Cách làm 23 món hầm bổ dưỡng giúp cải thiện sức khỏe

Cập nhật lần cuối:

Hầm là một phương pháp nấu ăn, trong đó thịt và các nguyên liệu khác được nấu chậm ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài hoặc nấu ở áp suất cao. Công đoạn hầm làm cho nguyên liệu chín mềm và các hòa quyện hương vị với nhau, tạo ra các món canh bổ dưỡng và đậm đà.

Có nhiều cách để làm món hầm tại nhà, đó là sử dụng nồi thủy tinh, nồi inox, nồi nhôm, nồi gang,… để hầm món ăn trong thời gian dài trên bếp, sử dụng nồi ủ, nồi nấu chậm,… Xong, cách phổ biến, đơn giản và tiện lợi nhất để làm món hầm là sử dụng nồi áp suất. Nồi áp suất làm mềm nhừ thức ăn trong thời gian ngắn, giúp tiết kiệm thời gian nấu bếp, tiết kiệm năng lượng mà vẫn thu được thành phẩm thơm ngon.

Một số món hầm phổ biến nhất có thể kể đến là: Bò sốt vang, chân giò heo hầm thuốc bắc, gà hầm hạt sen, bao tử heo hầm tiêu xanh, trứng vịt lộn hầm ngải cứu, khổ qua hầm chay,… Bài viết dưới đây sẽ gợi ý công thức làm các món hầm kể trên và nhiều món canh bổ dưỡng khác, bao gồm nguyên liệu, cách làm và lợi ích của từng món ăn đối với sức khỏe.

Các món ninh hầm nhừ mang lại nhiều tác dụng sức khỏe như bổ sung dinh dưỡng, giúp tiêu hóa dễ dàng, bổ sung collagen,… Những người nên sử dụng món hầm là người ốm, người hay mệt mỏi, người bị suy nhược cơ thể, trẻ em, bà bầu, phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi,… Những thông tin chi tiết về công dụng của món hầm và đối tượng sử dụng món hầm có ở phần cuối của bài viết này.

1. Bò sốt vang

Sau đây là cách làm món bò sốt vang đơn giản tại nhà.

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt cổ bò hoặc sườn bò thái miếng vuông vừa ăn
  • 50 gram bơ nhạt
  • 3 quả cà chua bổ miếng cau
  • 2 củ khoai tây bổ miếng vừa ăn
  • 2 củ cà rốt bổ miếng vừa ăn
  • ½ củ hành tây bổ miếng cau
  • ½ củ hành tây thái lát mỏng
  • 2 muôi canh rượu vang đỏ
  • 2 thìa (muỗng) cafe đường
  • 2 thìa cafe hạt nêm
  • 1,5 thìa cafe ngũ vị hương
  • 1,5 thìa cafe muối
  • 1 thìa cafe bột gà
  • 1 thìa cafe hạt tiêu xay
  • 1 bát tô nước sôi
  • ⅓ bát con tương cà
  • 5 lá nguyệt quế
  • 3 tép tỏi băm nhỏ
  • ½ củ gừng băm nhỏ
  • Rau mùi và cần tây thái nhỏ
  • Bột bắp hòa với nước

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp thịt bò với muối, đường, ngũ vị hương và rượu vang đỏ trong 20 – 30 phút.
  • Bước 2: Chắt riêng phần rượu vang còn dư khi ướp thịt bò ra. Xào thịt bò với bơ, tỏi và gừng trong nồi lớn. Khi thịt bò săn lại thì đổ phần rượu vang vừa chắt, tương cà, bột gà và hạt tiêu vào nồi, tiếp tục xào đến khi phần nước trong nồi sánh lại.
  • Bước 3: Cho nước sôi và lá nguyệt quế vào nồi thịt bò, hầm thịt bò trong 10 phút ở lửa nhỏ – vừa.
  • Bước 4: Cho cà chua, cà rốt và hạt nêm vào nồi tiếp tục đun ở lửa nhỏ. Khi thấy cà rốt bắt đầu mềm thì cho khoai tây vào nồi. Khi khoai tây chín mềm thì cho hành tây vào nồi đun cho hành tây chín.
  • Bước 5: Đổ từ từ nước bột bắp vào nồi thịt bò đến khi đạt được độ sánh mong muốn. Đun nồi thịt bò thêm 3 phút thì cho cần tây vào nồi và đun tiếp 1 – 2 phút nữa.
  • Bước 6: Múc thịt bò sốt vang ra bát và rải rau mùi, hành tây thái lát lên trên mặt bát.

Bò sốt vang là món ăn có xuất xứ từ phương Tây, bao gồm các nguyên liệu chính là thịt bò, rượu vang, khoai tây và cà rốt hầm nhừ. Bò sốt vang cung cấp nguồn đạm và sắt dồi dào, thích hợp cho người tập thể thao, người cần tăng cơ và người thiếu máu. Bò sốt vang phù hợp để ăn khi thời tiết dịu mát và thường được ăn kèm với bánh mì, cơm hoặc phở.

2. Bò kho

Dưới đây là cách nấu món bò kho thơm ngon đúng vị.

Nguyên liệu:

  • 1 kg bò nạm
  • 1 lít nước dừa tươi
  • 300 gram cà rốt
  • 100 gram sả cây
  • 100 gram hành tây
  • 20 gram đường phèn
  • 20 gram bột năng
  • 10 gram hành tím
  • 10 gram tỏi
  • 10 gram muối
  • 10 gram hạt nêm
  • 10 ml dầu điều
  • 10 ml nước mắm
  • 3 gram bột ngũ vị hương
  • 2 viên gia vị bò kho

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Chần thịt bò 3 phút trong nước sôi để thịt bò ra bớt bọt.
  2. Bước 2: Rửa sạch miếng thịt bò và thái thịt thành miếng vuông vừa ăn.
  3. Bước 3: Cho thịt và tất cả các gia vị (trừ bột năng) vào nồi áp suất. Đổ nước xâm xấp mặt thực phẩm.
  4. Bước 4: Đậy chặt nắp nồi áp suất và khóa van nồi.
  • Nồi áp suất điện: Chọn chế độ “Nấu áp suất cao” trong 25 phút. Chọn chế độ “Thịt bò” nếu nồi áp suất điện của bạn có chế độ cài đặt sẵn. Xả áp tự nhiên sau khi hoàn tất nấu.
  • Nồi áp suất cơ: Đun sôi thịt ở lửa to. Khi nồi áp suất bắt đầu xì hơi nhẹ qua van thì cho lửa nhỏ và đun thịt bò trong 25 – 30 phút. Để nồi xả áp tự nhiên.
  1. Bước 5: Khuấy tan bột năng với 20 ml nước. Đổ bột năng từ từ vào nồi bò kho đang nóng và khuấy đều cho nước dùng sệt lại.

Bò kho là một món bò hầm ngon, gồm thịt bò hầm mềm với các gia vị như sả, tỏi, hành, gừng, hồi, quế và ngũ vị hương. Bò kho có hương vị đậm đà, được ăn kèm với bánh mì, cơm hoặc bún.

3. Canh gà Trung Quốc

Canh gà Trung Quốc là một món ăn đặc trưng của nền ẩm thực Trung Quốc, gồm có thịt gà hầm với các nguyên liệu như táo đỏ, kỷ tử, gừng và rượu gạo. Canh gà Trung Quốc có hương vị đậm đà, thơm ngon và bổ dưỡng, thường dùng để tẩm bổ cho người ốm, mệt mỏi, suy nhược, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị cảm lạnh.

Cách hầm canh gà Trung Quốc nhanh và đơn giản được hướng dẫn trong bài viết tổng hợp những món gà hầm bồi bổ cơ thể trên Blog Tranthuyduyen.

4. Chân giò hầm thuốc bắc

Cách làm món chân giò hầm thuốc bắc bao gồm các bước sau.

Nguyên liệu:

  • 1 cái chân giò trước (trọng lượng 1 – 1,2 kg)
  • 1 lít nước lọc
  • 50 gram gừng thái lát mỏng
  • 40 gram hành khô đập dập
  • 30 gram nấm hương khô ngâm nước
  • 30 gram táo đỏ
  • 1 gói thuốc bắc ngâm nước, rửa sạch và để ráo
  • 2 muỗng (thìa) canh xì dầu đặc
  • 1 muỗng cafe hạt nêm
  • 1 muỗng cafe hạt tiêu xay
  • 1 muỗng cafe bột ngọt (tùy ý)
  • Ớt thái chỉ
  • Rau mùi
  • Đầu hành (phần củ của hành lá)

Cách làm:

  • Bước 1: Phết 1 lớp mỏng xì dầu đặc lên chân giò. Chiên chân giò ngập dầu đến khi giòn bì. Hoặc nướng chân giò bằng nồi chiên không dầu ở 200℃, mỗi mặt chân giò nướng 30 phút.
  • Bước 2: Rải gừng, hành khô, nấm hương xuống đáy nồi. Cho chân giò, thuốc bắc, nước ngâm nấm, 1 muỗng canh xì dầu đặc, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu và nước lọc vào nồi.
  • Bước 3: Bật bếp ở lửa lớn, đến khi nước sôi thì hớt bọt và hạ nhỏ lửa. Hầm chân giò trong ít nhất 1 giờ. Hoặc hầm chân giò 30 – 40 phút bằng nồi áp suất và để nồi xả áp tự nhiên.
  • Bước 4: Lấy chân giò hầm ra bát và trang trí với đầu hành, rau mùi, ớt thái chỉ.
Chân giò hầm thuốc bắc
Món chân giò hầm thuốc bắc

Chân giò hầm thuốc bắc là món ăn được chế biến bằng cách hầm nhừ chân giò heo với các loại thuốc bắc như đương quy, kỷ tử, táo đỏ, hoàng kỳ,… Chân giò hầm thuốc bắc thơm ngon và bổ dưỡng, tốt cho người cần tăng cân, phụ nữ sau sinh, người ốm yếu, người cần bồi bổ sức khỏe. Xong, bạn không nên ăn món chân giò hầm quá thường xuyên do trong chân giò có nhiều chất béo.

5. Bao tử heo hầm tiêu xanh

Cách nấu bao tử heo hầm tiêu xanh gồm các bước dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 2 cái bao tử heo (tương đương 1 kg)
  • 1 lít nước lọc
  • 500 ml nước dùng gà
  • 150 gram củ cải trắng bổ miếng
  • 50 gram tiêu xanh (chia làm 3 phần)
  • 50 gram đầu hành
  • 1 củ hành tây thái miếng cau
  • 20 gram hành tím băm nhỏ
  • 10 gram tỏi băm
  • 4 thìa cafe (muỗng cafe) hạt nêm
  • 3 thìa cafe đường
  • 2 thìa cafe muối hạt
  • 1 thìa cafe bột ngọt (tùy ý)
  • 1 thìa canh nước mắm
  • ½ thìa cafe muối
  • 1 củ gừng, 1 củ hành tây và 80 gram hành tím nướng thơm, chia làm 2 phần

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp bao tử với muối hạt, 2 thìa cafe hạt nêm, hành băm và tỏi băm trong 30 phút. Nhồi từng phần tiêu xanh, gừng và hành đã nướng vào trong 2 cái bao tử heo. Khâu miệng bao tử heo lại.
  • Bước 2: Luộc bao tử heo trong 50 – 60 phút cho bao tử chín mềm.
  • Bước 3: Vớt bao tử ra, ngâm bao tử vào nước lạnh. Khi bao tử nguội hẳn thì bỏ phần gừng, hành và tiêu nhồi trong bao tử ra. Thái bao tử thành miếng vừa ăn.
  • Bước 4: Đun sôi nước dùng gà và nước lọc, sau đó cho phần tiêu xanh còn lại, củ cải, hành tây và đầu hành vào nồi. Nêm nếm nước dùng bằng nước mắm, muối, đường và 2 thìa cafe hạt nêm.
  • Bước 5: Xếp bao tử thái miếng vào bát tô và đổ nước dùng ngập bao tử.

Bao tử heo hầm tiêu xanh là món ăn độc đáo và lạ miệng với sự kết hợp của bao tử heo và hạt tiêu xanh. Món bao tử heo hầm tiêu xanh tốt cho người mới ốm dậy và bà bầu cuối thai kỳ. Khi chế biến, bạn nên loại bỏ phần mỡ bên trong bao tử heo để giảm lượng chất béo và cholesterol nạp vào cơ thể.

6. Chân giò hầm Quảng Đông

Để làm món chân giò hầm Quảng Đông, bạn tham khảo các bước sau đây.

Nguyên liệu:

  • 1 chân giò heo trước (trọng lượng 1,5 kg) nướng xém bì
  • 50 ml rượu trắng
  • 5 – 10 gram đầu hành
  • 5 cánh hoa hồi
  • 2 củ hành tím thái lát
  • 1 thanh quế
  • 1 quả thảo quả
  • ½ củ gừng thái lát
  • 2 thìa (muỗng) canh xì dầu
  • 2 thìa canh dầu màu điều
  • 2 thìa canh dầu mè
  • 2 thìa canh đường
  • 1 thìa cafe ớt sừng thái nhỏ
  • 1 thìa canh ớt bột không cay
  • 1 thìa canh bột năng hòa với nước
  • 1 thìa canh dầu hào
  • 1 thìa cafe muối
  • 1 thìa cafe hạt nêm

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc chân giò với gừng, hành tím và rượu trắng trong 15 phút.
  • Bước 2: Rang vàng quế, hồi, thảo quả, đầu hành và ớt sừng.
  • Bước 3: Trộn đều hỗn hợp xì dầu, dầu màu điều, dầu hào, dầu mè, muối, đường, hạt nêm và ớt bột không cay để làm sốt.
  • Bước 4: Cho 1,5 lít nước lọc vào nồi. Cho gia vị đã rang thơm ở bước 2 và hỗn hợp sốt đã trộn ở bước 3 vào nồi nước. Đun sôi nồi nước.
  • Bước 5: Thả chân giò vào nồi và hầm chân giò ở lửa nhỏ. Khi trong nồi còn lại cỡ 1,5 bát con nước dùng thì vớt chân giò ra và lọc nước dùng qua rây.
  • Bước 6: Tiếp tục đun nước dùng với bột năng hòa tan đến khi nước dùng sánh lại.
  • Bước 7: Bày chân giò lên đĩa, rưới nước dùng lên chân giò và thưởng thức.
Món chân giò hầm Quảng Đông
Món chân giò hầm Quảng Đông

Chân giò hầm Quảng Đông là một món ăn truyền thống của ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc). Món chân giò hầm Quảng Đông được làm từ chân giò heo hầm nhừ với rượu trắng và các gia vị khác như hoa hồi, quế, thảo quả, ớt bột,… Chân giò hầm Quảng Đông có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho người cần bồi bổ sức khỏe, phụ nữ sau sinh,…

7. Măng khô hầm xương

Dưới đây gợi ý cách nấu măng khô hầm xương nhanh chóng.

Nguyên liệu:

  • 500 gram xương sườn heo (lợn)
  • 150 gram măng khô ngâm trong nước muối 10 phút
  • 20 gram mùi tàu thái nhỏ
  • 20 gram hành lá thái nhỏ
  • 10 gram mùi ta thái nhỏ
  • 2 củ hành tím băm nhỏ
  • ½ củ gừng
  • 3 thìa canh (muỗng canh) dầu ăn
  • 2 thìa canh nước mắm
  • 2 thìa cafe hạt nêm
  • 2 thìa cafe bột canh
  • 2 thìa cafe nước mắm

Cách làm:

  • Bước 1: Chần xương sườn trong 1 – 2 phút với gừng đập dập, hành tím đập dập và 1 thìa cafe muối. Luộc măng 15 phút rồi vớt ra rửa sạch, vắt khô nước và thái miếng vừa ăn.
  • Bước 2: Ướp sườn với nước mắm, 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe bột canh.
  • Bước 3: Phi thơm hành tím với dầu ăn, sau đó cho xương sườn vào xào săn lại. Tiếp đến, vớt sườn ra, đổ măng vào xào săn với phần dầu hành trước đó. Cho 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe bột canh và nước mắm vào xào cùng măng.
  • Bước 4: Đổ xương và 1 lít nước lọc vào nồi măng. Hầm canh xương và măng trong 30 – 40 phút ở lửa vừa nếu bạn dùng nồi thường hoặc trong 20 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 5: Tắt bếp, múc canh ra bát. Trang trí bát canh với hành, mùi tàu, mùi ta, ớt và hạt tiêu tùy thích.

Măng khô hầm xương là món ăn quen thuộc trên mâm cỗ Tết của các gia đình ở miền Bắc Việt Nam. Hương vị ngọt thanh từ xương heo hầm và vị dai giòn của măng khô tạo nên một món ăn đặc trưng, thơm ngon, hấp dẫn.

8. Gà hầm hạt sen

Cách nấu món gà hầm hạt sen được nêu chi tiết dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà 1,2 kg, rửa sạch và chặt miếng vừa ăn
  • 200 gram hạt sen (bỏ tâm sen)
  • 45 gram táo đỏ
  • 30 gram gừng băm nhỏ
  • 30 gram hành tím băm nhỏ
  • 20 gram nấm hương khô, ngâm nước và thái nhỏ
  • 1 củ cà rốt thái miếng mỏng 5 mm
  • Rễ rau mùi (ngò rí) đập dập
  • Hành lá thái nhỏ
  • 2 muỗng canh (thìa canh) rượu trắng
  • 1 muỗng canh đường
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • ½ muỗng canh hạt nêm
  • ½ muỗng cà phê muối
  • ½ muỗng cà phê tiêu xay

Cách làm:

  • Bước 1: Tẩm ướp thịt gà với nước cốt hành, gừng, rượu, hạt nêm, đường, muối, nước mắm và tiêu xay trong 20 phút.
  • Bước 2: Phi thơm hành tím và gừng băm nhỏ với 1 muỗng canh dầu ăn. Sau đó, đổ thịt gà vào nồi và xào cho thịt gà săn lại.
  • Bước 3: Cho 3,5 lít nước lọc vào nồi. Đun sôi gà, sau đó hớt bỏ bọt và mỡ gà. Thêm hạt sen, rễ ngò rí vào nồi canh gà và đun 1 giờ ở lửa nhỏ. Hoặc hầm gà trong 10 – 15 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 4: Thêm nấm hương, táo đỏ và cà rốt vào nồi khi gà và hạt sen đã chín. Tiếp tục hầm canh trong 30 phút ở lửa nhỏ, hoặc 5 phút nếu dùng nồi áp suất.
  • Bước 5: Thêm gia vị (hạt nêm, muối, tiêu) tùy khẩu vị. Múc canh gà hạt sen ra bát tô và rắc hành lá lên trên.
Gà hầm hạt sen bổ dưỡng an thần
Món gà hầm hạt sen

Gà hầm hạt sen là món hầm bổ dưỡng có sự kết hợp của gà, hạt sen, táo đỏ và các gia vị khác. Món gà hầm hạt sen giúp ngủ ngon, an thần, giảm căng thẳng, cung cấp protein và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Gà hầm hạt sen tốt cho phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi, trẻ em, người suy nhược cơ thể,…

9. Gà hầm thuốc bắc

Sau đây hướng dẫn các bước nấu gà hầm thuốc bắc tại nhà.

Nguyên liệu:

  • 500 gram gà
  • 200 gram gia vị thuốc bắc, ngâm nước 20 phút
  • 50 gram hạt sen
  • 1,5 lít nước lọc
  • 1 muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • ½ muỗng cafe hạt tiêu xay
  • ½ muỗng cafe muối

Cách chế biến:

  • Bước 1: Khử mùi tanh của gà với muối và rượu trắng, rửa lại gà bằng nước sạch.
  • Bước 2: Tẩm ướp gà với hạt tiêu, hạt nêm và muối trong 30 phút.
  • Bước 3: Đun gia vị thuốc bắc với 1,5 lít nước trong 20 phút. Sau đó, hạ nhỏ lửa.
  • Bước 4: Cho gà và hạt sen vào nồi, hầm 1 giờ ở mức lửa nhỏ. Hoặc hầm gà ác, gia vị thuốc bắc và hạt sen trong 10 – 15 phút nếu dùng nồi áp suất.

Gà hầm thuốc bắc là món ăn nhiều chất dinh dưỡng từ gà, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Gói gia vị thuốc bắc hầm cùng với gà bao gồm các nguyên liệu chính là bắc hoàng kỳ, thục địa, hoài sơn bắc, đương qui, ngọc trúc, đỗ trọng, kỷ tử, táo tàu, nhãn nhục,…

Theo Nhà thuốc Long Châu, gà hầm thuốc bắc giúp người ốm nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hỗ trợ điều trị cảm, bổ máu, giúp xương nhanh lành, cải thiện hệ tim mạch. Xong, bạn chỉ nên ăn gà hầm thuốc bắc 1 – 2 lần/ tuần để không bị thừa chất dinh dưỡng.

10. Dê hầm thuốc bắc

Cách làm dê hầm thuốc bắc đơn giản, không hôi mùi dê như sau.

Nguyên liệu:

  • 1 cái đùi dê 2 kg
  • 300 gram củ sen
  • 1 củ khoai môn gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn
  • 1 củ hành tây
  • 1 gói gia vị thuốc bắc
  • Sả cây
  • Gừng
  • Chao
  • Gia vị nêm nếm

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc củ sen với 1 nhúm muối hạt để củ sen ra hết nhựa.
  • Bước 2: Chiên khoai môn đến khi lớp ngoài của khoai có màu vàng nhạt.
  • Bước 3: Rửa sạch thịt dê với gừng, rượu trắng và muối để khử mùi hôi. Chật thịt dê thành miếng vừa ăn.
  • Bước 4: Chần sơ thịt dê trong 1 – 2 phút với gừng đập dập, sả cây đập dập và 1 muỗng canh rượu trắng. Rửa sạch thịt dê một lần nữa với nước.
  • Bước 5: Phi thơm 1 muỗng canh gừng xắt sợi và 1 muỗng canh sả băm với 2 thìa canh dầu ăn. Đổ thịt dê, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường phèn và ½ muỗng canh chao vào nồi, xào cho thịt dê săn lại.
  • Bước 6: Thêm 3 lít nước lọc, 3 cây sả, gia vị thuốc bắc, 1 củ hành tây để nguyên vào nồi thịt dê. Đun sôi nồi thịt dê trên bếp và vớt hết bọt. Cho củ sen vào nồi canh dê ninh thêm 30 phút.
  • Bước 7: Nêm nếm vào nồi canh dê 1 muỗng canh đường phèn, 1,5 muỗng canh hạt nêm, ½ muỗng canh muối.
  • Bước 8: Múc canh dê ra nồi nhỏ, cho thêm khoai môn vào nồi và thưởng thức.

Dê hầm thuốc bắc là món ăn độc đáo, có hương vị thơm ngon từ thịt dê và gia vị thuốc bắc. Theo HelloBacsi, thịt dê có lượng calo, chất béo bão hòa và cholesterol ít hơn so với nhiều loại thịt khác. Bên cạnh đó, thịt dê có hàm lượng sắt và kali cao hơn thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt gà.

Ăn thịt dê giúp giảm nguy cơ viêm mạch máu, ngừa bệnh tim mạch, ngừa bệnh thiếu máu, giảm nguy cơ mắc ung thư, tăng cường sinh lý nam giới,… Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều thịt dê để tránh bị viêm nhiễm trong cơ thể do thịt dê có tính nóng.

11. Thịt lợn hầm thuốc bắc

Để nấu thịt lợn hầm thuốc bắc, bạn làm theo các bước dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 500 gram thịt vai lợn (heo) rửa sạch, thái miếng vừa ăn
  • 200 gram gia vị thuốc bắc, ngâm nước 20 phút
  • 50 gram hạt sen (bỏ tâm sen)
  • 1,5 lít nước lọc
  • 1 thìa canh (muỗng canh) hạt nêm
  • ½ thìa cafe hạt tiêu xay
  • ½ thìa cafe muối

Cách làm:

  • Bước 1: Chần thịt lợn 1 – 2 phút trong nước sôi và rửa lại thịt lợn bằng nước sạch.
  • Bước 2: Tẩm ướp thịt lợn với hạt tiêu, hạt nêm và muối trong 30 phút.
  • Bước 3: Đun gia vị thuốc bắc cùng 1,5 lít nước trong 20 phút.
  • Bước 4: Hạ nhỏ lửa. Cho thịt lợn và hạt sen vào nồi, hầm 1 giờ ở lửa nhỏ. Hoặc hầm thịt lợn, gia vị thuốc bắc và hạt sen trong 15 – 20 phút nếu dùng nồi áp suất.

Thịt lợn hầm thuốc bắc là món ăn phổ biến trên mâm cơm của người Việt. Món thịt lợn hầm thuốc bắc phù hợp để bồi bổ cơ thể, tốt cho phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi,…

12. Yến sào hầm sữa tươi

Sau đây là cách làm món yến sào hầm sữa tươi thơm ngon, bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • 10 – 12 gram tổ yến tinh chế, ngâm nước 30 – 60 phút
  • 180 ml sữa tươi không đường
  • 1 lòng đỏ trứng gà, đánh tan
  • ½ – 1 muỗng canh (thìa canh) đường phèn

Cách làm:

  • Bước 1: Cho tổ yến vào 1 cái bát hoặc thố có nắp đậy, đổ nước xâm xấp mặt yến. Chưng cách thủy tổ yến trong thời gian 20 phút.
  • Bước 2: Đun sữa tươi trên bếp, khi sữa sôi bùng lên thì cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều.
  • Bước 3: Cho đường phèn vào hỗn hợp sữa trứng, đun cho đường tan ra.
  • Bước 4: Đổ hỗn hợp trứng, sữa và đường vào bát yến đã chưng. Chưng tổ yến sữa tươi thêm 5 phút là hoàn thiện.

Yến sào hầm sữa tươi là món ăn bổ dưỡng, bao gồm các nguyên liệu là yến sào, sữa tươi và lòng đỏ trứng gà. Yến sào tốt cho người ốm, người mệt mỏi, người cần tẩm bổ cơ thể, người già, trẻ em từ 1 tuổi trở lên,…

Theo Vinmec, yến sào có nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, tăng ham muốn, tốt cho mắt, tốt cho hệ tiêu hóa và tốt cho phụ nữ sau sinh.

13. Trứng vịt lộn hầm ngải cứu

Cách nấu trứng vịt lộn hầm ngải cứu cụ thể như sau.

Nguyên liệu: Cho 3 khẩu phần ăn

  • 6 quả trứng vịt lộn
  • 120 gram rau ngải cứu
  • 60 gram gia vị thuốc bắc, ngâm nước 20 phút
  • ½ củ gừng băm nhỏ
  • 2 thìa (muỗng) cafe bột canh
  • 1 thìa cafe bột ngọt (tùy ý)

Cách làm:

  • Bước 1: Cho trứng vịt lộn vào nồi, đổ nước ngập trứng. Luộc trứng trên bếp ở lửa nhỏ, thời gian luộc trứng tính từ khi nước sôi là 15 phút. Tắt bếp, ủ trứng trong 5 – 10 phút nữa.
  • Bước 2: Đun 1,2 lít nước với gừng băm và gia vị thuốc bắc, khi nước sôi thì đun thêm 5 phút. Cho rau ngải cứu vào nồi và tiếp tục đun sôi.
  • Bước 3: Đập bỏ vỏ trứng vịt lộn. Cho trứng vào trong nồi rau cải cứu, hầm trứng trong 15 – 20 phút ở lửa nhỏ.
Trứng vịt lộn hầm ngải cứu
Trứng vịt lộn hầm ngải cứu

Trứng vịt lộn hầm ngải cứu là món ăn bổ dưỡng, có hương vị đậm đà, thơm ngon và ngọt thanh. Trứng vịt lộn hầm ngải cứu bao gồm các nguyên liệu là trứng vịt lộn, lá ngải cứu, gia vị thuốc bắc như kỷ tử, táo đỏ, đương quy,… và gừng.

Món trứng vịt lộn hầm ngải cứu giúp tăng cường sức khỏe, điều hòa khí huyết, bổ sung đạm và nhiều dưỡng chất khác. Xong, người bị cao huyết áp, người bị bệnh gút (gout), gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ không nên ăn món ăn này do trứng vịt lộn có hàm lượng cholesterol và chất béo cao.

14. Chim bồ câu hầm

Dưới đây là cách nấu món chim bồ câu hầm bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • 2 con chim bồ câu
  • 120 gram hạt sen tươi (bỏ tâm sen)
  • 60 gram táo đỏ
  • 15 gram nấm đông trùng hạ thảo
  • 15 gram đậu xanh
  • 5 gram kỷ tử
  • Gia vị: Đường phèn, đường trắng, muối, hạt nêm

Cách làm:

  • Bước 1: Rửa sạch chim bồ câu với gừng để khử mùi tanh. Tẩm ướp chim bồ câu với ½ thìa cafe (muỗng cafe) muối, ⅔ thìa canh đường, 1,5 thìa canh hạt nêm.
  • Bước 2: Cho đậu xanh, hạt sen, táo đỏ và kỷ tử vào nồi. Trộn đều nguyên liệu trên cùng ⅔ thìa cafe muối, 2 thìa cafe đường phèn và ½ thìa cafe đường trắng.
  • Bước 3: Cho chim bồ câu vào nồi và rải nấm đông trùng hạ thảo lên trên con chim. Đổ 1 lít nước lọc vào nồi.
  • Bước 4: Đun sôi nồi thịt chim trên bếp ở lửa lớn và hớt bọt. Hạ nhỏ lửa, hầm thịt chim trong 1 giờ. Hoặc hầm thịt chim trong 10 – 15 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.

Theo Vinmec, thịt chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao. Ăn thịt chim bồ câu giúp bồi bổ cơ thể, chữa lành vết thương, bổ não, tăng cường trí nhớ,… Do đó, món chim bồ câu hầm thuốc bắc thích hợp cho người ốm, phụ nữ sau sinh, trẻ em đang cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển,…

15. Bao tử (dạ dày) hầm thuốc bắc

Cách làm bao tử hầm thuốc bắc được gợi ý dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 cái bao tử heo (dạ dày lợn) làm sạch
  • 1 gói gia vị thuốc bắc, ngâm nước 20 phút
  • 20 gram táo đỏ
  • Gia vị: Bột canh, hạt nêm

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc sơ bao tử heo với 2 củ hành tím và vài lát gừng thái mỏng trong 10 phút. Thái bao tử thành những miếng vừa ăn.
  • Bước 2: Cho 1 lít nước lọc, gia vị thuốc bắc, táo đỏ và bao tử vào nồi. Nêm thêm ½ thìa (muỗng) cafe bột canh và 1 thìa cafe hạt nêm vào nồi.
  • Bước 3: Hầm bao tử trong 20 – 30 phút ở lửa nhỏ.

Dạ dày hầm thuốc bắc là một món ăn ngon được chế biến từ dạ dày lợn và các gia vị thuốc bắc bổ dưỡng như kỷ tử, hạt sen, táo đỏ, đương quy,… Khi chế biến món dạ dày hầm thuốc bắc, bạn nên chọn dạ dày heo tươi và bỏ lớp mỡ bên trong dạ dày để giảm lượng chất béo đưa vào cơ thể.

16. Canh củ sen của người Hoa

Để nấu món canh củ sen của người Hoa, bạn thực hiện như sau.

Nguyên liệu:

  • 500 gram sườn non heo
  • 500 gram củ sen (đã sơ chế và để nguyên củ)
  • 150 gram đậu phộng (lạc) nấu chín, để nguyên vỏ
  • 1 củ hành tây (để nguyên củ)
  • 4 củ hành tím
  • 6 viên đường phèn nhỏ
  • Gia vị: Muối, hạt nêm

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sườn heo trong 5 phút và rửa sạch lại sườn heo với nước.
  • Bước 2: Cho 1,5 lít nước vào nồi. Khi nước trong nồi sôi thì thả sườn, củ sen, hành tây, hành tím và đường phèn vào nồi. Nêm thêm 1 muỗng cafe (thìa cafe) muối để nồi canh đậm đà.
  • Bước 3: Hầm canh sườn heo củ sen trong 1 giờ 30 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 4: Vớt củ sen và hành tây ra khỏi nồi. Cắt củ sen thành từng khúc.
  • Bước 5: Cho củ sen đã cắt khúc và đậu phộng vào nồi. Nêm nếm vào nồi canh 2 thìa cafe hạt nêm. Hầm canh thêm 5 phút là hoàn thiện.
Món canh củ sen của người Hoa
Canh củ sen người Hoa

Canh củ sen của người Hoa là một món hầm truyền thống trong ẩm thực Trung Quốc, được nấu từ củ sen, thịt heo, đậu phộng và nêm nếm ít gia vị. Món canh củ sen không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn rất bổ dưỡng, thường được dùng để bồi bổ sức khỏe.

17. Canh bí đỏ hầm xương

Sau đây gợi ý cách nấu canh bí đỏ hầm xương đơn giản.

Nguyên liệu:

  • 800 gram bí đỏ gọt vỏ, bổ miếng
  • 500 gram xương sườn heo (sườn lợn)
  • 2 muỗng canh (thìa canh) hạt nêm
  • 1 muỗng cafe nước mắm
  • 1 muỗng cafe hạt tiêu xay
  • ½ muỗng cafe đường
  • ½ muỗng cafe muối
  • 2 tép tỏi băm
  • Hành lá thái nhỏ

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp xương sườn heo với đường, muối, hạt nêm, nước mắm và hạt tiêu xay trong 20 phút.
  • Bước 2: Xào săn xương sườn heo với 2 muỗng canh dầu ăn và tỏi băm.
  • Bước 3: Cho 1 lít nước lọc vào nồi xương heo. Hầm xương heo ở lửa nhỏ trong 30 phút tính từ khi nước sôi.
  • Bước 4: Cho bí đỏ vào nồi canh xương. Hầm canh ở lửa nhỏ thêm 10 phút nữa.
  • Bước 5: Múc canh ra bát và rắc hành lá lên trên.

Canh bí đỏ hầm xương là một trong những món canh rất thường thấy trên mâm cơm của các gia đình Việt. Canh bí đỏ hầm xương có hương vị ngọt thanh từ nước hầm xương và bí đỏ, rất ngon khi ăn cùng với cơm.

18. Vịt hầm hạt sen

Để nấu vịt hầm hạt sen, bạn thực hiện như các bước dưới đây.

Nguyên liệu:

  • ½ con vịt ( ~ 1,2 kg) chặt miếng vừa ăn
  • 800 – 1000 ml nước dừa tươi
  • 100 gram hạt sen khô, ngâm nước 15 – 20 phút
  • 50 gram nấm hương khô, ngâm nước 15 – 20 phút
  • 4 củ hành tím bổ đôi
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ miếng
  • 2 tép tỏi bổ đôi
  • ½ củ gừng băm nhỏ
  • ½ củ gừng thái lát mỏng
  • Hành lá cắt khúc
  • Gia vị: Nước mắm, dầu hào, đường nâu, bột canh

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp thịt vịt với gừng băm và 1 thìa (muỗng) cafe muối trong 15 phút để khử mùi tanh, sau đó rửa sạch thịt vịt với nước.
  • Bước 2: Xào thịt vịt với gừng thái lát, hành tím, tỏi và 1 thìa canh dầu ăn. Khi thịt vịt săn lại thì nêm nếm 1 thìa cafe nước mắm, 1 thìa cafe dầu hào, 1 thìa cafe đường nâu và 1 thìa cafe bột canh.
  • Bước 3: Cho nước dừa tươi vào nồi thịt vịt, hầm thịt vịt ở lửa nhỏ trong 45 – 60 phút. Hoặc hầm thịt vịt 15 – 20 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
  • Bước 4: Cho hạt sen, nấm hương và cà rốt vào nồi, hầm ở lửa nhỏ trong 15 phút nữa.
  • Bước 5: Múc thịt vịt hầm ra bát và rắc hành lá lên trên.

Vịt hầm hạt sen là công thức món hầm lý tưởng để làm mới thực đơn của gia đình, thay cho các công thức nấu vịt truyền thống như vịt om mật ong, vịt om sấu, vịt quay,… Khi chế biến món vịt hầm hạt sen, bạn nên khử mùi thịt vịt với gừng và muối, đồng thời hớt bỏ mỡ trong nước hầm để món ăn ngon và ít chất béo hơn.

19. Tim heo hầm hạt sen thuốc bắc lá ngải

Cách nấu tim heo hầm hạt sen thuốc bắc lá ngải bổ dưỡng cho sức khỏe được nêu dưới đây.

Nguyên liệu:

  • 1 trái tim heo (~ 300 – 400 gram) để nguyên trái
  • 1 lít nước dùng gà hoặc nước dùng heo (có thể thay bằng nước lọc)
  • 300 gram ngải cứu
  • 30 gram gừng tươi thái lát mỏng
  • 30 gram nấm hương ngâm nở
  • 20 gram hành khô đập dập
  • 1 gói gia vị thuốc bắc
  • 6 quả táo đỏ
  • Gia vị: Bột canh, hạt nêm, hạt tiêu, bột ngọt (tùy ý)

Cách làm:

  • Bước 1: Ướp rau mùi với ½ thìa cafe (muỗng cafe) bột canh, 1 thìa cafe bột ngọt, 1 thìa cafe hạt nêm và ½ thìa cafe hạt tiêu trong 10 phút.
  • Bước 2: Xếp gừng và hành vào đáy nồi. Sau đó, cho tim heo, nấm hương, gia vị thuốc bắc, táo đỏ và nước dùng gà vào nồi.
  • Bước 3: Đun nồi tim heo ở lửa lớn, khi nước trong nồi sôi lên thì vớt bọt và hạ nhỏ lửa. Hầm tim heo trong 1 giờ.
  • Bước 4: Cho rau ngải cứu vào nồi, đun thêm 10 phút rồi tắt bếp.

Theo Vinmec, trong tim heo có nhiều protein (15,1 gram protein/ 100 gram tim heo) cùng nhiều chất dinh dưỡng khác như kali, sắt, canxi,… Do đó, tim heo hầm hạt sen là món hầm giàu chất dinh dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể, cải thiện sức khỏe, giúp ngủ ngon giấc,…

Tuy nhiên, trong tim heo cũng có nhiều cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Vậy nên, người cao huyết áp, người bị bệnh gút (gout), người bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… không nên ăn tim lợn.

21. Sườn heo hầm khoai tây

Cách làm sườn heo hầm khoai tây cụ thể như sau.

Nguyên liệu:

  • 350 gram sườn non heo
  • 3 củ khoai tây gọt vỏ, bổ miếng
  • 1 củ cà rốt gọt vỏ, bổ khúc
  • 3 củ hành tím thái lát mỏng
  • Hành lá và rau mùi thái nhỏ
  • Gia vị: Bột canh, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt (tùy ý)
  • Dầu ăn

Cách làm:

  • Bước 1: Chần sơ sườn heo trong 1 phút để làm sạch sườn. Sau đó, lấy sườn heo ra rửa lại với nước.
  • Bước 2: Ướp sườn heo với 1 thìa (muỗng) cafe hạt nêm và 1 thìa canh nước mắm trong 10 – 15 phút. Ướp khoai tây và cà rốt cùng 1 thìa cafe hạt nêm.
  • Bước 3: Xào sườn với hành khô và 2 thìa canh dầu ăn trong 2 phút.
  • Bước 4: Đổ 1,5 lít nước lọc vào nồi. Đun sôi nồi canh sườn trên bếp ở lửa lớn và hớt bọt.
  • Bước 5: Hạ nhỏ lửa, hầm sườn trong 15 phút.
  • Bước 6: Cho khoai tây và cà rốt vào nồi canh sườn, nêm nếm gia vị vừa ăn theo ý thích. Hầm canh thêm 8 phút ở lửa nhỏ.
  • Bước 7: Tắt bếp, cho hành lá và rau mùi vào nồi canh và đảo đều.

Sườn heo hầm khoai tây là món canh ngon, bổ dưỡng và phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Sườn heo hầm khoai tây cung cấp protein và chất béo từ thịt heo, chất bột đường từ khoai tây và chất xơ từ cà rốt, cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất khác.

22. Dạ dày (bao tử) hầm hạt sen

Say đây gợi ý cách nấu dạ dày hầm hạt sen thơm ngon, hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • 1 cái dạ dày lợn (bao tử heo) làm sạch và chần sơ 1 – 2 phút
  • 100 gram hạt sen tươi, bỏ tâm sen
  • ½ củ gừng thái sợi
  • 1 thìa (muỗng) canh rượu trắng
  • ½ thìa canh bột ngọt
  • ⅓ thìa canh muối

Cách làm:

  1. Bước 1: Thái dạ dày thành miếng nhỏ vừa ăn. Ướp dạ dày cùng gừng, bột ngọt và muối trong 30 phút.
  2. Bước 2: Cho hạt sen và 1 lít nước vào nồi, ninh hạt sen ở lửa nhỏ – vừa trong 15 – 20 phút đối với nồi thường và 5 – 7 phút đối với nồi áp suất.
  3. Bước 3: Cho rượu trắng và dạ dày đã tẩm ướp vào nồi và tiếp tục ninh trong 40 – 45 phút ở lửa nhỏ. Hoặc ninh dạ dày hạt sen trong 15 – 20 phút đối với nồi áp suất.

Dạ dày hầm hạt sen là món hầm đơn giản từ 2 nguyên liệu chính là dạ dày heo (bao tử heo) và hạt sen. Các gia vị đi kèm với món ăn này là gừng và rượu trắng. Ngoài công thức dạ dày hầm hạt sen, bạn có thể thử 2 công thức được hướng dẫn ở trên, đó là dạ dày hầm tiêu xanhdạ dày hầm thuốc bắc.

23. Khổ qua hầm chay

Dưới đây là cách nấu món khổ qua hầm chay.

Nguyên liệu:

  • 4 trái khổ qua cỡ vừa tách đôi và bỏ lõi
  • 200 gram đậu phụ bóp nát
  • 50 gram cà rốt cắt nhỏ
  • 10 gram mộc nhĩ khô, ngâm nước 30 phút và thái nhỏ
  • 5 gram tàu hũ ky chiên giòn, bóp vụn
  • 5 gram bún khô, ngâm nước và cắt khúc 1 cm
  • 1 muỗng (thìa) canh hành lá thái nhỏ
  • 1 muỗng canh hạt nêm chay
  • ½ muỗng canh đường
  • ¼ muỗng canh muối
  • 1 muỗng cafe hạt tiêu xay

Cách làm:

  • Bước 1: Trộn đều tàu hũ ky, bún tàu, cà rốt, nấm mèo và hành lá cùng hạt tiêu xay, ¼ muỗng canh đường, ½ muỗng canh hạt nêm chay và ⅛ muỗng canh muối.
  • Bước 2: Nhồi hỗn hợp đã trộn ở bước 1 vào trái khổ qua.
  • Bước 3: Cho khổ qua và 1 lít nước vào trong nồi. Cho nốt phần đường, muối và hạt nêm còn lại vào nồi.
  • Bước 4: Hầm khổ qua ở lửa nhỏ trong 20 – 25 phút nếu bạn dùng nồi bình thường và trong 5 – 7 phút nếu bạn dùng nồi áp suất.
Khổ qua hầm chay
Khổ qua hầm chay

Khổ qua hầm chay là món canh chay được chế biến từ khổ qua (mướp đắng) và các nguyên liệu chay khác như đậu hũ, mộc nhĩ, rau củ và gia vị, tạo nên hương vị thanh nhẹ và bổ dưỡng. Món khổ qua hầm chay thích hợp cho người ăn chay, người đang giảm cân, người cần thanh nhiệt cơ thể,…

Món hầm là gì?

Món hầm (một số nơi gọi là món tần, món tiềm) là món ăn có sự kết hợp của các thực phẩm rắn được hầm chín mềm trong nước và ăn kèm với nước sốt nấu ra. Các thành phần cơ bản trong một món hầm bao gồm: Thịt, rau củ, các loại đậu,…

Hầm thịt (tiếng anh là Stew) là một phương pháp nấu ăn, trong đó thịt và các nguyên liệu khác được nấu chậm ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài hoặc nấu ở áp suất cao. Quá trình hầm giúp nguyên liệu chín đều, mềm nhừ và các hương vị hòa quyện vào nhau, tạo ra món ăn đậm đà và bổ dưỡng.

Món hầm có lợi ích gì với sức khỏe?

Món hầm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giữ được nhiều chất dinh dưỡng, làm thực phẩm dễ tiêu hóa, ổn định đường huyết. Ngoài ra, các món hầm từ xương còn giúp cải thiện sức khỏe trên nhiều khía cạnh. Theo Vinmec, nước hầm xương chứa nhiều khoáng chất (như magie, phốt-pho, canxi, glutamine,…), cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, giảm viêm sưng, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ và chức năng não bộ, làm đẹp da nhờ bổ sung collagen, hỗ trợ trị bệnh cảm cúm.

Các lợi ích của món hầm
Các lợi ích sức khoẻ của món hầm

Ai nên dùng các món hầm?

Những người nên dùng các món hầm là: Người ốm, người hay mệt mỏi, người bị suy nhược cơ thể, trẻ em, bà bầu, phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi,…

Những món hầm nào tốt cho người ốm?

Những món hầm tốt cho người ốm là: Gà hầm thuốc bắc, gà hầm sâm, thịt heo (lợn) hầm hoàng kỳ, tim heo hầm hạt sen thuốc bắc, thịt dê hầm gừng, thịt dê hầm thuốc bắc, bào ngư hầm đông trùng hạ thảo,…

Theo Vinmec, người ốm, người suy nhược cơ thể nên ăn thịt bò, thịt lợn (heo), thịt gà, hải sản, trứng, sữa, cá, các loại hạt, thực phẩm giàu chất bột đường, rau củ, trái cây, tỏi, gừng, nghệ,… để mau chóng phục hồi sức khỏe. Đồng thời, người ốm không nên ăn những thực phẩm sấy khô tẩm ướp nhiều muối, đồ ăn cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu, bia, cà phê, rau sống và các món tanh.

Những món hầm nào tốt cho bà bầu?

Những món hầm tốt cho bà bầu là: Thịt vịt hầm hạt sen, chân giò lợn (heo) hầm đậu đỏ, gà ác hầm thuốc bắc, thịt bò hầm cà rốt và khoai tây, gà hầm đậu phộng (lạc),….

Bà bầu cần ăn các món ăn giàu chất dinh dưỡng, tạo cảm giác ngon miệng và an toàn cho hệ tiêu hóa. Theo Trung tâm dinh dưỡng NutriHome, bà bầu nên bổ sung vào thực đơn một số loại thực phẩm như: Rau xanh, thịt bò, thịt gà, cá, các loại hạt và đậu, sữa tươi không đường hoặc ít đường, trái cây. Bên cạnh đó, có những thực phẩm bà bầu nên tránh để an toàn cho cả mẹ và bé là: Rượu, bia, cà phê, các loại cá biển to, măng tươi, gan động vật và sữa chưa tiệt trùng.

Những món hầm nào giúp lợi sữa cho mẹ sau sinh?

Những món hầm giúp lợi sữa cho mẹ sau sinh là: Sườn non heo (lợn) hầm đu đủ xanh, thịt dê hầm đương quy, móng giò heo hầm sung, móng giò heo hầm đậu phộng (lạc), móng giò heo hầm thông thảo, chân dê hầm đu đủ xanh, đuôi bò hầm thuốc bắc…

Một số món hầm lợi sữa
Một số món hầm lợi sữa cho mẹ sau sinh

Mẹ sau sinh cần ăn đủ các nhóm chất, bao gồm: Chất đạm (protein), chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và chất khoáng. Đồng thời, mẹ sau sinh nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thực phẩm giàu canxi, vitamin A, D, sắt, kẽm, acid folic,…

Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, một số loại thực phẩm mẹ sau sinh nên ăn để lợi sữa là: Rau ngót, rau bina (rau chân vịt), móng giò heo, đu đủ xanh, thịt nạc, măng tây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại sữa,… Các thực phẩm mẹ sau sinh không nên ăn để có nguồn sữa tốt là: Rượu, bia, cà phê, hành, tỏi, lá lốt, bạc hà, lá lốt, mì tôm, cá kiếm, cá thu, đồ ăn tái hoặc sống, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ,…

Làm món hầm như thế nào?

Để làm món hầm, bạn có thể dùng một trong các thiết bị là nồi áp suất, nồi ủ, nồi nấu chậm và nồi cơm điện có chức năng hầm. Dưới đây là bảng về cách thức và cơ chế nấu, ưu – nhược điểm của các thiết bị nêu trên khi làm món hầm:

Thiết bịCách thức và cơ chế nấuƯu điểmNhược điểm
Nồi áp suấtCho thực phẩm vào nồi, đóng chặt nắp, cung cấp nhiệt lượng cho nồi.
Thực phẩm được nấu chín nhờ áp suất cao trong nồi.
Hầm nhanh (từ 10 – 35 phút)
Món ăn có vị hầm đặc trưng
Cần theo dõi liên tục trong quá trình nấu để điều chỉnh áp suất
Phải xả áp và cài đặt lại thời gian, nhiệt độ nếu muốn cho thêm thực phẩm khi đang nấu
Nồi ủCho thực phẩm vào lõi nồi và đun sôi trên bếp, sau đó cho lõi nồi vào trong nồi ủ và đậy kín nắp.
Thực phẩm được làm chín nhờ cơ chế giữ nhiệt của nồi ủ
Tiết kiệm năng lượng
Không cần trông coi khi ủ thực phẩm
Giữ nhiệt tốt, món ăn nhừ
Thời gian ủ thực phẩm lâu
Nồi nấu chậmCho thực phẩm vào nồi và cài đặt nhiệt độ nấu.
Thực phẩm được nấu chín bằng sức nóng trong thời gian dài
Món ăn đậm đà, thơm ngon
Dễ sử dụng, không cần theo dõi nhiều
Thời gian nấu lâu, từ 4 – 10 giờ tùy theo món ăn
Nồi cơm điện có chức năng hầmCho thực phẩm vào nồi, chọn chế độ “Hầm” và cài đặt thời gian

Dễ sử dụng, không cần trông chừng nhiều trong thời gian nấu

Món ăn thường không mềm như nấu bằng nồi áp suất, nồi ủ hoặc nồi nấu chậm
Không kiểm soát được nhiệt độ chính xác như các nồi chuyên dụng
Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!