Tổng hợp cách làm 16 món bò hầm bồi bổ cơ thể

Cập nhật lần cuối:

Bò hầm là món ăn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, thịt bò hầm còn giúp xây dựng cơ bắp, nang tóc, da, enzym, hóc-môn, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và hệ tim mạch. Bò hầm phù hợp với người cần bổ sung dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và cho con bú, người tập thể thao, người bị thiếu máu,…

Thịt bò thường được hầm với các nguyên liệu như khoai tây, cà rốt, hành tây, nấm, đậu, thuốc bắc, tiêu xanh, dưa chua, bí đỏ, sả, đu đủ,… Bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm chi tiết của 16 món bò hầm bổ dưỡng cho cơ thể, đó là:

  1. Bò sốt vang
  2. Bò kho
  3. Cà ri bò
  4. Xáo bò
  5. Thịt bò hầm rau củ
  6. Bò hầm nấm
  7. Đuôi bò hầm sả
  8. Đuôi bò hầm thuốc bắc
  9. Bò hầm kiểu Đức
  10. Bê nấu nị
  11. Sườn bò hầm sả và đu đủ
  12. Gân bò hầm dưa chua
  13. Bò hầm tiêu xanh
  14. Bò hầm đậu Hà Lan
  15. Pín bò hầm thuốc bắc
  16. Thịt bò hầm bí đỏ

Các kinh nghiệm để nấu các món bò hầm ngon như cách hầm bò nhừ, cách khử mùi hôi thịt bò, phần thịt bò cần chọn và các nguyên liệu nên kết hợp với thịt bò sẽ được chia sẻ ở phần sau của bài viết.

1. Bò sốt vang

Bò sốt vang là món ăn có xuất xứ từ phương Tây, gồm có các nguyên liệu chính là thịt bò, rượu vang, khoai tây và cà rốt nấu nhừ. Bò sốt vang cung cấp nguồn đạm và sắt dồi dào, tốt cho người tập thể thao, người cần tăng cơ và người thiếu máu. Bò sốt vang phù hợp để ăn khi thời tiết mát mẻ và thường được ăn kèm với bánh mì, cơm, phở.

Món bò hầm sốt vang
Công thức nấu bò sốt vang

2. Bò kho

Bò kho là một món ăn ngon từ thịt bò, bao gồm thịt bò hầm mềm với các gia vị như sả, tỏi, hành, gừng, hồi, quế và ngũ vị hương. Bò kho có hương vị đậm đà, thường ăn kèm với cơm, bún và bánh mì.

Bò kho
Cách nấu bò kho

3. Cà ri bò

Cà ri bò là món ăn có nguồn gốc từ Ấn Độ, gồm có thịt bò hầm mềm với gia vị cà ri, nước cốt dừa và các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, hành tây. Cà ri bò có hương vị đậm đà, cay, nước sốt sệt và béo ngậy, thích hợp để ăn cùng với bánh mì, bún hoặc cơm nóng,…

4. Xáo bò

Xáo bò là một món ăn mang nét đặc trưng của ẩm thực Huế. Xáo bò có hương vị đậm đà, phù hợp để ăn kèm với bánh ướt, bánh hỏi, phở, bún và nhiều loại tinh bột khác. Có thể dùng thịt bắp bò thay thế cho thịt gân bò.

Món xáo bò
Cách làm món xáo bò

5. Thịt bò hầm rau củ

Thịt bò hầm rau củ là món ăn có nhiều chất dinh dưỡng nhờ sự kết hợp của đạm thịt bò và đường bột, xơ, vitamin, khoáng chất từ các loại rau củ (cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây). Thịt bò hầm rau củ phù hợp với nhiều đối tượng, từ trẻ em, người trưởng thành đến người lớn tuổi.

Bò hầm rau củ
Bò hầm rau củ

6. Bò hầm nấm

Bò hầm nấm được chế biến bằng cách hầm thịt bò cùng với nấm đông cô và một số gia vị khác, tạo nên một món ăn có hương vị thơm ngon, đậm đà, thơm ngon, thịt bò mềm và nấm ngọt. Món bò hầm nấm thường được ăn kèm với bánh mì do có phần nước sốt sánh nhẹ. Ngoài ra, bạn có thể ăn bò hầm nấm với cơm nóng.

Bò hầm nấm
Cách làm bò hầm nấm

7. Đuôi bò hầm sả

Đuôi bò được coi là một “siêu thực phẩm” nhờ hàm lượng collagen cao (Theo Báo Sức khỏe đời sống). Trong đuôi bò còn có nhiều protein, sắt, vitamin B và kẽm. Theo Y học cổ truyền, đuôi bò có vị ngọt, tính ấm, tốt cho người bị gân xương yếu, da sần khô nám, râu tóc bạc sớm và yếu sinh lý. Xong, bạn chỉ nên ăn món đuôi bò hầm với lượng vừa phải do đuôi bò chứa nhiều cholesterol, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

8. Đuôi bò hầm thuốc bắc

Đuôi bò hầm thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng, kết hợp đuôi bò với các loại thảo dược Đông y như kỷ tử, táo đỏ, đẳng sâm, hoài sơn… giúp bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe xương khớp. Đuôi bò hầm thuốc bắc thích hợp cho người cần bồi bổ sức khỏe, phục hồi thể lực sau ốm.

Bạn không cần tẩm ướp trước đuôi bò với bất kể gia vị nào khi nấu đuôi bò hầm thuốc bắc. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng dầu ăn, đường và các gia vị đậm để món đuôi bò hầm có vị ngọt thanh tự nhiên, tốt cho sức khỏe.

Đuôi bò hầm thuốc bắc
Cách làm đuôi bò hầm thuốc bắc

9. Bò hầm kiểu Đức

Bò cuộn hầm kiểu Đức (Rouladen) là một món ăn truyền thống của Đức, gồm các lát thịt bò mỏng cuộn với nhân gồm thịt xông khói (hoặc giăm bông), dưa chuột muối, hành tây và mù tạt. Sau đó, cuộn bò được cố định bằng tăm hoặc dây bếp, rồi đem áp chảo cho vàng và hầm chậm trong nước sốt từ rượu vang đỏ hoặc nước dùng thịt.

Bò cuộn kiểu Đức thường được ăn kèm với khoai tây nghiền, bắp cải muối (sauerkraut) hoặc bánh khoai tây (Spätzle), tạo nên hương vị đậm đà, mềm ngon.

10. Bê nấu nị

Bê nấu nị là một món ăn dạng cà ri, có mùi vị nồng hơn và cay hơn cà ri thông thường. Bạn nên chọn thịt bê có bì cho món bê nấu nị và chiên rau củ trước để khi nấu để rau củ không bị nát và tạo độ ngậy cho món ăn. Bê nấu nị thường được ăn kèm với bánh mì do có phần nước sốt sệt đậm đà.

Món bê nấu nị
Cách làm bê nấu nị

11. Sườn bò hầm sả và đu đủ

Sườn bò hầm sả và đu đủ là một món canh ít dầu mỡ và có hương vị ngọt thanh, phù hợp để ăn với bún và cơm. Khi nấu món sườn bò hầm sả và đu đủ, bạn nên chọn đu đủ hơi chín vàng để tạo độ ngọt cho nước dùng, tránh chọn đu đủ quá xanh hoặc quá chín.

12. Gân bò hầm dưa chua

Gân bò hầm dưa chua là một món ăn ngon, với sự kết hợp của gân bò dai giòn nhẹ và dưa muối chua thanh. Gân bò hầm dưa chua thích hợp để làm món canh trong bữa cơm gia đình.

Món gân bò hầm dưa chua
Gân bò hầm dưa chua

13. Bò hầm tiêu xanh

Bò hầm tiêu xanh được chế biến bằng cách hầm mềm thịt bò với tiêu xanh, tạo ra món ăn có hương vị đậm đà, cay nồng và thơm đặc trưng từ tiêu xanh. Món bò hầm tiêu xanh thích hợp để ăn với bánh mì nhờ có phần nước sốt sánh mịn. Khi nấu bò hầm tiêu xanh, bạn nên chọn phần bắp bò để thịt mềm, không bị khô và xen lẫn gân trong dai nhẹ.

Bò hầm tiêu xanh
Bò hầm tiêu xanh

14. Bò hầm đậu Hà Lan

Bò hầm đậu Hà Lan là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, gồm thịt bò ninh mềm cùng đậu Hà Lan trong nước sốt đậm đà, có thể ăn kèm với cơm và bánh mì. Món bò hầm đậu Hà Lan là một gợi ý tuyệt vời cho thực đơn ngày đông của bạn.

Theo Vinmec, đậu Hà Lan là nguồn cung cấp tuyệt vời chất xơ, protein, vitamin A, C, E, K, selen, kẽm và một số chất dinh dưỡng thực vật khác. Đậu Hà Lan giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, giảm mỡ máu và bệnh tim mạch, giúp chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da. Nhờ những lợi ích trên, đậu Hà Lan được khuyến nghị đưa vào chế độ ăn mùa Đông.

15. Pín bò hầm thuốc bắc

Pín bò hầm thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng, thường được chế biến bằng cách hầm pín bò (bộ phận sinh dục của bò đực) với các loại thảo dược như đẳng sâm, kỳ tử, táo tàu, đương quy, hoài sơn và gừng. Món pín bò hầm thuốc bắc có vị ngọt thanh, thơm mùi thuốc bắc, giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực và cải thiện tuần hoàn máu.

Pín bò sau khi sơ chế kỹ sẽ được hầm chậm trong nhiều giờ để đạt độ mềm, hòa quyện cùng vị thuốc bắc, tạo nên món ăn giàu dinh dưỡng. Món pín bò hầm thuốc bắc tốt cho nam giới, giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, trị yếu sinh lý, liệt dương,…

16. Thịt bò hầm bí đỏ

Món thịt bò hầm bí đỏ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Thịt bò hầm bí đỏ thường ăn kèm với cơm nóng, bún và bánh mì. Khi nấu thịt bò hầm bí đỏ, bạn hạn chế cho đường và bột ngọt do thịt bò và bí đỏ đã có vị ngọt thanh tự nhiên.

Món bò hầm bí đỏ
Bò hầm bí đỏ

Làm thế nào để hầm bò nhừ?

Để hầm bò nhừ, cách tốt nhất và tiết kiệm thời gian là sử dụng nồi áp suất. Sử dụng nồi hầm chân không (hay nồi ủ chân không) là một cách để hầm bò nhừ trong thời gian dài mà không cần sử dụng nhiều điện hay gas. Ngoài ra, áp dụng một số bí quyết sau sẽ giúp thịt bò hầm nhanh mềm nhừ:

  • Cho rượu trắng hoặc giấm vào nồi thịt bò trong quá trình nấu. Cứ 1 kg thịt bò thì cho 2 – 3 thìa canh (muỗng canh) rượu trắng hoặc 1 thìa canh giấm.
  • Cho vào nồi thịt bò 1 cục đá lạnh khi hầm gân, thịt bắp đùi hoặc xương sườn để thịt bò nhanh mềm.
  • Chọn phần thịt bắp, gân hoặc nạm của con bò tơ để nấu. Cần chọn miếng thịt đỏ tươi, thớ nhỏ, có độ đàn hồi tốt và không bị hôi.
  • Trường hợp không mua được bò tơ, phết lên thịt bò 1 lớp mỏng mù tạt và để trong 6 – 8 giờ. Rửa sạch lại thịt bò với nước trước khi chế biến.

Hầm bò trong bao lâu?

Thời gian hầm bò tùy thuộc vào kích thước miếng thịt, loại thịt và loại nồi mà bạn sử dụng. Dưới đây là thời gian hầm bò trung bình đối với từng loại thiết bị nhà bếp:

  • Nồi áp suất: 20 – 60 phút (⅓ – 1 giờ)
  • Nồi ủ chân không: 120 – 150 phút (2 – 2,5 giờ)
  • Nồi nấu chậm: 150 phút (2,5 giờ)
  • Nồi cơm điện có tính năng hầm: 120 – 180 phút (2 – 3 giờ)

Thịt bò hầm gì ngon?

Thịt bò hầm với những nguyên liệu dưới đây sẽ cho ra các món ăn ngon:

  • Khoai tây, cà rốt có vị ngọt tự nhiên, giúp nước sốt của món hầm sánh mịn
  • Tiêu xanh có hương vị cay nồng đặc trưng, làm tăng hương vị của món bò hầm
  • Nấm có vị ngọt thanh và hương thơm tự nhiên, giúp món bò hầm thơm ngon
  • Sả có mùi thơm và hương vị đặc trưng, giúp khử mùi hôi của bò và làm nước dùng đậm vị
  • Dưa chua có độ chua nhẹ, làm mềm thịt bò và cân bằng vị béo
  • Rượu vang giúp thịt bò mềm và có hương vị phong phú, đậm đà
  • Cà chua có độ chua nhẹ, giúp làm mềm thịt bò và làm món hầm có màu sắc đẹp mắt
  • Đậu Hà Lan có nhiều dưỡng chất tốt, khi hầm với thịt bò tạo ra món ăn bổ dưỡng, phù hợp để ăn vào mùa lạnh.

Nên chọn phần thịt bò nào để hầm?

Nên chọn phần thịt bò bắp, nạm gân, sườn, đuôi hoặc đùi để hầm. Các phần thịt bò trên chứa nhiều mô liên kết, gân, và mỡ. Các mô liên kết và gân sẽ dần tan chảy khi được hầm nhừ, làm cho thịt trở nên mềm và nước dùng bò trở nên ngọt và thơm.

Một số phần thịt bò nên dùng để hầm
Các phần thịt bò dùng để hầm

Làm thế nào để khử bớt mùi gây của thịt bò?

Để khử bớt mùi gây của thịt bò, bạn ngâm rửa thịt bò bằng gừng, rượu, chanh, giấm hoặc muối trắng; chần sơ thịt bò trong nước sôi hoặc tẩm ướp thịt bò với hành và tỏi.

Bò hầm ăn với gì ngon?

Bò hầm ngon khi ăn với cơm nóng, bún, phở, bánh mì, bánh hỏi, bánh ướt, bánh cuốn,…

Bò hầm có tác dụng gì?

Bò hầm là một trong các món hầm được nhiều người yêu thích. Bò hầm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người như:

  • Cung cấp nhiều chất đạm, giúp xây dựng cơ bắp, tế bào da, nang tóc, enzym và hóc-môn và tái tạo các mô bị tổn thương.
  • Cung cấp hàm lượng lớn sắt, kẽm, selen, vitamin B có trong thịt bò, giúp giảm viêm sưng, giúp cơ tim hoạt động tốt.
  • Hỗ trợ sức khỏe hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng thiết yếu nhờ các vitamin, khoáng chất có trong rau củ hầm. Chẳng hạn, vitamin A có trong cà rốt, vitamin C có trong khoai tây, vitamin B1 – B6 có trong nhiều loại rau củ,…
  • Cải thiện sức khỏe đường ruột nhờ chất xơ từ rau củ.

Ai nên ăn bò hầm?

Những người nên ăn bò hầm là người cần bổ sung dinh dưỡng (người ốm, người bị suy nhược cơ thể), phụ nữ mang thai và cho con bú, người tập thể thao, người bị thiếu máu,… do trong thịt bò có nhiều protein, sắt và vitamin B12,…

Chia sẻ bài viết này:
Photo of author
Viết bởi Trần Thùy Duyên

Trần Thuỳ Duyên là Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện IIN (IIN Health Coach) từ năm 2022, chuyên về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm nấu ăn và am hiểu sâu sắc về thiết bị nhà bếp, cô mang đến những đánh giá chân thực và gợi ý hữu ích về các thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, máy ép chậm, máy làm sữa hạt và nồi áp suất. Là người sáng lập Blog Tranthuyduyen, Duyên chia sẻ công thức nấu ăn lành mạnh và trải nghiệm sử dụng các thiết bị bếp nhằm giúp người dùng đơn giản hóa bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày.

error: Content is protected !!