Cách sử dụng nồi áp suất điện và các lưu ý an toàn

Cập nhật lần cuối:

Nồi áp suất điện là thiết bị nhà bếp sử dụng áp suất cao để nấu chín thức ăn một cách nhanh chóng, giúp giảm thời gian đứng bếp và tiết kiệm năng lượng.

Sử dụng nồi áp suất điện đúng cách bao gồm 6 bước là: Chuẩn bị và kiểm tra nồi trước khi nấu, cho thức ăn vào nồi, đặt ruột nồi vào trong vỏ nồi và đậy nắp, chọn chế độ nấu phù hợp, hoàn thành nấu và mở nồi, vệ sinh và bảo quản nồi áp suất điện.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng nồi áp suất điện, cần lưu ý một số điều sau: Mua nồi áp suất điện chất lượng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nồi, luôn kiểm tra nồi trước khi nấu, cắm nồi vào nguồn điện ổn định, lắp van áp suất đúng vị trí, xả áp trước khi mở nắp nồi, vệ sinh nồi ngay sau mỗi lần sử dụng và bảo quản nồi ở nơi khô thoáng.

Khi sử dụng nồi, bạn có khả năng gặp một số lỗi thông thường như: Nồi áp suất điện bị kẹt, van áp suất bị xì hơi và nồi áp suất điện không tự ngắt. Chi tiết các lỗi, nguyên nhân và cách xử lý được hướng dẫn ở phần sau của bài viết này.

Phần cuối của bài viết hướng dẫn nhanh cách nấu một số món ăn bằng nồi áp suất điện như cháo, bò kho, gà luộc, cá kho, cơm gạo lứt,…

Hướng dẫn dùng nồi áp suất điện đúng cách

6 bước để sử dụng nồi áp suất điện đúng cách là:

  1. Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra nồi trước khi nấu
  2. Bước 2: Cho thức ăn vào nồi áp suất điện
  3. Bước 3: Đặt ruột nồi vào trong vỏ nồi và đậy nắp
  4. Bước 4: Chọn chế độ nấu
  5. Bước 5: Hoàn thành nấu và mở nồi
  6. Bước 6: Vệ sinh và bảo quản nồi áp suất điện

Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra nồi trước khi nấu

Trước khi sử dụng, cần kiểm tra tình trạng của nồi áp suất điện để đảm bảo nồi không có dấu hiệu hỏng hóc, thủng, móp méo,…

Kiểm tra để xác nhận rằng tất cả các linh kiện của nồi như nắp, gioăng cao su, van xả khí, van an toàn đều đầy đủ và trong tình trạng tốt. Sau đó, lắp gioăng cao su vào nắp nồi. Cách lắp gioăng nồi áp suất điện đúng là ấn chặt gioăng vào đường rãnh quanh nắp nồi, đảm bảo gioăng đã khít để giúp nồi hoạt động hiệu quả và an toàn.

Lắp gioăng cao su vào nắp nồi áp suất điện
Cách lắp gioăng cao su bằng nồi áp suất điện

Cuối cùng, chuẩn bị nguồn điện áp ổn định, đủ dùng cho nồi áp suất điện (thông thường là 220V). Không cắm nồi áp suất điện chung đường dây với các thiết bị hao tốn điện năng khác như bếp điện, lò nướng, ấm đun nước siêu tốc,…

Bước 2: Cho thức ăn vào nồi áp suất điện

Một số lưu ý quan trọng khi cho thức ăn vào nồi áp suất điện là:

  • Cho thực phẩm tối đa ⅔ dung tích nồi với những món ăn thông thường và ½ dung tích nồi với những món ăn tạo nhiều bọt.
  • Sắp xếp thực phẩm dàn đều trong lòng nồi, không chồng chất quá cao và có khe thoáng để thực phẩm chín đều.
  • Không cho quá ít thực phẩm hoặc quá ít nước để tránh bị cạn, làm thức ăn cháy khét và gây cháy nổ.

Bước 3: Đặt ruột nồi vào trong vỏ nồi và đậy nắp

Lau sạch nước và thức ăn bị dây ra phía ngoài và trên viền của ruột nồi trước khi đặt ruột nồi vào trong vỏ nồi.

Tiếp đó, cần lắp van nồi và đậy chặt nắp nồi để nồi hoạt động an toàn và hiệu quả. Cách lắp van nồi áp suất điện đúng là: Đặt van vào vị trí tương ứng trên nắp nồi, đảm bảo van đã được lắp đúng khớp và khít. Cách đậy nắp nồi áp suất điện đúng là: Đặt nắp nồi lên trên thân nồi và xoay nắp theo mũi tên hướng dẫn trên nắp nồi, khi nghe thấy tiếng “tạch” nhẹ nghĩa là nắp nồi đã được khóa. Một số mẫu nồi có thêm bộ phận khóa nắp nồi.

Khóa nồi áp suất điện theo hướng mũi tên
Cách khoá nồi áp suất điện

Bước 4: Chọn chế độ nấu

Điều chỉnh áp suất và thời gian thủ công hoặc chọn chế độ lập trình sẵn tương ứng với món ăn bạn muốn nấu, rồi ấn nút “Start/ Bắt đầu”.

Các chế độ nấu được cài đặt sẵn của nồi áp suất điện được liệt kê dưới đây (chế độ nấu khác nhau giữa các thương hiệu và model nồi áp suất điện):

  • Nấu cơm
  • Cơm ngũ cốc
  • Cháo ngũ cốc
  • Cháo trẻ em
  • Làm bánh
  • Hải sản
  • Thịt gà và thịt heo
  • Thịt bò và thịt cừu
  • Ninh gân
  • Nấu canh
  • Giữ ấm
  • Hâm nóng
  • Hấp
  • Nấu áp suất
  • Sữa chua
  • Xào

Trong quá trình nấu, nồi áp suất điện sẽ phát ra tiếng xì hơi nhẹ và có hơi nước thoát ra từ van áp suất. Hiện tượng trên là bình thường và cho thấy nồi đang hoạt động tốt. Nồi phát ra tiếng động khác lạ, có hiện tượng rò rỉ nhiều nước từ van hoặc vòng đệm là hiện tượng bất thường, cần được kiểm tra và khắc phục ngay để đảm bảo an toàn.

Bước 5: Hoàn thành nấu và mở nồi

Nồi áp suất điện sẽ phát ra âm thanh hoặc đèn báo khi quá trình nấu đã hoàn thành. Khi mở nồi áp suất và lấy thực phẩm ra, bạn cần lưu ý cách mở nồi áp suất đúng để tránh bị bỏng. Quy trình mở nồi áp suất điện bao gồm 2 bước là xả van (xả áp)mở khóa nắp nồi theo mũi tên hướng dẫn.

Có 2 cách xả van nồi áp suất điện, đó là xả áp tự nhiên và xả áp nhanh bằng van. Cụ thể như sau:

  • Xả áp tự nhiên là để nồi nghỉ và giảm dần áp suất một cách tự nhiên. Nên dùng cách xả áp tự nhiên cho các món hầm nhừ hoặc bị trào bọt. Thời gian xả áp theo cách này là 10 – 30 phút tùy theo loại nồi và lượng thức ăn có trong nồi.
  • Xả áp nhanh bằng van là mở van áp suất để giảm áp suất trong nồi ngay lập tức. Nên dùng cách xả áp nhanh cho các món nhanh chín và món rau củ. Cách thao tác xả áp bằng van là kéo chốt van xả áp hoặc ấn nút xả áp (tùy từng loại nồi). Thời gian xả áp theo cách trên là 2 – 3 phút.
Xả áp thủ công bằng van
Cách xả áp nồi áp suất điện thủ công

Bước 6: Vệ sinh và bảo quản nồi áp suất điện

Các bước vệ sinh nồi áp suất điện bao gồm:

  1. Ngắt nguồn điện và để cho nồi nguội hoàn toàn.
  2. Lấy ruột nồi ra khỏi vỏ nồi, tháo rời nắp, gioăng cao su và van xả áp (tùy từng loại nồi, khuyến nghị xem hướng dẫn của nhà sản xuất).
  3. Rửa ruột nồi, nắp nồi, gioăng cao su, van xả áp với nước rửa chén và nước sạch. Không dùng xơ sắt cọ ruột nồi để tránh làm hỏng lớp chống dính.
  4. Lau sạch vỏ nồi với khăn ẩm. Tuyệt đối không rửa vỏ nồi bằng nước để tránh làm hỏng motor điện.
  5. Lau khô toàn bộ nồi bằng khăn mềm và để ráo hoàn toàn, sau đó lắp ráp lại các bộ phận của nồi.

Lưu ý, không rửa nồi áp suất điện bằng máy rửa chén, bởi thức ăn thừa hay chất tẩy rửa trong máy rửa chén sẽ làm hỏng van an toàn.

Sau khi vệ sinh sạch sẽ và lắp lại các bộ phận của nồi áp suất, bạn bảo quản nồi ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để gần các thiết bị tỏa nhiệt cao khi hoạt động như lò nướng, lò vi sóng, bếp từ,… Nên dùng vải mềm hoặc hộp đựng để bảo quản nồi nếu không sử dụng nồi trong thời gian dài.

Lưu ý để sử dụng nồi áp suất điện an toàn

Cần lưu ý những điểm dưới đây để sử dụng nồi áp suất điện an toàn:

  • Chọn mua nồi áp suất điện chất lượng từ những thương hiệu uy tín.
  • Đọc kỹ và làm theo hướng dẫn sử dụng nồi của nhà sản xuất.
  • Luôn kiểm tra nồi trước khi sử dụng, đảm bảo nồi và các linh kiện sạch sẽ, không bị hỏng hóc, móp méo, cong vênh,…
  • Chỉ nên đổ đầy ⅔ dung tích nồi với những món ăn thông thường và ½ dung tích nồi với những món ăn sủi nhiều bọt.
  • Dùng nguồn điện ổn định, không dùng chung nguồn điện với các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng.
  • Không đun ruột nồi áp suất điện trên bếp ga, bếp điện, bếp củi,… để tránh làm biến dạng ruột nồi.
  • Chắc chắn rằng đã lắp gioăng đúng khớp, van xả áp không bị tắc nghẽn và khóa chặt nắp nồi trước khi nấu để đảm bảo an toàn.
  • Phải xả áp trước khi mở nắp nồi, tuyệt đối không mở nắp nồi đột ngột để tránh bị bỏng.
  • Vệ sinh nồi sau mỗi lần sử dụng để kéo dài tuổi thọ của nồi.
  • Bảo quản nồi ở nơi khô ráo, thoáng mát và không tiếp xúc với nhiệt độ cao.
  • Không sử dụng nồi ở nơi có nhiều vật liệu dễ cháy.
  • Không sử dụng nồi khi không có người trông nom.

Các lỗi thường gặp ở nồi áp suất điện và cách xử lý

Có 3 lỗi thường gặp ở nồi áp suất điện, đó là:

  1. Nồi áp suất điện bị kẹt
  2. Van nồi áp suất bị xì hơi
  3. Nồi áp suất điện không tự ngắt

Dưới đây là bảng mô tả chi tiết về đặc điểm, nguyên nhân, tác hại và cách xử lý 3 lỗi kể trên:

Tên lỗiNồi áp suất bị kẹtVan nồi áp suất bị xì hơiNồi áp suất điện không tự ngắt
Mô tả lỗiKhông thể đóng chặt nắp nồi Không thể mở nồi ra sau khi nấuVan áp suất của nồi xì hơi mạnh khi nồi hoạt độngNồi không tự ngắt khi bị quá nhiệt hoặc kết thúc quá trình nấu
Tác hại của lỗiNồi không hoạt động
Nồi không tạo áp suất đúng cách
Nồi nấu không hiệu quả
Gây nguy hiểm cho người dùng trong khi nấu và mở nồi để lấy món ăn thành phẩm
Làm mất áp suất trong nồi, gây ảnh hưởng đến hiệu quả nấu
Gây nguy hiểm cho người dùng do có khả năng nổ nồi
Thực phẩm trong nồi bị cháy
Gây mất an toàn cho người dùng do nổ nồi
Nguyên nhân gây lỗiGioăng cao su bị kênh
Chưa xả áp sau khi nồi đã nấu xong
Van xả áp bị kẹt
Lắp van áp suất không đúng vị trí
Van áp suất bị lỗi do nhà sản xuất
Van áp suất bị bẩn
Bộ phận cảm biến nhiệt của nồi bị hỏng
Các lỗi kỹ thuật khác do nhà sản xuất
Cách xử lýKiểm tra gioăng cao su trước khi nấu
Vệ sinh gioăng cao su sau mỗi lần dùng
Lắp gioăng cao su vào đúng vị trí trên nắp nồi
Xả áp trước khi mở nồi ra để lấy thức ăn
Vệ sinh van xả áp thường xuyên để van hoạt động hiệu quả
Lắp van áp suất đúng vị trí theo hướng dẫn của nhà sản xuất
Đem nồi đến trung tâm bảo hành để kiểm tra và thay mới
Làm sạch van áp suất thường xuyên
Đem nồi đến trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng sửa chữa uy tín để sửa nồi

Nồi áp suất điện nấu được những món gì?

Nồi áp suất điện nấu được nhiều món như: Cháo, cơm, bò kho, gà luộc, cá kho, món hầm, món canh,… Tham khảo bài viết các món ăn nấu bằng nồi áp suất điện trên Blog Tranthuyduyen để làm phong phú thêm thực đơn của gia đình bạn.

Cách nấu cháo bằng nồi áp suất điện

Cách nấu cháo đơn giản với nồi áp suất điện như sau: Cho gạo và nước vào nồi theo tỉ lệ 1:8. Đóng chặt nắp nồi, chọn chế độ “Cháo/Porridge” và “Áp suất cao/ High Pressure” trong thời gian 20 phút. Để nồi xả áp tự nhiên sau khi nồi hoàn tất quá trình nấu.

Cách làm bò kho bằng nồi áp suất điện

Để nấu bò kho bằng nồi áp suất điện, bạn làm như sau: Cho thịt bò, cà rốt, khoai tây và các gia vị theo ý thích vào nồi. Đổ nước tùy theo độ đặc của món bò kho bạn mong muốn. Đóng chặt nắp nồi, chọn chế độ “Nấu áp suất/ Pressure Cook” trong thời gian 15 – 25 phút.

Bò kho nấu bằng nồi áp suất điện
Món bò kho bằng nồi áp suất điện

Bò kho là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, gồm thịt bò hầm với các gia vị như sả, tỏi, hành, gừng, quế, hồi và ngũ vị hương. Bò kho có hương vị đậm đà, thịt bò mềm, thường được ăn kèm với bánh mì, bún hoặc cơm.

Cách luộc gà bằng nồi áp suất điện

Để luộc gà bằng nồi áp suất điện, cho gà vào nồi và đổ nước ngập con gà. Đóng chặt nồi, chọn chế độ “Manual/ Thủ công” và cài đặt thời gian 3 phút. Ủ gà trong nồi thêm 15 – 20 phút nữa rồi vớt gà ra.

Cách làm món tỏi đen bằng nồi áp suất điện

Cách làm tỏi đen bằng nồi áp suất điện như sau: Ngâm 1 kg tỏi đã bóc vỏ ngoài với 1 lon bia trong 30 phút, cứ 5 phút lại đảo tỏi lên 1 lần cho tỏi ngấm bia. Bọc tỏi đã ngâm bia trong 1 lớp giấy bạc và cho bọc tỏi này vào nồi. Bật chế độ “Keep Warm/ Giữ ấm” liên tục trong 14 ngày. Để nồi áp suất điện ở nơi khô thoáng để tránh chập cháy, không mở nồi ra kiểm tra trong suốt quá trình ủ tỏi.

Tỏi đen là món ăn làm từ tỏi tươi lên men ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm kiểm soát, thành phẩm có màu đen, vị ngọt, mềm, giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa.

Cách nấu cơm với nồi áp suất điện

Để nấu cơm bằng nồi áp suất điện đơn, bạn cho gạo và nước vào nồi (giảm 50 – 60 ml nước so với cơm nấu bằng nồi cơm điện). Đóng chặt nắp nồi, chọn chế độ “Nấu áp suất/ Pressure Cook” và “Áp suất cao/ High Pressure” trong 4 phút.

Cách nấu gạo lứt bằng nồi áp suất điện

Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi áp suất điện là: Vo sạch gao lứt, không cần ngâm. Đổ gạo lứt và nước vào nồi áp suất (giảm 50 ml nước so với khi nấu gạo lứt bằng nồi cơm điện thông thường). Đóng chặt nắp nồi, chọn chế độ “Nấu áp suất/ Pressure Cook” và “Áp suất cao/ High Pressure” trong 20 phút. Chọn chế độ “Gạo lứt”  và áp suất cao trong 20 phút nếu nồi áp suất của bạn có chế độ nấu riêng cho gạo lứt.

Cách kho cá trong nồi áp suất điện

Cách kho cá thơm ngon trong nồi áp suất điện như sau: Làm sạch cá và tẩm ướp gia vị tùy thích. Cho cá và nước lọc vào nồi, với 1 kg cá thì nên cho 1 lít nước. Đóng chặt nắp nồi, chọn chế độ “Nấu áp suất/ Pressure Cook” và mức nhiệt Cao/ High trong 10 phút.

Kho cá bằng nồi áp suất điện
Kho cá bằng nồi áp suất điện

Cách luộc bánh chưng bằng nồi áp suất điện

Để luộc bánh chưng bằng nồi áp suất điện, đặt xửng hấp vào nồi và xếp bánh chưng lên xửng theo chiều dọc. Đổ 600 – 800 ml nước vào nồi sau đó đóng chặt nắp nồi. Chọn chế độ “Steam/ Hấp” và “High Pressure/ Áp suất cao” trong 35 phút. Kế tiếp, xả hết hơi khỏi nồi, lật mặt bánh chưng và đổ thêm nước vào nồi. Tiếp tục hấp bánh ở chế độ như trên trong 35 phút nữa. Cuối cùng, xả hết hơi khỏi nồi, lấy bánh chưng ra và đem bánh rửa lại với nước lạnh.

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!