đậu nành
- Dùng máy làm sữa hạt: Cho hạt đậu nành và 500 ml nước vào cối máy xay nấu đa năng. Chọn tính năng “Sữa hạt nấu chậm” hoặc “Sữa 35 phút”.
- Dùng máy xay sinh tố: Xay hạt đậu nành với nước cho đến khi nhuyễn mịn. Lọc bỏ bã đậu nành. Đun sữa đậu nành trên bếp ở mức nhiệt thấp cho đến khi sữa sôi lăn tăn (25 – 35 phút).
Sữa đậu nành là loại sữa thực vật phổ biến nhất, cung cấp đủ 9 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể, tương tự như sữa bò. Sữa đậu nành (có bổ sung vitamin D và canxi) là loại sữa hạt tốt nhất cho bé để thay thế sữa bò, nếu bé bị dị ứng lactose. Sữa đậu nành tự làm không được bổ sung vitamin D và canxi, nên trẻ cần được bổ sung 2 dưỡng chất này qua các thực phẩm khác.
Sữa hạt có tốt cho bé không?
Sữa hạt tốt cho sức khỏe của bé. 5 lợi ích của sữa hạt với trẻ nhỏ được liệt kê dưới đây:
- Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ: Sữa hạt là nguồn cung cấp protein, vitamin A, C, E, K, vitamin nhóm B (folate, niacin), mangan, kali, magie, sắt, kẽm, selen… giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ.
- Giúp trẻ phát triển trí não: Sữa hạt làm từ hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó, hạt Macca, … rất giàu omega-3 – một chất béo rất quan trọng cho sự phát triển trí não của bé.
- Tăng cường hệ miễn dịch của bé: Các chất dinh dưỡng có trong sữa hạt như vitamin C, magie, omega-3, omega-6 và kali giúp hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn, hạn chế bệnh tật ở trẻ nhỏ.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Sữa hạt làm bằng máy làm sữa hạt giữ lại toàn chất xơ có trong nguyên liệu làm sữa, giúp bổ sung prebiotics và giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng, hạn chế táo bón.
- Tăng cường thị lực cho trẻ: Sữa hạt cung cấp lượng vitamin A dồi dào giúp đôi mắt bé sáng khỏe.
Trẻ bao nhiêu tháng tuổi uống được sữa hạt?
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể uống sữa hạt, theo các chuyên gia dinh dưỡng. Bé trên 1 tuổi cần nhiều dưỡng chất để phát triển chiều cao, cân nặng và trí não. Cần cẩn trọng khi cho trẻ uống sữa hạt có hạnh nhân, đậu phộng, mè, nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng.
Thực tế, “khi nào trẻ uống được sữa hạt” là một câu hỏi gây tranh cãi và chưa có câu trả lời thống nhất từ các Hiệp hội và chuyên gia y tế.
Năm 2019, hướng dẫn Nghiên cứu ăn uống lành mạnh (Healthy Eating Research guidelines) đề xuất trẻ em dưới 5 tuổi không nên uống sữa thực vật. Ngoại trừ sữa đậu nành đã được bổ sung dưỡng chất, các loại sữa thực vật như sữa gạo, sữa dừa, sữa yến mạch và các hỗn hợp khác đều thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Đề xuất trên nhận được sự đồng thuận của nhóm chuyên gia của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, Học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo VeryWellFamily, bác sĩ Nhi khoa Joel Gator (người sáng lập Tổ chức Nhi khoa Tích hợp ở Studio City, California) cho biết “Trẻ trên một tuổi có thể hoàn toàn khỏe mạnh chỉ cần uống nước hoặc uống các loại sữa thay thế”. Một số bác sĩ cho rằng, trẻ nhỏ có thể uống sữa thực vật được bổ sung canxi và vitamin D và bổ sung protein hoàn chỉnh từ bữa ăn. Chế độ ăn như vậy có thể cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ.
Có nên cho trẻ 1 tuổi uống sữa hạt?
Nên cho trẻ từ 1 tuổi trở lên uống sữa hạt vì sữa hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi, giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và trí não như protein, omega-3, magie, canxi, kali, kẽm sắt, mangan, vitamin nhóm A, B, C, E,… Uống sữa hạt giúp bổ sung chất xơ cho bé, cải thiện thị lực và tăng cường miễn dịch.
Cho trẻ uống sữa hạt bao nhiêu là đủ?
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên không nên uống quá 500 – 700 ml (16 đến 24 ounce) sữa hạt mỗi ngày, theo hướng dẫn của MedicalNewsToday. Không thay thế hoàn toàn bữa ăn của trẻ bằng sữa hạt. Trẻ em trên 1 tuổi phải nhận được hầu hết dinh dưỡng từ thực phẩm.
Trẻ uống nhiều sữa hạt có tốt không?
Trẻ uống nhiều sữa hạt hơn mức khuyến nghị có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn uống mất cân bằng. Uống quá nhiều sữa hạt có thể khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu do sữa hạt chứa nhiều chất xơ.
Tác hại của việc tiêu thụ nhiều sữa hạt lên trẻ nhỏ tùy thuộc vào loại sữa hạt bé uống và loại chất bị dư thừa. Ví dụ: thừa vitamin A có thể khiến trẻ nôn, đau đầu, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển xương; Thừa vitamin B6 dẫn tới viêm đa dây thần kinh, suy giảm trí nhớ và giảm tiết prolactin; thừa vitamin D khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương…
Nên cho trẻ uống sữa hạt vào thời điểm nào trong ngày?
Nên cho trẻ uống sữa hạt vào buổi sáng, giữa buổi chiều và trước khi đi ngủ. Nạp sữa hạt vào buổi sáng cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng để trẻ bắt đầu ngày mới. Uống sữa hạt vào bữa phụ buổi chiều giúp trẻ không bị đói, có đủ năng lượng để vui chơi và học tập cho đến bữa tối. Bổ sung sữa hạt trước khi đi ngủ giúp trẻ ngủ ngon hơn nhờ tác dụng của magie.
Sữa hạt nào tốt cho bé?
Hầu hết các loại sữa hạt đều tốt cho bé, trừ sữa dừa và sữa gạo, theo VeryWellFamily. Bạn có thể cho trẻ uống sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa làm từ các loại đậu, sữa làm từ hạt dinh dưỡng như sữa hạnh nhân, sữa hạt điều, sữa hạt dẻ cười,… Không cho trẻ uống sữa hạt làm từ nguyên liệu mà trẻ bị dị ứng.
Đa phần các công thức sữa hạt cho người lớn đều có thể sử dụng cho trẻ em. Không thêm đường và muối vào sữa hạt cho bé vì trẻ em dưới 12 tháng tuổi. không nên nạp quá 0,4 gram natri mỗi ngày.
Loại sữa hạt nào giúp bé ngủ ngon? Một số loại sữa hạt giúp bé ngủ ngon là sữa mè đen, sữa hạt dẻ cười (hồ trăn), sữa hạnh nhân, sữa hạt sen.
Nấu sữa hạt cho bé như thế nào?
Có 3 cách nấu sữa hạt cho bé là dùng máy xay nấu sữa hạt đa năng, máy xay sinh tố hoặc máy ép trái cây chậm.
- Sử dụng máy xay nấu đa năng là cách làm sữa hạt đơn giản nhất. Mẹ chỉ cần cho các nguyên liệu đã qua sơ chế và nước vào cối xay, rồi chọn chế độ phù hợp.
- Để làm sữa hạt bằng máy xay sinh tố, mẹ cần xay nhuyễn các nguyên liệu làm sữa với nước. Sau đó, lọc hỗn hợp thu được qua rây và đun sữa trên bếp (nếu cần).
- Làm sữa hạt bằng máy ép chậm gồm các bước: ép hạt và nước lọc bằng máy ép chậm, lọc sữa hạt thu được qua rây lọc rồi đun sữa trên bếp (nếu cần).
Sữa hạt làm bằng máy nấu sữa hạt không cần lọc bỏ bã, cho ra thành phẩm sánh đặc hơn và giữ được nhiều chất xơ.
Khi nấu sữa hạt cho trẻ nhỏ, không nên sử dụng đường trắng tinh luyện. Mẹ nên dùng nguyên liệu có vị ngọt tự nhiên như chà là, táo đỏ, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, củ dền.
Nấu các loại hạt cho bé ăn dặm như thế nào?
Dưới đây là một số cách nấu các loại hạt cho bé ăn dặm:
- Nghiền các loại hạt thành bột mịn và trộn vào cháo ăn dặm.
- Nấu cháo ăn dặm cho bé với nguyên liệu là các loại hạt.
- Xay sinh tố với sữa công thức, trái cây và hạt.
- Nghiền hạt thành bột hoặc cắt miếng mỏng để làm bánh ăn dặm cho trẻ.
- Làm bơ hạt (nut butter) và phết vào bánh mì ăn dặm của bé.
Khi bổ sung các loại hạt vào bữa ăn dặm cho bé, cần ngâm hạt đủ thời gian để loại bỏ các chất ức chế tiêu hóa. Tuyệt đối không cho trẻ ăn dặm nguyên hạt vì trẻ có thể bị hóc hạt.
Máy xay ăn dặm và máy làm sữa hạt là thiết bị nhà bếp hữu ích giúp mẹ bổ sung hạt cho bé ăn dặm. Mẹ tham khảo cách nấu cháo bằng máy làm sữa hạt trong bài viết liên quan trên Blog Tranthuyduyen.
Cha mẹ có thể cho bé ăn hạt từ khi bé bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi). Theo Healthline, cho trẻ tiêu thụ hạt từ sớm giúp giảm nguy cơ dị ứng. Điều này đã được Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ đưa vào trong hướng dẫn chăm sóc trẻ em. Nếu bố mẹ, anh/chị của trẻ dị ứng với các loại hạt, bố mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa về cách bổ sung các loại hạt cho trẻ ăn dặm.